Những vấn đề đặt ra đối với quản lý vĩ mô trong nền kinh tế số (Phần 2)

7 lợi ích của chương trình đào tạo quản lý doanh nghiệp
7 lợi ích của chương trình đào tạo quản lý doanh nghiệp
4 May, 2019
chiến lược & xây dựng
Xây dựng chiến lược kinh doanh & marketing cho thị trường đồ đựng thực phẩm xanh
5 May, 2019
Show all
Những vấn đề đặt ra đối với quản lý vĩ mô trong nền kinh tế số (Phần 2)

Những vấn đề đặt ra đối với quản lý vĩ mô trong nền kinh tế số (Phần 2)

Rate this post

Last updated on 14 April, 2020

Vấn đề trong điều hành chính sách tiền tệ và điều tiết lạm phát

Kỷ nguyên số và thương mại điện tử khiến phương pháp đo lường chỉ số giá hiện tại có xu hướng đánh giá thấp giá của cấu phần số trong nền kinh tế. Theo IMF (2017), đo lường lạm phát trong thời đại kinh tế số gặp phải một số vấn đề như: Chưa bắt kịp được tốc độ ra đời của các sản phẩm dịch vụ mới và sự thay đổi về chất lượng của sản phẩm dịch vụ số đã có; chưa đo lường đầy đủ khu vực thương mại điện tử và khu vực kinh tế chia sẻ…

Kết quả nghiên cứu của Cavallo (2017) khẳng định, trung bình giá cả các mặt hàng trên Amazon thấp hơn 5% so với giá tại các cửa hàng và nếu người tiêu dùng chuyển hướng sang mua online thì mức giá này chưa được phản ánh trong CPI. Goolsbee (2018) tiến hành so sánh CPI và chỉ số giá số Adobe (DPI) tại Mỹ giai đoạn 2014-2017, kết quả cho thấy, DPI giảm 1% mỗi năm. Đối với khu vực kinh tế chia sẻ, kết quả khảo sát của IMF và OECD đều cho thấy, chỉ có 3 quốc gia đưa giá của các sản phẩm kinh tế chia sẻ (Uber, Airbnb…) vào CPI và chưa có một quốc gia nào trên thế giới đưa giá của các hoạt động kinh tế này vào chỉ số giá sản xuất.

Sự phát triển kinh tế số đã và đang tạo ra những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất, tiêu dùng, thương mại và thanh toán toàn cầu. Quá trình này đòi hỏi Việt Nam cần sớm cập nhật và hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tiền tệ, thanh toán nói riêng và quản lý hoạt động sản xuất và tiêu dùng nói chung theo kịp xu thế phát triển trong nước và thế giới.

Phân tích tác động của kinh tế số tới lạm phát và chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Riksbank (2015) cho rằng, 3 kênh tiềm ẩn mà xu hướng số hóa nền kinh tế có thể ảnh hưởng tới lạm phát, bao gồm: (1) Năng suất lao động và cơ cấu chi phí; (2) Cạnh tranh và cấu trúc thị trường; (3) Tác động trực tiếp tới các cấu phần trong CPI. Nghiên cứu của OECD (2017) cho thấy, trong giai đoạn quá độ sang nền kinh tế số, có thể sẽ gia tăng sự thiếu hụt về kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trên thị trường lao động, dẫn đến giảm sản lượng tiềm năng; Đồng thời, sự gia tăng của cạnh tranh với các hình thức thương mại điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và kết nối internet tốc độ cao giúp cho người tiêu dùng có thể tra cứu, so sánh giá cả và quyết định mua sắm một cách dễ dàng tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới khiến giá cả trở nên bớt cứng nhắc.

Nghiên cứu về điều hành chính sách tiền tệ trong xu hướng số hóa nền kinh tế, Poloz (2016) cho rằng, đối với các Ngân hàng Trung ương theo đuổi chính sách tiền tệ mục tiêu, trong điều kiện nền kinh tế số và xu hướng phát triển của dịch vụ, việc xác định khoảng cách giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng sẽ trở nên khó khăn hơn do những thay đổi cấu trúc kinh tế. Khái niệm khoảng cách giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng, đầu tư và tồn kho… sẽ thay đổi do năng lực sản xuất của nền kinh tế số phụ thuộc vào vốn con người chứ không phải là vốn vật chất như trước đây.

Trong quản lý các khoản thanh toán số và chuyển tiền xuyên biên giới, theo IMF, nền kinh tế số đặt ra thách thức lớn đối với hoạt động quản lý các khoản thanh toán số và chuyển tiền xuyên biên giới chênh lệch giữa giá trị các thanh toán quốc tế thống kê được và hóa đơn chuyển tiền xuyên biên giới ngày càng lớn, từ 94 tỷ USD năm 2009 lên 164,8 tỷ USD năm 2015. Sự ra đời của các kênh thanh toán số bao gồm: Thanh toán online, mobile money… Đây là thách thức lớn cho công tác quản lý giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, vấn đề trong thống kê và quản lý hoạt động của fintech. Khu vực tài chính là một trong những lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng công nghệ số với thuật ngữ công nghệ tài chính – “fintech”. Theo Accentur (2015), fintech góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu quả của các sản phẩm tài chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời cũng thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới như mô hình cho vay ngang hàng, mô hình kinh tế chia sẻ… cạnh tranh với các mô hình truyền thống. Sự phát triển của fintech đặt ra vấn đề phân loại và đo lường trong thống kê tài chính tiền tệ để có thể ghi chép được các dịch vụ tài chính tiền tệ mới.

