Phương pháp FIFO là gì? Phân biệt giữa FIFO và LIFO

Ma trận SPACE và cách thiết lập ma trận
Ma trận SPACE và cách thiết lập ma trận
24 June, 2024
Mô hình SCOR trong chuỗi cung ứng
Mô hình SCOR trong đo lường chuỗi cung ứng
25 June, 2024
5/5 - (2 votes)

Last updated on 14 September, 2024

FIFO là một chiến lược quản lý hàng tồn kho cho phép lưu thông hàng hóa hoàn hảo. Nhìn chung, phương pháp FIFO là một lựa chọn hữu ích để tính giá trị hàng tồn kho trong quản lý sản xuất. Vậy, phương pháp FIFO là gì, cách sử dụng và đâu là những ưu nhược điểm khi doanh nghiệp áp dụng phương pháp này? Cùng OCD tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Phương pháp FIFO là gì?

khái niệm phương pháp fifo

Khái niệm phương pháp FIFO

FIFO là một phương pháp quản trị hàng tồn kho phổ biến. FIFO có nghĩa là Nhập trước, Xuất trước (First In, First Out). Với phương pháp này, sản phẩm nào đưa vào kho trước sẽ được xuất kho và bán đi trước. Mục đích sử dụng phương pháp này là để đảm bảo lưu thông hàng hóa và giảm thiểu rủi ro hàng tồn kho bị lỗi thời hoặc hết hạn sử dụng đối với hàng hóa dễ hỏng.

Doanh nghiệp có thể theo dõi hàng tồn kho của mình bằng các phần mềm được thiết lập theo những nguyên tắc trong phương pháp FIFO. Mặc dù phương pháp FIFO có thể không phù hợp với mọi doanh nghiệp, nhưng đây vẫn là một hệ thống quản lý hàng tồn kho được sử dụng rộng rãi.

Ví dụ về cách sử dụng phương pháp FIFO

Khi doanh nghiệp sản xuất một sản phẩm, doanh nghiệp sẽ phải chịu giá vốn hàng bán. Đây là một loại chi phí liên quan đến việc sản xuất hoặc mua sản phẩm đó từ nhà cung cấp. Doanh nghiệp ghi nhận khoản chi phí này là một khoản phải chi và cần phải ghi vào sổ sách kế toán.

Vì giá nhân công và giá nguyên vật liệu luôn biến động, chi phí sản xuất sản phẩm cũng có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, việc lựa chọn một phương pháp tính giá trị hàng tồn kho hợp lý để theo dõi thời điểm sản xuất và bán sản phẩm là rất quan trọng. Phương pháp FIFO đáp ứng được yêu cầu này bằng cách giả định rằng các sản phẩm được sản xuất trước sẽ là những sản phẩm được bán hoặc thanh lý trước tiên.

Để tính giá trị hàng tồn kho theo phương pháp FIFO, đầu tiên hãy xác định giá thành của lô hàng được nhập kho hoặc được sản xuất sớm nhất và nhân với số lượng hàng hóa đã bán ra trong một khoảng thời gian cụ thể.

Một công ty mua 100 cái kính râm với giá 300.000 đồng / cái. Sau đó, họ mua thêm 100 cái kính râm khác với giá 400.000 đồng / cái. Tổng cộng, công ty bán được 75 cái kính râm. Theo phương pháp FIFO, 75 cái kính râm đã bán được giả định rằng mỗi cái có giá gốc là 300.000 đồng. Vì vậy, giá vốn hàng bán trong trường hợp này sẽ là 75 x 300.000 = 22.500.000 đồng.

template tính theo công thức fifo

Template tính theo công thức FIFO

Tải template tại: CÔNG THỨC TÍNH GIÁ VỐN HÀNG BÁN THEO PHƯƠNG PHÁP FIFO

See also  5M là gì trong quản lý sản xuất? Công cụ quản lý 5M

Ưu điểm của phương pháp FIFO

Phương pháp FIFO mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý hàng tồn kho cũng như quản lý sản xuất, bao gồm:

ưu điểm của phương pháp fifo

Ưu điểm của phương pháp FIFO

Giảm thiểu rủi ro hàng tồn kho lỗi thời hoặc hết hạn

Bằng cách bán những mặt hàng có trong kho lâu nhất trước, phương pháp FIFO giúp giảm thiểu rủi ro tồn kho các sản phẩm lỗi thời hoặc hết hạn sử dụng. Điều này hạn chế lãng phí và đảm bảo công ty không phải chịu lỗ do việc không bán được hàng tồn kho.

Phương pháp FIFO hỗ trợ tính giá vốn hàng bán

FIFO là một phương pháp hiệu quả để tính giá vốn hàng bán. Khi sử dụng phương pháp này, lợi nhuận gộp của công ty cũng bị tác động đáng kể do chi phí hàng bán được tính toán dựa trên giá của hàng tồn kho cũ nhất. Điều này có thể dẫn đến lợi nhuận gộp cao hơn trong giai đoạn giá cả hàng hóa có xu hướng tăng.

Ngăn ngừa việc thao túng báo cáo tài chính

Sử dụng phương pháp FIFO khiến việc thao túng báo cáo tài chính trở nên khó khăn hơn. Nó được yêu cầu phải tuân thủ theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS). Tùy thuộc vào đặc điểm pháp lý của từng khu vực, doanh nghiệp có thể được yêu cầu sử dụng FIFO để tính giá trị hàng tồn kho.

Giảm thiểu tác động của lạm phát

FIFO là phương pháp chính xác nhất để phản ánh lưu lượng hàng tồn kho thực tế cho hầu hết các doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh tế bình thường, lạm phát khiến giá vốn hàng bán tăng theo thời gian. Do FIFO ghi nhận chi phí sản xuất hoặc giá gốc cũ nhất của hàng hóa được bán trước tiên nên phương pháp này không hoàn toàn phản ánh tình hình kinh tế hiện tại và tránh được sự ảnh hưởng của lạm phát.

Phương pháp FIFO tuân theo một công thức logic

Phương pháp này hoạt động theo một chu trình hợp lý. Theo đó, đó dòng chảy hàng tồn kho đi từ cũ nhất đến mới nhất. Điều này giúp đơn giản hóa công việc quản lý cho các doanh nghiệp tự xử lý sổ sách kế toán hoặc doanh nghiệp mới thành lập. Việc theo dõi và ghi chép hàng hóa trở lý đơn giản và ít phức tạp hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc báo cáo tài chính khó bị thao túng hơn và khả năng phát hiện ra các sai lệch hoặc lỗi trong sổ sách cũng dễ dàng hơn nhiều.

Nhược điểm của phương pháp FIFO

Dưới đây là một vài nhược điểm điển hình khi áp dụng phương pháp này:

Mức thuế thu nhập sẽ cao hơn

Phương pháp FIFO có thể khiến cho mức thuế thu nhập của doanh nghiệp cao hơn do chênh lệch giữa doanh thu và giá vốn hàng bán lớn hơn. Do đó, điều quan trọng là khi sử dụng phương pháp này, doanh nghiệp cần tránh kê khai quá cao lợi nhuận của mình.

Tăng nguy cơ sai sót trong sổ sách

Khi giá hàng tồn kho biến động liên tục, nhân viên kế toán có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhận chính xác giá vốn hàng bán và giá bán. Ngoài ra, sự biến động của giá thị trường cũng dẫn đến sự sai lệch khi ghi nhận vào sổ sách.

See also  Triển khai phần mềm quản trị nhân sự trong doanh nghiệp

Rủi ro thổi phồng lợi nhuận

Trong giai đoạn lạm phát cao, giá gốc của hàng tồn kho cũ sẽ thường thấp hơn giá thị trường hiện tại. Khi ấy, các công ty sử dụng phương pháp FIFO thường báo cáo lợi nhuận cao hơn so với thực tế. Điều này có thể khiến tình hình tài chính của doanh nghiệp trông có vẻ tốt hơn thực tế và làm cho nhiều nhà đầu tư lầm tưởng về tiềm năng phát triển của công ty.

Phương pháp FIFO phù hợp và không phù hợp với loại hình doanh nghiệp nào?

Doanh nghiệp phù hợp

Doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dễ hư hỏng và lỗi thời: Bởi vì theo phương pháp FIFO, hàng hóa cũ hơn sẽ được bán ra trước, giúp doanh nghiệp tránh lưu trữ hàng hóa trong thời gian quá dài. Nhờ vậy, khách hàng có thể an tâm rằng các sản phẩm có trong kho luôn tươi mới. Đồng thời, doanh nghiệp cũng giảm thiểu tối đa rủi ro việc phải loại bỏ hàng hóa do hư hỏng và không thể bán được. Điều này đặc biệt hữu ích với các doanh nghiệp bán thực phẩm, dược phẩm, thời trang hoặc các mặt hàng khác có hạn sử dụng ngắn.

Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế: FIFO là một trong số ít các phương pháp tuân theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS). IFRS là tập hợp các chuẩn mực mà các công ty phải tuân theo để báo cáo chính xác các giao dịch và sự kiện nhất định trong báo cáo tài chính của họ. Điều này giúp các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế dễ dàng hoạt động hơn.

Doanh nghiệp không phù hợp

Doanh nghiệp bán các sản phẩm có mức giá không ổn định: Những doanh nghiệp này có thể thích hợp hơn với phương pháp tính giá bình quân gia quyền để tăng tối đa hiệu quả tính toán. Hàng tồn kho được tính bình quân giúp xác định giá trị hàng tồn kho một cách đồng đều không làm giá trị xuất kho chênh lệch quá nhiều khi xuất kho.

Doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng giá trị cao: Đây là các doanh nghiệp bán các mặt hàng giá trị cao như xe hơi hoặc thiết bị điện tử. Do đây là các hàng hóa được cấu tạo từ nhiều thành phần riêng lẻ nên rất khó để áp dụng phương pháp FIFO trong trường hợp này.

Phân biệt giữa phương pháp FIFO và LIFO

Mặc dù FIFO được sử dụng rộng rãi, nhưng còn một phương pháp phổ biến khác gọi là LIFO (Nhập sau, Xuất trước). Điểm khác biệt chính giữa hai phương pháp là:

FIFOLIFO
Độ phức tạpĐơn giản và dễ áp dụngPhức tạp hơn
Giá vốn hàng bánThấp hơn Cao hơn
Lợi nhuận được báo cáoCao hơnThấp hơn
Thuế thu nhậpCao hơnThấp hơn
Mức độ chấp nhận sử dụngĐược chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giớiChỉ còn được chấp nhận sử dụng ở Mỹ và Nhật Bản

Phương pháp FIFO nên được sử dụng khi hàng hóa đầu tiên vào kho là hàng hóa đầu tiên ra khỏi kho. Điều này rất cần thiết trong tất cả các cửa hàng bán sản phẩm dễ hỏng, như thực phẩm, thuốc hoặc mỹ phẩm. Nó áp dụng cho các sản phẩm dễ lỗi thời, như quần áo, hoặc cập nhật xu hướng nhanh chóng, như sản phẩm công nghệ. Phương pháp này áp dụng cho cả kho hàng và siêu thị.

See also  Mô hình POQ là gì? Các loại mô hình POQ cơ bản

Với phương pháp LIFO, hãy đảm bảo rằng hàng hóa cuối cùng vào kho sẽ là hàng hóa đầu tiên ra khỏi kho. Điều này có nghĩa là luôn ưu tiên hàng hóa mới. Đây là một hệ thống lý tưởng để lưu trữ các sản phẩm đồng nhất không hết hạn hoặc hư hỏng. Nó áp dụng cho cát, gạch, than đá hoặc đá vì chúng không thay đổi theo thời gian. Do vậy, việc lưu trữ những loại hàng hóa này lâu trong kho không gây tổn thất lớn.

Cách triển khai phương pháp FIFO đúng cách

Để thực hiện FIFO một cách hiệu quả, việc triển khai chính xác là rất quan trọng. Dưới đây là hướng dẫn từng bước về cách thực hiện đúng quy trình quản lý hàng tồn kho FIFO:

triển khai phương pháp fifo

Triển khai phương pháp FIFO

Sắp xếp hàng tồn kho

Bước đầu tiên là cần duy trì một hệ thống quản lý hàng tồn kho được sắp xếp có tổ chức và linh hoạt. Doanh nghiệp cần dán nhãn chính xác cho các sản phẩm với ngày mua hàng hoặc số lô để dễ dàng theo dõi hạn sử dụng của từng mặt hàng.

Đào tạo nhân viên

Hãy đào tạo nhóm nhân sự liên quan của về phương pháp FIFO và tầm quan trọng của nó. Tất cả những người tham gia vào việc quản lý hàng tồn kho cần hiểu rõ quy trình này.

Thiết lập hệ thống

Doanh nghiệp nên sử dụng một hệ thống quản lý hàng tồn kho hoặc phần mềm đáng tin cậy để theo dõi mức tồn kho và giám sát thứ tự xuất kho của hàng hóa.

Giám sát tồn kho thường xuyên

Việc đánh giá định kỳ hàng tồn kho sẽ giúp doanh nghiệp xác định các mặt hàng cũ hơn cần được bán hoặc xuất kho trước. Điều này giúp tránh được việc hàng tồn kho bị ế ẩm.

Dịch chuyển hàng tồn kho

Doanh nghiệp cần di chuyển các sản phẩm cũ hơn ra phía trước hoặc lên trên cùng của kệ hay khu vực kho lưu trữ. Điều này giúp chúng dễ dàng được nhận diện hơn. Đây cũng được coi như một dấu hiệu cho việc chúng cần được xuất kho trước.

Dán nhãn sản phẩm rõ ràng

Gắn nhãn các sản phẩm với ngày mua hàng hoặc số lô giúp nhân viên dễ dàng xác định những mặt hàng cũ nhất.

Phối hợp với nhà cung cấp

Nếu có thể, hãy phổ biến lại chiến lược FIFO của doanh nghiệp cho các nhà cung cấp. Doanh nghiệp cần yêu cầu họ giao hàng hóa mới phía sau hàng cũ để đơn giản hóa quy trình sau này.

Xử lý đơn hàng thông minh

Khi xử lý đơn hàng của khách, nhân viên cần được đào tạo để chọn ra các sản phẩm có ngày hết hạn gần nhất hoặc ngày mua/sản xuất sớm nhất.

Thường xuyên kiểm định hệ thống

Việc kiểm tra hệ thống quản lý hàng tồn kho định kỳ sẽ đảm bảo doanh nghiệp luôn tuân thủ theo phương pháp FIFO. Ngoài ra, doanh nghiệp cần theo dõi bất kỳ quy định về thuế hoặc tuân chuẩn về kế toán nào liên quan đến phương pháp quản lý hàng tồn kho của mình. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia tài chính hoặc kế toán khi cần thiết.

Kết luận

Phương pháp FIFO đóng vai trò quan trọng đối với các công ty định hướng sản phẩm vì kiểm soát hàng tồn kho ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh, sự hài lòng của khách hàng và lợi nhuận.

Ở nhiều nơi trên thế giới, các công ty được yêu cầu sử dụng phương pháp FIFO để tính toán giá trị hàng tồn kho. Nhưng ngay cả ở những nơi không bắt buộc, FIFO vẫn là một tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi do tính dễ dàng và minh bạch của nó.

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn