Toạ đàm “Nhà quản lý CNTT giải quyết bài toán kinh doanh như thế nào?”

Chuyển đổi số: Quá trình chuyển mình của doanh nghiệp
Kinh nghiệm chuyển đổi số
23 May, 2019
Thời làm outsource đã xưa với các doanh nghiệp phần mềm Việt?
Thời làm outsource đã “xưa rồi”, doanh nghiệp phần mềm Việt đang tự nghiên cứu, phát triển sản phẩm riêng
25 May, 2019
Show all
Ông Vũ Mạnh Cường chia sẻ tại buổi tọa đàm IT Manager giải quyết bài toán kinh doanh như thế nào?

Ông Vũ Mạnh Cường chia sẻ tại buổi tọa đàm IT Manager giải quyết bài toán kinh doanh như thế nào?

Rate this post

Last updated on 5 September, 2021

Để có thể tìm được tiếng nói chung và giải được bài toán kinh doanh cho doanh nghiệp, các nhà quản lý công nghệ thông tin (IT) cần phải học cách bơi ra khỏi “ốc đảo IT” của mình.

Dù là doanh nghiệp chuyên hay không chuyên về IT, bộ phận IT vẫn nắm vai trò quan trọng tại mọi doanh nghiệp ngày nay, trong bối cảnh công nghệ ngày càng thay đổi nhanh chóng và tác động đến mọi ngành công nghiệp. Theo một khảo sát mới đây của OneLogin, 94% các giám đốc công nghệ thông tin (CIO) được khảo sát tin rằng, đến năm 2025, môi trường làm việc sẽ là nơi kết hợp giữa con người và robot.

Tuy nhiên có một thực tế là, bộ phận IT lại thường được đánh giá là một “lò đốt tiền”, vì các CFO và lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng nghĩ rằng chi tiền cho IT giống như một khoảng đầu tư mà không xác định được ROI (tỉ xuất lợi nhuận trên vốn đầu tư).

Vấn đề này được lý giải là do các nhà quản lý IT nói riêng và những người làm IT nói chung thường không chủ động tìm hiểu các vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp mình, hoặc nhìn nhận và “nói” về vấn đề kinh doanh nhưng bằng… ngôn ngữ kỹ thuật. Vì vậy, họ thường gặp khó khăn khi thuyết phục sếp hay CFO đồng ý chi tiền để triển khai giải pháp công nghệ mình đề ra cho doanh nghiệp, hoặc khi triển khai rồi thì kết quả đem lại không rõ ràng, ông Vũ Mạnh Cường, giám đốc công nghệ thông tin của tập đoàn Wilmar CLVchia sẻ tại buổi tọa đàm “IT Manager giải quyết bài toán kinh doanh như thế nào?” do công ty đào tạo và tư vấn công nghệ thông tin Apex Global Corporation tổ chức sáng 22.5.

Người làm IT thường cảm thấy tự ti vì cho rằng vai trò của mình không được đánh giá cao như các bộ phận khác trong công ty, ông Phan Văn Anh – IT Manager của Perfetti Van Melle VietnamIT nhìn nhận sau nhiều năm kinh nghiệm quản lý công nghệ thông tin tại các công ty FMCG.

“Để xóa đi cảm giác đó, họ phải tăng cường kỹ năng xây dựng mối quan hệ với các phòng ban khác. Ví dụ như khi lập ngân sách để xây dựng giải pháp IT cho nội bộ vào năm sau, họ phải tìm hiểu và tập hợp các nhu cầu của các phòng ban, rồi mới dựa vào đó để lập ngân sách. Có như vậy, các giải pháp họ đề ra mới sát với thực tiễn, và qua đó, vai trò của họ cũng được nâng lên cao hơn”, ông Phan Văn Anh nhận định.

Ở chiều ngược lại, tại các công ty công nghệ, bộ phận IT lại thường có tâm lý xem mình là “ngôi sao”, cách nhìn này cũng vô tình khiến họ tự cô lập mình vào một ốc đảo riêng. “Dù là trong các công ty khởi nghiệp sáng tạo, với đặc trưng là dùng công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh, IT trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thì cách nhìn nhận của bộ phận IT cũng rất khác biệt với bộ phận kinh doanh. Đây cũng là một thách thức lớn với chúng tôi”, ông Bùi Minh Long – giám đốc trung tâm phát triển phần mềm ở Sendo.vn chia sẻ. Trong trường hợp đó, theo ông Long, nhà quản lý IT phải truyền đạt cho những người trong đội ngũ hiểu và nhìn thấy tầm nhìn chung, mục tiêu chung họ cần đạt được để cùng phân tích, tìm ra và giải được bài toán kinh doanh của công ty.

Theo ông Vũ Mạnh Cường, để rời khỏi ốc đảo của mình, nhà quản lý công nghệ thông tin cần phải học cách… bơi. Cụ thể là phải học những kiến thức, kỹ năng nền tảng về sales, marketing, kế toán…, để những giải pháp IT họ đưa ra sát với thực tiễn và đạt hiệu quả hơn.

Và điều quan trọng nhất, theo ông Vũ Mạnh Cường, IT phải nhìn nhận mình là một phần của thế giới kinh doanh. Nhu cầu và mục tiêu chính của công ty luôn là tăng lợi nhuận, giảm chi phí. Bất kỳ phần mềm hay giải pháp công nghệ thông tin nào cũng phải phục vụ được cho những mục tiêu đó. “Chẳng hạn khi triển khai một ứng dụng đặt hàng trực tuyến, nhà quản lý IT phải chứng minh được rằng kênh bán hàng mới này sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhân sự thế nào, hoặc giúp công ty gia tăng lợi nhuận ra sao”, ông Cường nêu dẫn chứng.

Nguồn: forbesvietnam.com.vn