Last updated on 24 May, 2024
Tại các nước phương Tây, trò chơi kinh doanh (Business simulation) là một phương thức đào tạo phổ biến ở các trường đại học và trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, trò chơi nhập vai được xem là một trong những cách thức hiệu quả thường được sử dụng để đào tạo kinh doanh cho nhà quản lý.
Table of Contents
ToggleTrò chơi nhập vai là một dạng của trò chơi kinh doanh. Đây là mô hình mà người chơi được đặt vào một tình thế cụ thể nào đó trong kinh doanh. Mỗi người chơi đại diện cho những vị trí, quyền lợi khác nhau (CEO, nhà đầu tư, hội đồng quản trị, khách hàng,…), và đều có mục đích là phải giải quyết vấn đề của mình. Qua đó, các nhà quản lý tranh tài về nghệ thuật quản trị. Mục tiêu chính của những người tham gia là chứng tỏ và mãi giũa sự khéo léo trong quản trị của mình
Về bản chất, trò chơi nhập vai không giống như bất cứ một phương pháp đào tạo kinh doanh nào khác. Thông thường, việc đào tạo bao giờ cũng bắt đầu từ lý thuyết sau đó là cách ứng dụng trong thực tế. Còn ở đây, kiến thức, kỹ năng được các thành viên tham gia trò chơi nắm bắt gần như đồng thời. Ngoài ra, người hướng dẫn bằng những cách đặc biệt đã tạo ra một trạng thái tinh thần thích hợp ở những người tham gia,một không khí vui vẻ, thân thiện cũng khiến quá trình học trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Trò chơi nhập vai thường được chia thành hai hiệp đối đầu quản trị tay đôi. Người chơi – những nhà quản lý, sẽ được phân một vai diễn ngẫu nhiên, trong một hoàn cảnh cụ thể, và có thể không liên quan đến chuyên ngành của họ. Có thể là vai trò một nhân viên, hoặc chủ nhân công, hay một chuyên viên chăm sóc khách hàng,.. để tiến hành một cuộc thương lượng nào đó.Hãy cùng xem một ví dụ hài hước khi hai nhân viên điều hành cấp cao của ngân hàng đóng vai “bác sĩ trưởng” với “giám đốc điều hành” tại một bệnh viện tư.
“ – Bệnh nhân đòi phải trả lại tiền thuốc mà anh ta đã mua của chúng ta. – Bác sĩ trưởng nhỏ nhẹ giải thích với vị giám đốc. – Khó có thể thay đổi được tình thế. Tôi nghĩ, cần phải trả lại tiền.
– Chị không dẫn anh ta đến gặp bác sĩ tâm thần à? – Vị giám đốc bất ngờ hỏi. – Chắc đối với anh ta cũng không còn điều gì tồi tệ hơn nữa đâu. Tôi học về kỹ thuật vì vậy tiếp cận con người một cách hệ thống. Nếu không thể tồi hơn, mà cũng không thể tốt hơn, có nghĩa ở đây chẳng có gì sai lầm cả.”
Trò chơi nhập vai thường diễn ra nhanh gọn, chỉ 8 phút. Trong vòng 4 phút đầu của hiệp một, người tham gia phải đưa cuộc đàm phán với chủ đề cho trước đạt được một kết quả nào đó. Hiệp hai, 4 phút tiếp theo, hai đối thủ đổi vai trò cho nhau. Cuối cùng, các trọng tài sẽ đánh giá kết quả.
Đầu tiên, như mọi trò chơi kinh doanh khác, ưu điểm của trò chơi nhập vai nằm ở chỗ nó cho phép đánh giá toàn diện các phương án giải quyết mọi vấn đề trong quản trị kinh doanh. Hơn nữa, nếu như trong đời thực, bất cứ một bước đi sai lầm nào cũng đều phải trả giá bằng tiền bạc. Thì trong trò chơi, các nhà quản lý sẽ không bị bất cứ áp lực nào đe dọa, như mất khách hàng, tổn hại về tài chính hoặc bị các đối thủ cạnh tranh phản công lại. Ngoài ra, trò chơi nhập vai nhanh gọn, còn mang lại trạng thái tinh thần hưng phấn, vui vẻ cho người tham gia.
Tiếp theo, hai hiệp đối đầu quản trị tay đôi của trò chơi nhập vai có thể chỉ ra nhanh chóng những sai lầm trong phong cách và thói quen quản lý của người tham gia. Còn ở thực tế công việc, thật khó để đánh giá những điều này một cách khách quan. Và càng khó khăn hơn để phản bác “hòa bình” những quyết định sai lầm của nhà quản lý.
Cuối cùng, tham gia trò chơi nhập vai, người chơi sẽ có cơ hội độc nhất vô nhị đặt mình vào một tình thế cụ thể với một vai trò hoàn toàn khác. Điều đó mang họ đến một góc nhìn mới, để có những suy nghĩ mới. Cùng lúc đó, các trọng tài quan sát và đánh giá những phương án hành động của họ. Bởi vậy, mà trò chơi nhập vai không chỉ là cơ hội để chứng tỏ và mài giũa sự khéo léo trong nghệ thuật quản trị. Mà còn là thời điểm quý giá cho những nhà quản trị có thể học hỏi, đổi mới tư duy, được lắng nghe những nhận xét, đánh giá khách quan nhất về tác phong và những quyết định trong quản lý doanh nghiệp
Nguồn: Công ty Tư vấn Quản lý OCD
Tham khảo bài viết
Lợi ích từ các chương trình đào tạo quản lý cho doanh nghiệp
6 câu hỏi thường gặp về các chương trình đào tạo quản lý