Last updated on 24 May, 2024
Table of Contents
ToggleTrên hành trình phát triển để hoàn thiện bất cứ thứ gì, chúng ta thường rất dễ bị cuốn vào những điểm chưa hoàn thiện nhỏ nhặt. Bạn thử nói xem trên một tờ giấy trắng có một chấm đen, bạn bị thu hút bởi điều gì? Rõ ràng là chấm đen, bởi vì nó rất nổi bật trên tờ giấy trắng. Phần lớn chúng ta đều chỉ nhìn thấy vết đen, vết bẩn, nhìn thấy cái xấu, cái sai và lờ đi những khoảng trắng, những điều tốt đẹp.
Cũng dễ hiểu thôi, vì đó là tâm lý chung của con người. Theo học thuyết của Abraham Maslow, nhu cầu tự nhiên của con người được chia thành các thang bậc khác nhau, phản ánh mức độ cơ bản đối với sự tồn tại và phát triển. Bậc hai trong thang Maslow là nhu cầu về an toàn. Thế nên con người luôn luôn nhìn thấy những điểm đen, cái xấu, nguy cơ,… như một phản ứng tự vệ để đạt được mức an toàn tối thiểu về tính mạng và tài sản.
Kết luận này cũng đúng trong việc quản trị nhân lực. Những người quản lý thường bị để tâm tới một số nhân sự không tốt. Họ thường xuyên nghĩ ngợi và khó chịu về những nhân viên làm việc không hiệu quả hay có thái độ kém. Điều đó ảnh hưởng xấu đến chính bản thân những nhà quản lý, khiến họ lúc nào cũng không thoải mái, cáu gắt, bực dọc. Và tiêu cực hơn khi họ tìm cách đưa ra một vài chính sách áp dụng toàn công ty chỉ để kiểm soát, đối phó hay thay đổi một vài người.
Theo nguyên lý Pareto (hay quy tắc 80/20), thì 80% thời gian chúng ta để tâm tới điều khó chịu, trong khi nó chỉ mang lại 20% hiệu quả. Thậm chí nó là nguyên nhân 100% cách mà chúng ta cảm thấy cuộc sống thật tồi tệ, dù thực sự mọi việc không tệ đến thế. Và điều này thật sai lầm!
Thứ nhất, trên phương diện cá nhân, cần nhớ rằng “nhân vô thập toàn” – Con người trong chúng ta không ai là hoàn thiện cả. Với mọi người xung quanh, nếu chỉ chăm chăm nhìn vào nhược điểm của họ, chúng ta sẽ vô tình quên mất rằng họ cũng có những điểm tốt.
Thứ hai, với góc độ tập thể, thì chúng ta thường chỉ nhìn thấy chấm đen trên tờ giấy trắng, mà không thấy được cả một tờ giấy trắng chỉ chứa vài chấm đen nhỏ. Khi quá để ý tới chấm đen – một vài cá nhân yếu kém, chúng ta sẽ bỏ lỡ thời gian để quan tâm, tận dụng giá trị của những khoảng trắng còn lại – Những nhân sự tốt cần được tạo điều kiện, môi trường để phát huy khả năng.
Thứ ba, trong công việc và cuộc sống, nếu bạn chỉ nhìn thấy cái xấu, cái sai, thì bạn chính là người phải chịu dằn vặt đau khổ. Với tâm trạng bức bối, hay cáu gắt, thử hỏi làm sao mà nhà quản lý nhân sự tạo ra được hiệu quả làm việc cá nhân tốt, và quan trọng hơn, có được sự yêu quý và tôn trọng thực sự của mọi nhân viên?
Mục đích cuối cùng của những nhà quản trị nhân sự là tìm cách tận dụng và phát huy năng lực của đội ngũ nhân viên. Điều chúng ta cần làm chính là chú tâm tới những nhân sự tốt, cho họ chính sách, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thúc đẩy họ, nhân bản họ.
Mỗi người đều có những sở trường, sở đoản khác nhau. Nếu nhà quản lý nhân sự thấy nhân viên làm việc kém hiệu quả, hay thái độ chưa đúng. Hãy kiên nhẫn trò chuyện để tìm hiểu nguyên nhân của những “chấm đen”. Biết đâu sai lầm lại xuất phát từ phía bạn, khi sự phân công công việc chưa phù hợp với khả năng của nhân viên. Sau đó, hoặc là bạn luân chuyển họ đến nơi mà có thể sẽ phát huy được thế mạnh. Hoặc nếu cá nhân đó không phải người phù hợp với công ty, thì đừng trì hoãn việc sa thải để không lãng phí thời gian và ảnh hưởng tới tập thể chung.
“Bới lông tìm vết” hay “đãi cát tìm vàng” là lựa chọn của bạn. Chú ý tới điều tốt đẹp của người khác, bạn sẽ thấy sự tốt đẹp để tận dụng. Ngược lại, chăm chăm đi tìm cái xấu, cái sai để đối phó và cố thay đổi luôn là điều không nên. Với một tờ giấy chứa vài chấm đen, chúng ta vẫn có thể vẽ được một bức tranh tuyệt đẹp. Còn nếu “chấm đen” – nhân sự đó thực sự không phù hợp, hãy nhanh chóng kết thúc họ.
Nguồn: Mai Xuân Đạt – CEO SEONGON
Tham khảo bài viết
Tại sao nhân viên không hài lòng?
Nhân viên nghỉ việc đồng loạt – Nguyên nhân và cách giải quyết
Bài học kinh doanh rút ra từ “Tam quốc diễn nghĩa”