Chuyển đổi số quản trị nhân sự – Hội thảo ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn

Mô hình McKinsey 7S
Mô hình McKinsey 7S
16 May, 2023
mô hình kinh doanh canvas
Mô hình kinh doanh Canvas là gì?
19 May, 2023
Show all
Chuyển đổi số quản trị nhân sự

Chuyển đổi số quản trị nhân sự

5/5 - (1 vote)

Last updated on 24 May, 2024

Chuyển đổi số đang đặt ra những vấn đề về chính sách và quản lý như: xã hội số, quản lý xã hội, quản lý phát triển xã hội số, chính phủ số, quản trị truyền thông, đào tạo và chính sách đào tạo nguồn nhân lực, phát triển con người trong bối cảnh chuyển đổi số. Chuyển đổi số quản trị nhân sự là một trong những quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. 

Hội thảo Chuyển đổi số Quản trị nhân sự: Những vấn đề cấp thiết về chính sách và quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số

Ngày 19/5/2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Những vấn đề cấp thiết về chính sách và quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số”. Hội thảo do Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN chủ trì. Hội thảo tập trung vào các vấn đề cấp thiết về chính sách và quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt là chủ đề chuyển đổi số trong quản trị nhân sự tại doanh nghiệp.

Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS.TS Đào Thanh Trường – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng – Trưởng khoa Khoa học Quản lý, PGS.TS Nguyễn Văn Chiều – Phó Trưởng khoa Khoa học Quản lý, TS. Nguyễn Thị Kim Chi – Phó Trưởng khoa Khoa học Quản lý, TS. Trịnh Văn Định – Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học.

Về phía khách mời quốc tế có sự tham dự của Tiến sĩ Detlef Werner Briesen – Đại học Justus Liebig – CH Liên bang Đức; Tiến sĩ Christa Stienen – Phó Chủ tịch Tổ chức tư vấn kinh tế (Denkfabrik Union der Wirtschaft).

Hội thảo thu hút sự có mặt của hơn 40 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý tại Việt Nam.

PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đánh giá cao giá trị khoa học và thực tiễn của các tham luận trình bày tại Hội thảo

PGS.TS Đào Thanh Trường – Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đánh giá cao giá trị khoa học và thực tiễn của các tham luận trình bày tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, có PGS.TS Đào Thanh Trường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đánh giá cao giá trị khoa học và thực tiễn mà các nhà khoa học, các chuyên gia đã gửi tới Hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng khoa Khoa học Quản lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng – Trưởng khoa Khoa học Quản lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

Hội thảo “Những vấn đề cấp thiết về chính sách và quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số” là nơi các nhà nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế chia sẻ những thành quả nghiên cứu mới nhất về chính sách và quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số, chỉ ra những vấn đề chung đang tồn tại hoặc sẽ xuất hiện trong tương lai, đặt ra yêu cầu phải đưa ra những phân tích, dự báo và xây dựng khung chính sách, quản lý các vấn đề đó như thế nào. Hội thảo cũng sẽ là cơ hội để tạo dựng mạng lưới nghiên cứu, cơ hội hợp tác nghiên cứu.

Tiến sĩ Christa Stienen - Phó Chủ tịch Tổ chức tư vấn kinh tế (Denkfabrik Union der Wirtschaft) chia sẻ

Tiến sĩ Christa Stienen – Phó Chủ tịch Tổ chức tư vấn kinh tế (Denkfabrik Union der Wirtschaft) chia sẻ

Trong 06 tháng triển khai, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 40 bài tham luận giá trị về chính sách và quản lý như: xã hội số, quản lý xã hội, quản lý phát triển xã hội số, chính phủ số, quản trị truyền thông, đào tạo và chính sách đào tạo nguồn nhân lực, phát triển con người trong bối cảnh chuyển đổi số. Với sự phản biện tâm huyết của các nhà khoa học, hội thảo là diễn đàn khoa học hữu ích, là tiền đề để các đề tài được chỉnh sửa hoàn thiện và công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Tiến sĩ Detlef Werner Briesen - Đại học Justus Liebig - CH Liên bang Đức; Tiến sĩ Christa Stienen - Phó Chủ tịch Tổ chức tư vấn kinh tế (Denkfabrik Union der Wirtschaft) chia sẻ

Tiến sĩ Detlef Werner Briesen – Đại học Justus Liebig – CH Liên bang Đức chia sẻ

8 vấn đề đương đại về quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như những vấn đề đương đại về quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số, các mô hình phát triển và kinh nghiệm chuyển đổi số, kịch bản chính sách thích ứng với chuyển đổi số, quản lý và phát triển con người hướng tới chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của Việt Nam.

See also  Khóa học Bán hàng thúc đẩy doanh số - tăng tỷ lệ chốt Sale thành công

Trong đó, các chuyên gia đã thảo luận và đưa ra các giải pháp hiệu quả cho 8 vấn đề cấp thiết trong chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay. Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng – Trưởng khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhấn mạnh 3 vấn đề đột phá đang được chính phủ quan tâm, đó là vấn đề về xây dựng thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng số, đổi mới trong quản trị nguồn nhân lực. Ngoài ra, câu chuyện về đột phá trong phát triển thị trường công nghệ; thách thức trong thay đổi tư duy, suy nghĩ của các nhà lãnh đạo về phát triển năng lực số cũng được các chuyên gia, nhà khoa học đặt ra tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng khoa Khoa học Quản lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đặt ra 8 vấn đề đương đại về quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số

PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng – Trưởng khoa Khoa học Quản lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đặt ra 8 vấn đề đương đại về quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số

Một trong tám vấn đề mà các nhà khoa học nhắc tới là việc sớm chuẩn bị các điều kiện cho chuyển đổi số để không “gây sốc” cho xã hội, ít ảnh hưởng nhất đến những người yếu thế. Theo đó, trong xã hội số, nhiều nghề nghiệp sẽ dần biến mất, thay thế bằng những công việc mới, làm thay đổi kết cấu nghề nghiệp của xã hội. Bên cạnh đó, các nhà làm chính sách cần lưu ý tới việc củng cố niềm tin của người dùng về an toàn an ninh mạng, an ninh số trong bối cảnh có nhiều vấn đề về an ninh phi truyền thống.

Trong lĩnh vực giáo dục, PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, các nhà trường cần thay đổi triết lý đào tạo, nhất là đào tạo chất lượng cao. Thay việc đào tạo bằng những nguồn lực đã có của các nhà trường bằng việc đào tạo những vấn đề mà xã hội yêu cầu, vai trò dẫn dắt của giáo dục trong việc phát triển năng lực số của nguồn nhân lực.

Chuyển đổi số quản trị nhân sự tại doanh nghiệp Việt Nam

Một trong những vấn đề được các nhà khoa học và người tham dự quan tâm là hoạt động chuyển đổi số quản trị nhân sự tại doanh nghiệp Việt Nam.

Diễn giả Nguyễn Thị Nam Phương – Phó Tổng Giám đốc – Tư vấn trưởng Công ty Tư vấn Quản lý OCD chia sẻ, quản trị nguồn nhân lực đã thay đổi ngoạn mục trong hơn 20 năm qua, từ một chức năng mang tính hành chính và hỗ trợ (HR1.0) đã trở thành một hoạt động mang tính chiến lược, cung cấp nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh một cách hiệu quả thông qua ứng dụng các nền tảng công nghệ số (HR4.0).

See also  Xu hướng ứng dụng công nghệ trong quản trị nguồn nhân lực

Dù vẫn thực hiện các hoạt động quản trị và phát triển con người trong tổ chức và doanh nghiệp, nhưng quản trị nguồn nhân lực ngày nay không chỉ hạn hẹp trong 11 lĩnh vực nghiệp vụ truyền thống như tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đánh giá hiệu quả, đãi ngộ, .v.v, mà đã sắm vai trò của một nhà cung cấp dịch vụ nội bộ, kết nối các hoạt động đa lĩnh vực bằng công nghệ số và tạo nên trải nghiệm nhân viên tuyệt hảo và hiệu quả sử dụng nhân lực tối ưu.

