Theo thống kê của Bộ Thông tin và & Truyền thông, hiện nay nguồn nhân lực Công nghệ thông tin (CNTT) tại các doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng trong khi nhu cầu tuyển dụng vào khoảng 250.000 lao động. Theo hướng quy hoạch nhân lực quốc gia đến năm 2020, Việt Nam cần 1 triệu lao động trong lĩnh vực này. Những con số trên cho thấy nhu cầu, cơn khát nhân lực trong ngành CNTT dường như vẫn chưa hề giảm sút.

Bên cạnh công nghệ phần cứng, phần mềm hay mạng máy tính quen thuộc lâu nay, thị trường ngành này thay đổi hằng năm với sự góp mặt và phát triển nhanh ở các lĩnh vực như: tích hợp hệ thống, công nghệ di động, thương mại điện tử, game… Hiện nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong ngành rất rộng mở, đa dạng, trong đó có nhiều vị trí “khát” trầm trọng như: lập trình di động, điện toán đám mây, quản trị mạng, chuyên gia bảo mật và an ninh mạng… 

Theo chia sẻ của ông Gaku Echizenya – Tổng Giám đốc Navigos Group, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT ngày càng tăng cao hơn trong kỷ nguyên số hóa dẫn đến việc thu hút và giữ chân nhân tài cũng gặp nhiều thách thức. Bên cạnh đó, sự khan hiếm nhân lực có chuyên môn công nghệ mới (như blockchain và AI) dẫn đến sự mất cân đối về mức lương trên thị trường và tiềm ẩn nguy cơ nhóm nhân lực có chuyên môn “không còn là xu hướng” sẽ thất nghiệp hoặc trả mức lương thấp hơn.

See also  10 xu hướng truyền thông nội bộ sẽ lên ngôi trong năm 2019 (phần 2)

Cùng quan điểm đó, ông Đinh Hồng Sơn – Tổng Giám đốc công ty CP Tài chính Thế hệ mới FinanceX cũng nhận định rằng, cách đây 5 năm, những ‘hot jobs’ như Web Developer, Embeded System Developer, Fullstack Developer luôn đánh chiếm đầu bảng nhưng thời thế đã khác, giờ đây Blockchain, AI, Big Data và cả Science Data đang thực sự bá chủ bảng lương. “Thời điểm tôi còn học tại Đại học Bách khoa, không mấy người nỗ lực vào Toán Tin Ứng Dụng, nhưng tới đây, khoa này cũng sớm muộn sẽ là lựa chọn Top đầu của sinh viên” ông Sơn chia sẻ.

Theo các chuyên gia, sự sôi động trong tuyển dụng các lĩnh vực như Blockchain và AI, Data Science bắt nguồn từ nhu cầu đổi mới công nghệ của nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, hơn 70% các nhà điều hành công nghệ thông tin sẵn sàng tích hợp công nghệ phân tích dữ liệu (Analytics) và AI vào hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, mặc dù ở giai đoạn non trẻ, mô hình phần mềm dạng dịch vụ (SaaS) đang phát triển nhanh chóng và dự kiến sẽ được hơn 75% các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng vào năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh việc “khát” nguồn nhân lực thì tình trạng tay nghề lao động của chúng ta cũng còn nhiều điểm yếu như: Hạn chế về kỹ năng, chưa phù hợp yêu cầu chuyên ngành, kể cả kiến thức ngoại ngữ. Kiến thức ngoại ngữ của nguồn nhân lực IT nước ta còn nhiều hạn chế, qua thông tin khảo sát từ công ty TNHH MTV Hỗ trợ kinh doanh toàn diện cho thấy tỷ lệ nguồn nhân lực CNTT trình độ ngoại ngữ khá, giỏi trở lên chỉ chiếm 59%. Ðiều này ảnh hưởng đến việc đưa nguồn nhân lực CNTT đi đào tạo nâng cao ở nước ngoài. Ngoại ngữ là một trong những yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến quá trình cập nhật công nghệ mới của thế giới.

See also  Chăm sóc khách hàng: con người, quy trình hay công nghệ?

Bên cạnh đó nguồn nhân lực có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đáp ứng đủ cho thị trường lao động. Chương trình đào tạo chưa thích ứng với sự thay đổi của công nghệ, số cơ sở đào tạo nhiều nhưng tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên còn thấp, chỉ chiếm khoảng 49%.

Phân tích từ Navigos lại cho rằng thị trường nhân lực IT biến động cũng bắt nguồn từ chính doanh nghiệp, cụ thể hầu hết nhân lực IT chưa nhận được mức lương như mong muốn. Khi khảo sát về mức lương đang được nhận và mức lương mong đợi theo cấp bậc; ngôn ngữ lập trình; chuyên môn phổ biến;… hầu hết người tham gia khảo sát đều cho rằng họ đang nhận được mức lương không đúng như mong đợi. Mức chênh lệch thấp nhất vào khoảng 300 USD và cao nhất vào khoảng 1000 USD, có đến 59% nhân lực ngành CNTT chưa nhận được chế độ lương làm thêm ngoài giờ. Nhóm không hài lòng chiếm 20% cho biết lý do bởi vì “Mức lương thưởng quá thấp” và “Quá ít loại thưởng”.

Khi nhắc về vấn đề này, ông Gaku Echizenya – Tổng Giám đốc Navigos Group cũng đề xuất rằng mức lương thưởng và chế độ lương làm thêm ngoài giờ cần được doanh nghiệp cải thiện tốt hơn nhằm đáp ứng mong đợi của người lao động.

Đối với những chuyên môn công nghệ mới, doanh nghiệp có thể chủ động đào tạo cho những nhân tài tiềm năng nhằm giải quyết vấn đề khan hiếm, đồng thời tạo cơ hội việc làm mới cho những nhóm nhân lực có chuyên môn không còn là xu hướng. Ngoài ra, nhằm thu hút và giữ chân nhân tài tốt hơn, doanh nghiệp có thể cân nhắc cải thiện môi trường làm việc phù hợp với đặc thù của người làm công nghệ, định hướng sự phát triển nghề nghiệp rõ ràng cho mỗi nhân viên, đẩy mạnh hơn các hoạt động gắn kết và thương hiệu nhà tuyển dụng.

See also  Các tính năng chính của phần mềm Quản lý Năng lực OOC - digiiCAT

Nguồn : enternews.vn

Tham khảo thêm tại : Xu thế mới – Tích hợp các giải pháp công nghệ