Last updated on 23 October, 2024
“Nếu không có sự kiểm soát tốt về dữ liệu, sẽ đến một thời điểm dữ liệu kiểm soát con người thay vì con người có thể kiểm soát dữ liệu”, ông Pierre Bonnet – nhà sáng lập Smart-up.org kiêm Giám đốc vận hành Orchestra Networks khẳng định.
Table of Contents
ToggleTừ khi mới ra đời, Facebook, Twitter hay các mạng xã hội khác đã phần nào định hình lại cách mà con người kết nối với nhau thông qua Internet. Theo thời gian, các kết nối này không còn dừng lại giữa người với người, mà là với mọi thiết bị, nền tảng cũng như tất cả khía cạnh trong cuộc sống.
Hiện tại, những kết nối như vậy đã và đang tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ, từ lĩnh vực giáo dục, thể thao, giải trí cho đến y tế, tài chính, tổ chức thành phố thông minh. Và điều này làm cho hệ sinh thái số xung quanh chúng ta thay đổi nhanh chóng.
Từ đây, hàng loạt những công nghệ tiên tiến xoay quanh các nguồn dữ liệu đã được ra đời, như: Dữ Liệu Lớn (Big Data), Trí Tuệ Nhân Tạo (AI), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), iOT (Internet Vạn Vật),…
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, 90% các dữ liệu đang được sản sinh ra hiện nay là những dữ liệu không có cấu trúc, quy hoạch. Nhưng nguy hiểm hơn là một nửa trong số những dữ liệu không có cấu trúc đó lại không được bảo vệ một cách nghiêm túc.
Ông Pierre Bonnet, nhà sáng lập Smart-up.org kiêm Giám đốc vận hành Orchestra Networks, một trong những công ty uy tín về quản trị dữ liệu, cho biết: “Internet dữ liệu xuất hiện xung quanh con người và cho thấy rất nhiều điều về con người, trong khi bản thân con người lại không biết nhiều về dữ liệu”.
Theo ông Pierre Bonnet, dữ liệu về con người và cuộc sống xung quanh một người, một nhóm người có thể được thu thập về lưu trữ ở bất cứ đâu trên thế giới, thông qua hệ thống internet, mạng xã hội, những tiện ích khác… mà họ chưa hiểu để kiểm soát được. Lượng dữ liệu thu thập đó đến một thời điểm nhất định sẽ có khả năng kiểm soát được cá nhân hay nhóm người liên quan đến dữ liệu.
“Nếu không có sự kiểm soát tốt về dữ liệu sẽ đến một thời điểm dữ liệu kiểm soát con người thay vì con người có thể kiểm soát dữ liệu”, ông Pierre khẳng định.
Đồng thời, vị chuyên gia cũng cho rằng, dữ liệu đóng vai trò quyết định trong hầu hết kết quả kinh doanh, kế hoạch phát triển dài hạn của một doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực hay Chính phủ của một quốc gia.
Dữ liệu là thành phần cực kỳ quan trọng. Với hơn 60% người dân sử dụng internet, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet cùng với đó là lượng dữ liệu cực lớn.
Ông Pierre Bonnet, nhà sáng lập Smart-up.org kiêm Giám đốc vận hành Orchestra Networks
Tuy nhiên, ông Pierre đánh giá, đa số doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam chưa nắm được cách quản trị được dữ liệu đó.
Chẳng hạn, như tại Việt Nam, nguồn dữ liệu về ngân hàng lại rất lớn, nhưng lại chưa được kết nối để phân tích được hành vi tiêu dùng, trình độ học vấn… Thêm vào đó, ranh giới giữa việc khai thác dữ liệu và xâm phạm đời tư rất mờ nhạt. Một loạt các vụ việc rò rỉ thông tin khách hàng của các doanh nghiệp trong thời gian qua là minh chứng rõ rệt.
Chính vì vậy, Giám đốc vận hành Orchestra Networks tin rằng, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại 4.0 là quản trị dữ liệu.
Với gần 20 năm kinh nghiệm cung cấp giải pháp quản trị dữ liệu, ông Pierre Bonnet tin tưởng, hoàn toàn có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức này với giải pháp Master Data Management.
Có thể hiểu Master Data Management (MDM) là một công cụ quản trị dữ liệu tất cả-trong-một. Nó cho phép tất cả dữ liệu được tập trung đến một điểm tham chiếu duy nhất. Với MDM, các doanh nghiệp sẽ có trong tay cả dữ liệu tham khảo và dữ liệu phân tích để hỗ trợ ra quyết định.
Tất nhiên, để quản trị dữ liệu hiệu quả, thì ngoài yếu tố công cụ, các nhân sự hoạt động trong lĩnh vực phân tích, cấu trúc dữ liệu cũng rất đáng được quan tâm.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để vươn lên trong lĩnh vực quản trị dữ liệu. Bởi thực tế, trình độ kỹ sư công nghệ thông tin ở Việt Nam đứng hàng đầu châu Á, ngang với trình độ kỹ sư công nghệ thông tin tại Pháp”, ông Pierre Bonnet đánh giá.
Vị chuyên gia này cho biết, kể từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 2017, Orchestra Networks đã có 45 kỹ sư chất lượng cao tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Mục tiêu của công ty trong 2 năm tới là nâng tổng số kỹ sư làm việc tại Việt Nam lên tới 100 người.
Orchestra Networks hiện là một trong 3 công ty hàng đầu thế giới về giải pháp Master Data Management. Công ty này hiện có hơn 200 khách hàng lớn trên thế giới, trong đó phải kể đến một số tên tuổi như Citibạnk, Paramount, TechnipFMC, United Technology, Burger King…
Nguồn: theleader.vn