 

Chuyển đổi số quản trị nhân sự tại doanh nghiệp

Chuyển đổi số quản trị nhân sự tại doanh nghiệp – Nguyễn Thị Nam Phương – Phó Tổng Giám đốc – Tư vấn trưởng Công ty Tư vấn Quản lý OCD chia sẻ

Những thách thức cơ bản mà nhà quản lý nhân sự phải đối mặt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay được diễn giả Nguyễn Thị Nam Phương nhắc tới bao gồm mô thức vận hành kinh tế chia sẻ (sharing economy) và tự do (gig economy) tạo nên một lực lượng lao động tự do đòi hỏi phương thức quản trị công việc và đãi ngộ hoàn toàn khác biệt; cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ để tạo nên trải nghiệm khách hàng tuyệt hảo hơn, tối ưu chi phí vận hành và tạo nên tốc độ phát triển nhanh hơn để cạnh tranh bền vững. Diễn giả cũng cho biết, một phần lớn lực lượng lao động là thế hệ Z, họ ưa thích công nghệ và coi thay đổi công việc là một phần của cuộc sống. Môi trường làm việc của họ cần phải thông minh, hiệu quả hơn.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Nam Phương nhấn mạnh, ngành quản trị nhân sự đang trở nên sáng tạo và đột phá hơn nhờ các giải pháp có ứng dụng công nghệ hết sức thông minh, như việc sử dụng rất đa dạng những nền tảng công nghệ và ứng dụng thông minh để thực hiện các hoạt động quản trị và phát triển con người. Các nhà quản trị cần lưu ý tới việc xây dựng chính sách và môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả với lực lượng lao động đa thế hệ. Môi trường này luôn sử dụng tối ưu các phương tiện số để tạo trải nghiệm tích cực trong thực hiện công việc, tương tác với đồng nghiệp và khách hàng, ra quyết định và tự động hóa việc thực thi quyết định đó. Diễn giả cũng đưa ra gợi ý cần tăng cường năng lực của bộ phận quản trị nhân sự đồng thời cả chuyên môn nghiệp vụ lẫn kỹ năng số để thực hiện vai trò hiệu quả hơn, thông minh hơn, cung cấp được nguồn nhân lực phù hợp nhằm củng cố lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thúc đẩy giảm nghèo về thông tin ở Việt Nam thông qua chuyển đổi số

Thực trạng giảm nghèo tại Việt nam

Theo TS. Tạ Thị Bích Ngọc – Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, các chỉ số đánh giá hộ nghèo hiện nay có tính đa chiều, trong đó có tiêu chí về khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, trong đó các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

TS. Tạ Thị Bích Ngọc - Khoa Khoa học Quản lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ nhiều giải pháp hiệu quả thúc đẩy giảm nghèo về thông tin thông qua chuyển đổi số

TS. Tạ Thị Bích Ngọc – Khoa Khoa học Quản lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ nhiều giải pháp hiệu quả thúc đẩy giảm nghèo về thông tin thông qua chuyển đổi số

Giảm nghèo về thông tin là tổng thể các hoạt động nhằm bù đắp những thiếu hụt về thông tin của người nghèo, hộ nghèo và địa phương nghèo. Theo chính sách hiện hành, giảm nghèo về thông tin ở Việt Nam hiện gồm 04 nội dung cơ bản: (1) Nâng cao năng lực cho người thực hiện công tác truyền thông ở cơ sở; (2) Trang bị cơ sở vật chất và nền tảng cung cấp thông tin thiết yếu ở các vùng khó khăn; (3) Hỗ trợ tăng cường nội dung thông tin thiết yếu ở các vùng khó khăn; (4) Cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các vùng khó khăn và khu vực cửa khẩu, biên giới.

Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu giảm nghèo rất ấn tượng. Tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm liên tục vì chỉ còn 4,4% năm 2021. Năm 2020, 58,2% dân số không thiếu hụt bất kỳ chỉ số nào trong 10 chỉ số nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Riêng chiều đo về thông tin, chỉ có 2,0% hộ gia đình Việt Nam thiếu hụt về tiếp cận dịch vụ thông tin và 4,5% thiếu hụt phương tiện tiếp cận thông tin.

See also  Đại dịch Covid-19 “tai nạn” hay “cơ hội – sự khởi đầu mới"

Tuy nhiên, thiếu hụt này chủ yếu tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế – xã hội 53 dân tộc thiểu số của Tổng cục Thống kê năm 2019, mới có 61,3% hộ sử dụng internet, 92,5% hộ sử dụng điện thoại, 81,5% hộ có tivi, 10,3% hộ sử dụng máy vi tính. Điều này có nghĩa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chính là “vùng trũng” của thiếu hụt về thông tin và là đối tượng chủ đạo của giảm nghèo về thông tin ở Việt Nam.

Giảm nghèo nói chung và giảm nghèo về thông tin nói riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn là thách thức không hề nhỏ đối với các chủ thể thực thi chính sách. Nguyên nhân chủ yếu đến từ mặt bằng dân trí chưa cao, trình độ sản xuất còn hạn chế, cơ sở hạ tầng còn thiếu hụt, thiên tai dịch bệnh thường xuyên diễn ra…

Trong điều kiện này, chuyển đổi số chính là giải pháp phù hợp và hữu hiệu để giải quyết giảm nghèo về thông tin, hướng tới giảm nghèo bền vững. Thông qua các hoạt động chuyển đổi số, hạ tầng thông tin của vùng sẽ được cải thiện, nội dung thông tin tới người dân được nhanh chóng, phong phú, chuẩn xác và đáng tin cậy. Đây là tiền đề quan trọng để đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế – xã hội.

Các giải pháp giảm nghèo thông qua chuyển đổi số

Từ việc khái quát thực trạng chuyển đổi số của chính phủ, của doanh nghiệp và của người dân, diễn giả đã đưa ra tiềm năng của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy giảm nghèo về thông tin, hướng tới việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở Việt Nam hiện nay. Các giải pháp được diễn giả nhấn mạnh là việc hoàn thiện thể chế giảm nghèo về thông tin gắn với chuyển đổi số, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao năng lực của đội ngũ thực thi chính sách giảm nghèo về thông tin, tăng cường năng lực thông tin của người nghèo.

TS. Tạ Bích Ngọc nhấn mạnh, chuyển đổi số đang được kỳ vọng là giải pháp đột phá giúp các địa phương nghèo rút ngắn quá trình bắt kịp trình độ phát triển chung. Riêng đối với giảm nghèo về thông tin, chuyển đổi số là tiền đề quan trọng để tạo nền tảng thoát nghèo, mang lại cuộc sống ấm no và cảm nhận hạnh phúc cho người dân.

Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về việc phủ mạng internet, bởi vậy chúng ta có thể lạc quan về khả năng tiếp cận thông tin của người dân thông qua các chính sách và chương trình chuyển đổi số.

PGS.TS Nguyễn Văn Chiều - Phó Trưởng khoa Khoa học Quản lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tổng kết và bế mạc Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Văn Chiều – Phó Trưởng khoa Khoa học Quản lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tổng kết và bế mạc Hội thảo

Các đề tài thảo luận tại Hội thảo sẽ được Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN xuất bản thành sách. Kính mời quý độc giả theo dõi các nội dung thảo luận trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Những vấn đề cấp thiết về chính sách và quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số”

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những đơn vị tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao. Ngoài ra, OCD còn cung cấp dịch vụ Tư vấn Chuyển đổi số nhằm giúp doanh nghiệp xử lý vấn đề thiết kế và triển khai cụ thể của hệ thống. 

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn