Điểm danh 30 mô hình kinh doanh khởi nghiệp bạn cần biết

chuyển đổi số ngành ngân hàng
Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng: Tầm quan trọng của việc lấy khách hàng làm trung tâm
21 April, 2024
mô hình doanh thu phổ biến cho doanh nghiệp
Mô hình doanh thu là gì? 8 mô hình phổ biến và cách lựa chọn mô hình phù hợp
24 April, 2024
5/5 - (4 votes)

Last updated on 26 August, 2024

Mô hình kinh doanh định hình cách thức doanh nghiệp của bạn tạo ra lợi nhuận, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Trước khi bắt đầu thực sự khởi nghiệp, bạn cần xác định mô hình kinh doanh của mình một cách rõ ràng nhất: Bạn sẽ bán sản phẩm hay cung cấp dịch vụ nào? Đối tượng khách hàng mục tiêu là ai? Dịch vụ của bạn sẽ được cung cấp theo hình thức mua hàng một lần duy nhất, hay khách hàng sẽ cần đăng ký theo gói tháng hoặc năm?

Trong bài viết này, OCD sẽ giới thiệu 30 mô hình kinh doanh phù hợp nhất để khởi nghiệp thành công mà bạn cần biết để cân nhắc lựa chọn và áp dụng cho chính doanh nghiệp của mình. Trước đó, ta sẽ cùng tìm hiểu sơ qua về khái niệm mô hình kinh doanh khởi nghiệp.

Table of Contents

Mô hình kinh doanh khởi nghiệp là gì?

Mô hình khởi nghiệp kinh doanh về cơ bản giải thích cách thức hoạt động và kiếm tiền của doanh nghiệp ở giai đoạn khởi đầu, đồng thời nó cũng tính đến cấu trúc chi phí.

  • Bạn sẽ bán sản phẩm online hay offline?
  • Nguồn doanh thu của bạn đến từ đâu?
  • Bạn sẽ có một nguồn doanh thu duy nhất hay nhiều nguồn?
  • Khách hàng có cần trả phí đăng ký hàng tháng cho dịch vụ của bạn không?
  • Sẽ có một phiên bản miễn phí và trả phí cho ứng dụng mà bạn phát hành không?
  • Bạn có nên kiếm tiền từ quảng cáo?
  • Bạn muốn bán thông qua bên thứ ba hay bán trực tiếp đến người tiêu dùng?

Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ quyết định mô hình kinh doanh nào phù hợp với doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn. Tránh xây dựng mô hình kinh doanh hoàn chỉnh cho đến khi bạn hiểu rõ thị trường mục tiêu và giải pháp độc đáo của mình.

Hãy nhớ rằng, mô hình kinh doanh của bạn không phải là chiến lược bắt buộc để đạt thành công. Nó chỉ đơn giản là khuôn mẫu để bạn và các thành viên trong đội ngũ khởi nghiệp dễ dàng nắm bắt và hoạt động theo.

Các loại mô hình kinh doanh khởi nghiệp điển hình

Mô hình Freemium

mô hình Freemium

Thuật ngữ “Freemium” là sự kết hợp của hai từ “free” (miễn phí) và “premium” (cao cấp). Cụ thể, mô hình Freemium cho phép người dùng sử dụng miễn phí các tính năng cơ bản của một sản phẩm, phần mềm, trò chơi hoặc dịch vụ. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thu phí người dùng khi họ muốn nâng cấp lên các gói dịch vụ cao cấp hơn.

Ví dụ: Google Drive, Slack, iCloud,…

Mô hình kinh doanh dạng thuê bao (Subscription)

Mô hình kinh doanh dạng thuê bao (Subscription) có nghĩa là người dùng sẽ trả phí định kỳ cho quyền truy cập và sử dụng một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Thay vì mua đứt sản phẩm hoặc dịch vụ trong một lần, khách hàng sẽ chỉ phải trả một khoản phí nhỏ hơn hàng tháng hoặc hàng năm để duy trì việc sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Ví dụ: Tinder, Netflix, Spotify,…

Mô hình kinh doanh thị trường trực tuyến (Marketplace)

Mô hình này cung cấp một nền tảng (một trang thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động) nơi khách hàng có thể mua các sản phẩm hoặc dịch vụ từ các nhà bán hàng thuộc về bên thứ ba. Nền tảng thường cung cấp các công cụ và dịch vụ hỗ trợ cho phép các giao dịch diễn ra liên tục và an toàn. Đồng thời, với mô hình kinh doanh này, doanh nghiệp kiếm doanh thu thông qua các phương thức khác nhau như hoa hồng, phí niêm yết hoặc phí thương mại theo mô hình dạng thuê bao.

Ví dụ: Amazon, Fiverr, Lazada,…

Mô hình kinh doanh tổng hợp (Aggregator)

Mô hình kinh doanh tổng hợp là mô hình kết nối nhiều nhà cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ với người dùng cuối. Nhà tổng hợp (Aggregator) đóng vai trò trung gian, hưởng hoa hồng trên mỗi giao dịch thành công. Mô hình kinh doanh này ngày càng phổ biến vì nó mang lại nhiều lợi ích và tiện lợi cho cả người tiêu dùng và nhà cung cấp.

See also  Value proposition là gì? Cách xây dựng một khung tuyên bố giá trị

Ví dụ: Uber, Airbnb,…

Mô hình kinh doanh trả tiền theo lượt sử dụng

Đây là một mô hình áp dụng chiến lược về giá dựa trên mức sử dụng. Có nghĩa là người dùng trả phí dựa theo lượng dịch vụ họ sử dụng. Mô hình này được các doanh nghiệp điện toán đám mây sử dụng rộng rãi.

Ví dụ: Google Cloud, Amazon Web Services,…

Mô hình kinh doanh tính phí theo dịch vụ

mô hình kinh doanh khởi nghiệp tính phí theo dịch vụ

Mô hình này dựa trên việc tính phí cho khách hàng một khoản chi phí cố định hoặc thay đổi tùy theo từng giao dịch thành công. Doanh nghiệp sử dụng loại hình kinh doanh này kiếm tiền bằng việc ăn phần trăm hoa hồng trên mỗi giao dịch.

Ví dụ: Stripe, PayPal, PayU,… 

Mô hình công nghệ giáo dục (EdTech)

Trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (EdTech), bạn có thể kiếm tiền theo hai cách chính. Thứ nhất là bán nội dung, bao gồm sách điện tử, bài giảng video, các khóa học trực tuyến, phần mềm giáo dục và các tài liệu học tập khác. Thứ hai là cung cấp dịch vụ dạy học trực tiếp cho người dùng cuối. Điều này có thể bao gồm các lớp học trực tuyến theo nhóm hoặc kèm 1:1, tư vấn học tập và hỗ trợ giải bài tập.

Ví dụ: Udemy, Coursera,…

Đọc thêm: Báo cáo ngành Giáo dục trực tuyến Việt Nam

Mô hình giữ chân khách hàng (lock-in)

Chiến lược “lock-in” có mục đích nhằm giữ chân khách hàng bằng cách tạo ra những rào cản khiến họ gặp khó khăn hoặc tốn kém tiền bạc nếu chuyển sang sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh. Phương pháp này có thể xây dựng lòng trung thành của khách hàng và đồng thời thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Ví dụ: Apple, SAP,…

Mô hình cấp phép API

Giao diện lập trình ứng dụng (API) là một công cụ cho phép các ứng dụng của bên thứ ba kết nối với dịch vụ của bạn. Mô hình kinh doanh cấp phép API là một mô hình mà trong đó công ty cung cấp quyền truy cập vào API của mình để đổi lấy phí từ các nhà phát triển. Mô hình này cho phép các công ty tạo ra doanh thu bằng cách cung cấp cho các nhà phát triển bên thứ ba quyền truy cập vào các hệ thống, dữ liệu hoặc dịch vụ độc quyền của mình thông qua API.

Ví dụ: Twilio, Google Maps, SendGrid,…

Mô hình kinh doanh mã nguồn mở

Phần mềm nguồn mở (Open Source Software – OSS) là phần mềm cung cấp mã nguồn mà bất kỳ ai cũng có thể xem, sửa đổi và cải tiến cho những mục đích sử dụng cá nhân hoặc thương mại.

Ví dụ: Android, Java, Firefox,…

Mô hình kinh doanh dữ liệu

Các ứng dụng hay thuật toán này thu thập dữ liệu từ khách hàng để phục vụ hai mục đích chính. Một là, cải thiện chính ứng dụng, thuận toán đó. Hai là, kiếm tiền bằng cách cung cấp những dữ liệu có giá trị cho các doanh nghiệp khác.

Ví dụ: OpenAI ChatGPT, Gemini AI, Bing AI,…

Mô hình blockchain

Mô hình kinh doanh blockchain cung cấp nền tảng blockchain cho sàn giao dịch phi tập trung. Trong mô hình này, người dùng có thể trao đổi dịch vụ và hàng hóa trực tiếp với nhau. Dòng doanh thu chính của mô hình blockchain đến từ phí giao dịch cho mỗi hoạt động mua bán.

Ví dụ: Ethereum, Solana, Alchemy,…

Đọc thêm: Blockchain và xu hướng ngân hàng ảo của tương lai

Mô hình dao cạo và lưỡi dao

mô hình dao cạo và lưỡi dao

Mô hình này được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm vật lý. Họ sẽ bán một sản phẩm ở mức giá thấp và có thể bị lỗ. Tuy nhiên, lợi nhuận chính sẽ đến từ việc bán các sản phẩm đi kèm. Những sản phẩm này thường sẽ là sản phẩm tiêu hao và có giá thành cao hơn. Gillette bán dao cạo râu với giá thấp và bán kèm các lưỡi dao cạo có mức độ tiêu cao và giá thành cao hơn. Họ có chiến lược buộc khách hàng phải sử dụng lưỡi cạo của mình, từ đó tối ưu doanh thu và lợi nhuận cho daonh nghiệp.

Ví dụ: Gillette, Nespresso, HP,…

Mô hình D2C 

Trong mô hình D2C, thương hiệu loại bỏ khâu phân phối trung gian và bán sản phẩm của mình trực tiếp cho người dùng cuối thông qua website của họ. Tuy nhiên, họ vẫn có thể sử dụng đối tác logistics và vận chuyển của bên thứ ba.

Ví dụ: Coolmate, Gymshark,…

Mô hình nhãn trắng

Các sản phẩm nhãn trắng được sản xuất bởi một nhà sản xuất theo hợp đồng hoặc một nhà cung cấp bên thứ ba. Nhà bán lẻ thường có thể điều chỉnh bao bì và đặt tên thương hiệu cho sản phẩm đó.

Ví dụ: Amazon Basics, Shopify,…

Mô hình nhượng quyền thương hiệu

Trong mô hình nhượng quyền, người mua nhượng quyền (franchisee), thường là chủ cửa hàng, được phép sử dụng thương hiệu, quy trình vận hành và mô hình kinh doanh của người bán nhượng quyền (franchisor), thường là một doanh nghiệp.

See also  Mô hình Chuỗi giá trị của Michael Porter

Ví dụ: Domino’s Pizza, KFC,…

Mô hình kinh doanh dựa vào quảng cáo

Mô hình này được sử dụng bởi các gã khổng lồ về nền tảng mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm. Những bên này sẽ khai thác dữ liệu về sở thích và lịch sử tìm kiếm của người sử dụng để hiển thị quảng cáo phù hợp. Họ kiếm tiền từ việc bán không gian quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến này.

Ví dụ: Facebook, Google, Snapchat,…

Mô hình bạch tuộc

Đây là mô hình đa dạng hóa nguồn doanh thu của doanh nghiệp. Theo đó, mỗi đơn vị kinh doanh hoạt động độc lập giống như xúc tu của một con bạch tuộc, nhưng vẫn được kết nối với thân chính. Một trong những tập đoàn áp dụng thành công nhất công thức này là Virgin. Tập đoàn Virgin bao gồm nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác nhau (du lịch, viễn thông, giải trí) và đều có chung tên thương hiệu mẹ là Virgin.

mô hình kinh doanh khởi nghiệp của SEO

Mô hình giao dịch

Trong mô hình này, doanh thu được tạo ra thông qua việc trực tiếp bán một mặt hàng hoặc dịch vụ cho khách hàng. Mô hình này được sử dụng rộng rãi bởi các trang thương mại điện tử hoặc bất kỳ sản phẩm nào bạn mua trực tuyến.

Ví dụ: Gymshark, Goli Nutrition,…

Mô hình P2P

Trong mô hình P2P (peer-to-peer), hai cá nhân tương tác trực tiếp với nhau để mua bán hàng hóa và dịch vụ không cần thông qua bên thứ ba hay một nền tảng trung gian. Ví dụ các doanh nghiệp sử dụng mô hình P2P:

  • Cho thuê nhà: Airbnb, Agoda
  • Đi chung xe: Uber, Grab
  • Rao vặt: Facebook Marketplace
  • Dịch vụ thuê freelancer theo giờ: Upwork, Fiverr

Mô hình cho vay P2P

Nền tảng P2P (peer-to-peer) đóng vai trò trung gian, kết nối người vay và người cho vay, cung cấp nền tảng giao dịch đảm bảo tính minh bạch cho các bên. Kabbage là một trong số những nền tảng đi theo mô hình kể trên. Kabbage là một công ty công nghệ tài chính trực tuyến có trụ sở tại Georgia. Công ty cung cấp các khoản vay không có bảo đảm và tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng cá nhân thông qua nền tảng cho vay tự động.

Mô hình môi giới

mô hình kinh doanh khởi nghiệp môi giới

Doanh nghiệp môi giới thường tính phí hoa hồng hoặc phí dịch vụ cho một hoặc cả hai bên liên quan trong một giao dịch để đổi lấy các dịch vụ môi giới mà họ cung cấp.

Ví dụ: Coinbase, ebay, Robinhood,…

Mô hình Dropshipping

Dropshipping là một mô hình bán lẻ thương mại điện tử cho phép các cửa hàng bán sản phẩm mà không cần tự mình lưu trữ hàng hóa. Mô hình này không yêu cầu bạn phải có vốn nhiều, bởi bạn không cần phải nhập hàng về trước. Vì thế, các nhà khởi nghiệp, đặc biệt là những bạn trẻ, rất ưa chuộng mô hình kinh doanh này vì nó không quá phức tạp để vận hành.

Mô hình kinh doanh dịch vụ không gian

Mô hình này dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ (gig economy), cung cấp cho thế hệ Millennials (Thế hệ Y) và Thế hệ  Z sự linh hoạt trong việc sống hoặc làm việc tại các không gian chung. Điều này giúp họ tránh được những rủi ro khi sở hữu tài sản cố định hay phải ký những hợp đồng thuê dài hạn.

Ví dụ: Airbnb, Wework,…

Mô hình logistics bên thứ ba

Trong mô hình kinh doanh logistics bên thứ ba, doanh nghiệp thuê ngoài các công ty logistics thực hiện các khâu phân phối, lưu kho và hoàn thiện đơn hàng. Công ty này sẽ thay mặt doanh nghiệp thực hiện các quy trình nêu trên.

Ví dụ: ShipBob, Fulfillment By Amazon,…

Mô hình giao hàng tận nơi

Giao hàng tận nơi là một mô hình kinh doanh tập trung vào giai đoạn cuối cùng của chuỗi cung ứng, bao gồm các hoạt động đưa sản phẩm hoặc dịch vụ đến tay khách hàng cuối cùng.

Ví dụ: Ahamove, GrabExpress, TikiNOW,…

Mô hình Affiliate

affiliate marketing

Tiếp thị liên kết (Affiliate marketing) là chiến lược tạo doanh thu bằng cách quảng bá sản phẩm của các công ty khác và nhận hoa hồng cho mỗi lần bán hàng thành công. Đây là một mô hình kinh doanh phù hợp cho những nhà khởi nghiệp có số vốn và nguồn lực hạn chế.

Ví dụ: Amazon, Hubspot, Skillshare,…

Mô hình kinh doanh hàng hóa ảo

Mô hình kinh doanh này còn được gọi là kinh doanh trên ứng dụng nơi mà người dùng mua các sản phẩm kỹ thuật số hoặc vật phẩm không tồn tại trong thế giới thực. Các sản phẩm này có thể là trang phục, vũ khí, skin nhân vật,… trong trò chơi điện tử. Nó cũng có thể là các phần mềm với các tính năng bổ sung, gói mở rộng, nội dung độc quyền,…

Ví dụ: Roblox, PUBG Mobile, Candy Crush Saga,…

Mô hình bếp ảo (Cloud Kitchen)

Mô hình kinh doanh này bao gồm những nhà hàng chỉ hoạt động trực tuyến, tập trung vào việc cung cấp các đồ ăn, thức uống với dịch vụ giao hàng tận nơi, chứ không phục vụ ăn uống tại chỗ.

Ví dụ: Nextbite, Faaso’s,…

Mô hình tận dụng ưu thế đám đông (Crowdsourcing)

Mô hình kinh doanh Crowdsourcing tận dụng chính cộng đồng của mình làm nguồn lực khi doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp, thường thông qua một nền tảng đa phương diện. Crowdsourcing có nhiều hình thức hoạt động, bao gồm việc tạo ra các nhiệm vụ hoặc vấn đề để cộng đồng thực hiện tìm kiếm ý tưởng và đưa ra giải pháp.

See also  Mô hình B2B là gì? Lợi ích, ví dụ và phương pháp xây dựng

“Cộng đồng” trong mô hình này có thể bao gồm khách hàng, người dân bình thường, chuyên gia, doanh nhân, chủ sở hữu hoặc quản lý doanh nghiệp,…  Doanh nghiệp sử dụng nền tảng của mô hình này có thể tiếp cận nguồn lực lớn, đa dạng với chi phí thấp hơn so với việc thuê nhân viên toàn thời gian.

Ví dụ: Upwork, Kickstarter, Patreon,…

Đâu là mô hình kinh doanh phù hợp với bạn? 4 bước xác định lựa chọn mô hình kinh doanh khởi nghiệp

Dưới đây là công thức 4 bước bạn có thể tham khảo để tìm ra mô hình kinh doanh phù hợp nhất khi đi theo con đường khởi nghiệp:

Bước 1: Bạn đang giải quyết vấn đề cho ai?

Đầu tiên, hãy xác định ai là khách hàng có tiềm năng cao sử dụng các sản phẩm dịch vụ của bạn:

  • B2B (Business-to-Business): Khách hàng của bạn sẽ là một doanh nghiệp, chứ không phải một cá nhân riêng lẻ. Ví dụ điển hình của mô hình B2B là công ty phát triển phần mềm, công ty agency thiết kế website, hoặc các công ty outsourcing các dịch vụ phần mềm. Ví dụ: FPT Software, NashTech, CMC Global,…
  • B2C (Business-to-Consumer): Khách hàng của bạn lúc này là những cá nhân riêng lẻ. Cửa hàng trực tuyến là một ví dụ hoàn hảo về mô hình B2C, nơi các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân. Đây là nơi mọi người mua sản phẩm, ứng dụng di động và trò chơi để sử dụng hàng ngày cho mục đích cá nhân. Họ thường không sử dụng hàng hóa mua được để kinh doanh lại cho người khác. Ví dụ: Winmart, Circle K, KFC,…
  • C2C (Consumer-to-Consumer): Các nền tảng C2C hoạt động như một không gian kết nối để khách hàng cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho nhau. Trên các nền tảng này, những người tham gia ngang hàng và tương tác với nhau vì lợi ích kinh tế. Mô hình này còn được gọi là “nền kinh tế chia sẻ”. Ví dụ: eBay, Amazon, Shopee,…

Bước 2: Phân tích đối thủ cạnh tranh

Bạn sẽ không thể hiểu được thị trường nếu thiếu đi việc phân tích các đối thủ cạnh tranh. Hãy dành thời gian tìm hiểu và phân tích các đối thủ dẫn đầu trên thị trường:

  • Đâu là nhóm đối tượng khách hàng họ nhắm tới?
  • Mô hình doanh thu của họ là gì?
  • Sản phẩm dịch vụ họ cung cấp mang lại lợi ích gì cho khách hàng? Đâu là điểm độc đáo, khác biệt trong sản phẩm của họ?

Bước 3: Tạo lập mô hình kinh doanh Canvas tinh gọn

Mô hình kinh doanh Canvas là một công cụ giúp tổng hợp tất cả các yếu tố kinh doanh của doanh nghiệp trong một sơ đồ duy nhất. Mô hình này thường bao gồm chín khối, mỗi khối tập trung vào một yếu tố cụ thể của hoạt động kinh doanh:

mô hình canvas tinh gọn

Phân khúc khách hàng

Doanh nghiệp bạn sẽ hướng đến cung cấp giá trị cho ai? Đâu là nhóm khách hàng quan trọng nhất? Đâu là vấn đề của mỗi phân khúc người dùng bạn phục vụ?

Tuyên bố giá trị

Những giá trị mà doanh nghiệp bạn mang lại để giúp khách hàng giải quyết các vấn đề của họ?

Kênh truyền thông

Làm thế nào để bạn kết nối với khách hàng? Bạn truyền tải giá trị cốt lõi của mình cho họ như thế nào?

Quan hệ khách hàng

Bạn tương tác với khách hàng thế nào? Tương tác trực tiếp hay thông qua một người quản lý chuyên nguyện? Hay thông qua dịch vụ tự phục vụ?

Dòng doanh thu

Khách hàng sẽ trả tiền cho giá trị nào? Bạn sẽ kiếm tiền từ dự án của mình như thế nào?

Nguồn lực chính

Bạn cần những nguồn lực gì để đưa sản phẩm ra thị trường hoặc truyền tải giá trị của sản phẩm đến khách hàng? Đó có thể là các nguồn lực về tài chính, vật chất, trí tuệ, con người,…

Hoạt động chính

Doanh nghiệp cần triển khai những hoạt động gì? Đó có thể là sản xuất, phân phối, tìm kiếm giải pháp cho khách hàng, thiết kế và duy trì nền tảng,…

Đối tác chính

Đâu là những bên liên quan giúp hoạt động doanh nghiệp trở nên khả thi?

Chi phí

Đâu là những khoản chi phí cần thiết để giúp doanh nghiệp vận hành?

Ngoài ra, hãy nghĩ về những lợi thế cạnh tranh mà doanh nghiệp bạn có mà đối thủ thì không. Công cụ mô hình Canvas tinh gọn sẽ rất hữu hiệu trong việc xây dựng mô hình kinh doanh cho các startup với nhiều yếu tố không chắc chắn. Mô hình này giúp bạn hiểu rõ và nhìn thấu được những khía cạnh khác nhau trong doanh nghiệp.

Bước 4: Lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp

Cuối cùng, chúng ta sẽ đi đến phần quan trọng nhất, chính là lựa chọn mô hình kinh doanh. Mô hình kinh doanh của bạn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau được thảo luận ở phía trên.

Tùy thuộc vào yếu tố trong mô hình Canvas, bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt nhất về mô hình khởi nghiệp mình sẽ theo đuổi. Bạn không nhất thiết phải lựa chọn duy nhất một mô hình mà có thể kết hợp nhiều mô hình lại để tạo ra một công thức kinh doanh hoàn chỉnh nhất cho doanh nghiệp.

Tạm kết

Lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp nhất khi khởi nghiệp sẽ định nghĩa thành công của doanh nghiệp về lâu dài. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp đòi hỏi phải trả lời các câu hỏi cụ thể về doanh nghiệp của bạn. Mô hình Canvas tinh gọn là một công cụ hữu ích giúp trả lời những câu hỏi này và khái quát lại tất cả các yếu tố của doanh nghiệp theo một sơ đồ đơn giản.

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn