Last updated on 16 April, 2025
Trong marketing, một trong những kiến thức nền tảng quan trọng là hiểu rõ nhu cầu (need), mong muốn (want) và nhu cầu có khả năng chi trả (demand). Việc phân biệt đúng ba khái niệm này giúp các doanh nghiệp xác định đúng khách hàng mục tiêu, xây dựng sản phẩm phù hợp và thiết kế chiến lược tiếp cận hiệu quả.
Table of Contents
ToggleNhu cầu tự nhiên là cảm giác thiếu hụt một cái gì đó mà con người cảm nhận được. Nhu cầu tự nhiên được hình thành là do trạng thái ý thức của người tiêu dùng về việc thấy thiếu một cái gì đó để phục vụ cho tiêu dùng. Trạng thái ý thức thiếu hụt đó phát sinh có thể do sự đòi hỏi của sinh lý, của môi trường giao tiếp xã hội hoặc do cá nhân con người về vốn tri thức và tự thể hiện. Sự thiếu hụt càng được cảm nhận gia tăng thì sự khát khao được thỏa mãn càng lớn và cơ hội kinh doanh càng hấp dẫn.
Nhu cầu tự nhiên là vốn có, là một mặt bản thể của con người, nhà hoạt động marketing không tạo ra nó. Việc cần có cơm ăn, áo mặc, nhà ở,… gắn liền với sự tồn tại của chính bản thân con người. Hoạt động của các nhà quản trị marketing chỉ có thể góp phần phát hiện ra trạng thái thiếu hụt, tức là những nhu cầu tự nhiên chứ hoàn toàn không sáng tạo ra nó. Nhưng nếu các nhà quản trị marketing chỉ dừng ở việc phát hiện ra nhu cầu tự nhiên của con người, và sản xuất ra loại sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa thoả mãn nhu cầu đó, thì đó quả đơn giản là chỉ mới đáp ứng cái có sẵn của con người. Những nhà kinh doanh mà hiểu sự đòi hỏi của con người chỉ có như vậy trong điều kiện cạnh tranh sẽ báo trước một sự thất bại.
Người làm marketing nhận thức về nhu cầu thị trường không thể chỉ dừng ở nhu cầu tự nhiên. Để tạo ra được sản phẩm hàng hoá thích ứng với nhu cầu thị trường, khác biệt với hàng hoá cạnh tranh để tăng cường khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của công ty, người ta phải hiểu một mức độ sâu hơn của nhu cầu thị trường, đó là mong muốn.
Mong muốn (hay ước muốn) là nhu cầu tự nhiên có dạng đặc thù, đòi hỏi được đáp lại bằng một hình thức đặc thù phù hợp với trình độ văn hoá và tính cách cá nhân của con người.
Ví dụ, đói là một cảm giác thiếu hụt lương thực, thực phẩm trong dạ dày. Sự đòi hỏi về lương thực và thực phẩm để chống đói là nhu cầu tự nhiên của con người, nhưng mỗi người lại có đòi hỏi riêng về đặc tính đặc thù của lương thực, thực phẩm. Người này thì đòi phải có cơm, người khác lại cần bánh mì, người này cần cơm chiên, người khác cần cơm nấu trong nồi đất, người này cần cơm thổi từ giống gạo này, người khác cần cơm thổi từ giống gạo khác. Nhu cầu tự nhiên phản ánh sự đòi hỏi về một chủng loại sản phẩm, mong muốn phản ánh sự đòi hỏi về một dạng cụ thể trong một chủng loại sản phẩm nào đó.
Như vậy, chỉ có phát hiện ra mong muốn của từng người hoặc tập hợp người, người ta mới tạo ra những thuộc tính đặc thù của cùng một loại sản phẩm, nhờ vậy, mà tăng khả năng thích ứng và cạnh tranh trên thị trường và nâng cao được hiệu quả kinh doanh.
Dựa vào nhu cầu tự nhiên của con người, nhà kinh doanh sẽ xác định được một chủng loại sản phẩm để đáp ứng một loại nhu cầu. Nhưng dựa vào mong muốn của con người thì nhà kinh doanh mới có thể xác định được các thuộc số và đặc tính của sản phẩm, từ đó quyết định sản xuất mặt hàng cụ thể mà con người – thị trường cần. Nhờ vậy mới có thể tạo ra sản phẩm tiến bộ và nâng cao khả năng cạnh tranh của nhãn hiệu sản phẩm do họ sản xuất ra.
Tuy nhiên, phát hiện ra nhu cầu tự nhiên thường dễ dàng, khám phá ra mong muốn về từng khía cạnh của nhu cầu lại là công việc khó khăn hơn, đòi hỏi phải nghiên cứu tỉ mỉ và kỹ lưỡng hơn. Và đôi khi mong muốn của con người tồn tại dưới dạng tiềm ẩn mà chính họ cũng không nhận thức được. Nhưng hễ được nhà kinh doanh hoặc một yếu tố môi trường nào đó gợi mở thì nó lại bùng phát nhanh và biến thành sức mua mạnh mẽ. Ví dụ như sự ra đi và hồi phục của bút máy Packe trong cuộc cạnh tranh với bút bi Pilot sau khi khôi phục và gợi mở cho người tiêu dùng thèm muốn địa vị cao sang gắn liền với việc dùng bút máy Packe mới.
Nhu cầu tự nhiên và mong muốn của con người là vô hạn, nhà kinh doanh không chỉ phát hiện và sản xuất ra sản phẩm để thích ứng với chúng như là những thứ cho không, mà phải thông qua trao đổi để vừa thoả mãn lợi ích của người tiêu dùng, vừa thoả mãn mục đích của nhà kinh doanh. Vì vậy, trong khi đáp lại nhu cầu tự nhiên và mong muốn của con người nhà kinh doanh phải tính đến một đặc điểm khác của nhu cầu thị trường – Nhu cầu có khả năng chi trả.
Nhu cầu có khả năng chi trả là nhu cầu tự nhiên và mong muốn phù hợp với khả năng mua sắm. Nhà kinh doanh có thể phát hiện ra nhu cầu tự nhiên và mong muốn của con người. Họ có thể chế tạo ra đủ loại hàng hoá vừa đúng đặc tính nhu cầu ấy, rút ngắn quá trình sản xuất và phân phối, đưa hàng hoá nhanh chóng ra thị trường với mẫu mã ưa nhìn, giá cao đến mức người ta không thể mua được, mặc dù người ta rất thích được dùng nó. Khi đó nhu cầu tự nhiên và mong muốn hay nhu cầu tiềm năng không thể biến thành nhu cầu có khả năng chi trả – cầu thị trường – nhu cầu hiện thực.
Chừng nào mà nhà kinh doanh hiểu rõ được khách hàng sẽ cần loại hàng hoá gì? Hàng hoá đó phải có những đặc điểm gì? Đâu là những đặc trưng quan trọng nhất? Để tạo ra nó, người ta cần khống chế chi phí ở mức độ nào? Tương ứng với nó là mức giá nào thì khách hàng sẽ mua? Khi đó họ mới thực sự hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, và kinh doanh mới hy vọng mang lại cái mà họ chờ đợi – lợi nhuận. Để hiểu được nhu cầu thị trường, nhà quản trị marketing phải nghiên cứu thị trường, nghiên cứu người tiêu dùng về các phương diện của nhu cầu.
Hiểu được sự khác biệt giữa nhu cầu, mong muốn và nhu cầu có khả năng chi trả (cầu) giúp doanh nghiệp hiểu rõ khách hàng đang ở đâu trong hành trình mua sắm. Khi nắm bắt đúng, marketer có thể xây dựng thông điệp phù hợp, tiếp cận đúng đối tượng và tăng hiệu quả chuyển đổi. Nếu chỉ dựa vào nhu cầu hoặc mong muốn mà bỏ qua yếu tố khả năng chi trả, chiến dịch marketing dễ rơi vào sai lệch, lãng phí ngân sách và không mang lại doanh thu như kỳ vọng.