Post Views: 182
Last updated on 8 October, 2024
Trong nhiều năm qua, mô hình nhượng quyền thương hiệu đã trở nên phổ biến với cả những chủ doanh nghiệp nhiều năm kinh nghiệm và những doanh nhân trẻ đang khởi nghiệp.
Mô hình nhượng quyền thương hiệu được sử dụng bởi nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau trên nhiều ngành nghề và có một số cách khác nhau để xây dựng một doanh nghiệp nhượng quyền thành công.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu các loại mô hình nhượng quyền thương hiệu phổ biến nhất. Hiểu được sự khác biệt giữa các mô hình này sẽ giúp bạn xác định loại mô hình phù hợp nhất với nhu cầu và mục tiêu kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp mình. Cùng OCD tìm hiểu chi tiết về mô hình kinh doanh này nhé.
Mô hình nhượng quyền thương hiệu là gì?
Khái niệm mô hình nhượng quyền thương hiệu
Mô hình nhượng quyền thương hiệu là hình thức kinh doanh theo giấy phép, theo đó bên nhượng quyền (franchisor) cấp quyền cho bên nhận nhượng quyền (franchisee) được sử dụng thương hiệu của mình để bán các sản phẩm và dịch vụ.
Thông thường, bên nhượng quyền cung cấp cho bên nhận nhượng quyền nhiều nguồn lực, chẳng hạn như quy trình vận hành, đào tạo kiến thức độc quyền, hỗ trợ marketing, bán hàng và quyền sử dụng thương hiệu. Đổi lại những quyền lợi này, bên nhận nhượng quyền phải trả phí bản quyền định kỳ cho bên nhượng quyền.
Ưu, nhược điểm của mô hình nhượng quyền thương hiệu
Giống như bất kỳ mô hình kinh doanh nào, nhượng quyền thương hiệu cũng đi kèm với những lợi ích và thách thức riêng. Điều này áp dụng cho cả bên nhượng quyền (những bên sở hữu thương hiệu nhượng quyền) và bên nhận nhượng quyền (những bên được cấp quyền hoạt động dưới thương hiệu chính).
Với bên nhượng quyền (franchisor)
Ưu điểm
- Tăng trưởng nhanh chóng: Bên nhượng quyền tận dụng nguồn tiền đầu tư, hiểu biết về địa phương và tư duy kinh doanh từ các bên nhận nhượng quyền. Điều này giúp các bên nhượng quyền dễ dàng hơn trong việc sao chép mô hình kinh doanh của họ trên nhiều địa điểm khác nhau so với việc tự mở các đơn vị kinh doanh mới.
- Dễ dàng tiếp cận nguồn vốn: Bên nhận nhượng quyền thường có nghĩa vụ đóng góp một khoản vốn đầu tư ban đầu để mở cửa hàng nhượng quyền mới, giúp giảm thiểu chi phí mở rộng cho bên nhượng quyền.
- Tăng độ nhận diện thương hiệu: Khi bên nhượng quyền mở rộng hoạt động kinh doanh đến các khu vực mới, thương hiệu sẽ được nhiều người biết đến hơn. Khi độ nổi tiếng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu nhượng quyền tăng lên, lợi nhuận cũng sẽ tăng theo.
- Giảm thiểu việc giám sát nhân viên: Bên nhượng quyền thường ủy quyền phần lớn công việc quản lý nhân viên hàng ngày cho các bên nhận nhượng quyền. Điều này cho phép họ tập trung vào các công việc mang tính bao quát hơn, chẳng hạn như marketing cho hệ thống nhượng quyền.
Nhược điểm
- Ít quyền kiểm soát: Bên nhượng quyền phải từ bỏ quyền kiểm soát đáng kể đối với hoạt động kinh doanh hàng ngày của các cửa hàng nhượng quyền. Mặc dù các bên nhượng quyền thường đưa ra các quy định nghiêm ngặt về cách thức vận hành cửa hàng nhượng quyền, nhưng đôi khi vẫn xảy ra sai sót. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của thương hiệu.
- Chi phí setup: Để mở rộng thương hiệu sang một địa điểm mới, bên nhượng quyền cần phải bỏ ra nhiều thời gian và nguồn lực. Các chi phí bao gồm: phí luật sư thẩm định hợp đồng nhượng quyền, chi phí tư vấn và đôi khi bao gồm cả vốn góp.
- Chi phí hỗ trợ: Bên nhượng quyền thông thường cũng phải chi trả các khoản liên quan đến việc cung cấp đào tạo, hỗ trợ và marketing liên tục cho các bên nhận nhượng quyền. Các hỗ trợ này có thể bao gồm: SEO (Tối ưu hóa , PPC (quảng cáo trả phí),…
- Tuyển chọn các bên nhận nhượng quyền: Bên nhượng quyền chịu trách nhiệm thẩm định và lựa chọn các bên nhận nhượng quyền tham gia vào hệ thống của họ. Việc lựa chọn sai lầm trong quá trình tuyển chọn có thể gây tổn hại nặng nề đến thương hiệu.
Với bên nhận nhượng quyền (franchisee)
Ưu điểm
- Mô hình kinh doanh sẵn có: Bên nhượng quyền cung cấp cho các bên nhận quyền một công thức kinh doanh đã được kiểm chứng để đảm bảo sự thành công, giúp giảm bớt khó khăn trong việc xây dựng doanh nghiệp mới.
- Uy tín thương hiệu: Bên nhận nhượng quyền được hưởng lợi từ uy tín thương hiệu đã được xây dựng từ bên nhượng quyền, giúp họ tiếp cận ngay lập tức với một lượng lớn khách hàng hiện có của thương hiệu.
- Hỗ trợ liên tục: Các bên nhận nhượng quyền thường xuyên nhận được sự hỗ trợ và đào tạo liên tục từ bên nhượng quyền để giúp họ vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn. Điều này có thể bao gồm hướng dẫn về quản lý chuỗi cung ứng, hỗ trợ marketing và IT.
- Độc quyền tại một khu vực: Các bên nhận nhượng quyền thường được cấp quyền độc quyền hoạt động tại một khu vực địa lý nhất định. Điều này cho phép họ tập trung để kinh doanh trong khu vực của mình mà không cần lo về sự cạnh tranh từ các cửa hàng nhượng quyền khác cùng thương hiệu.
Nhược điểm
- Vốn đầu tư ban đầu: Các bên nhận nhượng quyền thường phải đầu tư khoản vốn đáng kể để tham gia vào hệ thống nhượng quyền. Khoản đầu tư này bao gồm phí nhượng quyền, chi phí mua trang thiết bị và các chi phí hoạt động ban đầu.
- Phí bản quyền: Bên nhận nhượng quyền thường có nghĩa vụ trả phí bản quyền cho bên nhượng quyền, được tính toán dựa trên một tỷ lệ phần trăm doanh thu của họ. Điều này có thể ảnh hưởng đến dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Hạn chế kiểm soát: So với việc điều hành một công ty hoàn toàn độc lập, các bên nhận nhượng quyền thường có ít quyền tự chủ hơn đối với các quyết định kinh doanh của mình. Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và tiêu chuẩn của bên nhượng quyền. Điều này có thể hạn chế khả năng sáng tạo hay đột phá trong doanh nghiệp.
- Sự giám sát từ bên nhượng quyền: Bên nhận nhượng quyền đôi khi cảm thấy rằng bên nhượng quyền đang giám sát hoạt động kinh doanh của họ quá mức, gây ra áp lực không cần thiết để đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn của hệ thống.
Ví dụ về mô hình nhượng quyền thành công: Sự trỗi dậy của Mixue tại Việt Nam
Mixue – thương hiệu trà sữa và kem đến từ Trung Quốc – đã tạo nên một cơn sốt thực sự tại thị trường Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn. Sự thành công của Mixue không chỉ nằm ở sản phẩm ngon, giá rẻ mà còn ở chiến lược nhượng quyền thông minh và phù hợp với thị trường.
Những yếu tố giúp Mixue thành công với mô hình nhượng quyền thương hiệu:
Sản phẩm
- Đơn giản, chất lượng: Menu của Mixue tập trung vào các sản phẩm cơ bản như trà sữa, kem, trà trái cây với chất lượng ổn định và hương vị dễ uống.
- Giá cả phải chăng: Mixue định vị mình là thương hiệu bình dân, phù hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng.
Mô hình nhượng quyền
- Dễ tiếp cận: Quy trình nhượng quyền của Mixue tương đối đơn giản, ít rào cản, thu hút được nhiều nhà đầu tư.
- Hỗ trợ toàn diện: Bên cạnh việc cung cấp nguyên liệu, công thức, Mixue còn hỗ trợ các đối tác trong việc thiết kế cửa hàng, đào tạo nhân viên, marketing…
- Linh hoạt: Mô hình cửa hàng đa dạng, từ cửa hàng nhỏ đến cửa hàng lớn, phù hợp với nhiều vị trí và đối tượng khách hàng.
Chiến lược marketing
- Tiếp thị lan tỏa: Mixue tận dụng hiệu quả mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, để tạo ra những trào lưu, thử thách thu hút giới trẻ.
- Giá cả cạnh tranh: Các chương trình khuyến mãi, combo hấp dẫn giúp thu hút khách hàng và tăng doanh số.
- Vị trí đắc địa: Các cửa hàng Mixue thường được mở tại những vị trí đông dân cư, gần trường học, khu công nghiệp…
Văn hóa doanh nghiệp
- Tập trung vào khách hàng: Luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng và không ngừng cải tiến sản phẩm, dịch vụ.
- Đội ngũ nhân viên nhiệt tình: Nhân viên Mixue được đào tạo bài bản, luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng với thái độ thân thiện.
Các loại mô hình nhượng quyền thương hiệu
Sau khi tìm hiểu những ưu nhược điểm của mô hình nhượng quyền thương hiệu nói chung, hãy cùng xem xét các mô hình cụ thể:
Nhượng quyền mô hình kinh doanh
Trong mô hình này, các bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền bán các sản phẩm và dịch vụ theo tên thương hiệu nhượng quyền. Bên nhận nhượng quyền sao chép mọi yếu tố của doanh nghiệp bên nhượng quyền, từ quy trình vận hành đến tiêu chuẩn dịch vụ khách hàng và chiến lược marketing cho toàn hệ thống.
Ưu điểm
- Mô hình kinh doanh đã được kiểm nghiệm: Bên nhượng quyền có thể nhân rộng mô hình kinh doanh thành công của họ trên nhiều địa điểm. Điều này cho phép các bên nhận nhượng quyền nhanh chóng đi vào hoạt động với ít khó khăn trong giai đoạn phát triển ban đầu.
- Hỗ trợ vận hành: Các bên nhận quyền nhận được sự hỗ trợ và đào tạo liên tục từ các bên nhượng quyền, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn dịch vụ khách hàng luôn đồng nhất trên toàn hệ thống nhượng quyền.
- Lợi thế kinh tế theo quy mô: Bên nhượng quyền có thể mở rộng hoạt động kinh doanh sang các khu vực mới mà không cần đầu tư vốn đáng kể, trong khi các bên nhận nhượng quyền có thể hưởng lợi từ việc tiết kiệm chi phí nhờ việc mua hàng với số lượng lớn của bên nhượng quyền.
Nhược điểm
- Chi phí ban đầu: Các bên nhận nhượng quyền phải đối mặt với các khoản chi phí ban đầu đáng kể, bao gồm phí nhượng quyền. Bên nhượng quyền sẽ chịu trách nhiệm chi trả các chi phí đào tạo và hỗ trợ cho các bên nhận nhượng quyền mới.
- Phí định kỳ: Các bên nhận nhượng quyền phải trả phí bản quyền thường xuyên cho bên nhượng quyền, có thể là một khoản phí cố định hoặc một tỷ lệ phần trăm thay đổi trên tổng doanh số bán hàng. Bên nhượng quyền phụ thuộc vào các khoản phí bản quyền này, đôi khi số tiền này có thể không đủ để hỗ trợ toàn bộ hệ thống nhượng quyền.
- Hạn chế sự kiểm soát: Bên nhận nhượng quyền có ít quyền hạn trong việc định hướng hoạt động kinh doanh của mình. Trong khi đó, bên nhượng quyền có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo tính đồng bộ trên toàn hệ thống nhượng quyền.
Nhượng quyền phân phối sản phẩm
Theo mô hình này, bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền bán các sản phẩm của họ trong một khu vực địa lý nhất định. Bên nhận nhượng quyền hoạt động dưới tên thương hiệu riêng của họ và tự đưa ra quyết định cho hầu hết các vấn đề kinh doanh.
Ưu điểm
- Danh mục sản phẩm đã có sẵn: Bên nhận nhượng quyền được bán các sản phẩm đã được kiểm chứng về nhu cầu trên thị trường, loại bỏ khó khăn khi phải tự phát triển sản phẩm của riêng họ. Bên nhượng quyền sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực bằng cách nhờ các bên nhận nhượng quyền phân phối sản phẩm đến người dùng cuối thay cho họ.
- Quyền độc quyền: Các bên nhận nhượng quyền thường được cấp sự độc quyền để bán và phân phối sản phẩm trong một khu vực nhất định, do đó giảm bớt sự cạnh tranh trên thị trường.
- Tiết kiệm chi phí marketing: Các bên nhận nhượng quyền có thể tiết kiệm chi phí marketing vì các bên nhượng quyền thường thực hiện các chiến dịch marketing ở cấp vùng và toàn quốc để đảm bảo định vị thương hiệu thống nhất trên toàn hệ thống.
Nhược điểm
- Phụ thuộc vào sản phẩm: Bên nhận nhượng quyền không thể kiểm soát chất lượng cơ bản của các sản phẩm do bên nhượng quyền cung cấp. Nếu tiêu chuẩn sản phẩm giảm, chi phí sản xuất tăng hoặc một đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện, doanh số bán hàng của bên nhận quyền có thể giảm. Bên nhượng quyền phải liên tục đầu tư vào phát triển sản phẩm và kiểm soát chất lượng để duy trì lợi thế cạnh tranh.
- Độc quyền theo vùng: Độc quyền theo vùng có thể hạn chế khả năng mở rộng của bên nhận nhượng quyền nếu nó ngăn cản họ đáp ứng nhu cầu về sản phẩm bên ngoài lãnh thổ được chỉ định. Bên nhượng quyền cần phải thường xuyên đánh giá lại tính hợp lý của các ranh giới lãnh thổ đã được thiết lập sẵn.
- Vấn đề về phí bản quyền: Bên nhận nhượng quyền có thể cảm thấy phí bản quyền làm giảm biên lợi nhuận của họ và quá cao so với các dịch vụ hỗ trợ mà họ nhận được. Bên nhượng quyền cần phải cân bằng giữa việc duy trì lợi nhuận ổn định và xây dựng mối quan hệ tích cực với các bên nhận nhượng quyền.
Nhượng quyền sản xuất
Mô hình này cho phép bên nhận quyền nhượng quyền sản xuất và phân phối các sản phẩm của bên nhượng quyền theo quy trình đã được thiết lập sẵn.
Ưu điểm
- Tính nhất quán của sản phẩm: Bên nhận nhượng quyền phải tuân theo các hướng dẫn sản xuất chi tiết do bên nhượng quyền cung cấp để giảm thiểu những chênh lệch về chất lượng sản phẩm.
- Tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô: Bên nhận nhượng quyền có thể được hưởng lợi từ việc bên nhượng quyền có khả năng mua nguyên vật liệu số lượng lớn. Việc này giúp tiết kiệm chi phí, từ đó khuyến khích các bên nhận quyền đầu tư vào các cửa hàng nhượng quyền mới, do đó làm tăng tổng doanh thu của bên nhượng quyền.
- Hỗ trợ liên tục: Thông thường, bên nhượng quyền sẽ cung cấp cho bên nhận nhượng quyền hướng dẫn về các khía cạnh khác nhau của quy trình sản xuất, bao gồm quản lý chuỗi cung ứng, quản lý hàng tồn kho và lên lịch sản xuất.
Nhược điểm
- Mức độ phức tạp của sản xuất: Bên nhận nhượng quyền cần nhanh chóng nắm vững các quy trình và tiêu chuẩn sản xuất phức tạp do bên nhượng quyền đặt ra. Bên nhượng quyền có thể cần đưa ra các chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp bên nhận quyền vượt qua những thách thức trong sản xuất và đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
- Khó khăn trong chuỗi cung ứng: Các bên nhận nhượng quyền và bên nhượng quyền đều có thể phải đối mặt với những thách thức đáng kể nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
- Vấn đề kiểm soát chất lượng: Bên nhượng quyền phải phát triển các biện pháp kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt để đảm bảo các bên nhận nhượng quyền tuân thủ chặt chẽ theo quy định.
Đại lý nhượng quyền độc quyền
Trong mô hình này, các bên nhận nhượng quyền sẽ trở thành “đại lý nhượng quyền độc quyền” (master franchisees), hoạt động như các bên nhượng quyền phụ thay mặt cho bên nhượng quyền chính. Điều này có nghĩa là họ sẽ phát triển và quản lý các bên nhận nhượng quyền phụ của riêng mình trong một khu vực nhất định.
Ưu điểm
Tăng trưởng thần tốc: Các bên nhượng quyền có thể mở rộng mạng lưới của mình đến các địa điểm mới nhanh hơn bằng cách tận dụng nguồn vốn đầu tư và kiến thức địa phương của đại lý nhượng quyền độc quyền.
Giảm trách nhiệm của bên nhượng quyền: Đại lý nhượng quyền độc quyền sẽ đảm nhận hầu hết các nhiệm vụ vận hành của các bên nhận nhượng quyền phụ của họ, bao gồm đào tạo, tuyển dụng và quản lý chuỗi cung ứng. Điều này cho phép bên nhượng quyền chính tập trung nhiều hơn vào các hoạt động bao quát hơn tác động trực tiếp đến toàn bộ hệ thống nhượng quyền.
Đa dạng hóa nguồn thu nhập: Đại lý nhượng quyền độc quyền sẽ nhận tiền bản quyền từ các bên nhận nhượng quyền phụ của họ. Bên nhượng quyền chính sẽ nhận được phí từ việc cấp quyền cho đại lý nhượng quyền độc quyền, cộng thêm một phần tiền bản quyền từ các bên nhận nhượng quyền phụ.
Nhược điểm
Tăng độ phức tạp: Các bên nhượng quyền chính cần phải giám sát nhiều đại lý nhượng quyền độc quyền, những bên này lại phải quản lý mạng lưới các bên nhận nhượng quyền phụ của họ. Cấu trúc nhiều tầng này có thể dẫn đến một số khó khăn trong hoạt động quản lý.
Khó khăn trong giao tiếp: Đại lý nhượng quyền độc quyền thường phân bố rộng khắp trên các vùng địa lý rộng lớn. Điều này có thể gây khó khăn cho việc trao đổi thông tin suôn sẻ giữa bên nhượng quyền chính, đại lý nhượng quyền độc quyền và các bên nhận nhượng quyền phụ.
Vấn đề quản lý chất lượng: Đại lý nhượng quyền độc quyền có trách nhiệm đảm bảo các bên nhận nhượng quyền phụ tuân thủ theo các tiêu chuẩn và quy trình nghiêm ngặt của bên nhượng quyền chính. Vì thế, các bên nhượng quyền chính cần phải cẩn thận lựa chọn các đại lý nhượng quyền độc quyền có năng lực đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về quản lý.
Nhượng quyền đầu tư
Trong mô hình này, các nhà đầu tư sẽ cung cấp vốn cần thiết để thành lập hoặc mua lại một cơ sở nhượng quyền. Đổi lại, các nhà đầu tư sẽ nhận được một phần lợi nhuận từ cơ sở nhượng quyền. Thông thường, các nhà đầu tư không tham gia vào việc điều hành trực tiếp hoạt động kinh doanh hàng ngày của cơ sở nhượng quyền.
Ưu điểm
Đầu tư bằng cách rót vốn: Các nhà đầu tư nhượng quyền có quyền đồng hành cùng một thương hiệu đã có uy tín trên thị trường mà không cần phải tự mình khởi nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhượng quyền có thêm vốn để mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Chia sẻ rủi ro: Các bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền thường chia sẻ trách nhiệm tài chính, giúp giảm thiểu rủi ro và nghĩa vụ pháp lý cho cả hai bên.
Thu nhập ổn định: Các nhà đầu tư nhượng quyền có thể tạo ra dòng doanh thu ổn định bằng việc đầu tư vào các cơ sở nhượng quyền mà không cần tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, các bên nhượng quyền nhận được một khoản phí từ những nhà đầu tư đó.
Nhược điểm
Chia sẻ tiền bản quyền: Cả nhà đầu tư và bên nhượng quyền đều nhận được một phần lợi nhuận từ doanh thu của cơ sở nhượng quyền. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận kỳ vọng của cả hai bên.
Khó khăn khi lựa chọn: Trước khi đầu tư, các bên nhận nhượng quyền cần phải đánh giá kỹ về thành tích hoạt động của bên nhượng quyền. Ngược lại, các bên nhượng quyền cần đảm bảo rằng các bên nhận nhượng quyền có đủ nguồn lực tài chính và chia sẻ các giá trị, tầm nhìn thương hiệu với họ.
Quản trị mối quan hệ: Các bên nhượng quyền, nhà đầu tư nhượng quyền và các bên nhận nhượng quyền có thể gặp khó khăn trong việc quản lý hiệu quả các kỳ vọng và yêu cầu của nhau. Thành công phụ thuộc vào việc thiết lập một hệ thống giao tiếp rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm giữa tất cả các bên.
Tạm kết
Mô hình nhượng quyền thương hiệu có thể là một chiến lược kinh doanh hiệu quả cho các cá nhân và doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, trước khi quyết định tham gia vào mô hình kinh doanh nhượng quyền, việc cân nhắc kỹ lưỡng những lợi ích và hạn chế của các loại mô hình khác nhau là điều cần thiết.
Những phân tích chi tiết về các mô hình nhượng quyền ở trên có thể giúp bạn cân nhắc các lựa chọn và đưa ra quyết định phù hợp với mục tiêu kinh doanh của riêng mình. Dĩ nhiên, bất kể bạn chọn mô hình nào, bạn cũng cần một chiến lược marketing được xây dựng thật tốt để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Đọc thêm: Điểm danh 30 mô hình kinh doanh khởi nghiệp bạn cần biết
Có liên quan
You must be logged in to post a comment.