EOQ là gì? Ứng dụng mô hình EOQ trong quản lý hàng tồn kho

Chuỗi cung ứng là gì? Các thành viên của chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng là gì? Các thành viên của chuỗi cung ứng
19 June, 2024
Ứng dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng giúp nâng cao hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp
Một số ứng dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng
20 June, 2024
5/5 - (2 votes)

Last updated on 26 June, 2024

Doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp thương mại đều cần đến quản lý hàng tồn kho. Nếu tồn kho quá ít, doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ cơ hội bán hàng và khiến khách hàng không hài lòng. Nếu tồn kho quá nhiều, hàng hóa sẽ trở nên lỗi thời, hư hỏng hoặc khó bán. Lúc này, mô hình EOQ sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề nêu trên. Vậy, EOQ là gì và đâu là những lợi ích nó mang lại cho doanh nghiệp? Cùng OCD tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Mô hình EOQ là gì?

khái niệm mô hình eoq

Khái niệm mô hình EOQ

Số lượng đặt hàng kinh tế (EOQ) là mô hình được sử dụng trong quản trị hàng tồn kho để xác định số lượng hàng tồn kho tối ưu mà một công ty nên mua trong một lần đặt hàng. Mục đích của việc này là nhằm giảm thiểu tổng chi phí liên quan đến hàng tồn kho.

Mô hình này liên quan chặt chẽ đến chi phí đặt hàng, chi phí lưu kho và quản lý rủi ro về việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để hiểu sâu hơn về mô hình EOQ, trước tiên chúng ta cần hiểu hai loại chi phí liên quan mật thiết đến hàng tồn kho. Đó là chi phí lưu kho và chi phí đặt hàng.

Chi phí lưu kho là chi phí lưu trữ và bảo quản hàng tồn kho. Nó bao gồm chi phí kho bãi, bảo hiểm và khấu hao. Chi phí đặt hàng là chi phí để đặt mua một đơn hàng tồn kho. Nó bao gồm chi phí xử lý đơn hàng, chi phí vận chuyển, chi phí lao động liên quan,…

Công thức tính trong mô hình:

EOQ = √ [ (2 x S x D) / H ] 

Trong đó: 

  • EOQ: Số lượng đặt hàng tối ưu trong một đơn hàng
  • S: Chi phí đặt hàng
  • D: Nhu cầu về hàng hóa trong một năm
  • H: Chi phí lưu kho

Một số giả thuyết trong mô hình:

  • Nhu cầu về một sản phẩm là không đổi theo thời gian
  • Thời gian chờ đợi từ nhà cung cấp là không đổi
  • Chi phí đặt hàng là không đổi
  • Chi phí lưu kho là không đổi

Ví dụ về công thức tính trong mô hình EOQ

Giả sử doanh nghiệp muốn tính toán số lượng đặt hàng tối ưu cho một sản phẩm đang bán chạy nhất: bàn chống gù. Sau khi nghiên cứu và xem xét, bạn biết được:

  • Chi phí lưu kho: 15.000 đồng/ cái bàn
  • Nhu cầu về hàng hóa: 10.000 cái bàn/ năm
  • Chi phí đặt hàng: 9.000.000 đồng

Sau khi áp dụng công thức tính EOQ, bạn ra được số lượng đặt hàng tối ưu như sau:

EOQ = √ [ ( 2 x 9.000.000 x 10.000 ) / 15.000 ] = 3.464 (cái bàn)

Điều này có nghĩa là số lượng hàng tồn kho tối ưu mà doanh nghiệp nên mua trong một lần đặt hàng là 3.464 cái bàn.

Áp dụng mô hình EOQ trong lĩnh vực nào?

Mô hình EOQ có thể hữu ích với bất kỳ mô hình doanh nghiệp nào có quản lý hàng tồn kho. Đặc biệt, mô hình này phù hợp với các ngành như: bán lẻ, sản xuất, chăm sóc sức khỏe hay logistics.

Trong bán lẻ, mô hình EOQ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa chi phí hàng tồn kho và cải thiện dịch vụ khách hàng. Mô hình này hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ trong việc tính toán lượng hàng tồn kho cần thiết để luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Trong sản xuất, mô hình này giúp doanh nghiệp giảm chi phí liên quan đến đặt hàng và lưu trữ nguyên vật liệu thô. Từ đó, doanh nghiệp có thể cải thiện hiệu quả sản xuất bằng cách đảm bảo nguyên liệu luôn sẵn có để đáp ứng đúng và đủ nhu cầu sản xuất.

Trong ngành chăm sóc sức khỏe, mô hình EOQ được sử dụng để quản lý tồn kho các loại hàng hóa như vật tư, thiết bị y tế. Điều này giúp các bệnh viện và phòng khám tiết kiệm ngân sách và đảm bảo đủ vật tư để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Trong ngành logistics, mô hình này có thể hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa quản lý kho hàng. Điều này giúp giảm chi phí và đảm bảo đủ nguồn cung vật tư đóng gói, vận chuyển để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Lợi ích từ mô hình EOQ

Sử dụng mô hình số lượng đặt hàng kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp quản lý hàng tồn kho hiệu quả hơn. Những lợi ích nó mang lại bao gồm:

lợi ích từ mô hình eoq

Lợi ích từ mô hình EOQ

Giảm chi phí tồn kho

Hàng tồn kho là một trong những tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp. Lưu trữ một lượng lớn hàng tồn kho có nghĩa là bạn đã chi ra rất nhiều tiền để mua chúng. Thay vào đó, bạn có thể đầu tư số tiền này cho một lĩnh vực khác có giá trị hơn.

Bằng việc sử dụng mô hình EOQ, bạn có thể xác định được số lượng đặt hàng tối ưu để đáp ứng đủ nhu cầu. Từ đó, chi phí mua hàng được giảm thiểu đáng kể và vốn được dùng vào những việc khác hiệu quả hơn.

Cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng

Với mô hình EOQ, doanh nghiệp có thể đảm bảo luôn có đủ hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu từ thị trường. Việc có sẵn hàng hóa để cung ứng cho khách hàng giúp gia tăng sự hài lòng của họ và thúc đẩy doanh số bán hàng.

Dễ dàng sử dụng

Mô hình này khá dễ tiếp cận và dễ sử dụng. Công cụ này khá dễ hiểu và có thể nhanh chóng tính toán được số lượng đặt hàng tối ưu.

Mô hình EOQ là công cụ hỗ trợ cho các phương pháp khác

Mô hình EOQ cũng có thể được coi là một công cụ hỗ trợ. Công cụ này kết hợp với các phương pháp khác như Tồn kho an toàn, Điểm đặt hàng lại (Reorder Point), mô hình Just in time để đưa ra chiến lược quản lý hàng tồn kho hiệu quả hơn.

Cải thiện dự báo nhu cầu

EOQ là công cụ giúp doanh nghiệp quyết định số lượng đặt hàng tối ưu. Từ đó, doanh nghiệp có khả năng dự báo nhu cầu và thấu hiểu thị trường một cách tối hơn.

Đặt mức tồn kho tối ưu

Mô hình EOQ giúp doanh nghiệp đặt mức tồn kho tối ưu hơn. Công cụ này định hướng doanh nghiệp duy trì lượng hàng tồn kho ở mức độ phù hợp, không quá cao cũng không quá thấp. Từ đó, doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí lưu kho và chi phí đặt hàng.

Hạn chế của mô hình EOQ

Dưới đây là một vài những nhược điểm của mô hình này trong quản lý hàng tồn kho:

Giả định nhu cầu tiêu thụ hàng hóa là ổn định

Mô hình EOQ đưa ra một giả thuyết rất quan trọng là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm luôn ổn định. Điều này có thể không chính xác đối với một số ngành. Nếu nhu cầu không ổn định, kết quả tính toán số lượng đặt hàng tối ưu sẽ không hoàn toàn chính xác.

Thời gian chờ đợi hàng hóa không có biến động

Mô hình EOQ cũng giả định rằng thời gian chờ đợi hàng hóa đã được tính toán trước và không có biến động hay chậm trễ. Tuy nhiên, trong thực tế, thời gian chờ đợi có thể dao động tùy thuộc vào nhà cung cấp, phương thức vận chuyển và các yếu tố khác từ bên ngoài. Điều này cũng có thể dẫn đến những sai lệch trong tính toán lượng hàng tồn kho cần thiết và các chi phí liên quan.

Giả định về chi phí cố định

Mô hình EOQ giả định rằng chi phí đặt hàng và chi phí lưu kho là không đổi. Điều này có thể không áp dụng cho một số công ty. Nếu chi phí thay đổi theo số lượng đặt hàng hoặc thời gian lưu kho, thì giá trị số lượng đặt hàng tối ưu theo mô hình EOQ có thể không chính xác.

Không tính đến chi phí thiếu hụt hàng tồn kho

Mô hình EOQ là một công cụ không tính đến chi phí thiếu hụt hàng tồn kho. Trong thực tế, các công ty cần cân nhắc đến trường hợp có thể xảy ra tình trạng thiếu hàng và đầu tư cho các giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Chỉ áp dụng để tính một sản phẩm

Công thức tính số lượng đặt hàng kinh tế (EOQ) chỉ phù hợp với một mặt hàng. Mô hình này không thực sự phù hợp với các công ty kinh doanh nhiều sản phẩm.

Tính đơn giản

Mô hình EOQ tuy khá đơn giản và dễ sử dụng, nhưng nó không tính đến nhiều yếu tố phức tạp từ môi trường bên ngoài trong thực tế. Khi áp dụng vào các chiến lược quản lý hàng tồn kho trong thực tế, mô hình này có thể khiến các doanh nghiệp bỏ qua những yếu tố như: nhu cầu biến động liên tục, rủi ro về nhà cung cấp và thời gian chờ đợi không chính xác.

Cách sử dụng mô hình EOQ hiệu quả

Để thành công triển khai mô hình này, doanh nghiệp nên lưu ý đến những yếu tố sau:

cách sử dụng mô hình eoq hiệu quả

Cách sử dụng mô hình EOQ hiệu quả

Thường xuyên giám sát và điều chỉnh

Việc thường xuyên theo dõi mức tồn kho và tính toán lại theo công thức EOQ giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi từ thị trường, nhu cầu khách hàng và biến động về chi phí. Bằng cách chủ động theo sát tình hình, doanh nghiệp có thể kịp thời điều chỉnh chiến lược quản lý hàng tồn kho và đảm bảo mức dự trữ duy trì ở trạng thái ổn định nhất.

Tích hợp các hệ thống phần mềm quản lý hàng tồn kho tiên tiến

Việc triển khai hệ thống phần mềm quản lý hàng tồn kho hiện đại sẽ giúp tự động hóa quy trình tính toán EOQ và cung cấp dữ liệu liên tục theo thời gian. Điều này giúp doanh nghiệp cải thiện độ chính xác và hiệu quả trong việc kiểm soát hàng tồn kho.

Hệ thống này giúp doanh nghiệp tinh gọn hoạt động trong chuỗi cung ứng. Nó giảm thiểu các công đoạn thủ công như đặt hàng, theo dõi và phân phối hàng hóa. Ngoài ra, hệ thống còn hỗ trợ việc ra quyết định chính xác hơn cũng như duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Thúc đẩy hợp tác giữa các phòng ban

Doanh nghiệp cần chú trọng khuyến khích sự hợp tác giữa các phòng ban khác nhau. Phòng mua hàng, logistics hay phòng bán hàng đều đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai mô hình EOQ. Điều này giúp các đội nhóm phối hợp, chia sẻ thông tin, thống nhất các mục tiêu để phát triển chiến lược quản lý hàng tồn kho toàn diện.

Kết luận

Quản lý hàng tồn kho là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của một doanh nghiệp. Tồn kho quá nhiều sẽ dẫn đến chi phí cao hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận do phải bảo quản hàng tồn kho và đôi khi phải loại bỏ hàng cũ. Ngược lại, tồn kho quá ít đồng nghĩa với việc công ty bỏ lỡ cơ hội tăng doanh thu do không đáp ứng đủ nhu cầu. Chúng tôi cho rằng mô hình EOQ sẽ là trợ thủ đắc lực giúp các doanh nghiệp đảm bảo việc quản lý hàng tồn kho hiệu quả.

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn

Contact Us

//]]>