Last updated on 23 April, 2020
Đã qua rồi cái thời xu hướng mua sắm là xách giỏ tới các cửa hàng để mua thực phẩm và đồ dùng phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của bạn. Giờ đây, bạn có thể mua sắm bất cứ thứ gì, vào bất cứ thời điểm nào, chỉ cần một chiếc máy tính hoặc smartphone có kết nối internet và một cú chạm nhẹ/click chuột để lựa chọn mọi sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới theo nhu cầu của mình. Đơn giản và và hoàn toàn tự động, bạn chỉ cần ngồi một chỗ, gõ địa chỉ bạn muốn nhận hàng và thanh toán qua tài khoản. Mọi vật sẽ xuất hiện trước cửa nhà bạn đúng như những gì đã chọn mà bạn không cần phải di chuyển hay tốn một giọt mồ hôi nào. Đó chính là xu hướng mua sắm và cũng là thực tế việc mua sắm của người tiêu dùng hiện nay.
Một thực tế là xu hướng mua sắm online đã và đang bùng nổ trên phạm vi toàn cầu. Nhiều ông lớn trong ngành bán lẻ truyền thống đang phải đầu hàng trước xu hướng này, khi năm 2016 có tới 296 siêu thị của Warmarrt phải đóng cửa. Hay Tesco “đế chế bán lẻ” của Anh cũng đã phải thu hẹp thị phần của mình với việc đóng cửa các siêu thị và cắt giảm 4.500 việc làm trong năm 2019. Xu hướng mua sắm online của người tiêu dùng và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hãng thương mại điện tử trong thập kỷ số vừa qua chính là câu trả lời cho vấn đề trên. Trong một thế giới phẳng như hiện nay, bạn ngồi một chỗ nhưng lại hoàn toàn có thể mua sắm tại tất cả các đại siêu thị trên toàn thế giới như Amazon.com, Ebay, Alibaba, Bestbuy.com hay các chuỗi cửa hàng tiện ích gần nhà chỉ bằng những cú chạm hay vuốt không giới hạn trên máy tính hay smartphone của bạn. Tiện lợi, tiết kiệm thời gian và có tất cả mọi thứ đó chính là những ưu điểm của mua sắm online. Đây cũng chính là điều mà các trang thương mại điện tử tận dụng phát triển. Đồng thời với lợi thế không mất chi phí thuê mặt bằng, tiết giảm chi phí nhân công, sự hỗ trợ của các nền tảng ứng dụng tiện lợi, bắt kịp với xu thế người tiêu dùng là những ưu điểm mà các trang thương mại điện tử đã đánh bại các thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ.
Trong những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã quen thuộc với xu hướng mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo … Năm 2018, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đạt 8,06 tỷ USD với mức tăng trưởng tới 30%. Trong 3 năm trở lại đây, thì đây cũng là mức tăng trưởng lớn nhất. Số người tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018 là 39,9 triệu người, tăng 6,3 triệu người so với năm 2017. Giá trị mua sắm trực tuyến của 1 người ước đạt 202 USD, tăng 16 USD so với năm 2017. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ – B2C Việt Nam năm 2018 chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước (theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, phát hành 2019, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương). Những sản phẩm được mua qua mạng nhiều nhất trong năm qua theo Sách trắng gồm quần áo, giày dép và mỹ phẩm với 61%, sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng 46%; Thiết bị đồ dùng gia đình 46%; Đồ công nghệ và điện tử 43%. Dưới 35% có thực phẩm, vé các dịch vụ vận tải hành khách như máy bay, tàu hỏa, ô tô. Hoạt động đặt chỗ khách sạn, tour du lịch chiếm 31%. Những dịch vụ phổ biến còn lại là học tập, các nội dung số như trò chơi, âm nhạc, video. Ba kênh mua sắm trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn là Website thương mại điện tử 74%; Diễn đàn, mạng xã hội 36%; và các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động 52%. So với năm 2017, trong khi tỷ lệ người mua hàng trực tuyến qua 2 kênh website thương mại điện tử và các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động năm 2018 đều tăng, tỷ lệ này lại giảm với kênh mua sắm qua diễn đàn, mạng xã hội.
Theo khảo sát online được thực hiện bởi Công ty Tư vấn Quản lý OCD năm 2019 về thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn mua online khá đa dạng (xem minh họa hình dưới). Trong đó, nhiều nhất là mặt hàng quần áo, giày dép và phụ kiện 56.4%; tiếp theo là mỹ phẩm 24.0% và thực phẩm là 19.2%.
Cũng theo nghiên cứu này, độ tuổi của người tiêu dùng mua sắm online rất trẻ. Độ tuổi của những người tham gia khảo sát trả lời đã từng mua sắm online chia theo khoảng như sau: dưới 18 tuổi là 81.6%; từ 18 – 29 tuổi là 83.4%; từ 30 – 34 tuổi là 85.9%; từ 35 – 39 tuổi là 80.4%; từ 40 tuổi trở lên là 69.8%.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid – 19 đang diễn ra trên toàn cầu. Sự bùng phát của đại dịch Covid – 19 trong 2 tháng qua tại Trung Quốc và lây lan ra gần 100 quốc gia đã khiến nền kinh tế thế giới tê liệt. Chịu ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp nhất là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải, logistic. Tiếp theo là các ngành sản xuất như may mặc, dày da, linh kiện điện tử và các ngành tiêu dùng khác … Ước tính thiệt hại kinh tế toàn cầu là rất lớn, có thể thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do năng suất lao động giảm, sản xuất đình đốn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm, ngành du lịch bị tàn phá…. (ước tính theo các chuyên gia kinh tế của Hãng tư vấn Oxford Economics). Một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới thiệt hại kinh tế của các ngành do thiếu nguồn cung cho hoạt động sản xuất. Sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ vừa qua đã biến quốc gia này trở thành công xưởng khổng lồ của toàn thế giới. Năm 2018 GDP của Trung Quốc lên đến 13.600 tỉ USD, chiếm đến 17% GDP toàn cầu và 30% sản lượng thế giới. Trong khi con số này năm 2003 chỉ là 1.600 tỉ USD (theo số liệu của World Bank). Đại dịch Covid – 19 trong 2 tháng qua đã đóng băng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, do vậy đã kéo theo ảnh hưởng tới hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, số lượng các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh ngày càng gia tăng và hiện tại khi chưa có vacxin phòng bệnh thì biện pháp phòng thủ mà các nước đang đồng loạt thực hiện là phong tỏa các đường biên giới và hạn chế tối đa việc giao thương. “Social distancing” hay “cách ly xã hội” đang là biện pháp mà các quốc gia thực hiện để phòng chống việc lây lan của vi rút Corona. Biện pháp này ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế của các quốc gia và sản xuất kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực. Nhìn ở góc độ khác, việc vượt qua cú sốc của đại dịch Covid – 19 cũng chính là một cách để đo lường sức khỏe của các nền kinh tế. Hay nói cách khác, đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm ra hướng đi mới hay sẽ xuất hiện những phương thức sản xuất, kinh doanh mới phù hợp với bối cảnh hơn. Đối với thương mại điện tử, đây chính là cơ hội để tạo bước phát triển đột phá thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại Điện tử Việt Nam 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 đạt trên 30%. Tốc độ tăng trưởng này liên tục trong những năm gần đây và dự báo doanh thu ngành này sẽ đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020, theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020. Theo GlobalData thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, trong đó tổng chi tiêu trực tuyến tăng từ 90,1 ngàn tỷ đồng (tương đương 3,9 tỷ USD) trong năm 2015 lên 218,3 ngàn tỷ đồng (tương đương 9,4 tỷ USD) trong năm 2019.
Trong bối cảnh dịch Covid – 19 , song song với biện pháp cách ly xã hội là nhiều thông điệp khuyến khích người dân “làm việc tại nhà, không tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc trực tiếp …” đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hành vi của người tiêu dùng. Vì vậy, Covid-19 được nhận định là sẽ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp biết tận dụng thương mại điện tử để thích ứng được với bối cảnh cách ly xã hội nhưng không cách ly nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Các nền tảng thương mại điện tử hướng tới mục tiêu phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng các sản phẩm với việc không ngừng hoàn thiện dịch vụ mua sắm, vận chuyển và thanh toán điện tử. Đặc biệt là dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Tại Việt Nam, dịch vụ giao hàng chưa sử dụng drone như Amazon hay 7-Eleven đã từng sử dụng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa sự tiện lợi và an toàn của người nhận đồng thời đưa ra các giải pháp rút ngắn thời gian giao hàng. Có thể kể đến dịch vụ điểm lấy hàng tự động qua tủ khóa thông minh (Smart locker) của Lazada Việt Nam. Đây có thể coi là giải pháp “giao hàng không tiếp xúc” giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus. Hay dịch vụ giao hàng siêu tốc chuyển phát P2P (Point-to-Point) trong hai giờ với các đối tác chọn lọc tại TPHCM và Hà Nội. Hoàn thiện tính năng mua hàng online cũng là một cách ứng phó linh hoạt trong thời điểm dịch bệnh của hệ thống siêu thị Vinmart. Khách hàng có thể đặt hàng qua điện thoại tại các siêu thị gần nhất, hoặc truy cập link để đi chợ Vinmart online ngay: https://id.vin/mWw; hoặc cũng có thể đặt hàng qua app VinID, chỉ cần chọn tính năng “đi chợ”.
Sẽ không cần làm gì cả, chỉ cần một cú chạm là hàng hóa được tự động gửi đến tận tay bạn. Đó chính là tương lai của xu hướng mua sắm. Khi bạn chỉ cần chạm vào màn hình là hàng hóa được tự động chuyển tới tận nhà bạn. Xem hàng, lựa chọn, thanh toán, vận chuyển … hoàn toàn tự động. Và trong bối cảnh tương lai có thể có nhiều thay đổi như đại dịch Covid – 19 mà cả thế giới đang đối mặt, mua sắm online hẳn là xu thế phát triển không ngừng.
Nguồn: Ths. Phạm Thị Bích Ngọc | OCD
Bà Phạm Thị Bích Ngọc là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và phân tích dữ liệu của OCD, chuyên sâu trong việc thực hiện các nghiên cứu định lượng.
Đọc thêm: Ứng dụng của phần mềm SPSS trong quản lý cơ sở dữ liệu
You must be logged in to post a comment.