Last updated on 19 June, 2024
Chuỗi cung ứng và quản trị chuỗi cung ứng đang trở thành một công cụ kinh doanh hữu hiệu trong xu hướng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0. Các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào các chuỗi cung ứng và gặt hái những thành công nhất định. Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu chuỗi cung ứng và gì và các thành viên của chuỗi cung ứng.
Table of Contents
ToggleCó nhiều định nghĩa về chuỗi cung ứng được đưa ra. Bài viết này sẽ cung cấp định nghĩa ở góc độ tiếp cận từ doanh nghiệp có vai trò là công ty trung tâm (focal firm).
Chuỗi cung ứng là tập hợp các doanh nghiệp hoặc tổ chức tham gia trực tiếp và gián tiếp vào các quá trình tạo ra, duy trì và phân phối một loại sản phẩm nào đó cho thị trường.
Theo khái niệm này, chuỗi cung ứng bao gồm nhiều thành viên, trong đó có các thành viên cơ bản như nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà bán lẻ, họ sở hữu và tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi, phân phối dòng vật chất từ các nguyên liệu thô ban đầu thành thành phẩm và đưa tới thị trường. Đồng thời chuỗi cung ứng cũng bao gồm cả các doanh nghiệp hỗ trợ cho các hoạt động và quá trình trên như công ty vận tải, kho bãi, các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, thông tin… Họ tham gia gián tiếp vào chuỗi cung ứng với vai trò là các công ty bên thứ 3, giúp làm tăng tính chuyên môn hóa cũng như hiệu quả trong các chuỗi cung ứng.
Là các tổ chức cung cấp các yếu tố đầu vào như hàng hóa, nguyên liệu, bán thành phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và tập trung vào 2 nhóm chính:
Chuỗi cung ứng bắt đầu từ những vật liệu thô, được khai thác từ dưới lòng đất như quặng sắt, dầu mỏ, gỗ và nông sản. Họ có thể là các mỏ khai khoáng cung cấp nguyên liệu cho ngành luyện kim, có thể là các nông trại chăn nuôi, trồng trọt hay đánh bắt hải sản cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm; các giếng dầu cung cấp nguyên liệu cho ngành hóa chất hoặc chế biến hạt nhựa.
Từ quặng sắt, các công ty thép sẽ chếtạo thành các loại thép tròn, thép thanh, thép tấm với kích cỡ và tính chất khác nhau để phục vụ cho ngành xây dựng hoặc công nghiệp chế tạo. Từ cây đay, các nhà máy sẽ sản xuất ra bột giấy để phục vụ cho ngành giấy in, giấy bao bì. Và từ trang trại, các nông hộ sẽ cung cấp sữa bò tươi cho các nhà máy chế biến sữa.
Theo cách nhìn rộng hơn, mọi thành viên trong chuỗi cung ứng cũng đều được gọi là các nhà cung cấp, các thành viên đứng trước là nhà cung cấp của thành viên đứng sau. Vì vậy nhà sản xuất cũng được gọi là nhà cung cấp của doanh nghiệp bán buôn hay bán lẻ. Nhà bán buôn là nhà cung cấp của doanh nghiệp bán lẻ, nhà bán lẻ là nhà cung cấp của NTD cuối. Do đó, khái niệm chuỗi cung ứng tổng thể còn được hiểu là một tập hợp các nhà cung cấp hợp tác với nhau để cung ứng một loại hàng hóa phục vụ một thị trường mục tiêu nhất định.
Là các doanh nghiệp thực hiện chức năng tạo ra hàng hóa cho chuỗi cung ứng. Họ sử dụng nguyên liệu và các bán thành phẩm của các công ty khác để sản xuất ra thành phẩm hay các sản phẩm cuối cùng. Các thành phẩm có thể là các sản phẩm hữu hình như hộp sữa, chai nước giải khát, … và cũng có thể là dịch vụ như âm nhạc, phần mềm xử lý dữ liệu …. Tùy thuộc vào loại sản phẩm và đặc điểm của công nghiệp chế tạo mà sản xuất được phân chia thành nhiều khâu khác nhau. Các khâu sản xuất chế tạo linh kiện và bán thành phẩm cũng có thể được coi là nhà sản xuất, hoặc nhà cung cấp, tùy thuộc vào mức độ sở hữu của tổ chức và cách phân chia công việc trong chuỗi cung ứng.
Còn gọi là doanh nghiệp bán buôn, thực hiện chức năng duy trì và phân phối hàng hóa trong chuỗi cung ứng. Nhà bán buôn mua hàng từ các nhà sản xuất với khối lượng lớn và bán lại cho các nhà bán lẻ hoặc các doanh nghiệp khác để sử dụng vào mục đích kinh doanh. Đối với các nhà sản xuất, bán buôn là nơi điều phối và cân bằng cung cầu trên thị trường bằng cách dự trữ hàng hóa và thực hiện các hoạt động tìm kiếm và phục vụ khách hàng. Đối với bán lẻ, các nhà bán buôn thực hiện chức năng dự trữ và tổ chức mặt hàng đa dạng để đáp ứng yêu cầu của mạng lưới bán lẻ rộng khắp, bao trùm đúng thời gian và địa điểm.
Là các doanh nghiệp có chức năng phân chia hàng hóa và bán hàng cho người tiêu dùng cuối. Bán lẻ thường mua hàng từ nhà bán buôn hoặc mua trực tiếp từ nhà sản xuất để bán tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Đặc điểm mua hàng của NTD là số lượng nhỏ, cơ cấu phức tạp và tần số mua lặp lại nhiều lần trong tuần/tháng/năm. Doanh nghiệp bán lẻ phối hợp nhiều yếu tố như: mặt hàng đa dạng phong phú, giá cả phù hợp, tiện ích và thoải mái trong mua sắm, … để thu hút khách hàng tới các điểm bán của mình.
Đây là nhóm các thành viên hỗ trợ, tham gia gián tiếp vào chuỗi cung ứng và cung cấp các loại hình dịch vụ khác nhau cho các thành viên chính trong chuỗi. Các doanh nghiệp dịch vụ đóng góp những lợi ích thiết thực cho chuỗi cung ứng qua nỗ lực giúp các thành viên chính trong chuỗi có thể mua sản phẩm ở nơi họ cần, cho phép người mua và người bán giao tiếp một cách hiệu quả, giúp phục vụ tốt khách hàng với tổng chi phí thấp nhất có thể. Nhờ những năng lực chuyên môn hóa cao với các tài sản, thiết bị đặc thù họ có thể thực hiện các dịch vụ hiệu quả hơn ở một mức giá hợp lý hơn so với việc các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ, hay khách hàng tự làm.
Khách hàng là thành tố quan trọng nhất của chuỗi cung ứng, vì không có khách hàng thì không cần tới chuỗi cung ứng và các hoạt động kinh doanh. Mục đích then chốt của bất kỳ chuỗi cung ứng nào là để thỏa mãn nhu cầu khách hàng trong tiến trình tạo ra lợi nhuận cho chính nó. Các hoạt động của chuỗi cung ứng bắt đầu với đơn đặt hàng của khách hàng là người tiêu dùng cuối và kết thúc khi họ nhận được hàng hóa và thanh toán theo giá trị đơn đặt hàng.
Với công ty sữa Vinamilk, nguồn nguyên liệu đầu vào đến từ các nhà xuất khẩu sữa của Australia, Newzealands, Pháp, từ các nông trại của Vinamilk và từ hàng nghìn nông hộ nhỏ, từ Tetra Pak với các giải pháp chế biến và đóng gói sữa tươi, sữa bột. Tương tự, về phía đầu ra, Vinamilk phân phối hàng hóa tới các mạng lưới của Big C, Winmart, Aeon … và hệ thống phân phối truyền thống tới các cửa hàng tạp hóa ở khắp các vùng miền trên toàn quốc.
Như vậy, một doanh nghiệp có thể đồng thời là thành viên của nhiều chuỗi cung ứng khác nhau và đóng các vai trò, chức năng khác nhau trong từng chuỗi cung ứng. Ví dụ, Vinamilk có thể là khách hàng đối với Tetra Pak, là nhà cung cấp đối với Aeon, và là đối thủ cạnh tranh của FrieslandCampina (Sữa cô gái Hà Lan). Cho dù ở vị trí nào, một doanh nghiệp có “định hướng chuỗi cung ứng” là doanh nghiệp nhận thức được giá trị chiến lược của việc quản lý các hoạt động, các quá trình và các dòng chảy trong chuỗi cung ứng một cách nhịp nhàng và gắn kết với các đơn vị khác.
Nguồn: OCD tổng hợp.
You must be logged in to post a comment.