Một số ứng dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng

mô hình eoq trong quản lý hàng tồn kho
EOQ là gì? Ứng dụng mô hình EOQ trong quản lý hàng tồn kho
20 June, 2024
Mô hình ROF đo lường chuỗi cung ứng
Mô hình ROF đo lường chuỗi cung ứng
21 June, 2024
Show all
Ứng dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng giúp nâng cao hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp

Ứng dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng giúp nâng cao hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp

Rate this post

Last updated on 14 September, 2024

Trong thời đại công nghệ 4.0, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang không ngừng tìm kiếm những phương pháp mới để cải thiện hiệu quả và tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng. Bằng việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến như Internet of Things (IoT), blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), và tự động hóa, các doanh nghiệp không chỉ nâng cao hiệu suất hoạt động mà còn tạo ra một chuỗi cung ứng minh bạch, linh hoạt và an toàn hơn. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số ứng dụng công nghệ nổi bật trong chuỗi cung ứng để giúp bạn hiểu rõ hơn về cách công nghệ đang thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp quan trọng này.

1. Công nghệ nhận dạng bằng tần số sóng vô tuyến (RFID)

Khái niệm

Nhận dạng tần số vô tuyến (Radio Frequency Identification – RFID) là thuật ngữ chung nhằm mô tả công nghệ nhận dạng tự động các vật thể (con người, đồ vật,…) bằng sóng vô tuyến. Ngoài RFID, công nghệ nhận dạng tự động còn bao gồm công nghệ mã vạch, nhận dạng đặc trưng quang học, sinh trắc học (giọng nói, chữ ký, vân tay,…). Việc ứng dụng các công nghệ này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nhân lực và tăng cường tính chính xác, bảo mật của dữ liệu.

RFID mang đặc thù khác biệt bởi nó có thể hoạt động trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, có khả năng đọc dữ liệu từ xa, đảm bảo tính chính xác của dữ liệu; bộ nhớ chứa nhiều thông tin hơn, thông tin có thể sửa đổi và cập nhật một cách nhanh chóng và hơn nữa có thể nhận dạng cùng lúc nhiều dữ liệu khác nhau. RFID hoạt động trên nền tảng sóng vô tuyến kết hợp với máy tính quản lý.

Hệ thống RFID bao gồm: Thẻ RFID, đầu đọc thẻ máy tính chủ và phần mềm khai thác. Thẻ RFID gắn vào sản phẩm được tích hợp các chip bán dẫn và ăng-ten thu sóng. Đầu đọc thẻ nhận tín hiệu từ thẻ RFID từ xa, có thể lên đến 50m tùy vào nguồn năng lượng được cung cấp cho thẻ RFID. 

Cách thức hoạt động của RFID

Cách thức hoạt động của RFID

Ứng dụng

Trong chuỗi cung ứng, tuỳ theo khu vực và đối tượng cần được giám sát mà công nghệ RFID được ứng dụng theo các phương thức khác nhau, cụ thể như sau:

Nhận hàng

Các container, thùng, pallet hàng,… trước khi về kho sẽ được đính thẻ RFID chứa mã ID riêng biệt của hàng để khi về đến cổng kho có gắn đầu đọc RFID sẽ nhận diện và xác nhận các mặt hàng. Sau khi được xác nhận, thông tin các mặt hàng tiếp tục được chuyển về cho hệ thống WMS/ERP của nhà máy.

Xếp dỡ hàng/Đưa vào sản xuất

Sau khi vào nhà máy/kho, các thùng/pallet hàng được dỡ, phân loại và xếp vào vị trí đã định trong kho theo hướng dẫn của hệ thống RFID hoặc đưa vào sản xuất theo đúng lịch trình đã định.

Truy xuất quy trình sản xuất

Các mặt hàng, linh kiện sẽ tiếp tục được theo dõi trong toàn bộ quy trình sản xuất.

Thành phẩm

Sau khi thành sản phẩm, hệ thống RFID tiếp tục cập nhật và thông báo các thông tin quan trọng về sản phẩm đáp ứng cho việc phân phối/giao hàng. Ví dụ: mặt hàng tôm đông lạnh cần xuất vào đầu tháng, mặt hàng cá thu cắt khúc chưa đủ đơn hàng…

Phân phối/Giao hàng

Các sản phẩm sẽ được đóng vào các thùng/pallet hàng. Tuỳ theo nhu cầu giám sát của khách hàng mà thẻ RFID có thể gắn trên các pallet/thùng sản phẩm hoặc theo từng hạng mục sản phẩm riêng biệt. Thông tin trên thẻ RFID sẽ gồm: mã hàng, số lượng, ngày sản xuất, nguồn gốc, nơi nhận và hướng dẫn dỡ hàng. Không dừng lại ở đó, trong suốt quá trình vận chuyển hàng đi, thông qua hệ thống GPS, đầu đọc RFID trên các xe chở hàng liên tục “báo cáo” trực tiếp tình hình vận chuyển hàng đến máy chủ của nhà máy/doanh nghiệp.

Quản lý tài sản

Việc ứng dụng công nghệ RFID cũng giúp tự động hoá hoàn toàn quá trình kiểm tra tài sản. Khi thẻ RFID được dán lên các sản phẩm, hàng hoá, đầu đọc thẻ sẽ tự động theo dấu những tài sản đó khi chúng di chuyển trong chuỗi cung ứng, đồng thời sau khi bàn giao cho bên nhận sẽ tiếp tục được theo dõi để đáp ứng mục đích bảo trì, bảo hành kịp thời của bên cung.

Lợi ích

Việc ứng dụng công nghệ RFID trong hoạt động quản lý chuỗi cung ứng sẽ mang lại cho chuỗi cung ứng những lợi ích cơ bản như sau:

Tính thông suốt

Công nghệ RFID cho phép người sản xuất cũng như các bên tham gia vào chuỗi cung ứng có thể biết rõ nguồn gốc và “hành trình” của sản phẩm/hàng hoá từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến khâu sản xuất, phân phối và tới tận tay người tiêu dùng cuối cùng. Hay nói cách khác, công nghệ RFID giúp toàn bộ các sản phẩm/hàng hoá đều “hiện diện” rõ ràng ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp dù ở đâu vẫn có thể biết lộ trình, thậm chí toàn bộ thông tin chi tiết (số lượng, chủng loại, nguồn gốc…) của các mặt hàng đang được phân phối.

Lập kế hoạch chuỗi cung ứng

Nhờ dung lượng bộ nhớ cao, thẻ RFID cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm như chủng loại, tên sản phẩm, ngày nhập kho, giá, vị trí trong kho, thời hạn sử dụng hoặc những thông tin cần thiết khác mà nhà quản trị có thể lập trình. Với những thông tin sản phẩm được mã hóa và chuyển về máy chủ xử lý, nhà quản trị có thể dễ dàng lập kế hoạch tiếp theo cho sản phẩm trong dây chuyền cung ứng của mình như: kế hoạch sản xuất, mua hàng, tồn kho, quản lý kho, giao nhận và vận chuyển hàng hóa,…

Hạn chế hàng giả/hàng nhái

Dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, hàng giả/hàng nhái vẫn là nỗi nhức nhối đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Với các thùng hàng có gắn thẻ RFID thì khả năng tráo hàng sẽ rất thấp bởi các đầu đọc gắn trên xe chỉ nhận diện các thẻ RFID “chính thống” gắn trên hàng. Một khi không nhận diện đủ khối lượng hàng, đầu đọc và hệ thống RFID sẽ tự động gửi cảnh báo về máy chủ.

See also  Hệ thống quản lý sản xuất MES của Toyota

Giải quyết các lo ngại của khách hàng

Thẻ RFID nhận dạng ngay lập tức sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm hỏng hóc bằng cách gửi cảnh báo qua email, tin nhắn… thậm chí thông tin trên thẻ RFID còn đồng thời đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm/hàng hoá từ phía khách hàng.

Giảm chi phí quản lý chuỗi cung ứng

Chi phí chuỗi cung ứng chiếm 30% – 60% giá bán của các sản phẩm hàng tiêu dùng. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý chuỗi cung ứng sẽ góp phần giảm chi phí hoạt động của các doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng những hệ thống nhận dạng dữ liệu tự động không dây như RFID hoàn toàn có thể giảm thiểu các sai sót về địa điểm, dây chuyền cung ứng và đánh cắp sản phẩm lên tới 90%, gia tăng hiệu suất từ 12% đến 15% và giảm thời gian kiểm đếm tồn kho từ 35% tới 40%, qua đó tạo dựng được một lợi thế cạnh tranh rõ nét.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng RFID là công cụ đắc lực cho các nhà quản trị trong việc tạo ra một hệ thống quản lý, kiểm soát chuỗi cung ứng hiệu quả và thông minh hơn. Để khai thác hiệu quả hệ thống RFID, cần đầu tư công nghệ đồng bộ, phù hợp quy mô và tiềm lực của doanh nghiệp, thiết kế quy trình hoạt động chính xác.

2. Công nghệ trao đổi dữ liệu điện tử

Khái niệm

Theo Luật Thương mại quốc tế của Ủy ban Liên hợp quốc, trao đổi dữ liệu điện tử (Electronic Data Interchange – EDI) được định nghĩa là: “việc chuyển giao thông tin từ máy tính điện tử này sang máy tính điện tử khác bằng phương tiện điện tử, có sử dụng một tiêu chuẩn đã được thỏa thuận để cấu trúc thông tin”.

Mô hình hoạt động của EDI

Mô hình hoạt động của EDI

Ứng dụng

Khi sử dụng EDI, các yêu cầu báo giá, đơn đặt hàng, hóa đơn, vận đơn, báo cáo nhận hàng và các tài liệu kinh doanh điện tử khác có thể được xử lý trực tiếp từ máy tính của thành viên này và gửi đến thành viên khác trong chuỗi cung ứng. Hình thức giao dịch này sẽ giúp các thành viên trong chuỗi cung ứng tiết kiệm được thời gian, chi phí và tránh được nhiều sai sót thường gặp của giao dịch truyền thống dựa trên “giấy tờ”.

Khi hoạt động, EDI sẽ rút thông tin từ những hoạt động hay lưu trữ của doanh nghiệp và truyền tải thông tin dưới dạng máy tính đọc được qua các thiết bị viễn thông hoặc qua đường dây điện thoại. Ở phía bên nhận, dữ liệu được chuyển trực tiếp vào hệ thống máy tính của đối tác và được xử lý hoàn toàn tự động với các ứng dụng nội bộ tại đây.

Lợi ích

Tăng tốc độ và độ chính xác của dòng thông tin trong chuỗi cung ứng

Sử dụng EDI sẽ giúp chuỗi cung ứng giảm được thời gian nhập dữ liệu thủ công nhiều lần tại mỗi thành viên. Việc truyền tải thông tin giữa các thành viên cũng được tiến hành gần như đồng thời, giúp dòng thông tin trong chuỗi cung ứng được thường xuyên, liên tục, thông suốt. Hệ thống lưu trữ của EDI giúp chắc chắn rằng văn bản đã được giao đến đối tác và có thể theo dõi lộ trình, đường đi của hàng hóa trong từng giai đoạn. Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp xử lý các tài liệu kinh doanh một cách chính xác, giảm bớt tình trạng sai sót trong đơn đặt hàng, hóa đơn… giúp giảm đi các trường hợp bồi thường, bị hủy bỏ đơn hàng; đưa ra quyết định nhanh hơn để đáp ứng với sự thay đổi nhu cầu của thị trường.

Tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng

EDI tạo cơ hội thúc đẩy các hoạt động cung ứng, sản xuất, cải tiến và phân phối sản phẩm mới nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nhà sản xuất; giúp các trung gian phân phối giảm thời gian lưu kho và số lượng hàng tồn kho do được tích hợp cùng với hệ thống lưu kho tự động; giúp nhà bán lẻ tiếp nhận và xử lý đơn hàng một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian giao hàng. EDI giúp giảm thiểu công sức của nhân viên và giúp hạn chế những chậm trễ hay sai lỗi thường đi kèm trong việc xử lý chứng từ bằng tay; cho phép doanh nghiệp áp dụng một mô hình kinh doanh định hướng nhu cầu chứ không phải định hướng nguồn cung.

Giảm chi phí vận hành của chuỗi cung ứng

Ứng dụng EDI cho phép doanh nghiệp giảm hoặc loại bỏ các chi phí liên quan đến giấy tờ, in ấn, sao chép, lưu trữ hồ sơ, thư tín; giảm chi phí xử lý dữ liệu bằng tay.

3. Phần mềm Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp

Khái niệm

Hệ thống ERP bao gồm nhiều chức năng thuộc các lĩnh vực khác nhau. Các chức năng đó được đóng gói lại với nhau thành từng bộ và được gọi là các modules ERP như kế toán, phân tích tài chính, quản lý mua hàng, quản lý tồn kho, hoạch định và quản lý sản xuất, quản lý nhân sự… Mục tiêu tổng quát của ứng dụng ERP là đảm bảo sử dụng các nguồn lực sẵn có (nhân lực, vật tư, máy móc và tài chính) một cách thích hợp thông qua các công cụ hoạch định và lên kế hoạch tự động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý toàn diện của doanh nghiệp.

Hệ thống ERP gồm nhiều chức năng thuộc các lĩnh vực khác nhau

Hệ thống ERP gồm nhiều chức năng thuộc các lĩnh vực khác nhau

Ứng dụng

Khi ứng dụng ERP, doanh nghiệp có khả năng kiểm soát tốt hơn hạn mức về tồn kho, công nợ, chi phí, doanh thu, lợi nhuận, đồng thời có khả năng tối ưu hóa trong việc sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các thông tin của doanh nghiệp được tập trung, đầy đủ, kịp thời và có khả năng chia sẻ với các thành viên khác trong chuỗi cung ứng như khách hàng, nhà cung cấp. Ứng dụng ERP cũng đồng nghĩa với việc tổ chức lại các hoạt động của doanh nghiệp theo những quy trình chuyên nghiệp, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, do đó nó nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

4. Phần mềm quản lý quan hệ nhà cung cấp (SRM) và quan hệ khách hàng (CRM)

Khái niệm

Phần mềm SRM/CRM là công cụ giúp doanh nghiệp tự động hóa hoạt động quản lý quan hệ với nhà cung cấp/khách hàng và các cơ hội mua bán hàng hoá. Sử dụng phần mềm SRM/CRM, doanh nghiệp có thể nhanh chóng thiết lập hệ thống giao dịch với nhà cung cấp/khách hàng; từ đó quản lý, điều hướng các hoạt động marketing, bán hàng, dịch vụ và hỗ trợ khách hàng theo định hướng chiến lược của công ty.

Phần mềm quản lý quan hệ nhà cung cấp (SRM) và quan hệ khách hàng (CRM)

Phần mềm quản lý quan hệ nhà cung cấp (SRM) và quan hệ khách hàng (CRM)

Ứng dụng

CRM hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực hiện các chức năng cơ bản sau đây:

See also  Ví dụ chuyển đối số doanh nghiệp thành công - Số 2

Tự động hóa mua bán hàng

Là một chức năng quan trọng của SRM/CRM, cho phép dõi theo và ghi lại mọi diễn biến trong quá trình mua bán hàng hoá với mỗi nhà cung cấp và khách hàng tiềm năng, từ giai đoạn tiếp xúc ban đầu đến khi kết thúc thương vụ; qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ bán hàng. Tự động hóa hoạt động mua bán hàng bao gồm nhiều hoạt động tác nghiệp như: dự báo mua/bán hàng, phân tích mua/bán hàng, quản lý nhà cung cấp/khách hàng, phát hành báo giá, kết xuất hóa đơn…

Dịch vụ khách hàng

Phần mềm CRM cho phép ghi nhận thông tin của khách hàng; theo dõi và quản lý các yêu cầu dịch vụ của khách hàng; từ đó, hỗ trợ khách hàng kịp thời và giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng phục vụ khách hàng. Đồng thời, hệ thống cũng cung cấp dữ liệu về những vấn đề đã được giải quyết để xây dựng các tình huống hỏi đáp thường gặp, giúp khách hàng tự tra cứu khi cần thiết, không mất thời gian giải quyết vấn đề này với khách hàng mới và dịch vụ hỗ trợ khách hàng trở nên chuyên nghiệp hơn.

Hỗ trợ hoạt động marketing

Phần mềm CRM cung cấp các công cụ đặc biệt hữu dụng cho các yêu cầu đa dạng của marketing, từ quản lý chiến dịch marketing, email marketing, thu thập đầu mối trực tuyến từ website, xây dựng cơ sở dữ liệu marketing cho đến các chiến dịch marketing theo định hướng chiến lược của doanh nghiệp. Phần mềm CRM cũng cho phép quản lý và đo lường hiệu quả của các chiến dịch marketing qua email, thư tín và marketing trực tiếp… quản lý danh sách khách hàng tiềm năng và các nguồn lực marketing nội bộ. Tóm lại, phần mềm SRM/CRM là một công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng trong công tác quản lý, chăm sóc và xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà cung cấp và khách hàng.

5. Dữ liệu lớn

Khái niệm

Dữ liệu lớn (Big Data) được hình thành từ các nguồn chủ yếu sau: (1) Dữ liệu hành chính (hình thành từ hoạt động của một tổ chức chính phủ/phi chính phủ như hồ sơ y tế điện tử ở bệnh viện,…); (2) Dữ liệu từ hoạt động thương mại (hình thành từ các giao dịch giữa hai thực thể như giao dịch thẻ tín dụng, giao dịch trên mạng; (3) Dữ liệu từ các thiết bị cảm biến (hình ảnh vệ tinh, cảm biến khí hậu); (4) Dữ liệu từ các thiết bị theo dõi (theo dõi dữ liệu từ điện thoại di động, GPS); (5) Dữ liệu từ các hành vi như tìm kiếm trực tuyến về một sản phẩm, trang xem trực tuyến; (6) Dữ liệu từ các thông tin ý kiến trên các phương tiện thông tin xã hội.

Big data hình thành từ nhiều nguồn dữ liệu

Big data hình thành từ nhiều nguồn dữ liệu

Lợi ích

Giảm chi phí

Một trong những động lực chính của việc thu thập và phân tích Big Data cho các công ty ngày nay là giảm chi phí. Thông tin thời gian thực và so sánh với dữ liệu lịch sử đóng vai trò rất quan trọng. Việc truy cập dễ dàng vào dữ liệu trong chuỗi cung ứng có thể giúp doanh nghiệp thiết lập điểm chuẩn, tối ưu hóa quy trình và tìm kiếm các cơ hội để giảm thiểu chi phí. Dữ liệu thu thập được có thể cung cấp cho công ty một bức tranh toàn cảnh về chuỗi cung ứng hiện tại để giúp đưa ra các quyết định chiến lược phù hợp hơn và xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả hơn về chi phí.

Sự hài lòng của khách hàng

Big Data có thể giúp doanh nghiệp tăng sự hài lòng của khách hàng một cách đáng kể, vì nó cung cấp đủ thông tin cho các giám sát viên đưa ra lựa chọn các phương thức vận chuyển lý tưởng nhất, sử dụng các hãng vận tải tốt nhất, giảm khả năng thiệt hại và giảm thiểu sự chậm trễ, nhờ đó dịch vụ được cải thiện. Bằng cách cung cấp cho khách hàng quyền truy cập vào dữ liệu theo dõi thời gian thực, các công ty và khách hàng đều có thể nhanh chóng nhìn thấy những gì đang diễn ra trong quá trình vận chuyển, điều đó sẽ giúp cho các nỗ lực xử lý vấn đề xảy ra một cách hiệu quả.

Truy xuất nguồn gốc

Theo báo cáo của Ethical Corporation, khoảng 30% các công ty cho rằng truy xuất nguồn gốc và mối quan tâm về môi trường đang là những vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm hiện nay. Truy xuất nguồn gốc là một hoạt động nặng nề về mặt xử lý dữ liệu. Bằng cách tận dụng Big Data, doanh nghiệp có thể cải thiện hiệu suất truy xuất nguồn gốc của hệ thống, cũng như giảm thiểu thời gian thực hiện các công việc liên quan đến việc truy cập, tích hợp và quản lý cơ sở dữ liệu của những sản phẩm đã được đánh dấu “thu hồi” hoặc “sửa chữa”.

Big Data đang ngày càng trở thành chìa khóa để có chuỗi cung ứng hiệu quả và giảm chi phí. Trên thực tế, giờ đây Big Data đã trở thành một tiêu chuẩn để thu thập và phân tích lượng thông tin khổng lồ để giúp tăng doanh thu. Các chuyên gia dự đoán xu hướng sẽ tiếp tục mở rộng và chỉ riêng việc tiết kiệm chi phí trong tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tiềm năng Big Data không chỉ mang lại lợi nhuận đáng kể mà còn là cơ sở cho việc phát triển vận hành hiệu quả.

6. Internet vạn vật

Khái niệm

Internet vạn vật (Internet of Things) là sự kết nối các thiết bị và các đối tượng vật lý có gắn cảm biến, cho phép ghi lại liên tục các thông tin về trạng thái của những đối tượng này như địa điểm, nhiệt độ, chuyển động, tác động… bất kể ở vị trí và thời gian nào.

Với sự tiến bộ trong công nghệ mạng, các dịch vụ như Bluetooth, 4G, 5G, cáp quang… đã trở nên sẵn có và chi phí thấp; giúp cho khả năng kết nối các đối tượng có gắn thiết bị cảm biến đến một điểm chung ngày càng dễ dàng. Công nghệ này sẽ giúp cho chuỗi cung ứng bước vào một kỷ nguyên mới mà mọi đối tượng vật chất (từ các sản phẩm, hộp, pallet, container, xe tải…) trong chuỗi có thể được theo dõi thời gian thực hoặc ẩn (bằng cách ghi lại các thông tin mà sau này có thể được tải về trong một hệ thống).

IoT giúp theo dõi thời gian thực các đối tượng vật chất trong chuỗi cung ứng

IoT giúp theo dõi thời gian thực các đối tượng vật chất trong chuỗi cung ứng

 Lợi ích

Khả năng ghi lại thông tin theo thời gian thực sẽ cho phép các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng theo dõi, kiểm soát dòng vận động của các đối tượng vật chất; xử lý các yêu cầu, sự cố gần như ngay lập tức; từ đó giúp doanh nghiệp vận hành chuỗi cung ứng một cách hiệu quả, cung cấp dịch vụ xuất sắc, giảm thiểu rủi ro về an toàn và an ninh. Cụ thể ứng dụng IoT sẽ mang lại những lợi ích cơ bản sau đây cho chuỗi cung ứng:

See also  Đánh giá giá trị công việc (JE) là gì? Ứng dụng của JE

Theo dõi thời gian thực các đối tượng vật chất trong chuỗi cung ứng

Với IoT, các thành viên trong chuỗi cung ứng có thể theo dõi vật liệu, sản phẩm, thiết bị, phương tiện… nhanh hơn và chính xác hơn khi chúng di chuyển qua chuỗi cung ứng. Các thiết bị và cảm biến được kết nối có thể giúp theo dõi số lượng và chất lượng hàng hóa trong từng giây. Đặc biệt đối với các chuỗi cung ứng thực phẩm dễ hỏng và chịu tổn thất nặng nề do hư hỏng, công nghệ này có thể mang lại lợi ích rất lớn vì các thiết bị cảm biến có thể giúp theo dõi nhiệt độ cũng như vị trí của hàng hóa.

Tạo tính liền mạch cho các quy trình trong chuỗi cung ứng (Seamless Workflow)

IoT sẽ cho phép giám sát các luồng di chuyển xuyên suốt chuỗi cung ứng một cách thường xuyên, liên tục; nhờ đó duy trì một quy trình làm việc liền mạch với hiệu quả tối đa.

Tăng khả năng mở rộng chuỗi

Với sự trợ giúp của dữ liệu trong quá khứ, doanh nghiệp có thể tính toán thời gian, không gian, cơ sở hạ tầng và đầu tư cần thiết cho việc tăng quy mô. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể tích hợp hệ thống hạ tầng, thiết bị của mình với hệ thống hạ tầng, thiết bị của các thành viên khác trong chuỗi cung ứng dựa trên IoT.

Cải thiện độ chính xác cho dự báo

IoT có mối liên hệ mật thiết với Big Data chứa khối lượng thông tin khổng lồ vừa là sản phẩm, vừa là nguyên liệu đầu vào để vận hành hệ thống IoT ngày càng được mở rộng; nhờ đó cung cấp các khối lượng dữ liệu lớn, chính xác theo thời gian thực để phục vụ cho hoạt động dự báo. Điều này đặc biệt ý nghĩa đối với các chuỗi cung ứng trong ngành thương mại điện tử có tốc độ phát triển rất nhanh và thường xuyên phải xử lý lưu lượng truy cập nhiều hơn trong mùa lễ.

 Lợi ích khác

Không những thế, đối với mỗi khâu, mỗi hoạt động trong chuỗi cung ứng, vai trò và lợi ích của IoT cũng thể hiện khác nhau, chẳng hạn như:

Đối với sản xuất

IoT có thể đem lại những lợi ích to lớn thông qua nâng cao hiệu quả làm việc của hệ thống máy móc. Về cơ bản, IoT giúp thu thập các thông số thực tế về nhiệt độ, tần suất, thủy lực… của máy, từ đó đưa ra những quyết định về tuổi thọ còn lại của máy, thời điểm bảo trì, chỉ dẫn thông tin chi tiết cho đội ngũ bảo trì về công cụ hoặc bộ phận cần lưu ý, tạm dừng hoạt động máy khi có lỗi ảnh hưởng đến hệ thống… Tất cả những điều trên góp phần giảm thiểu những gián đoạn và gia tăng hiệu quả làm việc của dây chuyền sản xuất.

Đối với vận chuyển

IoT đang tạo điều kiện cho quá trình vận chuyển trở nên hiệu quả hơn theo hai cách: Theo dõi đội vận tải và giám sát hàng đang di chuyển. 

Đối với quản lý dự trữ và hoạt động kho hàng, các cấu phần tạo nên cuộc “cách mạng” trong quản lý hàng tồn kho dựa trên IoT bao gồm: Kệ thông minh, các ứng dụng tăng cường thực tế, robot, các cảm biến; công nghệ giám sát… 

Đối với dịch vụ khách hàng, qua cải thiện khả năng tương tác, giảm thời gian chờ đợi và tìm hiểu tâm lý khách hàng cặn kẽ bằng khối lượng thông tin cập nhật từ các thiết bị kết nối (connected devices), IoT đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. 

7. Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)

Khái niệm

Công nghệ Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, vì vậy cơ sở dữ liệu này được gọi là chuỗi khối. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu, hay nói cách khác một khi dữ liệu đã được ghi thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

Blockchain giúp đơn giản hóa quản lý và tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng

Blockchain giúp đơn giản hóa quản lý và tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng

Lợi ích

Ứng dụng công nghệ blockchain trong chuỗi cung ứng sẽ mang lại cho chuỗi và các doanh nghiệp thành viên những lợi ích cơ bản như sau:

Đảm bảo cho hệ thống cơ sở dữ liệu tin cậy và an toàn cho chuỗi cung ứng

Khi đã được xác thực và lưu lại trong hệ thống blockchain, dữ liệu sẽ không thể thay đổi hay đánh cắp. Tính ưu việt này của blockchain có được là nhờ các kết nối thông minh với một số điều kiện mã hoá được yêu cầu để xác nhận tính hợp lệ và cho phép hoàn tất giao dịch. Do đó, blockchain có thể ngăn chặn những tiêu cực thường thấy trong cơ sở dữ liệu truyền thống như việc khai khống dữ liệu vì mục đích cá nhân. Ngoài ra, với yêu cầu xác thực duy nhất để tương tác với blockchain, những lỗ hổng bảo mật đã được giảm đến mức tối thiểu. Với hệ thống theo dõi dữ liệu không lỗi và tính bảo mật cao, công nghệ blockchain giúp quản lý chuỗi cung ứng tốt hơn.

Gia tăng sự tin tưởng giữa các thành viên và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng

Công nghệ Blockchain mã hóa và có khả năng lưu trữ tự động một lượng lớn thông tin; được phân cấp, mở rộng quyền truy cập cho tất cả thành viên. Khi càng nhiều thông tin đáng tin cậy được chia sẻ, tính minh mạch trong chuỗi cung ứng sẽ càng cao; từ đó khuyến khích sự tin tưởng giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng. Nói cách khác, khi niềm tin và sự minh bạch đã được hình thành, tất cả những tương tác liên quan đến sản phẩm đều trở nên nhanh chóng và thông suốt hơn. Đây chính là yếu tố then chốt của một chuỗi cung ứng thành công.

Đơn giản hóa quản lý và tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng

Khi các giao dịch được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu có phân cấp và theo thứ tự thời gian, việc theo dõi và quản lý chuỗi cung ứng trở nên dễ dàng và đơn giản. Nó cũng giúp các nhà quản lý chuỗi cung ứng phản ứng kịp thời với các sự cố xảy ra trong chuỗi. Đồng thời, các thành viên trong chuỗi cung ứng cũng có thể cắt bỏ những chi phí lưu trữ hành chính khổng lồ trong khi vẫn đảm bảo tính chính xác của dữ liệu; từ đó giúp doanh nghiệp quản lý và dự đoán rủi ro tốt hơn; tăng năng suất và sản lượng giao dịch.

——————————

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn

Contact Us

//]]>