Theo nghiên cứu của Hileman và Rauchs (2017), thế giới hiện có hơn 1.300 loại tiền số. Nếu các loại hình tiền số được chấp nhận rộng rãi như phương tiện trung gian thanh toán sẽ ảnh hưởng tới việc đo lường thanh khoản của hệ thống tài chính. Nakamoto (2018) cho rằng, tiền ảo gây những ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của chính sách tiền tệ. Nghiên cứu của Franco (2015) cũng chỉ ra những tác động nhất định của tiền ảo Bitcoin tới chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đó là, nếu tiền ảo Bitcoin được sử dụng nhiều hơn sẽ dẫn đến sự gia tăng vòng quay của tiền và sự gia tăng này có thể dẫn đến lạm phát. Raskin và Yermack (2016) cho rằng, với lợi thế cơ bản trong giao dịch tiền ảo là các hợp đồng thông minh, giải quyết các giao dịch giữa 2 bên độc lập mà không cần một bên thứ ba thì tiền ảo mang bản chất phi tập trung, phá vỡ các kênh giao dịch tiền tệ bình thường, tạo ra thách thức không nhỏ cho các ngân hàng trung ương trong hoạt động quản lý tiền tệ.

Vấn đề trong phối hợp điều hành các chính sách vĩ mô khác

Một đặc điểm quan trọng trong kỷ nguyên số là toàn bộ hoạt động kinh tế – xã hội liên kết với nhau thành một mạng lưới gắn kết thông qua các nền tảng kỹ thuật số tạo nên hiệu quả theo phạm vi. Điều này đặt ra thách thức đối với cách thức điều hành vĩ mô truyền thống, các bộ, ban, ngành khó có thể thực hiện chức năng quản lý của mình một cách độc lập. Theo OECD (2018), sự phát triển của môi trường số đa liên kết giữa tất cả các ngành, các lĩnh vực trong điều kiện điều hành chính sách vẫn riêng lẻ từng khu vực khiến các cơ hội cải thiện hiệu lực chính sách bị bỏ lỡ, đồng thời gia tăng rủi ro trong điều hành vĩ mô. Như vậy, thực thi đơn độc các chính sách quản lý tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ trong điều kiện phát triển kinh tế số là bất khả thi. Triển khai các mạng lưới quản lý đa liên kết sẽ là xu hướng trong điều hành vĩ mô tại các quốc gia.

Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Sự phát triển kinh tế số với những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất, tiêu dùng, thương mại và thanh toán toàn cầu đòi hỏi Việt Nam cần sớm cập nhật và hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý tiền tệ, thanh toán nói riêng và quản lý hoạt động sản xuất và tiêu dùng nói chung, nhằm không bị tụt hậu và bỏ lỡ các cơ hội phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời phòng tránh được những rủi ro tiềm ẩn từ khu vực kinh tế số.

Sự ra đời của khu vực kinh tế chia sẻ, cũng như giá trị gia tăng từ những phần mềm miễn phí đem lại những lợi ích vô cùng lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống quản lý kê khai hiện tại chưa bắt kịp được sự phát triển nhanh chóng của khu vực này. Vì vậy, Việt Nam cần sớm nghiên cứu kinh nghiệm và triển khai hệ thống quản lý kê khai, quản lý thuế đối với khu vực kinh tế chia sẻ, nhằm có những chỉ tiêu đo lường tăng trưởng và phát triển tốt hơn, đem lại những tín hiệu chính xác trong hoạch định chính sách vĩ mô. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống quản lý kê khai và quản lý thuế theo kịp xu hướng mới cũng góp phần nâng cao hiệu lực điều hành, có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời và hỗ trợ sự phát triển cho khu vực kinh tế số.

Chính phủ và khu vực tư nhân đều cần nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, nhằm triển khai và đẩy mạnh hiệu quả hóa Chính phủ điện tử, nghiên cứu và tiếp cận sớm với mạng lưới quản lý đa liên kết trong điều hành vĩ mô giữa các bộ, ban, ngành, nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý vĩ mô trước xu hướng phát triển đa liên kết của các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế số.

Cùng với đó, Việt Nam cần tạo lập được một môi trường, chính sách tốt cho sự tự do lưu chuyển dữ liệu xuyên quốc gia. Đây là yếu tố nền tảng của nền kinh tế số. Nền kinh tế số chỉ phát triển tốt nhất khi các quốc gia có mức độ hội nhập cao. Để khai thác tốt tiềm năng của nền kinh tế số, cần tăng cường kết nối hơn nữa giữa các thành viên. Vì vậy, trước mắt, trong phạm vi khu vực, Việt Nam cần thúc đẩy các quốc gia ASEAN tạo ra một môi trường số chung thống nhất, an toàn và đảm bảo.

Đồng thời, cần phát triển chương trình đào tạo hướng đến xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin; cập nhật giáo trình công nghệ thông tin gắn với các xu thế công nghệ như: Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực công nghệ thông tin càng sớm càng tốt; đẩy mạnh mạng lưới liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Nguồn: baomoi.com