Last updated on 10 August, 2020
Sản phẩm thuần Việt, chinh phục nhóm khách hàng khó tính nhất rồi tập trung vào đối tượng người dùng trẻ đại chúng là những chiến lược giúp Zalo trở thành ứng dụng nhắn tin miễn phí số 1 Việt Nam.
Đạt được gần 1 triệu người dùng chỉ sau 3 tháng tung ra phiên bản chính thức (tháng 11/2013), Zalo – ứng dụng nhắn tin miễn phí do Zing phát triển là sản phẩm có tốc độ tăng trưởng chóng mặt trên thị trường và đang đứng vị trí số 1. Điều gì đã giúp sản phẩm này vượt mặt các đối thủ ngoại sừng sỏ để chiếm ngôi đầu bảng ứng dụng trên điện thoại di động?
Trước khi tấn công vào thị trường đại chúng để có được số lượng người dùng lớn nhất, Zalo chọn việc tấn công vào phân khúc người dùng iOS – nơi được coi là thử thách khắc nghiệt với những khách hàng khó tính và bảo thủ nhất. Tại đây, một sản phẩm công nghệ phải chứng minh được những tính năng xuất sắc của mình thì mới chiếm được vị trí cao và nó sẽ là bàn đạp cho việc chinh phục khách hàng đại chúng.
Với phiên bản cập nhật lớn vào đầu tháng 1, Zalo nhảy ngay lên vị trí số 1 và đứng ở đó suốt cho tới nay. Với vị trí số 1 trên App Store, ứng dụng nhắn tin thuần Việt được chứng nhận thương hiệu về chất lượng sản phẩm từ những người dùng thuộc tầng lớp A – một kết quả rất đáng khích lệ khi Zalo chỉ là sản phẩm mới ra mắt thị trường.
Thứ hai, điểm khác biệt của ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt khi cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài là cách tấn công vào phân khúc thị trường đại chúng. Trong khi các đối thủ chỉ tập trung vào các máy smartphone cao cấp cùng 3G và Wi-Fi, thì Zalo lại quan tâm cả tới dòng máy điện thoại bình dân của Nokia và cho phép ứng dụng của mình chạy tốt trên cả 2G và 2,5G.
Nếu chỉ quan tâm đến khách hàng dùng smartphone cao cấp, lượng người dùng không thể tăng vọt bởi nhóm khách hàng này không dành mối quan tâm cao cho các ứng dụng miễn phí. Trong khi đó, những người dùng, đặc biệt là giới trẻ, sử dụng máy điện thoại phổ thông lại có mối quan tâm đặc biệt tới dịch vụ này. Việc kết hợp giữa vị trí số 1 trên App Store và thực hiện quảng bá dịch vụ tới giới trẻ đã giúp Zalo có sự nhảy vọt về lượng khách hàng.
Thêm vào đó, khi ứng dụng chạy tốt trên 2G và 2,5G mà không cần 3G hoặc Wi-Fi, thì vùng phủ sóng di động có thể sử dụng của Zalo của các nhà mạng cũng rộng hơn rất nhiều so với các ứng dụng ngoại. Điều này càng làm tăng vị thế hơn hẳn của sản phẩm thuần Việt tại các tỉnh. Nhờ đó, Zalo cũng có một bước nhảy vọt về số lượng người dùng và đạt khoảng 1 triệu vào cuối tháng 2/2013.
Thứ ba, khi thực hiện các chiến lược marketing, Zalo luôn tạo ra sự khác biệt với những đặc điểm của một sản phẩm thuần Việt, với văn hóa và nội dung đậm chất Việt Nam khi sử dụng. Điều này diễn ra trong bối cảnh người dùng vừa phát hiện một ứng dụng nhắn tin miễn phí của Trung Quốc có tích hợp bản đồ “Đường lưỡi bò” sẽ tác động đến tinh thần dân tộc của người dùng.
Một sản phẩm Việt đã được chứng nhận về chất lượng (vị trí số 1 trên App Store), mang đậm hồn Việt, do người Việt làm ra thì tại sao lại chọn ứng dụng nước ngoài là thông điệp mà người dùng có thể cảm nhận được một cách dễ dàng. Nói cách khác, Zalo đã chọn biện pháp marketing cùng với niềm tự hào dân tộc để thuyết phục người dùng trong nước sử dụng sản phẩm của mình.
Điều gì sẽ xảy ra kế tiếp? Thực tế là các đối thủ nước ngoài cũng không chịu đứng yên và họ sẽ có những chiến lược để phản công lại những hướng đi nói trên của Zalo. Và cuộc đua tới cột mốc 2 triệu người dùng (điểm giúp sản phẩm có khả năng phát tán tự nhiên như Facebook) của các ứng dụng nhắn tin miễn phí tại Việt Nam vẫn chưa có hồi kết.
* Nguồn: Dùng hàng Việt