Mô hình Dropshipping là gì? Lợi ích và thách thức

mô hình freemium
Mô hình Freemium là gì? Ví dụ và cách triển khai hiệu quả
28 April, 2024
mô hình nhượng quyền thương hiệu là gì
Mô hình nhượng quyền thương hiệu là gì? Các loại mô hình kinh doanh nhượng quyền
2 May, 2024
5/5 - (4 votes)

Last updated on 2 August, 2024

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử phải cung cấp nhiều loại sản phẩm đa dạng giúp người mua có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, hầu hết các công ty không đủ khả năng mua và dự trữ sản phẩm với số lượng lớn. Đây là thời điểm mô hình Dropshipping xuất hiện.

Mô hình quản lý đơn hàng này cho phép các nhà bán lẻ và công ty thương mại điện tử tách riêng khâu bán hàng với khâu fulfilment (hoàn tất đơn hàng). Nhà bán lẻ sẽ chỉ tập trung vào công đoạn marketing và bán hàng. Việc lưu kho và vận chuyển sản phẩm đến khách hàng sẽ được thực hiện bởi một bên thứ ba, thường là nhà bán buôn hoặc nhà sản xuất.

Dropshipping là một mô hình khả thi giúp tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Theo Statista, thị trường Dropshipping toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng từ 129 tỷ USD vào năm 2020 lên 476 tỷ USD vào năm 2026. Cùng OCD tìm hiểu chi tiết về mô hình này trong bài viết dưới đây nhé.

Mô hình Dropshipping là gì?

mô hình dropshipping là gì

Mô hình Dropshipping là gì?

Dropshippingmô hình kinh doanh bán lẻ nơi người bán trưng bày các sản phẩm online và nhận đơn hàng của khách mà không tự mình lưu trữ hàng hóa hay vận chuyển chúng đến người mua. Người bán sẽ ký hợp đồng với một nhà cung cấp. Khi khách hàng đặt hàng, người bán sẽ mua sản phẩm từ nhà cung cấp và sau đó nhà cung cấp sẽ vận chuyển sản phẩm trực tiếp đến khách hàng. Về cơ bản, người bán đóng vai trò như một kênh trung gian giữa người mua và bên cung cấp sản phẩm.

Mô hình Dropshipping cực kỳ hấp dẫn với các nhà bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ vì nó đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí ban đầu tương đối thấp. Ngoài việc giải phóng người bán khỏi việc quản lý khâu hoàn tất đơn hàng, Dropshipping còn giúp loại bỏ các chi phí cho việc lưu trữ hàng tồn kho, kho bãi và logistics. Từ đó, nhà bán lẻ có khả năng thu về nhiều lợi nhuận hơn.

Dropshipper là ai?

Dropshipper có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp sử dụng mô hình Dropshipping để bán các sản phẩm được cung cấp từ các bên thứ ba. Bạn sẽ không cần lưu trữ hàng hóa, kho bãi hay phải tự vận chuyển sản phẩm đến khách hàng.

Giả sử bạn có một cửa hàng bán áo polo online. Bạn sẽ đăng bán nhiều loại áo polo khác nhau lên website của mình hoặc lên sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada. Khi khách hàng đặt mua một chiếc áo, bạn sẽ mua chính chiếc áo đó từ nhà cung cấp của mình và yêu cầu họ giao sản phẩm đó trực tiếp đến tay khách hàng.

Trong mô hình này, bạn là dropshipper đóng vai trò như một bên trung gian, kết nối khách hàng với nhà cung cấp áo polo. Bạn sẽ không cần phải tự mình in áo, lưu trữ hàng hóa, đóng gói hay vận chuyển sản phẩm. Công việc của bạn chỉ tập trung vào việc marketing và quảng bá sản phẩm sao cho thu hút được nhiều người mua hàng nhất.

Lợi ích và thách thức mô hình Dropshipping đem lại

Lợi ích của Dropshipping

Các công ty và cá nhân đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh bán lẻ với chi phí tiết kiệm có thể cân nhắc bắt đầu bằng mô hình Dropshipping. Dưới đây là những lợi ích của việc sử dụng mô hình này:

lợi ích của dropshipping

Lợi ích của mô hình Dropshipping

Vốn đầu tư thấp

Khác với mô hình bán lẻ truyền thống đòi hỏi vấn đầu tư lớn vào lưu trữ hàng tồn, kho bãi và nhân công, Dropshipping cho phép các cá nhân hay doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh trực tuyến với số vốn đầu tư ít. Ngược lại, bạn sẽ cần trả tiền cho các đối tác hay nhà cung cấp khi bán được hàng. Dĩ nhiên, khoản đầu tư ban đầu là rất nhỏ.

Giảm chi phí cố định

Với mô hình này, các nhà bán lẻ không cần phải tự mình tìm nguồn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm, lưu trữ, vận chuyển hay xử lý trực tiếp việc đổi trả sản phẩm mà họ bán. Điều này có thể giúp giảm tổng chi phí và khối lượng công việc mà bạn phải chịu trách nhiệm.

Khả năng mở rộng quy mô

Bằng cách hợp tác với nhiều nhà sản xuất, nhà bán buôn hay các đối tác khác nhau, các nhà bán lẻ có thể dễ dàng mở rộng quy mô kinh doanh của mình hơn. Nếu bạn có khả năng xử lý tốt các công việc về xử lý thanh toán và hỗ trợ khách hàng, bạn hoàn toàn có thể mở rộng quy mô kinh doanh với chi phí tương đối thấp.

Linh hoạt về địa điểm kinh doanh

Với mô hình này, các nhà bán lẻ có thể điều hành hoạt động kinh doanh của mình ở bất cứ đâu, bao gồm cả nhà riêng của mình.

Cơ hội bán hàng đa kênh

Các nhà bán lẻ áp dụng mô hình Dropshipping có thể bán hàng thông qua nhiều kênh khác nhau gồm website bán hàng, các kênh truyền thông mạng xã hội khác hoặc các sàn thương mại điện tử.

Hạn chế rủi ro khi thử nghiệm

Vì doanh nghiệp sử dụng mô hình này không cần trả tiền trước cho các sản phẩm được bán ra, bạn có thể thử nghiệm các mặt hàng mới hoặc các phân khúc thị trường mới với chi phí thấp và chịu ít rủi ro hơn. Hơn nữa, bạn sẽ không cần phải tốn chi phí để lưu trữ hàng tồn kho bán chậm hoặc những mặt hàng có thể trở nên lỗi thời trong dài hạn.

Thách thức của Dropshipping

Mặc dù đem lại nhiều lợi ích, Dropshipping có thể không phải là lựa chọn phù hợp cho tất cả cá nhân hay doanh nghiệp. Mô hình này vẫn có thể mang đến một số thách thức, bao gồm:

thách thức của dropshipping

Thách thức của mô hình Dropshipping

Mức độ cạnh tranh cao

Do rào cản gia nhập thị trường thấp, các nhà bán lẻ có thể phải đối mặt với rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Cuộc chiến tranh giành khách hàng, thị phần sẽ diễn ra rất gay gắt.

Đòi hỏi sự khác biệt trong sản phẩm

Do sản phẩm được sản xuất, đóng gói và vận chuyển bởi bên thứ ba và mang tên thương hiệu của họ, các nhà bán lẻ có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi điểm bán hàng độc đáo cho sản phẩm của mình. Có thể sản phẩm của bạn sẽ không khác biệt là bao so với các sản phẩm được cung cấp bởi các đối thủ khác.

Áp lực về biên lợi nhuận

Do tính cạnh tranh cao của mô hình và khó khăn trong việc tạo ra lợi thế độc đáo, các nhà bán lẻ theo mô hình Dropshipping chỉ có thể cạnh tranh về giá. Nếu các doanh nghiệp buộc phải giảm giá, điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của họ.

Thiếu quyền kiểm soát

Các nhà bán lẻ phụ thuộc vào dịch vụ fulfillment (hoàn tất đơn hàng) của bên thứ ba nên không thể trực tiếp kiểm soát chất lượng sản phẩm, tốc độ giao hàng hay tối ưu quy trình xử lý hàng trả lại. Ngoài ra, bạn đó sẽ không biết về các vấn đề có thể phát sinh trong chuỗi cung ứng mà khiến khách hàng không hài lòng. Việc thiếu kiểm soát đối với các vấn đề ảnh hưởng đến khách hàng là một thách thức nan giải.

Rủi ro khách hàng bất mãn

Khi vấn đề xảy ra trong quá trình hoàn tất đơn hàng, khách hàng sẽ đổ lỗi cho nhà bán lẻ nơi mà họ đã mua hàng ban đầu. Khả năng quan sát hạn chế đối với các vấn đề và tốn nhiều thời gian giải quyết hơn có thể trực tiếp làm giảm trải nghiệm của khách hàng.

6 bước triển khai mô hình kinh doanh Dropshipping thành công

Khi bắt đầu kinh doanh Dropshipping, các chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp cần lưu ý các bước sau đây:

6 bước triển khai mô hình dropshipping

6 bước triển khai mô hình Dropshipping

Bước 1: Tìm ra sản phẩm có nhu cầu cao

Tìm kiếm các sản phẩm phù hợp để bán trên cửa hàng trực tuyến có thể là một quá trình tốn thời gian, đặc biệt khi mới tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử. Để thành công với mô hình Dropshipping, bạn cần đảm bảo rằng cửa hàng của mình đang cung cấp các sản phẩm đang có nhu cầu cao trên thị trường.

Tìm kiếm sản phẩm phù hợp đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu về xu hướng thị trường. Bên cạnh đó, việc nhắm vào một thị trường ngách có thể là một cách tuyệt vời để tạo ra doanh thu đột biến. Có nhiều công cụ có sẵn để nghiên cứu các sản phẩm phù hợp, ví dụ như Google Trends. Một cách khác chính là nghiên cứu các sản phẩm bán chạy nhất và các sản phẩm mới ra mắt trên website của các nhà cung cấp.

Bạn cũng có thể nghiên cứu đối thủ cạnh tranh để khám phá những sản phẩm nào đang bán hiệu quả nhất. Một số kênh có thể thực hiện nghiên cứu đối thủ cạnh tranh là Shopee, Lazada, Facebook, Instagram, Tiktok,…

Bước 2: Tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp

Nếu không có sự phối hợp linh hoạt giữa các nhà cung cấp, doanh nghiệp của bạn sẽ khó có thể tồn tại lâu dài. Đó là lý do tại sao bạn cần biết cách tìm kiếm các nhà cung cấp uy tín. Những nhà cung cấp sẽ giúp doanh nghiệp thành công mà không gặp nhiều trở ngại.

Điều quan trọng là phải cân nhắc nhiều yếu tố khi lựa chọn nhà cung cấp để mua sản phẩm từ họ. Đừng chỉ chú trọng vào giá thành mà bỏ qua chất lượng sản phẩm. Một đối tác không đáng tin cậy có thể khiến khách hàng bỏ đi và không bao giờ quay lại với doanh nghiệp. Ví dụ, với một nhà bán lẻ đồ nội thất gia đình, nhà sản xuất bóng đèn tính phí cao hơn 6,000 đồng mỗi bóng đèn nhưng có uy tín tốt và chất lượng sản phẩm bền thì về lâu dài sẽ có giá trị hơn so với một đối tác thiếu uy tín và hay mắc lỗi.

Bạn nên nghiên cứu từng nhà cung cấp, tìm hiểu về công nghệ, quy trình sản xuất của họ và quan trọng là phải trò chuyện với họ để hiểu cách thức kinh doanh của họ trước khi quyết định hợp tác. Hãy nhận ra những dấu hiệu đáng ngờ và tránh xa các nhà cung cấp yêu cầu chi phí cố định hàng tháng hoặc tính phí liên tục để duy trì hợp tác.

Thông thường, các nhà cung cấp sẽ tính phí đặt hàng trước, và mức phí này sẽ cao hơn với những đơn hàng phức tạp. Tuy nhiên, hãy cảnh giác với những nhà cung cấp tính phí đặt hàng trước cao hơn mức trung bình của thị trường.

Bước 3: Lựa chọn kênh bán sản phẩm

Sau khi xác định được sản phẩm và nhà cung cấp phù hợp, bước tiếp theo chắc chắn là lựa chọn kênh để marketing và bán sản phẩm. Các kênh bán hàng không phải tất cả đều như nhau. Do đó, nhiều kênh bán hàng có thể không phù hợp với doanh nghiệp của bạn.

Ví dụ: nếu đang bán một sản phẩm rất ngách có liên quan đến một nhóm phân khúc khách hàng cụ thể, thì doanh nghiệp nên chọn một nền tảng được phân khúc mục tiêu đó chủ yếu sử dụng. Hiểu rõ sản phẩm, thị trường mục tiêu và khi đó bạn sẽ thu hẹp được các kênh bán hàng phù hợp. Lúc này, doanh nghiệp của bạn sẽ có nhiều khả năng tìm thấy đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. Đây là một yếu tố quan trọng cho thành công trong mô hình Dropshipping.

Bước 4: Xây dựng cửa hàng online

Để bán sản phẩm, bạn cần xây dựng một cửa hàng thương mại điện tử. Cửa hàng thương mại điện tử là một website được thiết kế để giúp bạn trưng bày các sản phẩm một cách hấp dẫn. Đồng thời, nó sẽ bao gồm giỏ hàng để giúp khách hàng thực hiện các giao dịch mua hàng dễ dàng.

Website này nên tự động hóa việc bán sản phẩm và thông báo đơn hàng ngay lập tức đến nhà cung cấp. Nếu bước này không được tự động hóa, bạn sẽ phải nhập thủ công các đơn hàng mỗi ngày. Điều này có thể mất nhiều thời gian và tiềm ẩn rủi ro về sai sót thông tin.

Bước 5: Quảng cáo và bán sản phẩm online

Khi bạn đã có website bán hàng, bạn cần thu hút khách hàng đến cửa hàng. Bạn không thể chỉ đơn giản là tạo một website và mong đợi khách hàng sẽ tìm thấy nó. Bạn cần quảng bá cửa hàng online của mình. Vì doanh nghiệp của bạn được thành lập trực tuyến, bạn sẽ cần sử dụng các chiến thuật khác ngoài việc truyền miệng với bạn bè, gia đình hoặc cộng đồng nơi bạn ở.

Doanh nghiệp của bạn nên bắt đầu tham gia các nhóm truyền thông mạng xã hội phù hợp và cung cấp giá trị cho các thành viên cộng đồng bằng cách trả lời các câu hỏi mà họ có thể đặt ra. Bạn hãy trở thành chuyên gia đáng tin cậy trong cộng đồng đó.

Hãy xây dựng các cửa hàng kinh doanh riêng biệt trên Instagram, Facebook, TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác. Bạn cần thường xuyên tương tác với cộng đồng thông qua các bài đăng thường xuyên về sản phẩm mới, chương trình khuyến mãi hoặc các mẹo vặt liên quan đến các sản phẩm mà khách hàng mục tiêu quan tâm.

Bước 6: Ưu tiên dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khách hàng

Khách hàng nhận được dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt có khả năng cao sẽ quay lại mua hàng của thương hiệu, ngay cả khi đối thủ cung cấp các sản phẩm tương tự với giá thấp hơn. Nhưng ngược lại, trải nghiệm dịch vụ tồi tệ có thể ngay lập tức khiến khách hàng bỏ đi. Khách hàng có vô vàn cách thức để tương tác với doanh nghiệp bạn như: điện thoại, email, ứng dụng nhắn tin, trò chuyện trên website và mạng xã hội. Hãy đảm bảo doanh nghiệp của bạn đơn giản hóa việc giao tiếp với khách hàng theo hướng cá nhân hóa và chủ động.

Doanh nghiệp cần cung cấp cho khách hàng nhiều phương thức để liên lạc hoặc phản hồi về sản phẩm, dịch vụ. Thời gian phản hồi các yêu cầu trong dịch vụ khách hàng là chìa khóa thành công cho trải nghiệm khách hàng tuyệt vời. Hãy xác định những điểm chưa ổn trong khi thiết kế quy trình trải nghiệm khách hàng để đảm bảo đáp ứng được tối đa kỳ vọng của họ.

Tạm kết

Các thương hiệu và nhà bán lẻ có thể thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng hiện tại bằng việc cân nhắc những gì tạo nên trải nghiệm khách hàng tuyệt vời khi mua hàng trực tuyến. Việc áp dụng các mô hình kinh doanh như Dropshipping nên được phát triển một cách có chiến lược và cân nhắc từng khía cạnh trong hành trình trải nghiệm mua hàng của khách hàng.

Đọc thêm: Điểm danh 30 mô hình kinh doanh khởi nghiệp bạn cần biết

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn

Contact Us

//]]>