6 chiếc mũ tư duy là gì? Các bước áp dụng hiệu quả

Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP)
10 thách thức triển khai ERP và giải pháp
11 September, 2024
Đánh giá năng lực nhân viên
7 rào cản đánh giá năng lực nhân viên và giải pháp
12 September, 2024
5/5 - (1 vote)

Last updated on 17 September, 2024

Khi muốn đưa ra những quyết định tốt nhất, bạn cần nhìn nhận sự việc, vấn đề qua các lăng kính khác nhau để không bỏ qua yếu tố quan trọng nào. Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy, được tạo ra bởi Edward de Bono, là một công cụ hữu ích để xem xét mọi khía cạnh một cách toàn diện. Bạn có thể sử dụng công cụ này để suy nghĩ cho riêng mình hoặc áp dụng trong một nhóm nơi mọi người thể hiện các quan điểm khác nhau. Trong bài viết này, OCD sẽ cùng bạn tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật 6 chiếc mũ tư duy này nhé!

Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy là gì?

khái niệm phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Khái niệm phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Kỹ thuật 6 chiếc mũ tư duy (6 thinking hats) được coi như một phương pháp tư duy toàn diện. Nó cho phép các nhóm và cá nhân cải thiện quá trình giải quyết vấn đề và ra quyết định của họ. Nhìn chung, phương pháp này nhằm mục đích nhìn vào các tình huống và vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, đảm bảo rằng sự sáng tạo có khả năng phát huy, vượt ra khỏi những lối tư duy thông thường.

Trong một số trường hợp như quản lý sản xuất, kỹ thuật này đóng vai trò là một công cụ Lean mạnh mẽ. Theo đó, 6 chiếc mũ của quá trình tư duy giúp loại bỏ “lãng phí” hoặc xung đột và tranh chấp không cần thiết trong quá trình thảo luận. Ngược lại, sự rõ ràng và hiệu quả cuối cùng sẽ được thể hiện xuyên suốt quá trình này.

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng phương pháp tư duy này có xu hướng đưa ra một cách tiếp cận tích cực hơn với những đề xuất giải pháp từ mọi cá nhân trong đội nhóm. Việc này có thể giảm thiểu xung đột, thúc đẩy văn hóa hợp tác lành mạnh và bền chặt. Ngoài ra, phương pháp này có thể kết hợp với một số công cụ tư duy khác như: Tư duy ngược hoặc Tư duy thiết kế để tạo ra kết quả vượt trội hơn.

Tổng quan về 6 chiếc mũ tư duy

Phương pháp tư duy này bao gồm 6 chiếc mũ – mỗi chiếc được quy định một màu sắc khác nhau đại diện cho một phong cách tư duy, phân tích vấn đề khác nhau. Chúng bao gồm:

phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Mũ trắng (White hat): “Thông tin (Information)”. Xem xét khách quan và tập trung vào thông tin có sẵn.

Mũ đỏ (Red hat): “Cảm xúc (Emotions)”. Xác định phản ứng cảm xúc, đánh giá chủ quan, nghi ngờ và trực giác ở bản thân và người khác, tách biệt khỏi chính dữ liệu khách quan.

Mũ đen (Black hat): “Tiêu cực (Negatives)”. Nêu ra và xem xét bất kỳ lỗi, rủi ro, thách thức tiềm năng nào trong một quyết định hoặc kế hoạch để phòng ngừa chúng và tránh những hậu quả tiêu cực của việc quá lạc quan.

Mũ vàng (Yellow hat): “Tích cực (Positives)”. Xác định tất cả các khía cạnh lạc quan, ưu điểm của một quyết định hoặc kế hoạch, với mục tiêu xây dựng niềm tin và nhiệt huyết ngay từ đầu.

Mũ xanh lá cây (Green hat): “Sáng tạo (Creativity)”. Suy nghĩ trừu tượng, mới mẻ, giải pháp thay thế và đột phá.

Mũ xanh dương (Blue hat): “Tổng quan (Overview)”. Xem xét toàn bộ quá trình tư duy. Đánh giá lại các cuộc họp với tư duy 6 chiếc mũ, xác định những điểm của một khía cạnh tư duy cụ thể cần được mở rộng, xem xét lại hoặc điều chỉnh.

Đặc điểm chi tiết của 6 chiếc mũ tư duy

Mũ trắng: Sự thật, khách quan, logic

Trong cách thức tư duy này, bạn xem xét thông tin dữ liệu có sẵn, xác định những gì bạn chưa có và xem xét cách thức để bổ sung thông tin. Khi chiếc mũ trắng được sử dụng, người tham gia được khuyến khích trình bày dữ liệu hiện có, bao gồm báo cáo – thống kê và minh chứng hữu hình liên quan đến chủ đề đang được thảo luận.

mũ trắng sự thật khách quan và logic

Mũ trắng: Sự thật, khách quan, logic

Chiếc mũ này đặc biệt có giá trị trong việc thiết lập một nền tảng hiểu biết vững chắc, đảm bảo rằng các quyết định và chiến lược được đưa ra dựa trên thông tin khách quan nhất. Về cơ bản, chiếc mũ trắng không chỉ đơn thuần nói rõ sự thật; mà nó còn biểu hiện sự hiểu biết có căn cứ về tình hình hiện tại của dự án. Cách tiếp cận này là nền tảng đáng tin cậy cho các chiếc mũ tiếp theo. Nó đảm bảo rằng các chiến lược và giải pháp được phát triển luôn mang tính thực tế và khả thi.

See also  Tư duy ngược là gì? Áp dụng 5 bước tư duy ngược hiệu quả

Mũ đỏ: Cảm xúc, chủ quan, trực giác

Giá trị chính của chiếc mũ đỏ nằm ở khả năng thể hiện những phản ứng cảm xúc cơ bản thường không được bộc lộ ra. Nó được coi là không liên quan trong các cuộc thảo luận truyền thống làm việc dựa trên dữ liệu hơn.

Chiếc mũ đỏ cho phép những suy nghĩ, cảm xúc này không chỉ được nói ra mà còn được tôn trọng và xem như một phần của sự hiểu biết toàn diện về vấn đề đang được thảo luận. Quá trình này có thể đặc biệt tiết lộ cá tính, mối quan tâm và động cơ của từng cá nhân có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc họ đưa ra hoặc chấp nhận các quyết định.

Các phản ứng cảm xúc không phải lúc nào cũng dựa trên logic hoặc sự thật. Nó chân thực và có thể cung cấp những thông tin vô giá về tinh thần hiện tại của cá nhân hoặc tập thể, sự lo lắng, nhiệt tình và các yếu tố cảm xúc khác có thể ảnh hưởng đến sự thành bại của dự án.

mũ đỏ cảm xúc chủ quan trực giác

Mũ đỏ: Cảm xúc, chủ quan, trực giác

Lưu ý: người tham gia không cần phải biện minh hoặc kiềm chế cảm xúc chân thực nhất của họ – không có câu trả lời là sai hoàn toàn! Tương tự, mọi người không cần phải vội vàng xoa dịu sự lo lắng hoặc kiềm chế xúc cảm của người khác.

Mũ vàng: Lạc quan, tích cực, khả thi

Chiếc mũ này khuyến khích mọi người khám phá những khía cạnh tích cực của một tình huống, tập trung vào cơ hội, lợi ích và giá trị. Không giống như chiếc mũ đen cảnh báo rủi ro, mũ vàng xây dựng những kịch bản tốt nhất và những phần thưởng tiềm năng có thể được sinh ra từ một chiến lược hoặc quyết định cụ thể.

Giá trị nội tại của mũ vàng nằm ở khả năng cân bằng xu hướng tự nhiên hướng đến tư duy phê bình hoặc tiêu cực thường thống trị các cuộc thảo luận nhóm. Nhờ việc nhìn vào những mặt tích cực, chiếc mũ này giúp nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng và động lực. Điều có thể đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới và giải quyết vấn đề sáng tạo. Nó giúp người tham gia nhìn xa hơn những trở ngại trong ngắn hạn và xem xét những lợi ích lâu dài và cơ hội phát triển.

mũ vàng lạc quan tích cực khả thi

Mũ vàng: Lạc quan, tích cực, khả thi

Góc nhìn lạc quan có thể đặc biệt hữu ích trong các tình huống ban đầu có vẻ đáng sợ hoặc không thể giải quyết được, vì nó khuyến khích một thái độ “có thể làm được” (can-do attitude) và tập trung vào giải pháp hơn là vấn đề. Khi sử dụng chiếc mũ vàng, sự lạc quan cũng nên có tính thực tế. Mặc dù trọng tâm của lối tư duy này là sự tích cực, nhưng nó không nên mơ hồ, viển vông hoặc đặt ra các giả định không có căn cứ.

Mũ đen: Cẩn trọng, rủi ro, tiêu cực

Mục đích chính của chiếc mũ đen là khuyến khích việc đánh giá, phê bình các ý tưởng, chiến lược và đề xuất. Nó tập trung vào xác định các lỗi, rủi ro và trở ngại tiềm ẩn. Chiếc mũ này là một công cụ hiệu quả để đánh giá rủi ro và lên kế hoạch dự phòng, đảm bảo rằng các quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng.

Sử dụng hiệu quả chiếc mũ đen đồng nghĩa với kiểm tra cẩn thận đối với những hạn chế của một kế hoạch hoặc ý tưởng. Điều này bao gồm xem xét các kịch bản xấu nhất và đánh giá hậu quả tiềm năng của việc thất bại. Giá trị của chiếc mũ đen nằm ở khả năng ngăn chặn việc Groupthink (*) và ra quyết định quá lạc quan. Ngược lại, trọng tâm của nó là cố gắng đào bới mọi vấn đề có khả năng xảy ra. Khi đó, kế hoạch không chỉ trở nên khả thi hơn mà còn khả năng chống chịu trước các thách thức trong tương lai.

See also  Tư duy thiết kế là gì? Quy trình 5 bước áp dụng

(*) Groupthink (Tư duy tập thể) xảy ra khi mọi người đồng ý quá nhanh với một ý tưởng để tránh gây xung đột giữa các thành viên.

mũ đen cẩn trọng rủi ro và tiêu cực

Mũ đen: Cẩn trọng, rủi ro, tiêu cực

Hãy sử dụng mũ đen cẩn thận. Nếu bạn sử dụng quá mức, nó có thể dẫn đến một bầu không khí ảm đạm, bóp nghẹt sự sáng tạo và quá bi quan về rủi ro. Ngoài việc khơi gợi ra hạn chế hay vấn đề, hãy cố gắng đề xuất các giải pháp cải thiện mang tính xây dựng, ví dụ như giảm thiểu rủi ro thất bại hoặc vượt qua sự phản đối của nhân viên.

Mũ xanh lá cây: Sáng tạo, trí tưởng tượng, đột phá

Mũ xanh lá cây được thiết kế đặc biệt để nuôi dưỡng tư duy vượt ra khỏi khuôn khổ, khuyến khích mọi người khám phá những ý tưởng mới, giải pháp và cách tiếp cận không theo khuôn mẫu. Chiếc mũ này đối lập hoàn toàn với tình trạng hiện tại của dự án. Nó thách thức các chuẩn mực và loại bỏ giới hạn trong việc theo đuổi giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

Bản chất của mũ xanh lá cây nằm ở khả năng tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo phát triển. Người tham gia được khuyến khích suy nghĩ tự do mà không bị ràng buộc bởi tình hình thực tế hoặc sự phê bình của mọi người. Ngoài ra, số lượng và sự đa dạng của các ý tưởng quan trọng hơn khả năng thực thi ngay lập tức. Điều này có thể bao gồm đề xuất các sản phẩm mới, mở rộng các thị trường chưa khai thác, cải tiến quy trình hoạt động hoặc triển khai các chiến lược marketing đổi mới.

mũ xanh lá cây sáng tạo trí tưởng tượng đột phá

Mũ xanh lá cây: Sáng tạo, trí tưởng tượng, đột phá

Điều quan trọng của chiếc mũ này là tạo ra một môi trường mà sự tưởng tượng và đổi mới được khuyến khích một cách tích cực. Sự phán xét và phê bình trong chiếc mũ đen được thay thế bằng việc chấp nhận ngay cả những ý tưởng kỳ quặc nhất. Mục tiêu không phải là tìm ra một giải pháp có thể triển khai ngay lập tức mà là tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt. Một số trong đó có thể là hạt mầm phát triển thêm các giải pháp khả thi khác sau này.

Mũ xanh dương: Kiểm soát, quản lý tiến độ, phối hợp

Mũ xanh dương đóng vai trò như người điều khiển quá trình tư duy, phát triển tầm nhìn bao quát và đảm bảo mọi giải pháp đều có mục đích rõ ràng và trọng tâm.

Khác với các loại khác trong 6 chiếc mũ tư duy tập trung vào các hình thức tư duy cụ thể, mũ xanh dương thiên về việc quản lý quá trình tư duy. Đó là chiếc mũ được người điều phối hoặc lãnh đạo cuộc họp đội lên, định hướng cuộc thảo luận và đảm bảo rằng những chiếc mũ khác được sử dụng hiệu quả theo thứ tự lần lượt.

mũ xanh dương kiểm soát quản lý tiến độ và phối hợp

Mũ xanh dương: Kiểm soát, quản lý tiến độ, phối hợp

Mục đích chính của mũ xanh dương là duy trì sự tập trung và định hướng rõ ràng trong suốt một cuộc thảo luận hoặc quá trình ra quyết định. Nó bao gồm việc thiết lập các mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu, xác định trình tự sử dụng các chiếc mũ và giữ cho cuộc thảo luận đi đúng hướng.

Người đội mũ xanh dương chịu trách nhiệm tóm tắt và tổng hợp các đầu vào từ các chiếc mũ khác, rút ra kết luận và triển khai kế hoạch cho các bước tiếp theo. Họ phải nắm được “bức tranh tổng thể” của dự án và đảm bảo rằng mọi quá trình tư duy là nhất quán và hiệu quả.

Lợi ích của 6 chiếc mũ tư duy

Vẻ đẹp của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy của Edward de Bono nằm ở sự đơn giản của nó. Nó dễ hiểu, dễ học và dễ thực hiện trong công việc hoặc trong các cuộc họp. Đây là một công cụ tuyệt vời để hợp tác nhóm và ra quyết định. Các lợi ích của kỹ thuật tư duy này bao gồm:

  • Tạo ra một bầu không khí làm năng suất bằng cách giảm thiểu các hành vi sốc nổi và tiêu cực có thể dẫn đến xung đột giữa các thành viên nhóm trong cuộc họp.
  • Tránh chủ nghĩa cá nhân và đề cao lòng tự trọng quá mức có thể ảnh hưởng đến quá trình quyết định.
  • Tạo ra các cuộc họp hiệu quả và năng động hơn, được tiếp thêm năng lượng và sự tập trung cao độ.
  • Khuyến khích đổi mới và trao quyền cho mọi người phản biện lại thực trạng hiện tại. Mọi người sẽ bắt đầu nhìn nhận mọi vấn đề như một cơ hội với quan điểm tích cực hơn.
  • Nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề, bằng cách phân tích các vấn đề từ mọi góc độ và nhìn sâu xa hơn những sự thật hiển nhiên để tìm ra giải pháp hợp lý.
  • Thực hiện đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề để phân tích nguyên nhân gốc rễ chính xác.
See also  Groupthink (Tư duy tập thể) là gì? Tác hại và giải pháp hạn chế

Các bước áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy và ví dụ đi kèm

các bước áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Bước 1: Thiết lập mục tiêu và tham số cho phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Bắt đầu bằng cách xác định các mục tiêu của cuộc thảo luận hoặc cuộc họp và thiết lập các tham số rõ ràng cho việc áp dụng kỹ thuật 6 chiếc mũ tư duy.

Ví dụ:

  • Mục tiêu: Đánh giá khả năng mở rộng thị trường của công ty sang một quốc gia mới là Nhật Bản.
  • Tham số: Tập trung vào thị trường đồ chơi trẻ em từ 5 đến 10 tuổi, phân tích các đối thủ cạnh tranh chính, và đánh giá các rủi ro tiềm ẩn.

Bước 2: Mũ xanh dương – Quản lý quá trình

Với vai trò là người điều phối cuộc họp, bạn sẽ đảm nhận vai trò của chiếc mũ xanh dương và định hướng quá trình tư duy. Sau đó, thiết lập timeline cho từng cuộc họp và đảm bảo rằng các cuộc thảo luận gắn liền với các mục tiêu đã thiết lập.

Ví dụ:

  • Người điều phối sẽ giới thiệu về quy trình 6 chiếc mũ tư duy và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.
  • Xác định thời gian dành cho mỗi chiếc mũ và đảm bảo mọi người đều có cơ hội tham gia.

Bước 3: Mũ trắng – Thu thập thông tin

Khuyến khích sử dụng mũ trắng để thu thập dữ liệu, sự kiện và thông tin khách quan liên quan đến vấn đề hoặc quyết định đang được xem xét, thúc đẩy một cách tiếp cận dựa trên bằng chứng cho cuộc thảo luận.

Ví dụ:

  • Dữ liệu: Thu thập thông tin về thị trường đồ chơi Nhật Bản, sở thích của đối tượng khách hàng trẻ em, tìm hiểu các quy định về nhập khẩu, bối cảnh cạnh tranh tại nước sở tại,…
  • Sự kiện: Các sự kiện gần đây ảnh hưởng đến thị trường đồ chơi tại Nhật Bản (Ví dụ: Sự kiện ký hiệp định hợp tác thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam)

Bước 4: Mũ đỏ – Thể hiện trực giác và cảm xúc

Mời người tham gia đội chiếc mũ đỏ, cho phép họ thể hiện cảm xúc trực giác, cảm xúc và phản ứng ban đầu của họ đối với chủ đề đang được thảo luận. Nó cung cấp những hiểu biết giá trị từ quan điểm cảm xúc của mỗi người.

Ví dụ:

  • Cảm xúc: Các thành viên chia sẻ cảm xúc của mình về việc mở rộng thị trường Nhật Bản (hồi hộp, lo lắng, phấn khích).
  • Trực giác: Dựa vào kinh nghiệm và trực giác, các thành viên đưa ra những dự đoán về khả năng thành công của dự án.

Bước 5: Mũ đen – Xác định rủi ro và hạn chế

Chuyển trọng tâm sang phân tích phê bình và đánh giá rủi ro bằng cách sử dụng chiếc mũ đen, nhấn mạnh việc xác định các vấn đề, điểm yếu và rủi ro tiềm năng liên quan đến chủ đề đang được thảo luận.

Ví dụ:

  • Rủi ro: Khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, rào cản ngôn ngữ và văn hóa, cạnh tranh khốc liệt, rủi ro về chất lượng sản phẩm, thuế quan,…
  • Điểm yếu: Công ty chưa có kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường Nhật Bản, sản phẩm có thể chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Nhật.

Bước 6: Mũ vàng – Khám phá cơ hội và lợi ích

Chuyển sang chiếc mũ vàng để khám phá những khía cạnh tích cực, cơ hội và lợi ích, khuyến khích người tham gia xem xét các quan điểm mang tính xây dựng và lạc quan.

Ví dụ:

  • Cơ hội: Thị trường đồ chơi Nhật Bản tiềm năng tăng trưởng lớn, các doanh nghiệp Việt có cơ hội hợp tác với các đối tác địa phương, nâng cao hình ảnh thương hiệu công ty toàn cầu.
  • Lợi ích: Tăng doanh thu, mở rộng thị trường.

Bước 7: Mũ xanh lá cây – Kích thích đổi mới sáng tạo

Kết thúc quá trình tư duy bằng cách kích hoạt chiếc mũ xanh lá cây, kích thích sự sáng tạo và tư duy đổi mới, khuyến khích việc tạo ra các ý tưởng và giải pháp mới.

Ví dụ:

  • Ý tưởng mới: Điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với thị trường Nhật Bản, hợp tác với các nhân vật hoạt hình nổi tiếng tại Nhật, tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm.

Sau khi trải qua quá trình triển khai phương pháp 6 chiếc mũ tư duy, nhóm sẽ có một cái nhìn toàn diện về việc mở rộng thị trường Nhật Bản, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Kết luận

Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy (6 thinking hats) cung cấp một cách tiếp cận có cấu trúc khi tư duy, đã được công nhận rộng rãi về khả năng nâng cao năng suất, thúc đẩy sự sáng tạo và tạo điều kiện cho việc ra quyết định toàn diện. Bằng cách đội lên những chiếc mũ tư duy khác biệt và khám phá tuần tự các quan điểm đa dạng, các cá nhân và nhóm có thể vượt qua những thách thức phức tạp, nhận diện cơ hội và đưa ra những kết luận tối ưu.

Do nó giảm thiểu các định kiến về nhận thức và truyền cảm hứng cho tư duy sáng tạo, phương pháp này tiếp tục trao quyền cho các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đóng vai trò là một công cụ giá trị cho tư duy có cấu trúc và hợp tác.

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn