Thống kê mô tả là gì? Các loại thống kê mô tả phổ biến

Khóa học nâng cao năng lực quản lý lãnh đạo cho công ty điện gió Vestas Việt Nam
Khóa học nâng cao năng lực quản lý lãnh đạo cho công ty điện gió Vestas Việt Nam
20 November, 2024
ma trận cpm là gì các bước xây dựng ma trận
Ma trận CPM là gì? Các bước xây dựng ma trận CPM
21 November, 2024
5/5 - (1 vote)

Last updated on 20 November, 2024

Nhiều chuyên gia sử dụng thống kê mô tả để mô tả một bộ dữ liệu lớn, cung cấp cái nhìn sâu sắc về các đặc điểm của dữ liệu và giúp các doanh nghiệp và tổ chức đưa ra quyết định sáng suốt. Khác với thống kê suy diễn, thống kê mô tả không đưa ra những lập luận. Thay vào đó, nó cung cấp cho bạn một nền tảng hiểu biết vững chắc về bộ dữ liệu mà bạn đang nghiên cứu.

Thống kê mô tả là gì?

khái niệm thống kê mô tả

Khái niệm thống kê mô tả

Thống kê mô tả (Descriptive statistics) là một nhánh của thống kê liên quan đến việc tóm tắt, sắp xếp và trình bày dữ liệu một cách ý nghĩa và ngắn gọn. Nó tập trung vào việc mô tả và phân tích các đặc điểm chính của tập dữ liệu mà không đưa ra bất kỳ suy diễn hay kết luận nào cho tổng thể lớn hơn.

Mục tiêu chính của thống kê mô tả là cung cấp một bản tóm tắt rõ ràng và ngắn gọn về dữ liệu, giúp các nhà nghiên cứu hoặc nhà phân tích hiểu được các mô hình, xu hướng và phân bố trong tập dữ liệu. Bản tóm tắt này thường bao gồm:

  • Các đại lượng đo lường xu hướng tập trung (ví dụ: giá trị trung bình, trung vị, yếu vị).
  • Các đại lượng đo lường độ phân tán (ví dụ: khoảng biến thiên, phương sai, độ lệch chuẩn).
  • Hình dạng của phân phối (ví dụ: độ nhọn, độ lệch)

Thống kê mô tả cũng bao gồm việc trình bày dữ liệu dưới dạng đồ họa thông qua biểu đồ, đồ thị và bảng, giúp việc hình dung và diễn giải thông tin trở nên dễ dàng hơn. Các biểu đồ phổ biến bao gồm biểu đồ tần suất (histogram), biểu đồ cột, biểu đồ tròn, biểu đồ phân tán (scatter diagram) và biểu đồ hộp.

Bằng cách sử dụng thống kê mô tả, các nhà nghiên cứu có thể tóm tắt và truyền tải hiệu quả các đặc điểm chính của tập dữ liệu, từ đó hỗ trợ hiểu rõ hơn về dữ liệu và tạo nền tảng cho các phân tích thống kê chuyên sâu hoặc quá trình ra quyết định tiếp theo.

Tại sao thống kê mô tả lại quan trọng?

Mặc dù thống kê mô tả tương đối đơn giản về mặt toán học, nhưng chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong bất kỳ dự án nghiên cứu nào. Thường thì, chúng ta hay bỏ qua phần thống kê mô tả và muốn nhanh chóng chuyển sang những phân tích thống kê suy diễn – một mảng có vẻ “thú vị” hơn. Tuy nhiên, điều này có thể là một sai lầm tốn kém.

See also  Thống kê là gì? Kiến thức tổng quan nhất về thống kê

Lý do là vì thống kê mô tả giúp bạn, với vai trò là nhà nghiên cứu, hiểu rõ các đặc điểm chính của mẫu mà không bị lạc lối trong khối lượng dữ liệu thô khổng lồ. Nó cung cấp nền tảng cho phân tích định lượng sau này. Ngoài ra, thống kê mô tả còn cho phép bạn nhanh chóng nhận ra các vấn đề tiềm ẩn trong tập dữ liệu – ví dụ như các giá trị ngoại lệ bất thường, dữ liệu bị thiếu,… Quan trọng không kém, thống kê mô tả còn giúp định hướng quá trình ra quyết định khi chọn phương pháp thống kê suy diễn, vì mỗi kiểm định suy diễn đều có yêu cầu cụ thể liên quan đến hình dạng phân phối dữ liệu.

Tóm lại, việc dành thời gian tìm hiểu kỹ thống kê mô tả trước khi chuyển sang các phương pháp “nâng cao” hơn là điều cần thiết. Tùy thuộc vào mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu của bạn, phương pháp thống kê này có thể đóng vai trò then chốt trong nhiều trường hợp.

Các loại thống kê mô tả phổ biến

Phân phối tần suất

Phân phối tần suất là một cách biểu diễn dữ liệu để chỉ ra số lần xuất hiện của các giá trị hoặc kết quả trong một bộ dữ liệu. Nó mô tả tần suất (số lần) các giá trị xuất hiện trong một khoảng nhất định, một phạm vi giá trị hoặc một nhóm cụ thể. Phân phối tần suất có thể được trình bày dưới dạng bảng hoặc đồ thị.

Phân phối tần suất giúp nhóm các giá trị dữ liệu thành các lớp (hoặc nhóm) và đếm số lần mỗi lớp xảy ra. Điều này giúp dễ dàng nhận thấy các mẫu, xu hướng hoặc sự phân bố của dữ liệu, từ đó cung cấp cái nhìn sâu sắc về bộ dữ liệu đó.

Ví dụ, giả sử bạn tiến hành một cuộc khảo sát trong quận Thanh Xuân với 100 người tham gia để tìm hiểu về số giờ làm việc mỗi tuần của họ. Sau khi thu thập dữ liệu, bạn có thể tổ chức và phân tích kết quả dưới dạng phân phối tần suất như sau:

Số giờ làm việc mỗi tuầnTần suất (Số người)Tỷ lệ phần trăm (%)
0 – 10 giờ1010%
11 – 20 giờ2020%
21 – 30 giờ3030%
31 – 40 giờ2525%
41 – 50 giờ1010%
Trên 50 giờ55%

Đại lượng đo lường xu hướng tập trung

Đại lượng đo lường xu hướng tập trung (Measures of central tendency) là các số liệu thống kê mô tả có giá trị đại diện cho toàn bộ tập dữ liệu. Nói cách khác, chúng cho biết “điểm trung tâm” tập của dữ liệu.đại lượng đo lường xu hướng tập trung

See also  Thống kê là gì? Kiến thức tổng quan nhất về thống kê

Ví dụ: Khi chúng ta nói đến điểm trung bình của một lớp học, chúng ta đang sử dụng một thước đo xu hướng tập trung để mô tả thành tích học tập chung của cả lớp.

Các đại lượng đo lường xu hướng tập trung phổ biến

Mean (Trung bình):

  • Là giá trị trung bình cộng của tất cả các điểm dữ liệu trong tập dữ liệu.
  • Công thức: Mean = Tổng tất cả các giá trị / Số lượng giá trị
  • Ví dụ: Trong tập dữ liệu {1;5;6;8} thì Mean = (1+5+6+8)/4 = 5
  • Ưu điểm: Phản ánh toàn bộ dữ liệu.
  • Nhược điểm: Dễ bị ảnh hưởng bởi các giá trị ngoại lệ.

Median (Trung vị):

  • Là giá trị nằm giữa của tập dữ liệu khi các giá trị được sắp xếp theo thứ tự tăng hoặc giảm.
  • Nếu số lượng giá trị là lẻ, trung vị là giá trị chính giữa. Nếu là chẵn, trung vị là trung bình của hai giá trị ở giữa.
  • Ví dụ: 
    • Tập {3;7;9;10;20} thì Median = 9
    • Tập {1;2;2;6;7;12;21;51} thì Median = (6+7)/2 = 6,5
  • Ưu điểm: Không bị ảnh hưởng bởi các giá trị ngoại lệ.
  • Nhược điểm: Không sử dụng toàn bộ dữ liệu trong tính toán.

Mode (Yếu vị):

  • Là giá trị xuất hiện thường xuyên nhất trong tập dữ liệu.
  • Một tập dữ liệu có thể có một yếu vị, nhiều yếu vị hoặc không có yếu vị.
  • Ví dụ:
    • Tập {1,2,2,3,4,5,7,10}: Mode = 2
    • Tập {1,1,2,2,3,4,6,8,9}: Modes = 1 và 2
  • Ưu điểm: Dễ hiểu, đặc biệt hữu ích với dữ liệu danh mục (categorical data)
  • Nhược điểm: Không phải lúc nào cũng tồn tại hoặc là duy nhất.

Đại lượng đo lường độ phân tán

Measures of Dispersion (Các đại lượng đo lường độ phân tán) là những giá trị thống kê mô tả dùng để đo lường mức độ phân tán, biến động hoặc độ chênh lệch giữa các giá trị trong một tập dữ liệu. Chúng giúp đánh giá mức độ mà dữ liệu phân bố xung quanh một giá trị trung tâm như mean (giá trị trung bình cộng), và cung cấp cái nhìn sâu hơn về cấu trúc của tập dữ liệu.

đại lượng đo lường độ phân tán

Các đại lượng đo lường độ phân tán phổ biến

Range (Khoảng biến thiên):

  • Là hiệu số giữa giá trị lớn nhất và giá trị nhỏ nhất trong tập dữ liệu.
  • Công thức: Range = Giá trị lớn nhất – Giá trị nhỏ nhất
  • Ví dụ: Trong tập {5,10,15,20} thì Range = 20 − 5 = 15
  • Ưu điểm: Đơn giản, dễ tính.
  • Nhược điểm: Không phản ánh đầy đủ mức độ phân tán nếu dữ liệu có giá trị ngoại lệ.

Variance (Phương sai):

  • Là trung bình cộng của bình phương khoảng cách từ mỗi giá trị đến trung bình cộng (mean) của tập dữ liệu.
  • Công thức: Variance= {∑[xi​− mean(x)]^2}/n
  • Ví dụ: Tập {3,5,7}, mean = 5, Variance = [(3−5)^2+(5−5)^2+(7−5)^2]/3=8/3
  • Ưu điểm: Phản ánh sự biến động toàn diện.
  • Nhược điểm: Đơn vị đo không giống với dữ liệu gốc (do có bình phương).

Standard Deviation (Độ lệch chuẩn):

  • Là căn bậc hai của phương sai, thể hiện mức độ phân tán của dữ liệu so với trung bình.
  • Công thức: Standard Deviation= √{Variance}
  • Ví dụ: Nếu Variance = 8/3 thì Standard Deviation = √{8/3} = 1,633
  • Ưu điểm: Đơn vị đo giống với dữ liệu gốc, dễ diễn giải.
See also  Thống kê là gì? Kiến thức tổng quan nhất về thống kê

Ưu điểm của thống kê mô tả

Một số lợi ích phổ biến mà bạn có thể nhận thấy khi sử dụng phương pháp thống kê mô tả bao gồm:

  • Trình bày đơn giản: tất cả mọi người có nền tảng chuyên môn khác nhau có thể dễ dàng hiểu và áp dụng thống kê mô tả.
  • Tóm tắt hiệu quả: Thống kê mô tả cho phép bạn chuyển hóa bộ dữ liệu phức tạp thành một vài con số đặc trưng, cô đọng để cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh chóng.
  • Biểu diễn đồ họa: Thống kê mô tả có thể được trực quan hóa dễ dàng bằng các biểu đồ, đồ thị đa dạng, phong phú tùy thuộc vào nhu cầu riêng của mình.

Nhược điểm của thống kê mô tả 

Về mặt hạn chế, hãy ghi nhớ những bất lợi sau:

  • Báo cáo không có khả năng dự báo: Thống kê mô tả chỉ diễn giải những gì đã xảy ra. Nó không cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về lý do tại sao mọi việc lại xảy ra hoặc ý nghĩa của chúng đối với tương lai. Nói cách khác, bạn không thể đưa ra suy luận của mình về kết quả cho các nhóm đối tượng khác trong tổng thể hoặc rút ra kết luận từ giả thuyết.
  • Khả năng hiểu sai: Thống kê mô tả rất hữu ích trong việc nêu các đặc điểm nổi bật trong bộ dữ liệu của bạn, nhưng bạn phải cẩn thận trong việc lựa chọn bảng dữ liệu, biểu đồ thích hợp để cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác và có đủ bối cảnh. Điều này giúp người xem có thể hiểu đúng thông tin mà không gây nhầm lẫn.

Kết luận

Thống kê mô tả đóng vai trò quan trọng trong việc tóm tắt và trình bày dữ liệu một cách rõ ràng và dễ hiểu. Bằng cách sử dụng các công cụ như bảng, biểu đồ và các đại lượng đo lường, thống kê mô tả giúp chúng ta hiểu được các đặc điểm cơ bản của dữ liệu, từ đó đưa ra những nhận định và quyết định hợp lý. Tuy nhiên, người sử dụng cần chú ý đến cách thức trình bày để tránh những hiểu lầm và đảm bảo tính chính xác trong việc diễn giải kết quả.

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn