Chuyển đổi số – xu thế của CMCN 4.0 và bước chuyển mình của Rạng Đông

Việt Nam 2019: Thời khắc bùng nổ kinh tế số!
7 February, 2019
Phát triển nhân lực Việt Nam
Nhân lực Việt Nam phát triển đáp ứng yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp 4.0
10 February, 2019
Show all
Day chuyen bong den Rang dong

Rang Dong

5/5 - (1 vote)

Last updated on 6 June, 2024

CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội và thách thức. Việt Nam nói chung và ngành chiếu sáng nói riêng cũng không là ngoại lệ. Và nếu tận dụng tốt cơ hội này, chúng ta có thể đón đầu để phát triển thành công, theo kịp các nước trên thế giới. Đầu tiên là đổi mới công nghệ. CMCN 4.0 được coi là cách mạng sản xuất thông minh, nơi mà máy móc sẽ chiếm vai trò lớn nhất trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt với ngành chiếu sáng. Vì vậy, cải tiến dây chuyền sản xuất là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cũng chính là thách thức rất lớn với các đơn vị sản xuất thiết bị chiếu sáng tại Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với ngành chiếu sáng

Máy móc tương tác và giao tiếp một cách thông minh với môi trường vật chất, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D và khoa học dữ liệu là những công nghệ hiện tại sẽ đóng vai trò chủ yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Với ngành chiếu sáng, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đi theo các bước một cách rất khó khăn và đầy quyết tâm.

Đầu tiên là đổi mới công nghệ. Cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là cách mạng sản xuất thông minh, nơi mà máy móc sẽ chiếm vai trò lớn nhất trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt với ngành chiếu sáng. Vì vậy, cải tiến dây chuyền sản xuất là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cũng chính là thách thức rất lớn với các đơn vị sản xuất thiết bị chiếu sáng tại Việt Nam.

Sau đổi mới công nghệ là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Rạng Đông với cách mạng công nghiệp 4.0

Mà muốn vận hành thì phải có con người. Những người có đủ khả năng vận hành hệ thống máy móc thông minh.

Và cuối cùng, thách thức lớn nhất là làm sao để phát triển hệ thống chiếu sáng thông minh. Chiếu sáng thông minh cho phép điều khiển thiết bị linh hoạt cũng như tăng khả năng thích ứng với các điều kiện môi trường khác nhau. Nó được nối internet có thể điều khiển từ xa về thời gian và cường độ chiếu sáng, đảm bảo 3 tiêu chí: Tiết kiệm điện, giảm chi phí vận hành và kéo dài tuổi thọ đèn chiếu sáng. Lên tầm đỉnh cao, chiếu sáng còn tự động điều chỉnh để đem đến cho con người niềm hạnh phúc khi được sống và làm việc trong nguồn sáng đó.

Khi có tất cả những yếu tố trên, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh, tự vươn mình tồn tại và phát triển được trong kỷ nguyên 4.0.

Đón đầu xu hướng, trong nhiều năm qua, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã đầu tư quyết liệt cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, tích cực cải tiến nâng cao chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị tiềm lực cho những sự thay đổi lớn hơn trong tương lai.

Đó là việc thành lập Trung tâm nghiên cứu R&D Rạng Đông, thu hút các nhà khoa học đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực chiếu sáng để chủ động nghiên cứu, đi trước đón đầu xu thế chiếu sáng.

Đó là việc hiện đại hóa từng khâu trên dây chuyền sản xuất, từ từ từng bước một để dần kết nối tất cả các khâu trên một dây chuyền từ đầu vào đến đầu ra.

Đó là việc, đội ngũ CBCNV từ lãnh đạo các phòng ban, phân xưởng đến người lao động đều được đào tạo và chuẩn bị chu đáo cho những sự thay đổi dù nhỏ nhất, để khi áp dụng, mọi người đều có thể chủ động thực hiện mà không bỡ ngỡ.

Ông Nguyễn Hoàng Kiên – Quản đốc Xưởng Led điện tử và thiết bị chiếu sáng chia sẻ về câu chuyện 4.0 của Xưởng. Ông Kiên cho biết, điểm mấu chốt của 4.0 là từ những thiết bị rời rạc riêng lẻ, trở thành mạng lưới thành chuỗi liên tục. Vì thế, trong những năm qua, Xưởng đã tiến hành việc tự động hóa các dây chuyền sản xuất, thực hiện Kaizen cải tiến là nền tảng ban đầu, giúp tối ưu quá trình sản xuất trước, sau đó trên cơ sở những phần đã tối ưu sẽ tự động hóa từng phần, tức là sử dụng robot, máy móc thay thế thao tác con người. Bước tiếp theo là liên kết các máy tự động hóa thành dây chuyền hoàn chỉnh, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm hoàn chỉnh đầu ra.

Cao hơn nữa là sử dụng hệ thống ERP để quản lý nguồn lực trong sản xuất thông qua phần mềm SAP, tự động kiểm soát dữ liệu quá trình sản xuất của xưởng. Việc đưa hệ thống này vào giúp cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thực hiện rất dễ dàng. Khi có vấn đề, bộ phận KCS có thể dễ dàng đăng nhập hệ thống truy xuất dữ liệu sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền nào, mấy giờ, đi từ linh kiện gì… theo mã sản phẩm. Trước kia việc theo dõi các đơn hàng về, lập kế hoạch sản xuất đều phải làm thủ công, thì nay đã bán tự động dùng máy. Trên cơ sở các dữ liệu đưa vào hệ thống, máy sẽ lập kịch bản sản xuất  cho Xưởng để chủ động từ khâu nguyên liệu đến bố trí lực lượng lao động phù hợp.

Ông Kiên tâm đắc, trước đây các báo cáo làm bảng biểu excel phức tạp, cộng các phần mềm riêng biệt, hàng về không theo dõi được, hàng sản xuất ra không kiểm soát được, mỗi lần sản phẩm có vấn đề phải lục tìm tài liệu rất mất thời gian. Với việc dùng hệ thống quản lý này, tất cả các dữ liệu từ IQC (kiểm tra đầu vào) đến OQC (kiểm tra đầu ra) đều được cập nhật vào hệ thống, việc tra cứu dữ liệu rất dễ dàng, tiết kiệm được nhiều thời gian. Chưa kể, Xưởng cũng đang tiến thêm một bước cao hơn là lắp các sensor cảm biến trên dây chuyền tự thu thập dữ liệu, tình trạng lỗi, tình trạng máy về máy chủ thay cho động tác nhập dữ liệu bằng tay, dần tiến tới việc tự động hóa thu thập dữ liệu.

Cuối cùng của công đoạn này là hệ thống cảnh báo sớm, đó là công nghệ 4.0 hoàn chỉnh, trên cơ sở dữ liệu đã có, trí tuệ nhân tạo phân tích nguy cơ, đưa ra cảnh báo, cùng với kinh nghiệm của người kỹ sư để đưa ra những phán quyết đúng đắn.

Tuy nhiên, ông Kiên cũng chia sẻ, đây là công việc vô cùng khó. Khó từ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo con người, khó trong việc xử lý bài toán phát sinh thực tế so với tiêu chuẩn. Vì muốn vận hành được phải có hệ thống dữ liệu đầy đủ, nên chỉ cần ách tắc dữ liệu là kết quả hệ thống trả ra sẽ sai hết. Rồi sai sót của con người khi nhập dữ liệu. Cho nên, việc chuyển mình từng bước của Rạng Đông là bước đi “chậm mà chắc”, chuẩn bị từng bước một cho sự thay đổi quyết định trong tương lai.

PGS.TS. Đỗ Xuân Thành cũng rất trăn trở với điều này. Ông Thành cho rằng, Rạng Đông đã đúng khi từ lâu đã tiếp cận với việc nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ để đón đầu công nghệ đèn Led, kỷ nguyên ánh sáng mới của nhân loại. Việc đổi mới công nghệ đã có sự tự động hóa ở một số khâu để giảm bớt nhân công, tăng năng suất lao động, giảm chi phí.

Mặc dù vậy, theo ông Thành, đã nói đến 4.0 là phải đồng bộ, dây chuyền sản xuất phải là chuỗi không có điểm dừng, đầu vào là nguyên vật liệu và đầu ra là sản phẩm hoàn chỉnh, không có khái niệm tồn kho. Tức là, Rạng Đông cần có một chiến lược phát triển rõ ràng hơn, chấp nhận đầu tư lớn hơn để thay đổi mạnh mẽ hơn, điều đó phụ thuộc vào Ban lãnh đạo. Nên lựa chọn địa điểm thích hợp để triển khai 4.0, bởi với nhà máy hiện tại ở Thanh Xuân, điều này là vô cùng khó. Cũng cần kiểm soát tốt hơn các nhà cung cấp nguyên vật liệu để đảm bảo chất lượng đồng đều của sản phẩm. Bên cạnh đó, các số liệu cần minh bạch hơn để tạo thuận lợi cho sản phẩm xuất khẩu. Đội ngũ những người trực tiếp liên quan đến đổi mới phải thường xuyên được tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài. Điều này tưởng chừng đầu tư tốn kém, nhưng thực ra, cái họ làm được để hạn chế thấp nhất tiêu hao trên dây chuyền sản xuất, tránh lãng phí, là những cái lợi lớn khó có thể đong đếm được.

Với một Công ty có bề dầy truyền thống như Rạng Đông, vượt qua chính hào quang của mình là rào cản lớn nhất, khó khăn nhất. Nhưng nếu muốn là một doanh nghiệp 4.0 không còn con đường nào khác là phải thay đổi một cách quyết liệt, nếu không chúng ta sẽ tự mình tạo cho mình khoảng cách không gì bù đắp nổi với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực khác trong thời kỳ 4.0.

Nguồn: Tapchicongthuong

Contact Us

//]]>