Tốc độ không giới hạn của ông Phạm Nhật Vượng

KPI và BSC – 4 sai lầm phổ biến khi hiểu và áp dụng
29 November, 2018
Truyền thông: yếu tố then chốt trong triển khai KPI
29 November, 2018
5/5 - (1 vote)

Last updated on 23 October, 2024

Cũng giống như các tỉ phú nổi tiếng thế giới như Carlos Slim, Warren Buffett, Donald Trump…, chưa bao giờ ông Vượng làm việc bằng máy tính. Chủ tịch Vingroup có một thói quen lạ: Tất cả tài liệu cấp dưới trình ông đọc, đều phải được in thành văn bản. Muốn chỉnh sửa, phê duyệt gì, ông sẽ trực tiếp dùng bút trên giấy. Chỉ đạo của ông cũng được viết ra giấy rồi thư ký sẽ gõ và chuyển email đi các nơi. Mặc dù vậy, tốc độ giải quyết công việc của ông nhanh đến kinh ngạc, và trí nhớ của ông không khác gì một chiếc máy tính.

Tư duy và tốc độ của “người đàn ông không máy tính” ấy, đã trở thành động cơ phản lực giúp guồng máy 55.000 nhân viên chạy vượt qua chính mình, và tốc độ của VinFast, của Landmark 81, của Vinpeal Land, của Vinmec, của Royal city… là những minh chứng sinh động nhất.

Khi hai chiếc xe VinFast xuất hiện tại Paris Motor Show, giữa cơn bão kinh ngạc và thán phục của truyền thông thế giới về chàng lính mới, có một đánh giá ngắn ngọn nhưng lại nói lên được tầm vóc, tốc độ của ông Vượng và Vingroup. Cây viết Safet Satara đã kêu lên trên tạp chí ô tô danh tiếng Top Speed (Mỹ): “Ban đầu, cụm từ “Ô tô sản xuất bởi công ty Việt Nam” nghe có vẻ giống như một câu đùa. Không ai tin vào chuyện đó cả. Nhưng hiện tại đã khác”. 

Dù đã làm việc cho đế chế ô tô khổng lồ General Motors (GM) tới 37 năm, giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi sản xuất toàn cầu, quản lý hơn 200.000 nhân viên, kỹ sư tại 171 chi nhánh thuộc 31 quốc gia, nhưng chắc chắn ông James B.DeLuca – TGĐ VinFast – cũng kinh ngạc giống như Safet Satara, khi được ông Vượng chốt KPI hóc búa về tốc độ. Ông James B.DeLuca cùng cộng sự chỉ có quỹ thời gian là 9 tháng để ra lò chiếc xe đầu tiên dự triển lãm tại Paris, dù ông đã trình bày với ông Vượng rằng ngay cả đối với các hãng hàng đầu thế giới, việc sản xuất ra một chiếc ô tô mới, phải sẽ phải mất từ 36 đến 60 tháng. Với cú đẩy bạo liệt của ông Vượng, B.DeLuca cùng cộng sự đã phải xỏ giày chạy nước rút như bước chạy của “tia chớp” Usail Bolt. Phó TGĐ Vinfast Võ Quang Huệ, người có 25 năm đầu quân cho ông lớn BMW, 11 năm là lãnh đạo ở Bosch, gọi cuộc chạy nước rút này là “một kỷ lục thế giới”.

“Tạo ra một sản phẩm trong một thời gian ngắn như vậy thực sự là khó có thể tin được. Nó đúng như những gì tôi biết về VinFast – là một sự “thần kỳ” đến từ Việt Nam” – siêu sao David Beckham đã nói như vậy khi đứng cạnh hoa hậu Trần Tiểu Vy và 2 chiếc xe thu hút mọi ánh nhìn và ánh đèn flash tại Paris. Sau khi Beckham “thả tim” cho VinFast thì bức ảnh anh chụp bên VinFast trên tài khoản mạng xã hội của anh, cũng nhận được hơn 1.000.000 lượt thả tim.

“Sự thần kỳ đến từ Việt Nam” ấy, cũng khiến tốc độ kích chuột và bật ti vi của công chúng nhanh chưa từng có. Chưa khi nào sự kiện ra mắt sản phẩm mẫu lại có thể đạt kỷ lục 8 triệu người theo dõi trực tiếp; 500 triệu người tiếp cận sự kiện VinFast kể từ ngày 2.10.2018. Chắc chắn đây sẽ là tốc độ và kỷ lục vô tiền khoáng hậu còn rất lâu mới bị xô đổ, ít nhất là ở Việt Nam.

Có một chi tiết rất thú vị trong Paris Motor Show, đó là gian hàng của chú lính chì VinFast nằm giữa gian hàng của Ferrari và Kia. VinFast thì sơ sinh, trong khi Kia Motors thượng thọ 74 tuổi, còn Ferrari đã ở tuổi đại thọ 89.   Kia là hãng xe lớn thứ hai ở Hàn Quốc – một đất nước có nền công nghiệp chế tạo ô tô đang trỗi dậy với tốc độ đáng kể. Ferrari, dĩ nhiên, chuyên cung cấp những chiếc xe đua nhanh nhất thế giới. Đó là hãng xe của tốc độ. Nhưng từ nay, cả hai ông lớn này, chắc chắn sẽ không thể coi thường tốc độ không tưởng của chàng lính mới VinFast.

Tháng 8/1993, ông Vượng trực tiếp cầm lái, cùng 3 cộng sự ngồi trên chiếc Lada đời thứ 7 màu đỏ, hành quân liên tục 9 tiếng đồng hồ, vượt gần 800km từ Moscow xuống Kharkov. Đó là một hành trình không dài về km, nhưng lại rất dài đối với một người vừa tốt nghiệp đại học, tìm hướng rẽ bước ngoặt trong cuộc đời kinh doanh của mình. Đó là một hành trình ngược từ thành thị về vùng quê.

See also  Thách thức của ngành nhân sự (HR) trong cách mạng công nghiệp 4.0

25 năm sau, ông Vượng cầm lái cả cỗ xe nhiều tỉ đô Vingroup và chiếc xe vừa ra lò VinFast phải vượt một hành trình dài hơn nhiều. Đó không chỉ là quãng đường từ Hà Nội đến Paris (nơi có Paris Motor Show), mà còn là hành trình dài từ ao làng ra biển lớn, hành trình mang lá cờ Việt Nam lần đầu tiên cắm trên bản đồ công nghiệp chế tạo ô tô thế giới. Dù không phải xe đua giống Ferrari, nhưng với động cơ mua bản quyền của BMW, tốc độ tối đa của xe VinFast ghi trên bảng tablo cũng sẽ lên tới hàng trăm km/h. Nhưng người cầm lái – ông Phạm Nhật Vượng và trợ thủ  – lại chứng minh rằng họ có thể đi nhanh hơn thế rất nhiều. Đó chính là tốc độ chinh phục, bứt phá, bật vọt chưa từng thấy của người Việt trên sân chơi toàn cầu. Tốc độ ấy, khát vọng bứt tốc ấy, không chỉ thể hiện ở VinFast mà nó trở thành một trong những nét tính cách nổi bật của ông Vượng và cộng sự.

Trong 6 giá trị cốt lõi gây ấn tượng lớn của Vingroup (Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân), chữ Tốc đóng một vai trò quan trọng với thành công của tập đoàn tư nhân số 1 này. Động cơ phản lực chính của cỗ máy tốc độ ấy, không ai khác, chính là tỉ phú đô la sinh năm 1968.

Tháng 7/2018, dù được hoàn thành với thời gian ngắn kỷ lục so với chuẩn xây dựng Việt Nam, nhưng tiến độ thực hiện tòa nhà cao thứ 8 thế giới –  Landmark 81 – vẫn bị tỉ phú Phạm Nhật Vượng chê… chậm. Ông Phạm Nhật Vượng đã đưa ra một so sánh bất ngờ: “Năm 1931, Mỹ đã xây tòa nhà 101 tầng trong hơn 450 ngày. Thời đó công nghệ như vậy mà người ta xây được, bây giờ Vingroup xây tòa 81 tầng cũng phải mất hơn 2 năm, như vậy không phải là nhanh”.

Lấy cường quốc số 1 để so bì về tốc độ, ông Vượng đã biểu lộ rõ khát khao và quyết tâm về tốc độ – điều khiến chiến tướng VinFast Võ Quang Huệ đã phải thốt lên: “Anh Vượng là lãnh đạo của không giới hạn, luôn đẩy giới hạn của những người làm việc chung quanh anh ra xa… Hợp đồng vừa ký xong, anh thúc tiến độ… Tất cả nghệ thuật, trí tuệ, suy nghĩ luôn luôn giúp đội ngũ phải vượt giới hạn chính mình”. 

Dù bị ông chủ “chê” về tiến độ, nhưng ở Việt Nam, tòa Landmark 81 đã vượt qua mọi giới hạn về tốc độ trong xây dựng. Chưa có một tập đoàn xây dựng nào của Việt Nam, trước đó từng đảm nhận thi công những tòa nhà siêu cao tầng, nhưng ở Landmart 81, ông Phạm Nhật Vượng đã dũng cảm giao cho một công ty trong nước: Coteccons. Nếu xét năng lực quá khứ, Coteccons, không thể cạnh tranh với hai nhà thầu tên tuổi của Hàn Quốc là Lotte và SsangYong, vì Coteccons mới chỉ có kinh nghiệm và giải pháp xây từ tầng 60 trở xuống. Nhưng cú điện thoại bất ngờ của ông Phạm Nhật Vượng gọi ông Nguyễn Bá Dương, chủ tịch Coteccons, đã thay đổi tất cả. Cú phone ấy, sau này không chỉ tặng cho Coteccons những trang đẹp nhất trong hồ sơ năng lực, mà còn giúp người Việt lần đầu tiên ghi danh vào lịch sử xây dựng những siêu công trình của thế giới. Nhưng đó cũng là cú điện thoại tạo áp lực nặng nề nhất từ trước tới nay của Coteccons, vì nhà thầu này không chỉ nhận trọng trách xây dựng một công trình tầm vóc chưa từng có, mà còn phải thi công với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử xây dựng Việt Nam.

Còn nhớ, thời điểm 2007, sau 1 năm khởi công, tập đoàn Hàn Quốc Keangnam, chủ đầu tư dự án tòa nhà sẽ cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ – Landmark 72 – đã bị thách thức “treo thưởng 100 tỉ đồng để công trình về đích đúng tiến độ cam kết”. Thế nhưng, nhiệm vụ đó vẫn là bất khả thi với tập đoàn có tuổi đời gần 60 năm, đã từng là công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc. Tòa Landmark 72 chỉ được hoàn thành sau gần 5 năm thi công ròng rã, trễ hẹn gần 2 năm so với tiến độ công bố. Việc thi công  Landmark 81 đã gặp rất nhiều thử thách lớn, nhưng họ đều đã vượt qua: “Sài Gòn mùa mưa, giông lốc như vậy, nhưng nhiều tấm kính cao 6m rộng 3m được kéo lên độ cao khủng khiếp, mà vẫn đảm bảo an toàn. Đấy là một kỳ tích trong xây dựng” – ông Vượng nhớ lại.

See also  Xu hướng ứng dụng công nghệ trong quản trị nguồn nhân lực

Ở Việt Nam, tốc độ và chất lượng thường tỉ lệ nghịch với nhau. Không ít trường hợp tốc độ rùa mà chất lượng vẫn nham nhở. Khi Vingroup xuất hiện, bài toán khó này đã có lời giải. “Có thể nói chất lượng và tốc độ (đến một ngưỡng nào đó có thể ảnh hưởng lẫn nhau) nhưng về cơ bản không liên quan. Vấn đề là tổ chức, kiểm soát như thế nào, giải quyết những vướng mắc để nó chạy được” – ông Vượng lý giải. Ông Vượng cũng đã chứng minh cho nhân viên câu chuyện nhanh và chất lượng có thể “kết hôn” với nhau như thế nào. Đó là khi Vingroup xây khách sạn 5 sao có tới gần 1.000 phòng khách sạn và biệt thự ở đảo thuộc Nha Trang, trên nền nửa đất nửa biển, phải phá đá nổ mìn tạo mặt bằng. Thế mà tổng thời gian chỉ hết có 7 tháng và không ai phàn nàn về chất lượng. Trong khi đó có những khách sạn chỉ 500 phòng nhưng phải xây tới 18 – 24 tháng, sau đó vẫn phải sửa chữa lỗi.

Mai Thu Thủy – Giám đốc Nhân sự, đào tạo VinMart – kể lại câu chuyện khiến chị muốn loạn nhịp tim, khi còn làm lãnh đạo ở Vinpearl. Tháng 3/2006, nhà báo Lại Văn Sâm và Tổng biên tập Báo Tiền phong Dương Xuân Nam hành quân tới Vinpeal Land khảo sát địa điểm tổ chức chung kết thi Hoa hậu.“Anh Vượng trực tiếp đưa hai nhà báo đi thăm thực địa. Khi thấy anh Vượng đứng chỉ tay xuống… biển, say sưa nói chỗ này là nhà hội nghị, chỗ kia là sân khấu nhạc nước, chỗ đó là nhà hàng ẩm thực… Anh Sâm và anh Nam chỉ dám gật gù, nhưng trong lòng vô cùng hoang mang lo lắng vì chỉ còn hơn 5 tháng nữa là diễn ra sự kiện”.

 

Không chỉ có ông Sâm, ông Nam lo lắng. Thủy và những thuộc cấp khác của ông Vượng cũng lo đến loạn nhịp tim với sức ép tiến độ khủng khiếp ấy. Nhưng tới đúng tháng 7, ông Sâm và ông Nam quay lại, họ sửng sốt thấy mọi thứ đã trong giai đoạn hoàn thiện. Lúc ấy, Ban tổ chức thi Hoa hậu mới “dám” chính thức chọn hòn đảo này cho cuộc Chung kết quan trọng đó.

Royal City – khu đô thị phức hợp 5 sao hiện đại nhất Việt Nam – là một trong những công trình tạo ra nhiều nguồn lực và ghi dấu đẳng cấp của Vingroup. Công trình này cũng có một khởi đầu nhanh kỷ lục.

Một buổi tối, ông Vượng đến nhà người quen chơi, được nghe kể chuyện đối tác Hàn Quốc không muốn tiếp tục đầu tư vào khu đất nhà máy Cơ khí Hà Nội do phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Sáng hôm sau, ông Vượng muốn gặp bên tư vấn đang làm việc với phía Hàn Quốc để thương lượng mua lại phần góp vốn của họ. Nghe tin đối tác này đang ở Thanh Hóa, ông Vượng tức tốc chạy xe vào. Sau khi gặp tư vấn tại đây và được giới thiệu với người đứng đầu công ty cơ khí Hà Nội, ông Vượng trở ngược Hà Nội gặp Ban lãnh đạo nhà máy Cơ khí ngay trong buổi sáng. 12h trưa hôm đó, ông Vượng vẫn ra sân bay trở về Ukraina như lịch đã sắp trước. Đại dự án ấy đã được khởi đầu bằng 24h thần tốc như vậy.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm TGĐ Vingroup còn nhớ rõ những câu chuyện thú vị về tốc độ xây dựng bệnh viện quốc tế Vinmec. Khi ấy, ngày khởi công bệnh viện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đều có cùng một băn khoăn: Liệu mình có nghe nhầm về thời gian khánh thành? Thật khó hình dung một bệnh viện hiện đại chưa từng có, vượt xa các cơ sở y tế tốt nhất lúc bấy giờ ở Việt Nam, xứng tầm quốc tế, mà chỉ hoàn thành trong vòng gần 11 tháng. Ông Triệu, ông Thảo và những người dự hôm ấy, cuối cùng đã không nghe nhầm. Vinmec khánh thành trước mốc cam kết 16 ngày.

Không thể kể hết những câu chuyện về tốc độ đi kèm chất lượng của Vingroup. Gần như tất cả các chung cư, khu đô thị, công trình chất lượng cao của Vingroup, đều về đích trước dự kiến.

Khi chứng kiến tiến độ làm công trình giao thông vừa rùa bò vừa đội vốn kinh hoàng ở Việt Nam, nhiều người muốn Vingroup tham gia lĩnh vực này. Nhận thấy quy trình, thủ tục và dư luận quá phức tạp, ông Vượng không hào hứng. Đến nay, công trình lớn duy nhất mà Vingroup đảm nhận để góp phần giải cứu giao thông, là tuyến đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Và, như thường lệ, ông Vượng không chấp nhận sự chậm trễ. Ông Vượng xác định phải bù lỗ cho tuyến đường khoản kinh phí tính bằng triệu đô la, vì Vingroup chấp nhận trả thêm nhiều tiền khi yêu cầu nhà thầu rút ngắn thời gian thi công từ 24 tháng xuống còn 14 tháng.“Nếu làm 14 tháng thì họ phải mua thêm 10 giàn đúc của Đức về đúc. Trước đây có 1 giàn đúc, thì cứ hết 45 ngày đúc xong 1 cái cột trụ này thì mới chuyển sang cái khác. Giờ đây có 10 giàn thì mỗi trụ chỉ mất 4,5 ngày. Tôi chấp nhận chi để đẩy nhanh tốc độ” – ông Vượng cho biết.

See also  Công nghệ thực tế ảo VR và ứng dụng trong xã hội

Tốc độ của Phạm Nhật Vương, của Vingroup, của VinFast… từ lâu đã trở thành mỏ thông tin ngồn ngộn cho báo chí. Tất cả các dự án, dự định, khát vọng, các cuộc săn đầu người trên phạm vi toàn cầu…, xuất hiện với tốc độ ngày càng chóng mặt, đều là thông tin nóng hổi, và tạo sóng lớn.

Ngoài đá bóng, ông Vượng có một sở thích rèn luyện sức khỏe ngược với tốc độ của ông trong công việc và suy nghĩ: thong thả đi bộ. Có một câu hỏi khá thú vị mà ngày trước người ta hay đặt ra với Bill Gates: Nếu nhìn thấy tờ 100 đô la rơi dưới đất, một con người tốc độ “không giới hạn” như Phạm Nhật Vượng có cúi xuống nhặt? Khi tốc độ gia tăng tài sản của ông Vượng tăng nhanh kỷ lục, báo chí Việt Nam cũng đã tính toán: Nhặt tờ đô la ấy mất đến 5s, mà cứ 5s trôi qua, tài sản doanh nhân quê Hà Tĩnh đã tăng thêm 400 đô la. Vì thế, nên ông Vượng sẽ không cúi nhặt.

Một chuyên gia kinh tế đã bật cười khi được đặt câu hỏi thú vị ấy: “Theo tôi, ông Vượng cũng sẽ hành động như các tỉ phú thế giới khác: Cúi nhặt tờ 100 đô la. Những người gom góp cơ đồ từ hai bàn tay trắng, biết nhìn cực nhanh cơ hội kinh doanh, sẽ không để tờ tiền nằm vô nghĩa dưới mặt đường. Những thứ rơi vãi lãng phí, mất cơ hội vì chậm trễ ở Việt Nam đang diễn ra tràn lan, bằng tốc độ không giới hạn của mình, ông Vượng đang góp phần thay đổi điều đó. Mà nói thêm điều này cho vui: Người khác có thể mất tới 5s để nhặt tiền, ông Vượng chắc chỉ mất 2s”.

Năm 2018, Vingoup bước vào tuổi 25 và ông Vượng bước vào tuổi 50, gấp đôi số tuổi của tập đoàn ông thành lập. Những running man siêu đẳng trong điền kinh, thường giải nghệ năm 30-32 tuổi. Ngày 6/10/2015, ông Vượng đã chuẩn bị về mặt tinh thần cho những cuộc đua lớn của đời mình và Vingroup, bằng việc thay đổi slogan từ “Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển” sang “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Trong lá thư viết nhanh gửi hệ thống, ông Vượng hai lần nhắc đến yếu tố tốc độ. Vingroup phải là nơi “không có các lề thói quan liêu, quan cách; là nơi tốc độ xử lý công việc còn nhanh hơn các cuộc họp”; “dứt khoát không chấp nhận tinh thần thái độ làm việc đối phó, sợ trách nhiệm, đổ lỗi, chậm chạp”.

Ông Vượng luôn nói với thuộc cấp, Vingroup có 55.000 người, chỉ cần một vài bộ phận chạy chậm, thì cỗ máy lớn ấy sẽ không thể đạt vận tốc cực đại. Ai trụ lại được với guồng quay của Vingroup cũng sẽ được sếp và hệ thống thúc đẩy để vượt qua giới hạn của chính mình. “Không gì là không thể” là một trong những câu nói thường gặp nhất ở Vingroup. Nếu Việt Nam có thêm nhiều “running man” chạy với bầu nhiệt huyết trong tim và tâm niệm trong đầu “không gì là không thể”, thì ngày đất nước bứt phá trong cuộc đua tốc độ toàn cầu, chắc chắn sẽ gần hơn bao giờ hết.

 Nguồn: soha