Last updated on 5 September, 2021
Thương mại điện tử còn gọi là e-commerce, e-comm hay EC, là sự quảng cáo, mua bán và thanh toán sản phẩm, dịch vụ trên các phương tiện điện tử có kết nối trực tuyến. Với sự phát triển của Internet, 4G và các thiết bị di động, đặc biệt là smartphone cùng hàng ngàn thẻ ngân hàng phát hành mỗi ngày, thương mại điện tử ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và bùng nổ trong vòng vài năm gần đây.
Table of Contents
ToggleTheo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2018, với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người (xếp thứ 15 trên thế giới), và trong đó, tỷ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60%, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người dùng Internet. Và một số liệu đáng chú ý là thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày. Điều này chứng minh rằng người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau.
Một trong những nhu cầu phổ biến nhất trên mạng là mua sắm trực tuyến. Ngày càng có nhiều người Việt tiếp nhận hình thức mua hàng này. Theo ước tính của Google, mỗi năm đều có thêm khoảng 3,2 triệu người Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với mua hàng trực tuyến.
Báo cáo mới nhất của Nielsen về Việt Nam năm 2018 cho biết nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin và di động tăng trong 2 năm qua khiến người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn với việc mua hàng trực tuyến. Cụ thể, có đến 98% người dùng Internet Việt Nam mua hàng qua mạng, tăng 1% so với năm ngoái. Trong đó, các danh mục thường xuyên được người Việt quan tâm có thời trang, mỹ phẩm, du lịch, sách, âm nhạc và đồ gia dụng. Và đây cũng là các ngành chiếm tỷ trọng giao dịch nhiều nhất.
Năm 2018 là dấu mốc nổi bật cho sự khởi đầu bứt phá của thương mại điện tử ở Việt Nam.
Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 triệu người, với cơ cấu dân số trẻ, nhanh nhạy với các xu hướng công nghệ, đã tạo nên sự hấp dẫn lớn của thị trường trong nước.
Điều này còn được thể hiện bởi nguồn vốn “khủng” của các nhà đầu tư trên thế giới. Đầu tiên phải kể đến Tiki với số tiền đầu tư dồi dào mới được bổ sung từ tập đoàn JD (44 triệu USD) và VNG (122 tỷ đồng). Trong khi đó, Shopee cũng đang được công ty mẹ rót vốn rất mạnh tay. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Shopee Việt Nam cũng được công ty mẹ là Tập đoàn SEA (Singapore) tiếp tế thêm hơn 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ. Và điều này cũng không với ngoại lệ với Lazada và Sendo khi nhận được những khoản đầu tư khổng lồ từ các đối tác nước ngoài.
Sự đầu tư này đang mang lại những kết quả xứng đáng. Theo số liệu của Statista, doanh thu tại Việt Nam đạt 2,269 triệu USD và nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất toàn cầu năm 2018. Với mức tăng trưởng doanh thu tổng thị trường 29,4% so với năm 2017. Và một khảo sát của nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo trên 5.000 cửa hàng online cho biết, có hơn 73% cửa hàng online thừa nhận việc kinh doanh trên các sàn thương mại như Lazada, Shopee, Adayroi,… thực sự có hiệu quả.
Nhận định về tương lai, ông Trần Trọng Tuyến – CEO Công ty CP công nghệ DKT khẳng định: “Không lý gì thương mại điện tử trong năm 2019 không tiếp tục bùng nổ.”
Thứ nhất, về phía người dùng Việt Nam, đã quen dần với việc mua sắm online. Sự phát triển của các sàn thương điện tử và vận chuyển nhanh chóng sẽ khai phá tiềm năng và tạo đà cho xu hướng thương mại điện tử phát triển thần tốc.
Thứ hai, với sự hậu thuẫn của dòng vốn ngoại, “cuộc đua” giữa các sàn thương mại điện tử đang ngày càng trở nên gay cấn hơn bao giờ hết. Sự cạnh tranh này sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy nền thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng và hoàn thiện hơn.
Nguồn: Công ty Giải pháp Công nghệ OOC
Tham khảo bài viết
Việt Nam 2019: Thời khắc bùng nổ kinh tế số!
Nền kinh tế số Việt Nam thay đổi thế nào trước làn sóng cách mạng 4.0?