Mô hình xoắn ốc là gì? Các giai đoạn, ưu điểm và nhược điểm của mô hình

Ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất
Ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất
10 June, 2024
Quản lý chất lượng trong sản xuất
Quản lý chất lượng trong sản xuất
11 June, 2024
5/5 - (2 votes)

Last updated on 26 July, 2024

Trong thế giới phát triển phần mềm đầy năng động, mọi thứ thay đổi liên tục. Sự phát triển này yêu cầu những điều mà mô hình phát triển tuyến tính truyền thống thường không đáp ứng được. Với sự xuất hiện của mô hình xoắn ốc (Spiral model), quy trình phát triển phần mềm trở nên linh hoạt, có khả năng quản lý phức tạp hơn và chú trọng vào quản trị rủi ro trong việc quản lý dự án phần mềm.

Trong bài viết dưới đây, OCD sẽ giải thích kỹ hơn khái niệm về mô hình xoắn ốc, các giai đoạn trong mô hình, những ưu nhược điểm khi áp dụng mô hình này.

Mô hình xoắn ốc là gì?

Mô hình xoắn ốc (Spiral model) là một mô hình vòng đời phát triển phần mềm (SDLC – Software Development Life Cycle). Nó là sự kết hợp giữa các đặc điểm trong mô hình thác nước (Waterfall) và mô hình tiếp cận lặp (Iterative). Mô hình cho phép phát hành và cập nhật sản phẩm theo vòng lặp. Đây là mô hình phù hợp với các dự án lớn và phức tạp.

Mô hình này được Barry Boehm giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1986. Gần đây, mô hình xoắn ốc được coi là một trong những mô hình hàng đầu trong việc phát triển phần mềm. Mô hình này tập trung vào quản lý rủi ro và phát triển phần mềm lặp đi lặp lại.

Các giai đoạn trong mô hình xoắn ốc

Mô hình xoắn ốc gồm 4 giai đoạn chính. Mỗi giai đoạn được thực hiện theo một chu kỳ liên tục, bao gồm: Lên kế hoạch, Phân tích rủi ro, Triển khai kỹ thuật và Đánh giá.

các giai đoạn trong mô hình xoắn ốc

Các giai đoạn trong mô hình xoắn ốc

Lên kế hoạch

Bước đầu tiên bao gồm xác định mục tiêu dự án, rủi ro và những rào cản, vướng mắc còn tồn tại. Giai đoạn lên kế hoạch có mục đích nhằm thấu hiểu kết quả đầu ra mà phần mềm cần đạt được. Ngoài ra, những thách thức có khả năng xảy ra cũng được đề cập ở giai đoạn này.

Lên kế hoạch chi tiết là một đặc trưng trong mô hình này. Ngay cả khi đến bước cuối cùng vẫn phải thay đổi, mô hình này vẫn giúp các nhà phát triển thích ứng và không gây nguy hiểm đến sự thành công của dự án.

Phân tích rủi ro

Trong bước này, đội phát triển phần mềm sẽ đánh giá và ngăn ngừa rủi ro trong dự án. Phân tích rủi ro đóng vai trò rất quan trọng trong mô hình này. Nó giúp xác định các vấn đề hay nguy cơ tiềm ẩn ngay từ đầu trước khi bắt tay vào phát triển phần mềm.

See also  Mô hình chữ V (V model) trong phát triển phần mềm là gì?

Bất kể quy mô dự án có lớn hay nhỏ, việc đánh giá rủi ro là nền tảng cơ bản trong mô hình này. Mọi dự án phát triển phần mềm đều ít nhiều có rủi ro tiềm ẩn. Mô hình xoắn ốc không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro khỏi dự án. Tuy nhiên, thông qua phân tích rủi ro, nó có thể giảm thiểu phần lớn các thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai.

Triển khai kỹ thuật

Giai đoạn triển khai kỹ thuật tập trung vào thiết kế, phát triển và kiểm thử phần mềm. Bước này bao gồm việc liên tiếp tạo mẫu (prototype) và các bản dùng thử. Điều này cho phép nó nhận được phản hồi sớm từ người dùng và điều chỉnh liên tục.

Phản hồi từ khách hàng là một phần tối quan trọng trong giai đoạn triển khai kỹ thuật này. Điều này đúng trong bất kể trường hợp nào dù là thiết kế kiến trúc, thiết kế sản phẩm vật lý, yêu cầu hệ thống hoặc các khía cạnh khác trong dự án. Ý kiến của khách hàng đều là chìa khóa dẫn đến thành công cuối cùng của dự án.

Đánh giá

Giai đoạn đánh giá bao gồm việc xem xét lại tiến độ của dự án cho đến thời điểm hiện tại. Việc này bao gồm đánh giá chính thức tình trạng hiện tại của phần mềm, mức độ tuân thủ mục tiêu dự án và xác định bất kỳ sự thay đổi hay cải tiến cần thiết nào.

Đặc điểm nổi bật nhất trong mô hình quản lý dự án này là tính lặp lại. Sau khi hoàn thành một vòng lặp bao gồm 4 giai đoạn trên, nhóm phát triển sẽ xem xét lại từng giai đoạn. Cùng với đó, họ sẽ kết hợp với phản hồi của khách hàng, thực hiện các điều chỉnh cần thiết và tiến tới vòng lặp tiếp theo.

Mỗi vòng lặp trong mô hình này được coi là một dự án nhỏ. Dựa trên thông tin và kết quả của vòng lặp phía trước, mỗi vòng lặp mới lại có bổ sung các tính năng và cải tiến cần thiết.

Khi nào nên sử dụng mô hình xoắn ốc

  • Mô hình xoắn ốc trong kỹ thuật phần mềm được sử dụng cho các dự án quy mô lớn
  • Khi cần phải phát hành phần mềm thường xuyên
  • Mô hình này được áp dụng cho việc tạo mẫu nhanh
  • Được sử dụng để đánh giá rủi ro và chi phí
  • Mô hình xoắn ốc được sử dụng hiệu quả trong các dự án có độ rủi ro từ trung bình đến cao
  • Khi các yêu cầu dự án không rõ ràng hoặc phức tạp, mô hình này sẽ là lựa chọn thích hợp
  • Do khả năng thích ứng linh hoạt, mô hình này được sử dụng khi các yêu cầu có thể thay đổi bất cứ lúc nào
  • Khi việc cam kết dài hạn với một dự án là không khả thi, mô hình xoắn ốc có thể giải quyết vấn đề này

Ưu và nhược điểm của mô hình xoắn ốc

Ưu điểm

Mỗi mô hình quản lý dự án phát triển phần mềm lại có lợi ích và tác hại riêng. Dưới đây là một vài ưu điểm nổi trội khi sử dụng mô hình quản lý dự án này:

ưu điểm của mô hình xoắn ốc

Ưu điểm của mô hình xoắn ốc

Mô hình xoắn ốc giảm rủi ro mang tính hệ thống

Phân tích rủi ro là một phần không thể thiếu trong mô hình xoắn ốc. Trong suốt vòng đời sản phẩm, các nhà quản lý sản phẩm sẽ phải đánh giá và quản trị rủi ro liên tục. Điều này giúp sản phẩm luôn có chất lượng tốt, ổn định và đáng tin cậy nhất.

See also  Mô hình Waterfall là gì? Ví dụ, ưu nhược điểm và thách thức của mô hình thác nước

Giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường

Mô hình này phân chia sản phẩm thành các khối dự án nhỏ và dễ triển khai. Các nhà quản lý sản phẩm có thể ưu tiên và xác định các tính năng quan trọng nhất để tập trung vào. Thứ tự ưu tiên phụ thuộc vào ý kiến và phản hồi từ phía khách hàng. Điều này cho phép công ty ra mắt các sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP – Minimum Viable Product) một cách nhanh chóng hơn.

Tăng sự hài lòng của khách hàng

Mô hình xoắn ốc cho phép yếu tố khách hàng tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm ngay từ giai đoạn đầu. Điều này khá giống với quy trình trong tư duy thiết kế (design thinking). Nhờ đó, khách hàng có thể quen dần với hệ thống phần mềm thông qua việc sử dụng các phiên bản mới nhất. Bằng cách này, những đóng góp của họ sẽ mang tính hiệu quả hơn trong việc định hình sản phẩm cuối cùng.

Tăng khả năng linh hoạt và thích nghi

Mô hình xoắn ốc cung cấp cách tiếp cận lặp lại và triển khai từng phần cho việc phát triển phần mềm. Các tiếp cận này cho phép gia tăng tính linh hoạt và khả năng thích ứng với các thay đổi trong yêu cầu hoặc các tình huống bất ngờ.

Tăng sự hiệu quả khi phối hợp giữa các bên

Trong mỗi vòng lặp và giai đoạn trong mô hình, các nhà quản lý sản phẩm chủ động lấy ý kiến phản hồi từ các bên liên quan và khách hàng. Sau đó, họ đối chiếu thông tin này với các chỉ tiêu được đặt ra ban đầu. Bằng việc làm điều này thường xuyên, các nhà quản lý sản phẩm có khả năng hợp tác tốt hơn với khách hàng và các bên liên quan. Các sản phẩm được tạo ra sẽ phù hợp với nhu cầu, vấn đề và mong muốn của họ.

Nhược điểm

Dưới đây là một vài hạn chế trong mô hình xoắn ốc:

nhược điểm của mô hình xoắn ốc

Nhược điểm của mô hình xoắn ốc

Phức tạp

Nhược điểm của mô hình này là nó phức tạp hơn bất kỳ mô hình SDLC (mô hình vòng đời phát triển phần mềm) nào khác. Nó bao gồm nhiều vòng lặp trong quy trình phát triển phần mềm.

Đắt đỏ

Mô hình này không phù hợp với các dự án nhỏ với kinh phí thấp bởi nó đòi hỏi một chi phí lớn.

Mô hình xoắn ốc quá phụ thuộc vào quản lý rủi ro

Thành công của dự án phụ thuộc rất nhiều vào việc phân tích rủi ro. Nếu không có sự vào cuộc của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, việc phát triển dự án theo mô hình này sẽ khó có thể thành công. Để thành công, dự án cần có sự tham gia của các chuyên gia phân tích rủi ro giàu kinh nghiệm.

See also  Khóa học Kỹ năng quản lý dự án

Khó quản lý thời gian

Số giai đoạn của dự án này là không thể xác định khi mới bắt đầu dự án. Vì thế, việc đo lường và quản trị thời gian là không hề dễ dàng.

Đòi hỏi nhiều nguồn lực

Mô hình xoắn ốc có thể tiêu tốn của doanh nghiệp nhiều tài nguyên và nguồn lực. Điều này là do mô hình này đòi hỏi việc đầu tư đáng kể vào việc lên kế hoạch, phân tích rủi ro, triển khai và đánh giá.

So sánh mô hình xoắn ốc với các mô hình quản lý dự án khác

Mô hình xoắn ốc và Mô hình Waterfall

Sự khác biệt đáng kể nhất giữa hai mô hình này nằm ở cách quản lý sự thay đổi và quản lý rủi ro. Mô hình Waterfall mặc định rằng các yêu cầu trong dự án sẽ không thay đổi trong suốt quá trình triển khai. Trong khi đó, mô hình xoắn ốc cho rằng sự thay đổi là không thể tránh khỏi và đưa ra các giải pháp để khắc phục vấn đề này.

Mô hình xoắn ốcMô hình Waterfall
  • Quy trình phi tuyến tính, lặp lại theo các giai đoạn, linh hoạt và thay đổi
  • Phù hợp với các dự án có yêu cầu thay đổi liên tục
  • Quy trình tuyến tính, tuần tự, phải hoàn thành giai đoạn trước thì mới chuyển sang giai đoạn tiếp theo
  • Khó khăn trong việc đáp ứng các thay đổi khi một giai đoạn kết thúc

Phương pháp Agile và Mô hình xoắn ốc

Mô hình xoắn ốc và phương pháp Agile có một số đặc điểm tương đồng như việc phát triển lặp lại và coi trọng sự hợp tác với khách hàng. Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt đáng chú ý dưới đây:

Mô hình xoắn ốcPhương pháp Agile
  • Khung thời gian dài hơn
  • Các chu kỳ phát triển ngắn hơn, thường kéo dài từ 2 – 4 tuần
  • Tập trung vào giải quyết các rủi ro và sự không chắc chắn trong tương lai
  • Tập trung vào thực hiện các cải tiến nhỏ, từng phần và điều chỉnh các tính năng nhanh chóng
  • Tập trung hơn vào việc quản lý rủi ro do có giai đoạn phân tích rủi ro chuyên biệt
  • Tập trung hơn vào hợp tác với khách hàng thường xuyên và đáp ứng những yêu cầu thay đổi

Kết luận

Mô hình xoắn ốc (Spiral Model) là lựa chọn thích hợp cho việc quản lý các dự án phát triển phần mềm. Trong đó, quản lý rủi ro là ưu tiên hàng đầu của dự án. Mô hình này cung cấp các phần mềm chất lượng bằng cách xác định rủi ro, phát triển liên tục và nhận phản hồi từ khách hàng. Trong các dự án lớn, mô hình đặc biệt này thường xuyên được sử dụng. Đây là bộ công cụ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc quản lý rủi ro trong các dự án lớn.

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn