Nghiên cứu thị trường là gì? Những phương pháp nghiên cứu thị trường phổ biến?

Khảo sát sự hài lòng của nhân viên
Sự hài lòng của nhân viên là gì và vai trò trong quản trị nhân sự
22 February, 2020
corona-beer
Bia Corona trong thời khủng hoảng – Cơ hội ngàn năm hay vực thẳm không lối thoát?
23 February, 2020
Show all
Nghiên cứu thị trường

Nghiên cứu thị trường

5/5 - (4 votes)

Last updated on 24 September, 2024

Nghiên cứu thị trường là gì?

Theo Hiệp hội Marketing Mỹ, “Nghiên cứu thị trường (Marketing Research) là việc thu thập, ghi chép, phân tích dữ liệu về các vấn đề liên quan đến việc marketing sản phẩm và dịch vụ”.

Nghiên cứu thị trường là công cụ kinh doanh thiết yếu trong một môi trường cạnh tranh. Do đó, càng hiểu rõ về khách hàng tiềm năng bạn càng có nhiều cơ hội thành công. Việc hiểu biết về nhóm khách hàng mục tiêu tại một địa phương và thói quen mua sắm của họ sẽ giúp bạn tìm ra biện pháp thích hợp để đưa sản phẩm của mình vào thị trường một cách thành công.

Tại sao cần nghiên cứu thị trường?

Qua nghiên cứu, bạn sẽ hình thành nên ý tưởng phát triển sản phẩm mới và lựa chọn chiến lược định vị đúng cho sản phẩm đó tại thị trường cụ thể. Ví dụ, qua nghiên cứu thị trường, bạn có thể phát hiện thấy hương vị của một loại thực phẩm cụ thể rất phổ biến ở khu vực này nhưng lại được coi là đặc biệt đối với một nhóm khách hàng khác và đó sẽ là thông tin marketing cần thiết nếu chiến lược kinh doanh của bạn có liên quan đến lĩnh vực đó.

Nghiên cứu thị trường sẽ cung cấp những chi tiết rất quan trọng hỗ trợ bạn từ việc phát hiện ra thị trường “ngách” cho đến việc hoạch định chiến lược marketing. Nhờ việc khảo sát thị trường, bạn không phải lãng phí tiền bạc và công sức cho những hy vọng sai lầm, đặc biệt khi bạn tiến hành một chiến dịch marketing lớn và tốn kém. Cần lưu ý rằng NCTT không đảm bảo chắc chắn cho sự thành công trong kinh doanh. Tuy nhiên, nó sẽ giúp bạn tránh được nhiều quyết định sai lầm khi chính thức tung sản phẩm ra thị trường.

Vai trò của nghiên cứu thị trường

NCTT giúp tìm ra những thị trường lớn nhất, tăng trưởng nhanh nhất cho sản phẩm, các xu hướng và triển vọng của thị  trường, các điều kiện, tập quán kinh doanh và cơ hội dành cho sản phẩm của bạn.

  • Cho phép thu gọn tầm nhìn và nỗ lực một cách hiệu quả vào một lĩnh vực, phạm vi nhất định. Từ đó bạn có thể đặt ra các ưu tiên đối với một thị  trường mục tiêu cụ thể và lên kế hoạch cho các thị  trường tương lai ở mức độ dài hạn hơn.
  • Giúp bạn xác định các “thủ thuật” giới thiệu sản phẩm tốt nhất. Sau một thời gian, ví dụ một năm, qua khảo sát thị trường bạn có thể đánh giá được các nỗ lực của mình cũng như của các đối tác thương mại để từ đó có thể tiến hành những điều chỉnh cần thiết ở từng thị  trường.
  • Giúp hiểu rõ về các đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả điểm mạnh và điểm yếu, những sai lầm cũng như nguyên nhân thành công của họ.
  • Có thể giúp tìm ra các ý tưởng để phát triển sản phẩm mới.
  • Giúp củng cố quan hệ làm ăn nghiêm túc với đối tác do quan tâm và am hiểu về thị  trường của họ.

Nghiên cứu thị trường – Cách tiếp cận “chủ động”

NCTT giúp bạn nắm được các diễn biến mới nhất trên thị  trường mục tiêu, từ đó đưa ra các quyết định marketing nhanh chóng. Trong thị trường kinh doanh quốc tế biến động rất nhanh, bạn cần một cách tiếp cận chủ động như vậy và đó thực sự là lợi thế cạnh tranh của bạn.

Ngay cả trong giai đoạn dân số tăng trưởng chậm vẫn xuất hiện những xu hướng và những nhóm khách hàng mục tiêu mới, chẳng hạn như số lượng người cao tuổi hoặc các hộ độc thân ngày càng đông. Cả hai nhóm này đều tìm kiếm những sản phẩm tiện dụng. Qua nghiên cứu, bạn có thể xác định được quy mô của các nhóm này cũng như sự khác biệt của mỗi nhóm ở các quốc gia khác nhau và có thể dự đoán những mối quan tâm của họ để đáp ứng.

Cách tiếp cận “chủ động” sẽ dẫn đến thành công qua việc nhanh chóng đáp ứng và giới thiệu sản phẩm được thiết kế phù hợp về kích cỡ, kiểu dáng…cho từng khách hàng nói trên.

Nghiên cứu thị trường trong chiến lược marketing

NCTT không đơn thuần chỉ là việc sưu tập các dữ liệu và con số thống kê. Mọi dữ liệu thu thập cần được phân tích và chuyển hoá thành các thông tin liên quan. Những thông tin này là cơ sở cho việc hình thành chiến lược và công cụ marketing của bạn.

Giống như quá trình lập kế hoạch, hoạt động nghiên cứu cũng mang tính tuần hoàn theo chu kỳ. Đầu tiên, khi xem xét lại các dữ liệu ban đầu, bạn thấy nổi lên một số vấn đề cần phân tích thêm. Bạn tiến hành phân tích thị  trường, sau đó bổ sung những thông tin mới vào hệ thống thông tin của mình. Do vậy, khảo sát thị trường không đứng riêng rẽ mà là một phần không thể tách rời trong chiến lược marketing của bạn. Đó là một quá trình liên tục.

Nghiên cứu thị trường đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ

NCTT đòi hỏi phải có sự đầu tư về thời gian và tiền bạc. Đối với các doanh nghiệp thường xuyên tung sản phẩm mới ra thị  trường ở quy mô lớn, hoạt động nghiên cứu TT là hoạt động cần thực hiện thường xuyên, nhất là trong bối cảnh các yếu tố môi trường thay đổi quá nhanh như hiện nay. Ở đây, bạn cần phải đầu tư một khoản tiền để khảo sát thị trường trước khi giới thiệu sản phẩm và điều đó sẽ giúp bạn tránh phải trả giá đắt cho những sai lầm trên thị  trường mục tiêu sau này.

Đối với các doanh nghiệp Việt nam, NCTT vẫn còn là điều khá xa lạ và thường không được dự toán sẵn trong ngân sách marketing của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nước ngoài, khi họ bắt đầu thâm nhập một thị t rường mới thì việc triển khai nghiên cứu gần như là điều bắt buộc. Điều này là do các doanh nghiệp nước ngoài có lịch sử lâu đời hơn và họ thấu hiểu tầm quan trọng của NCTT đối với quyết định phát triển sản phẩm hoặc thâm nhập thị  trường mới vốn rất tốn kém.

Một số lầm tưởng khiến doanh nghiệp quay lưng với NCTT:

Nghiên cứu thị trường là việc của đội ngũ trí thức và hàn lâm

Có sự hiểu lầm này là một phần do một số chuyên gia đã sử dụng những khái niệm và thuật ngữ phức tạp chuyên nghành. Tuy nhiên, những người làm NCTT giỏi đều ý thức rõ rằng mọi người đều có thể dễ dàng thiết kế và thực hiện NCTT. 

Phía đối tác sẽ tiến hành mọi NCTT cần thiết

Một số nhà xuất khẩu tin rằng họ đã có đủ thông tin qua đối tác thương mại của mình hoặc trông chờ phía đối tác tiến hành nghiên cứu trước. Ngoài ra, một số nhà xuất khẩu coi thông tin thị  trường là một sản phẩm phụ của hệ thống kế toán. Nhưng vấn đề là các đối tác thương mại thường thiếu sự đánh giá khái quát, khách quan về thị  trường và sự phát triển kênh phân phối trên đất nước của họ.

Nghiên cứu thị trường quá tốn kém về chi phí

NCTT không nhất thiết là phải tiến hành khảo sát, phỏng vấn thật nhiều người và thực hiện các phân tích phức tạp trên máy tính vốn rất tốn kém, nhất là khi thâm nhập vào các nước EU khác nhau, mà có thể sử dụng nhiều kỹ thuận ít tốn kém (ví dụ như desk study hoặc tìm kiếm trên mạng internet).

Sợ mất khả năng kiểm soát khi thông tin quá nhiều

Một số doanh nghiệp đã quá bận rộn và e ngại không theo dõi được vấn đề khi phải xem xét toàn bộ thông tin và làm việc với các chuyên gia NCTT. Tuy nhiên, hầu hết các NCTT được thảo luận trong cuốn sách này yêu cầu một tố chất bình thường và một sự cam kết về thời gian.

6 phương pháp thu thập thông tin trong NCTT

Thông thường, có 6 phương pháp thu thập thông tin thường được sử dụng trong NCTT được trình bày dưới đây:

Điều tra, khảo sát (Surveys)

Đây là phương pháp thu thập thông tin với bảng hỏi ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề, bạn có thể phân tích được nhóm khách hàng mẫu đại diễn cho thị  trường mục tiêu của mình. Mẫu càng lớn thì mức độ chính xác của kết quả điều tra càng cao. Có thể sử dụng nhiều phương pháp khảo sát như phỏng vấn trực tiếp, khảo sát bằng CAPI, điện thoại, thư và khảo sát trực tuyến. 

Phỏng vấn nhóm (Focus Groups)

Trong phương pháp phỏng vấn nhóm, người điều phối sẽ sử dụng một chuỗi các câu hỏi hay chủ đề đã được soạn sẵn để dắt dẫn cuộc thảo luận giữa một nhóm người. Quá trình này được diễn ra ở một nơi trung lập, gắn với các thiết bị quay hay một phòng quan sát với rất nhiều gương. Một lần phỏng vấn nhóm trọng kéo dài từ một đến hai tiếng, bạn phải tiến hành với ít nhất là ba nhóm để có được kết quả đáng tin cậy.

Phỏng vấn sâu (Personal Interviews)

Cũng giống như nhóm tập trung, phỏng vấn sâu sẽ bao gồm các câu hỏi mở, không có cấu trúc nhất định. Phương pháp này thường kéo dài trong vòng một tiếng và thường được ghi âm lại.

Quan sát hành vi (Observation)

Những phản hồi cá nhân trong bảng khảo sát và phỏng vấn nhóm đôi khi không đồng nhất với những hành vi thực sự của mọi người. Khi quan sát hành động của khách hàng bằng cách ghi hình lúc họ đang ở trong cửa hàng, ở nơi làm việc hay cơ quan, ở nhà, bạn có thể quan sát họ mua và sử dụng sản phẩm như thế nào. Điều này sẽ giúp bạn vẽ nên được bức tranh tin cậy về hành vi mua sắm và thói quen sử dụng của khách hàng.

Sự phát triển của công nghệ cho phép các doanh nghiêp có thể dễ dàng quan sát hành vi của khách hàng nhờ camera, cảm biến, thậm chí qua wifi, từ đó quan sát hành vi khách hàng tốt hơn, như biết được sự quan tâm của họ, thời gian dừng ở từng địa điểm, vẽ được bản đồ nhiệt, điểm dừng chân cuối cùng trước khi mua sắm một loại dịch vụ…

Thử nghiệm (Field trials)

Đưa những sản phẩm mới vào một vài cửa hàng được chọn lựa để thử phản ứng của khách hàng trong các điều kiện bán hàng thực tế có thể giúp bạn hoàn thiện sản phẩm, điều chỉnh lại giá cả hay cải tiến chất lượng. Các doanh nghiệp nhỏ nên cố gắng xây dựng mối quan hệ với các chủ cửa hàng bán lẻ địa phương và các trang web mua sắm để có thể thử nghiệm sản phẩm của mình.

Theo dõi hành vi sử dụng Internet, mạng xã hội, wifi, Big Data

Phương pháp này đang ngày càng chiếm ưu thế do có khả năng phân tích được hành vi chi tiết, thói quen, sở thích của số đông khách hàng trên Internet hoặc thông qua công nghệ. Sự hỗ trợ của Big Data và các công cụ theo dõi ngày càng hiện đại và tinh vi, hầu như các hành vi của người tiêu dùng đều được bộc lộ trên Internet hoặc các mạng xã hội mà họ tham gia.

Doanh nghiệp cũng có thể phân tích xu hướng tìm kiếm từ khóa của khách hàng, sử dụng những công cụ như Google Trends, Keyword Planner hay Rank Tracker, để biết được xu hướng quan tâm của khách hàng liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ của mình. Cụ thể hơn, doanh nghiệp có thể phân tích số liệu truy cập website của công ty thông qua Google Analytics, Google Search Console để phân tích sâu hơn về hành vi của khách hàng. Hoạt động tương tự cũng có thể sử dụng để phân tích số lượt like, share, comments của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ trên mạng xã hội để nắm được hành vi của khách hàng.

Thách thức và cơ hội của nghiên cứu thị trường trong kỷ nguyên CMCN 4.0

Trong kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp 4.0, sẽ có rất nhiều thách thức đối với công tác nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp hoặc các công ty NCTT:

  • Sự thay đổi chóng mặt của môi trường, ví dụ dịch bệnh Covid-19 gây ra sự thay đổi khủng khiếp đối với nền kinh tế toàn cầu mà hầu như không ai dự báo trước được
  • Sự ra đời và biến mất nhanh chóng của hàng trăm ngàn doanh nghiệp ở mỗi quốc gia hàng năm
  • Vòng đời sản phẩm ngắn hơn do sự đổi mới liên tục của công nghệ khiến sức ép về việc rút ngắn thời gian t hực hiện khảo sát ngày càng lớn
  • Sự thay đổi với tốc độ khủng khiếp của công nghệ khiến sức ép về việc thay đổi phương thức khảo sát ngày càng tăng. Tuy nhiên nó cũng mang lại nhiều cơ hội cho những đơn vị khai thác tốt các công cụ mới trong nghiên cứu thị trường.

Theo Nghiencuuthitruong. net

Công ty Tư vấn Quản lý OCD tổng hợp

🎯 Tham khảo khóa học nghiên cứu thị trường của OCD tại: Khóa đào tạo “Kỹ năng Nghiên cứu thị trường”

Đọc thêm

Dịch vụ Nghiên cứu thị trường của OCD

Dự án Nghiên cứu Thị trường

Các công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu Việt nam

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn