Last updated on 24 May, 2024
Sau cột mốc chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 1/2019, thương hiệu Bamboo Airways chính thức trở thành hãng hàng không thứ 5 tại Việt Nam, đặt sứ mệnh kết nối những miền đất du lịch trên dải đất hình chữ S, nâng tầm hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên bản đồ quốc tế. Việc Bamboo Airways gia nhập thị trường hàng không đặt ra những thuận lợi và cả những khó khăn, đặc biệt là đối với thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng không dễ tồn tại như hàng không. Như vậy, đòi hỏi Bamboo Airway phải có chiến lược phù hợp để có thể cạnh tranh với các ông lớn như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Jetstar Pacific. Vũ khí nào được Bamboo sử dụng để khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường Việt Nam
Table of Contents
ToggleCông ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã thông qua nghị quyết thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines). Đây là công ty con có 100% vốn của Tập đoàn FLC, và sẽ là công ty sở hữu đối với hãng hàng không với tên thương mại chính xác là hãng hàng không Bamboo Airways. Sự ra đời công ty sở hữu này cũng chính là bước đệm cho việc thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. Vậy điều gì đã thúc đẩy một tập đoàn Bất động sản bỏ vốn đầu tư và phát triển một hãng hàng không thương hiệu Việt? Câu trả lời đó là: quyết định này của FLC xuất phát từ việc nhìn nhận và phân tích tình hình thực tiễn, trong quá trình triển khai và khai thác 6 khu quần thể nghỉ dưỡng trên toàn quốc. Họ nhận thấy tiềm năng rất lớn về nhu cầu đi lại của du khách cả trong nước và quốc tế tới các điểm du lịch của Việt Nam, bao gồm các tỉnh có dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của FLC. Bên cạnh đó, các hãng hàng không truyền thống của Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác dịch vụ tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, mà chưa chú trọng nhiều tới các đường bay thẳng từ nước ngoài hoặc trong nước tới các địa điểm du lịch Việt Nam.
Chính vì vậy, FLC kỳ vọng Bamboo Airways ra đời sẽ kích thích phát triển hơn nữa ngành du lịch tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh còn nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác, nâng tầm hình ảnh của du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Mục tiêu ban đầu của Bamboo Airways là hãng hàng không “hybrid”, một loại hình vận chuyển hàng không mới trên thế giới, bên cạnh loại hình hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ. Loại hình dịch vụ mới này được kết hợp giữa hai loại hình kinh doanh đã tồn tại, nhằm hướng tới một dịch vụ đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách. Bamboo Airways vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một hãng hàng không truyền thống, với giá cả hợp lý.
Điều khác biệt của hãng hàng không Tre Việt đó là thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã trong tình trạng quá tải, Bamboo Airways lại tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Tức là, Bamboo Airways khi ra đời sẽ ưu tiên vào việc đưa du khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch nhiều tiềm năng của Việt Nam, nhằm tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển của du khách, tránh cho họ phải đi qua các điểm trung chuyển không cần thiết.
Trả lời phỏng vấn Nikkei, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết Hãng đang phấn đấu trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Việt Nam mở đường bay thẳng đến Mỹ trong thời gian sắp tới.
Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways
Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, nhằm kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa – Quy Nhơn, Thanh Hóa – Phú Quốc, Thanh Hóa – Nha trang, Hải Phòng – Quy Nhơn… FLC kỳ vọng khi Bamboo Airways ra đời cùng với sự phát triển, mở rộng của các điểm du lịch nhiều tiềm năng tại Việt Nam thì lượng khách đến các địa điểm này sẽ ngày càng gia tăng. Chính điều khác biệt này đã khiến cho Bamboo Airways có cơ hội phát triển nói riêng cũng như toàn thể ngành hàng không nói chung.
Theo quy hoạch tổng thể của Cục Hàng không Việt Nam, đến năm 2020 Việt Nam sẽ phát triển đưa vào khai thác tổng cộng mạng lưới gồm 26 cảng hàng không trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa. Nhưng hiện tại thì Việt Nam đang khai thác 21 cảng hàng không, trong đó chỉ tính riêng hai Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã chiếm tới gần 75% lưu lượng khách, cá biệt sân bay Tân Sơn Nhất đang phải hoạt động tới 110% công suất thiết kế. Ngược lại, có một số sân bay địa phương có tiềm năng du lịch nhưng lại chưa được khai thác triệt để, như sân bay Phú Quốc mới chỉ hoạt động gần 38% công suất… Có thể nói đây là một điều vô cùng lãng phí về mặt cơ sở hạ tầng. Do đó, với các tuyến bay mới nhằm kết nối các địa phương có nhiều tiềm năng du lịch với nhau, Bamboo Airways không những không gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của những cảng hàng không đã quá tải, mà còn góp phần khai thác tối đa tiềm năng những địa điểm có hạ tầng hàng không chưa được tận dụng.
Theo số liệu mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN), trong tháng 7/2019, Bamboo Airways đã thực hiện 1.667 chuyến bay, số chuyến bay đúng giờ là 1.564 chuyến bay, tương ứng với tỷ lệ OTP 93,8%, cao hơn mức chung 86,9% của toàn ngành hàng không Việt Nam.
Với con số này, Bamboo Airways là hãng hàng không dẫn đầu tỷ lệ bay đúng giờ toàn ngành hàng không tháng 7. Trước đó, cũng theo báo cáo của Cục HKVN, Bamboo Airways là Hãng hàng không bay đúng giờ nhất 6 tháng đầu năm 2019.
Sau 8 tháng đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay của Bamboo Airways đạt trung bình 90% và tỷ lệ các chuyến bay an toàn đạt 100%. Trong tháng 7/2019, Bamboo Airways cũng đã chào đón vị khách thứ 1 triệu đầu tiên tại sân bay Phù Cát (Bình Định).
Nguồn: Công ty Tư vấn Quản lý OCD
Tham khảo thêm tại: Vinfast: Chiến lược kinh doanh và thành tựu