Tái cơ cấu doanh nghiệp: Nên bắt đầu từ đâu?

Xây dựng Hệ thống Quản lý Nhân sự cho Công ty Xây dựng ECOBA
Xây dựng Hệ thống Quản lý Nhân sự cho Công ty Xây dựng ECOBA
27 June, 2012
VietnamPost
Đào tạo Marketing và Phát triển kinh doanh cho VietnamPost
4 December, 2012
Show all
Tái cơ cấu doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu

Tái cơ cấu doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu

5/5 - (1 vote)

Last updated on 24 May, 2024

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, mở bất cứ tờ báo nào, trang thông tin Internet nào cũng thấy người ta nói đến “tái cơ cấu”, “tái cấu trúc”. Tuy nhiên, bản chất là làm gì thì không phải ai cũng nêu bật lên được, chưa kể tới sự khác biệt quá nhiều trong quan niệm về chữ “tái cấu trúc” hay “tái cơ cấu” này khiến cho những hiến kế về giải pháp bị mất trọng tâm và mờ nhạt.

Chưa có nhiều ý kiến nêu một cách rõ ràng rằng doanh nghiệp cần cấu tái cơ cấu theo mục tiêu cụ thể nào và căn cứ vào yếu tố gì?

Bài viết này đề cập đến việc tái cơ cấu lĩnh vực kinh doanh và tổ chức của doanh nghiệp. Để xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nội dung trên, ít nhất có 2 yếu tố căn bản cần cân nhắc: ngành nghề kinh doanh và chiến lược của doanh nghiệp.

Ngành nghề kinh doanh là yếu tố định hình nên chuỗi giá trị cơ bản của doanh nghiệp, hay nói cách khác là mô hình thể hiện cách thức doanh nghiệp vận hành các chức năng để tạo ra giá trị tổng thể cho khách hàng, từ đó thu được lợi nhuận. Tuy ít doanh nghiệp có sẵn hình vẽ mô tả khái quát chuỗi giá trị của mình, nhưng cũng không khó để có thể xây dựng lên một mô hình như vậy để làm căn cứ cho các hoạt động quản trị doanh nghiệp cũng như tái cơ cấu. Thông tin giúp cho nhà quản lý mường tượng ra chuỗi giá trị của doanh nghiệp mình là những chuỗi hoạt động đáp ứng nhu cầu bên ngoài và bên trong khi vận hành doanh nghiệp.

See also  Khóa học dành cho nhà quản lý - Nhà quản lý thực chiến

Các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành nghề kinh doanh có thể có chuỗi giá trị cơ bản giống nhau. Điều làm cho các doanh nghiệp khác biệt so với đối thủ cạnh tranh của mình chính là chiến lược phát triển. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhằm đạt được tầm nhìn, thực hiện sứ mệnh và giá trị cốt lõi sẽ xác định các mục tiêu dài hạn cũng như cách thức doanh nghiệp đạt được các mục tiêu dài hạn đó một cách bền vững thông qua việc xây dựng nguồn lực chiến lược để tạo nên lợi thế cạnh tranh. Chiến lược khác nhau của doanh nghiệp tạo nên các chuỗi giá trị khác nhau ở chi tiết các chức năng.
Ví dụ, cùng là 2 doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp A lựa chọn mục tiêu trở thành nhà tổng thầu lớn nhất sẽ tập trung phát triển năng lực đấu thầu, quản lý nhà thầu phụ… Trong khi đó, doanh nghiệp B muốn trở thành công ty hàng đầu về tiến độ thi công sẽ tập trung phát triển năng lực công nghệ, kỹ thuật, quản lý thi công. Từ đó, chuỗi giá trị của doanh nghiệp A sẽ có chức năng đấu thầu, quản lý nhà thầu phụ rất phát triển; còn doanh nghiệp B sẽ phát triển mạnh chức năng kỹ thuật và quản lý thi công. Ví dụ trên cho thấy bản thân chiến lược là sự lựa chọn để theo đuổi mục tiêu này mà không phải là mục tiêu kia, là sự đánh đổi nỗ lực và thời gian để xây dựng năng lực hay phát triển mạnh chức năng này mà giảm nhẹ chức năng khác.
Khi đã xác định được chuỗi giá trị của doanh nghiệp dựa trên lĩnh vực kinh doanh và chiến lược, doanh nghiệp cần tiến hành đánh giá hiện trạng cơ cấu tổ chức để xem xét tính phù hợp với chuỗi giá trị (nói cách khác là phù hợp với ngành nghề kinh doanh và chiến lược). Việc rà soát chuỗi giá trị sẽ giúp doanh nghiệp xác định được các lĩnh vực kinh doanh không phù hợp với mục tiêu chiến lược, không tạo nên năng lực cốt lõi hoặc chức năng trọng yếu. Có thể doanh nghiệp sẽ phát hiện ra rằng chức năng (đáng lẽ là) quan trọng nhưng hoạt động quá yếu hoặc còn thiếu, hoặc chức năng ít quan trọng nhưng quá cồng kềnh, vận hành không hiệu quả. Những thay đổi bằng cách bỏ bớt những lĩnh vực kinh doanh không phù hợp mục tiêu chiến lược và năng lực cốt lõi, tăng cường các chức năng yếu và thiếu, giảm thiểu các chức năng không phù hợp với chuỗi giá trị… chính là bản chất của tái cơ cấu doanh nghiệp.
Tóm lại, việc tái cơ cấu lĩnh vực kinh doanh hay tổ chức của doanh nghiệp, phải có chiến lược phát triển hay ít nhất là bản tóm tắt các ý tưởng và lựa chọn chiến lược. Đó là căn cứ quan trọng nhất để xây dựng kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực kinh doanh và tổ chức của doanh nghiệp.

See also  Vai trò của chuyên gia tư vấn chiến lược trong quản lý doanh nghiệp


PGS.TS Nguyễn Thanh Bình

Chuyên gia tư vấn chiến lược, OCD