Mô hình POQ là gì? Các loại mô hình POQ cơ bản

Ma trận QSPM và các bước xây dựng ma trận
Ma trận QSPM và các bước xây dựng ma trận
22 June, 2024
Ma trận SPACE và cách thiết lập ma trận
Ma trận SPACE và cách thiết lập ma trận
24 June, 2024
5/5 - (3 votes)

Last updated on 14 September, 2024

Trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt, các công ty cần xác định quy mô của đơn hàng sản xuất. Việc xác định đúng quy mô đơn hàng sản xuất giúp tránh lãng phí tài nguyên do sản xuất thừa và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Mô hình POQ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này.

Mô hình POQ là gì?

khái niệm mô hình poq

Khái niệm mô hình POQ

POQ có nghĩa là Sản lượng đặt hàng theo sản xuất (Production Order Quantity Model). POQ là mô hình quản trị hàng tồn kho xác định số lượng sản phẩm tối ưu cần thiết trong một chu kỳ sản xuất để giảm thiểu chi phí và đáp ứng đủ nhu cầu. Ưu điểm của mô hình POQ là giúp các doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất hiệu quả.

Mô hình POQ đặc biệt hiệu quả với doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình D2C. Các doanh nghiệp có thể xác định số lượng đặt hàng tối ưu của họ bằng cách tìm hiểu các chi phí dự kiến như chi phí lưu kho và chi phí đặt hàng. Những con số này tiết lộ số lượng bạn đã đặt hàng trước đó và số tiền bạn chi cho sản xuất. Việc này giúp bạn tránh tình trạng tồn kho quá nhiều hoặc vượt quá ngân sách.

Việc tính toán trong mô hình POQ là một bước quan trọng trong việc lập kế hoạch sản xuất hiệu quả. Bằng cách xác định số lượng sản phẩm tối ưu cần sản xuất, doanh nghiệp có thể tránh lãng phí tài nguyên, giảm chi phí và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Công thức tính theo mô hình POQ

POQ là số lượng sản phẩm tối ưu cần sản xuất trong một chu kỳ sản xuất. Công thức tính POQ như sau:

POQ = √ { ( 2 x D x S ) ÷ [ H x ( 1 – d / p ) ] }

Trong đó:

D = Số lượng hàng hóa nhu cầu trong một năm

S = Chi phí đặt hàng

H = Chi phí tồn lưu kho

d = Số lượng hàng hóa nhu cầu trong một ngày

p = Mức độ sản xuất một ngày

Ví dụ: Doanh nghiệp bán áo thun trực tiếp đến khách hàng. Hoạt động sản xuất diễn ra trong 300 ngày một năm. Nhu cầu về áo thun trong một năm là 12.000 cái, nhà xưởng có thể sản xuất 100 cái áo một ngày. Khi đó, nhu cầu về áo thun trong một ngày là 40 cái. Chi phí đặt hàng là 1.000.000 đồng. Chi phí lưu kho là 2.000/sản phẩm. Lúc này, số lượng sản phẩm tối ưu cần sản xuất trong một chu kỳ là:

See also  Chuyển đổi số DN sản xuất - Từ nâng cao hiệu suất đến thay đổi mô hình kinh doanh

POQ = √ {(2 x 12.000 x 1.000.000) ÷ [2.000 x (1 – 40/100)]} = 4.472 (sản phẩm)

Trong trường hợp này, quy mô sản xuất tối ưu của doanh nghiệp là 4.472 sản phẩm cho một chu kỳ sản xuất.

3 loại mô hình POQ cơ bản

Có 3 chiến lược sản xuất cơ bản thường dùng cho các doanh nghiệp D2C: sản xuất theo hàng tồn kho (MTS – Made to Stock), sản xuất theo đơn đặt hàng (MTO – Made to Order) và sản xuất theo lắp ráp (MTA – Made to Assemble).

3 loại mô hình poq cơ bản

3 loại mô hình POQ cơ bản

Sản xuất theo hàng tồn kho (MTS)

Sản xuất theo hàng tồn kho (MTS) là quy trình sản xuất sản phẩm dựa trên nhu cầu dự kiến của khách hàng. Nói cách khác, sản phẩm hoàn thiện sẽ được dự trữ trước khi được bán ra trong tương lai. Những sản phẩm này được lưu trữ tại kho hoặc trung tâm phân phối trong khi chờ đợi có đơn đặt hàng.

MTS phụ thuộc nhiều vào việc dự báo nhu cầu và theo dõi dữ liệu theo thời gian thực để ra quyết định khối lượng đơn hàng. Dữ liệu này ảnh hưởng đến việc sản xuất đơn hàng có đáp ứng đủ nhu cầu sản phẩm mà không cần sản xuất vượt mức.

MTS là chiến lược sản xuất thông dụng cho các sản phẩm có mức độ tiêu hao nhanh hoặc có giá rẻ. Ví dụ, các mặt hàng tiêu dùng như kem đánh răng, xà phòng, đồ uống đóng chai,…

Mặc dù MTS là mô hình POQ phổ biến, song nó vẫn tồn tại một vài nhược điểm. Vấn đề chính của mô hình này là việc tích trữ quá nhiều hàng tồn kho. Điều này có thể làm gia tăng chi phí lưu kho, chi phí vận chuyển và gây lãng phí nếu những sản phẩm đó bị hư hỏng.

Sản xuất theo đơn đặt hàng (MTO)

MTO là mô hình tạo ra đơn đặt hàng dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng. Điều này có nghĩa là các sản phẩm được sản xuất dành riêng cho những khách hàng cá nhân đã đặt hàng.

Mô hình này cho phép khách hàng mua các sản phẩm được tùy chỉnh theo yêu cầu cá nhân. Nike là doanh nghiệp áp dụng chiến lược này. Họ cho phép người mua tạo ra các thiết kế giày tùy chỉnh dựa trên các mẫu có sẵn trên website. Sau đó, mỗi đơn hàng lần lượt được sản xuất khi khách hàng hoàn tất việc đặt mua hàng.

See also  DOE (Design of Experiments) là gì? Ví dụ và các bước thực hiện

Ưu điểm nổi bật của MTO so với các chiến lược sản xuất khác là khả năng tùy chỉnh sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí do phải lưu trữ rất ít hoặc không có hàng tồn kho. Ít hàng tồn kho hơn giúp giảm khả năng hàng hóa bị lỗi mốt hoặc khó bán.

Tuy nhiên, các sản phẩm này thường có thời gian chờ hàng lâu hơn so với các sản phẩm sản xuất theo MTS. Ví dụ, việc lắp ráp những chiếc ô tô được tùy chỉnh theo yêu cầu có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Ngoài ra, thời gian chờ đợi sẽ càng lâu hơn nếu có gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu cần thiết cho quá trình sản xuất (MRP). Khi ấy, tất cả các sản phẩm sẽ được lắp ráp nhanh chóng và giao cho khách hàng kịp thời. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp mà còn giúp khách hàng hài lòng hơn.

Sản xuất theo lắp ráp (MTA)

Sản xuất theo lắp ráp (MTA) là chiến lược sản xuất trong theo các thành phần trong một sản phẩm được chế tạo trước. Tuy nhiên, chúng sẽ chỉ được lắp ráp sau khi nhận được yêu cầu đơn hàng từ khách hàng. Điều này khác với sản xuất theo hàng tồn kho (MTS) khi mà sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất và lưu kho trước khi phát sinh đơn hàng.

MTA giải quyết được các vấn đề mà mô hình MTS hay MTO gặp phải. Vì các bộ phận và vật tư sản xuất đã có sẵn trong kho, mô hình MTA không phải chịu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng hay thời gian chờ hàng lâu như khi áp dụng mô hình MTO.

Ngoài ra, vì MTA hoạt động dựa trên các đơn đặt hàng thực tế của khách hàng nên nó tránh được rủi ro tồn kho thường thấy khi sản xuất dựa trên mô hình MTS. Mặc dù MTA linh hoạt hơn và ít rủi ro so với các chiến lược khác, việc dự báo nhu cầu chính xác vẫn đóng vai trò quan trọng để sản xuất hiệu quả, đảm bảo đủ nguyên vật liệu và lên kế hoạch sản xuất hợp lý.

See also  Hệ thống ERP và 10 điều bạn cần biết

Mô hình MTA là một lựa chọn khá tối ưu về mặt phi phí do nó chỉ cần lưu trữ tối thiểu hàng hóa và nguyên vật liệu, từ đó giảm chi phí kho bãi. MTA thường được dùng để sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu (ví dụ: máy tính cá nhân) vì thời gian sản xuất nhanh hơn so với MTO.

Phân biệt mô hình EOQ và mô hình POQ

Trong môi trường sản xuất, mô hình POQ tính đến việc hàng tồn kho tăng dần theo thời gian trong khi sản xuất các sản phẩm. Điều này khác biệt với mô hình EOQ, nơi hàng tồn kho thường được đặt hàng theo một lô duy nhất để đáp ứng nhu cầu cụ thể.

Trong mô hình POQ, lịch sản xuất được lên kế hoạch trước để đáp ứng nhu cầu dự kiến. Hàng tồn kho sẽ tích lũy dần dần trong quá trình sản xuất sản phẩm. Điều này cho phép duy trì việc sản xuất liên tục, giúp đáp ứng nhu cầu ổn định mà không cần lo ngại tình trạng thiếu hụt hàng tồn hay những biến động khó lường từ thị trường.

Tư duy quản lý sản xuất hiện nay đã chuyển dịch từ việc sản xuất theo đơn hàng với số lượng cố định sang quản lý quy trình sản xuất để duy trì mức tồn kho đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Môi trường sản xuất đặt ra những yêu cầu riêng biệt như thời gian chờ sản xuất, năng lực sản xuất và sự phối hợp giữa các khâu sản xuất. Những yếu tố này ảnh hưởng đến việc ra quyết định xác định sản lượng đặt hàng theo sản xuất.

Kết luận

POQ là một mô hình quản lý sản xuất và hàng tồn kho hiệu quả. Mô hình POQ được thiết kế đặc biệt để phù hợp với môi trường sản xuất theo chu kỳ, khi mà sản phẩm được sản xuất theo lô thay vì đặt hàng rời rạc. Các doanh nghiệp có nhu cầu thị trường biến động có thể tận dụng mô hình này để duy trì hiệu quả sản xuất, gia tăng doanh thu và đảm bảo lợi nhuận dài hạn.

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn