Tư duy ngược là gì? Áp dụng 5 bước tư duy ngược hiệu quả

check sheet là gì
Check sheet là gì? Các loại phiếu kiểm tra chất lượng phổ biến
5 September, 2024
Khung chuyển đổi số doanh nghiệp sản xuất
Khung chuyển đổi số là gì? Mẫu khung chuyển đổi số
6 September, 2024
5/5 - (1 vote)

Last updated on 12 September, 2024

Tư duy ngược là một phương pháp giải quyết vấn đề có thể hữu ích để khám phá các lựa chọn khác nhau trong một dự án đổi mới hoặc trong Tư duy thiết kế (Design thinking). Trong bài viết dưới đây, OCD sẽ đi sâu hơn về kỹ thuật này là gì, khi nào nên sử dụng nó, cũng như các lợi ích, thách thức nó mang lại để giúp bạn hiểu về phương pháp tư duy này một cách toàn diện.

Tư duy ngược là gì?

khái niệm tư duy ngược

Khái niệm về tư duy ngược

Tư duy ngược (Reverse thinking) là một phương pháp tư duy khác biệt hoàn toàn so với cách tiếp cận thông thường hoặc tư duy tuyến tính trong việc giải quyết vấn đề hoặc ra quyết định. Thay vì bắt đầu từ kết quả kỳ vọng hoặc hướng về tương lai tốt đẹp, bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ từ những trường hợp xấu nhất hoặc ngược lại với những gì bản thân mình mong muốn. Điều này có thể giúp bạn khám phá những giả định ẩn, định kiến, góc nhìn, cơ hội mới mà bạn có thể bỏ qua hoặc cho rằng đó là điều hiển nhiên.

Mục đích của tư duy ngược là mở rộng quan điểm và khai phá các giải pháp độc đáo bằng cách tập trung vào phân tích điều ngược lại với kết quả kỳ vọng. Thay vì yêu cầu người tham gia đưa ra ý tưởng để đạt được một mục tiêu hoặc cải thiện tình hình hiện tại, điều ngược lại được thực hiện. Người tham gia được yêu cầu tìm cách làm cho mục tiêu trở nên không thể đạt được. Khi ấy, những suy nghĩ tiêu cực nhất từ các thành viên sẽ nổi lên bề mặt và bạn có được thông tin quan trọng về những gì không hiệu quả.

“Một khi bạn biết điều gì không hiệu quả, bạn có thể lập kế hoạch chiến lược chi tiết để đảm bảo thành công.”

Phân biệt tư duy thông thường và tư duy ngược

Cách tốt nhất để hình dung quá trình tư duy ngược là so sánh nó với tư duy thông thường:

  • Câu hỏi tư duy thông thường: Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện dịch vụ khách hàng?
  • Câu hỏi tư duy ngược: Làm thế nào chúng ta có thể làm cho dịch vụ khách hàng trở nên tồi tệ đến mức tất cả khách hàng đều bỏ đi không sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của chúng ta nữa?
  • Câu hỏi tư duy thông thường: Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng dự án này thành công?
  • Câu hỏi tư duy ngược: Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng dự án này thất bại thảm hại?
See also  6 chiếc mũ tư duy là gì? Các bước áp dụng hiệu quả

Tóm lại, tư duy ngược yêu cầu chúng ta đảo ngược câu hỏi để tìm ra các giải pháp sáng tạo và hiệu quả.

Các bước tư duy ngược

Phương pháp tư duy ngược bao gồm 5 bước dưới đây:

5 bước tư duy ngược

5 bước tư duy ngược

Bước 1: Xác định vấn đề

Xác định vấn đề, mô tả nó và ghi chú lại trên một tờ giấy lớn. Chẳng hạn như sử dụng một bảng flipchart để giúp từng người tham gia vào quá trình tư duy có thể hiểu rõ được vấn đề.

Bước 2: Đảo ngược vấn đề

Đây là bước đảo ngược vấn đề. Vì vậy, đừng hỏi làm thế nào để giải quyết vấn đề, mà hãy hỏi về những nguyên nhân nào có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn hoặc làm thế nào để đạt tình trạng hiện tại của vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Bước 3: Thu thập ý tưởng khả thi

Đây là bước tạo ra thông tin quan trọng. Tất cả các ý tưởng do nhóm đưa ra để làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn đều có thể được khơi gợi. Không có đề xuất nào sẽ bị loại bỏ và các ý tưởng phải được tự do phát triển. Thêm vào đó, việc phản bác các ý tưởng không được khuyến khích trong giai đoạn này.

Bước 4: Đảo ngược ý tưởng

Tất cả các ý tưởng đã thu thập được giờ được thảo luận và đảo ngược lại để được chuyển đổi thành các giải pháp thực tế cho những vấn đề thực sự đang diễn ra.

Bước 5: Đánh giá giải pháp

Tất cả các giải pháp và mức độ khả thi của từng ý tưởng sẽ được đánh giá lại. Cuối cùng, nhóm thực thi sẽ quyết định những yếu tố nào quan trọng cấu thành một giải pháp thực tế và sau đó sẽ lựa chọn giải pháp tối ưu nhất.

Ví dụ về việc áp dụng tư duy ngược trong kinh doanh

Minh là quản lý của một phòng khám sức khỏe và cô chịu trách nhiệm cho việc cải thiện mức độ hài lòng của bệnh nhân. Trong quá khứ, phòng khám đã có nhiều sáng kiến cải tiến không thành công. Vì thế, các thành viên trong nhóm cảm thấy khá hoài nghi khi Minh quyết định tổ chức một cuộc họp khác về chủ đề này.

Tuy vậy, lần này cô quyết định sử dụng một số kỹ thuật giải quyết vấn đề sáng tạo mới mà cô đã học được. Cô hy vọng điều này sẽ làm cho cuộc họp nhóm trở nên thú vị hơn và thu hút mọi người thảo luận, tương tác nhiều hơn. Phương pháp này hứa hẹn sẽ tiết lộ điều gì đó nhiều hơn những “ý tưởng hay” nhưng tầm thường mà không một ai muốn hành động.

Xác định và đảo ngược vấn đề

Để chuẩn bị cho cuộc họp nhóm, Minh suy nghĩ kỹ về vấn đề và viết ra tuyên bố vấn đề:

“Làm thế nào để chúng ta cải thiện mức độ hài lòng của bệnh nhân?”

vấn đề được xác định là làm sao để cải thiện mức độ hài lòng của khách hàng

Vấn đề được xác định là: “Làm sao để cải thiện mức độ hài lòng của bệnh nhân?”

Sau đó, cô đảo ngược vấn đề:

“Làm thế nào để chúng ta làm cho bệnh nhân cảm thấy không hài lòng hơn?”

Ngay lập tức, cô bắt đầu nhận thấy góc nhìn mới này có thể tạo ra một số kết quả đáng ngạc nhiên. Tại cuộc họp nhóm với kỹ thuật tư duy ngược, mọi người đều tham gia một cách sôi nổi và hiệu quả. Họ tận dụng cả kinh nghiệm làm việc với bệnh nhân và kinh nghiệm cá nhân của họ khi là bệnh nhân và khách hàng của các phòng khám khác. Minh khuyến khích sự tự do trong phát triển ý tưởng, đồng thời đảm bảo rằng mọi người không bị đánh giá ngay cả với những đề xuất tưởng chừng xa vời nhất.

See also  Tư duy thiết kế là gì? Quy trình 5 bước áp dụng

Thu thập và đảo ngược ý tưởng

Dưới đây chỉ là một số ý tưởng giải pháp cho vấn đề bị đảo ngược:

  • Đặt lịch hẹn trùng nhau.
  • Loại bỏ ghế khỏi phòng chờ.
  • Để bệnh nhân chờ điện thoại (và quên họ).
  • Yêu cầu bệnh nhân đợi bên ngoài trong bãi gửi xe.
  • Đưa bệnh nhân đã đặt lịch khám vào danh sách chờ sáu tuần.

Sau đó, nhóm có một danh sách dài các giải pháp “bị đảo ngược”. Bây giờ là lúc xem xét từng giải pháp trên để suy nghĩ về một giải pháp thực tế cho các vấn đề đang thực sự diễn ra.

  • Ngăn chặn việc đặt lịch trùng lặp bằng cách đầu tư vào một hệ thống đặt lịch hẹn được cải thiện.
  • Thêm nhiều ghế hơn để không ai phải đứng khi chờ.
  • Chuyển tiếp cuộc gọi cho bộ phận đang trống (Tuyển đủ nhân sự để đáp ứng nhu cầu).
  • Mở phòng chờ sớm hơn 10 phút để bệnh nhân không phải xếp hàng bên ngoài vào buổi sáng.
  • Đầu tư vào phần mềm mới để bệnh nhân có thể hẹn khám online, giảm bớt việc chờ đợi khám trực tiếp của bệnh nhân.

Cuộc họp với tư duy ngược đã cho ra nhiều ý tưởng cải tiến mà nhóm có thể thực hiện nhanh chóng. Quá trình này mang đầy tính sáng tạo và tăng sự thú vị khi làm việc. Điều này đã giúp cả nhóm trở nên tập trung hơn vào giải quyết vấn đề của bệnh nhân. Nó mất nhiều thời gian hơn so với tư duy thông thường, nhưng lại tạo ra các giải pháp đột phá hơn.

Các trường hợp sử dụng tư duy ngược

Các công ty đang tìm kiếm những cách sáng tạo để thúc đẩy sự đổi mới của họ đã và đang thành công khi áp dụng tư duy ngược. Mục đích ở đây là phá vỡ các mô hình tư duy truyền thống và tạo ra các ý tưởng đột phá. Các trường hợp sử dụng phương pháp này có thể bao gồm:

các trường hợp sử dụng

Các trường hợp sử dụng tư duy ngược

Đổi mới tập trung vào khách hàng

Các công ty sử dụng tư duy ngược để hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng. Bằng cách làm nổi bật những điều có thể gây thất vọng hoặc tạo ra trải nghiệm tiêu cực cho khách hàng, các giải pháp sáng tạo cuối cùng có thể được phát triển để gia tăng sự hài lòng của họ.

Giải quyết vấn đề trong nhóm

Khi các nhóm thường xuyên phải đưa ra các quyết định khó khăn, họ có thể sử dụng tư duy ngược để khám phá tất cả các trở ngại tiềm tàng. Điều này khuyến khích việc trao đổi ý tưởng mở và cho phép phát triển chiến lược giải pháp hợp lý.

Tối ưu hóa sản phẩm trong quá trình phát triển

Trong giai đoạn phát triển sản phẩm, tư duy ngược có thể được sử dụng để xác định các điểm đau và vấn đề của khách hàng ở giai đoạn đầu. Điều này cho phép nhóm phát triển tối ưu hóa sản phẩm có mục tiêu rõ ràng trước khi được tung ra thị trường.

Lợi ích của phương pháp tư duy ngược

So với tư duy truyền thống, quá trình tư duy ngược mang lại một số lợi thế sau:

lợi ích của tư duy ngược

Lợi ích của tư duy ngược

Thay đổi lối mòn suy nghĩ

Tư duy ngược buộc bạn phải suy nghĩ theo những cách mà bạn có thể chưa từng làm trước đây. Đôi khi, chúng ta có thể bị mắc kẹt trong việc làm một công việc việc lặp đi lặp lại nhưng lại mong đợi các kết quả khác nhau. Phương pháp này có thể phá vỡ lối mòn tư duy đó.

See also  Tư duy thiết kế là gì? Quy trình 5 bước áp dụng

Tư duy ngược tập trung vào phòng ngừa rủi ro

Thay vì tập trung suy nghĩ để giải quyết các vấn đề hiện tại, phương pháp này giúp bạn phát hiện các vấn đề tiềm ẩn trong tương lai trước khi chúng thực sự xảy ra. Bạn có thể sử dụng phương pháp 5 whys để 

Đề xuất các giải pháp sáng tạo

Vì bạn đang suy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường, bạn có nhiều khả năng phát triển các ý tưởng không theo quy chuẩn hay định nghĩa truyền thống.

Tạo môi trường an toàn cho những ý kiến trái chiều

Cách tiếp cận này cho phép mọi người đưa ra phản hồi tiêu cực mà không gây ra hậu quả tiêu cực. Ít nhất thì mọi người đều được quyền bày tỏ quan điểm của mình. Hơn nữa, một số lo ngại có thể trở nên rất hợp lý và sẽ giúp thúc đẩy các hành động tích cực.

Phát triển kế hoạch toàn diện

Bằng cách xác định các vấn đề tiềm năng trước khi nó thực sự xảy ra, các nhóm sẽ xây dựng kế hoạch chiến lược giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ nguyên nhân gây ra vấn đề ở giai đoạn sớm hơn.

Hạn chế việc Groupthink

Groupthink (Tư duy tập thể) xảy ra khi mọi người đồng ý quá nhanh với một ý tưởng để tránh gây xung đột giữa các thành viên. Ngược lại, việc giải quyết các vấn đề phức tạp bằng tư duy ngược có thể tạo ra một loạt các giải pháp sáng tạo và khả thi hơn, nhưng buộc bạn phải đặt ra các câu hỏi phản biện nhiều hơn và trao đổi với các thành viên khác kỹ càng hơn.

Hạn chế của phương pháp tư duy ngược

Mặt khác, có một số nhược điểm đáng kể của tư duy ngược mà bạn sẽ phải lưu ý.

Tăng khả năng nản lòng: Người áp dụng tư duy này có thể quá tập trung vào các khả năng tiêu cực và bị nản lòng bởi tất cả những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra sai.

Gây ra định kiến tiêu cực: Tập trung vào các kết quả tiêu cực hoặc thách thức ban đầu có thể khiến việc chuyển sang các giải pháp tích cực trở nên khó khăn.

Thách thức người điều phối: Người điều phối cần phải linh hoạt trong việc khuyến khích các thành viên trong nhóm tạo ra ý tưởng tiêu cực và sau đó điều hướng cả nhóm chuyển đổi sang các giải pháp tích cực.

Mất nhiều thời gian hơn: Quá trình tạo ra các ý tưởng tiêu cực, phân tích chúng và sau đó chuyển đổi chúng thành các giải pháp tích cực có thể yêu cầu nhiều thời gian và công sức hơn so với phương pháp tư duy truyền thống.

Tư duy ngược có thể là một trong nhiều phương pháp brainstorming (sáng tạo giải pháp) khả thi mà bạn có thể thử nghiệm cùng với nhóm của mình. Việc thử nghiệm sẽ giúp bạn xác định xem những ưu điểm có vượt xa các nhược điểm để bạn quyết định có nên áp dụng phương pháp tư duy này hay không.

Kết luận

Tư duy ngược là một công cụ tuyệt vời để tiếp thêm năng lượng cho một quá trình phát triển giải pháp sáng tạo đang bị suy yếu hoặc để thu hút những người tham gia đang cảm thấy nản lòng hoặc bị tách rời khỏi quá trình. Nó cũng có thể là một phương pháp tốt giúp nhân viên tạm thoát khỏi những trải nghiệm hàng ngày nhàm chán để nhìn nhận lại một quy trình, sản phẩm hoặc dịch vụ quen thuộc với một góc nhìn, quan điểm hoàn toàn mới và khác biệt.

Đọc thêm: 6 chiếc mũ tư duy là gì? Các bước áp dụng hiệu quả

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: CDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn

Contact Us

//]]>