Mô hình kim cương của Michael Porter là gì? Các yếu tố cốt lõi

LLM là gì? Ứng dụng của mô hình ngôn ngữ lớn
LLM là gì? Ứng dụng của mô hình ngôn ngữ lớn
10 September, 2024
GrabGoViet
Kinh tế chia sẻ là gì? Tương lai của kinh tế chia sẻ
10 September, 2024
5/5 - (1 vote)

Last updated on 10 September, 2024

Mô hình kim cương của Michael Porter là một khung chiến lược được sử dụng để hiểu lợi thế cạnh tranh mà các quốc gia hoặc khu vực có được do các yếu tố nhất định có sẵn của họ. Mô hình này giúp giải thích tại sao một số ngành công nghiệp trong một quốc gia có lợi thế cạnh tranh quốc tế hơn những ngành khác.

Michael E. Porter, một giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, đã phát triển mô hình kim cương vào năm 1990. Mô hình này là một phần trong những công trình của ông về lợi thế cạnh tranh, đặc biệt nó được mô tả rất kỹ trong cuốn sách “Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia” do ông viết. Trong bài viết dưới đây, OCD sẽ cùng bạn tìm hiểu các yếu tố cốt lõi cũng như ứng dụng của mô hình này trông thực tế sẽ như thế nào.

Mô hình kim cương của Michael Porter là gì?

Mô hình kim cương của Michael Porter (còn được gọi là lý thuyết Lợi thế cạnh tranh quốc gia của các ngành công nghiệp) là một khung có hình dạng kim cương tập trung vào việc giải thích tại sao một số ngành công nghiệp trong một quốc gia cụ thể có sức cạnh tranh quốc tế, trong khi những ngành khác lại không. Và tại sao một số công ty ở một vài quốc gia lại có khả năng đổi mới liên tục, trong khi những công ty khác lại có thể không?

mô hình kim cương của michael porter

Mô hình kim cương của Michael Porter

Porter lập luận rằng khả năng cạnh tranh của bất kỳ công ty nào trên trường quốc tế đều dựa chủ yếu vào một tập hợp các lợi thế liên quan mà một số ngành công nghiệp trong các quốc gia khác nhau sở hữu, cụ thể là:

  • Điều kiện các yếu tố đầu vào
  • Điều kiện về nhu cầu
  • Các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan
  • Chiến lược, cơ cấu và các yếu tố cạnh tranh của công ty

Porter cho rằng 4 yếu tố chính kể trên đều ảnh hưởng lẫn nhau và cả 4 cũng bị ảnh hưởng bởi các ngữ cảnh khác bao gồm: Cơ hội và Vai trò của Chính phủ.

Nếu các điều kiện này thuận lợi, nó thúc đẩy các công ty trong nước phải liên tục đổi mới và nâng cấp. Khi ấy, tính cạnh tranh sẽ xuất phát từ đây. Đó là những điều kiện hữu ích và cần thiết khi đi ra thị trường quốc tế và phải chiến đấu với các đối thủ cạnh tranh lớn nhất trên thế giới.

Các yếu tố cốt lõi của mô hình kim cương

Điều kiện các yếu tố đầu vào

“Yếu tố đầu vào” ở đây là những thứ cần thiết cho việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Nó bao gồm: nguồn nhân lực, nguyên liệu thô, đất đai, cơ sở hạ tầng, vốn, kiến thức và công nghệ.

các yếu tố đầu vào

Các yếu tố đầu vào như: nguyên liệu thô, đất đai, vốn, nguồn nhân lực, công nghệ

“Điều kiện các yếu tố” đầu vào liên quan đến sự sẵn có hoặc không sẵn có của chúng trong một quốc gia. Những yếu tố này cho phép quốc gia đó:

Trở nên khác biệt: Việc tối ưu các yếu tố sản xuất sẵn có giúp một quốc gia có lợi thế cạnh tranh lớn hơn so với các quốc gia khác. Ví dụ, một số quốc gia như Ả Rập Xê Út rất giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ. Điều này giải thích tại sao Ả Rập Xê Út là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Tận dụng bất lợi để buộc bản thân đổi mới: Khi điều kiện các yếu tố đầu vào khan hiếm, các quốc gia cần đổi mới để vượt qua điều này và xây dựng lợi thế cạnh tranh. Thụy Điển là một quốc gia có mùa xây dựng ngắn; vì vậy, họ buộc đổi mới cách thức xây nhà. Họ trở nên thành thạo trong việc xây dựng nhà lắp ghép. Hiện tại, Thụy Điển có một lợi thế cạnh tranh rõ rệt trên thị trường toàn cầu về ngành công nghiệp lắp ghép các tòa nhà.

Điều kiện về nhu cầu

Điều kiện về nhu cầu đề cập đến mức nhu cầu về một sản phẩm hoặc dịch vụ từ quốc gia sở tại của một doanh nghiệp. Nếu người dân trong nước bạn đang có nhu cầu rất cao với một sản phẩm hoặc dịch vụ, điều đó có nghĩa rằng bạn đang có một lợi thế mạnh mẽ so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Điều này có thể được xem xét ở 3 khía cạnh chính:

Xuất khẩu: Khi một quốc gia có nhu cầu lớn đối với một loại sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể, các công ty trong nước đó sẽ trở nên thành thạo trong việc sản xuất chúng. Quốc gia đó sẽ được định vị tốt khi muốn xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài.

Lợi thế quốc gia: Khi nhu cầu cao ở quê nhà, nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trong ngành công nghiệp tại địa phương sẽ xuất hiện. Việc cạnh tranh này thúc đẩy sự đổi mới, khiến toàn bộ doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp đó hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Dự báo xu hướng: Khi người tiêu dùng ở nước sở tại có khả năng phân biệt và quan tâm đến xu hướng về một loại sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể, điều này buộc các công ty trong nước phải cập nhật và thay đổi nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi. Điều này giúp các công ty này thành công trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan

Sự hiện diện của các ngành công nghiệp liên quan và hỗ trợ chất lượng cao mang lại nhiều lợi thế cho một ngành. Các ngành công nghiệp này cung cấp đầu vào thiết yếu, dịch vụ hỗ trợ và chia sẻ kiến ​​thức hữu ích.

Chi phí thấp hơn: Các ngành công nghiệp có mức độ cạnh tranh cao thường cung cấp nguyên vật liệu chất lượng tốt với mức chi phí thấp hơn.

Mạng lưới đổi mới: Các công ty thường được hưởng lợi từ các cụm ngành công nghiệp liên quan. Các cụm này khuyến khích sự hợp tác, chia sẻ công nghệ và có thể thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm và quy trình mới. Mạng lưới liên kết này hỗ trợ môi trường công nghiệp cạnh tranh hiệu quả, năng động và gia tăng sự đổi mới.

Chiến lược, cơ cấu và các yếu tố cạnh tranh của công ty

Đây là các đặc điểm định hình lợi thế cạnh tranh nội địa. Quy mô doanh nghiệp, hệ thống quản lý và cách thức cạnh tranh trên thị trường là những yếu tố quyết định sự thành bại của công ty trên thị trường. Những yếu tố ảnh hưởng đến điều này bao gồm:

Kết hợp các ngành công nghiệp với các điều kiện cụ thể: Các ngành công nghiệp khác nhau phù hợp với các loại quy mô, cơ cấu tổ chức khác nhau. Ví dụ, các công ty nhỏ, công ty gia đình chiếm tỷ trọng cao bất thường tại Ý. Điều này giúp Ý đứng đầu trong ngành công nghiệp thời trang – ngành mà khả năng phản ứng nhanh với xu hướng là rất quan trọng để thành công. Mức độ linh hoạt sẽ kém hơn ở trong các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Gia tăng mức độ cạnh tranh nội địa: Cạnh tranh nội địa cũng quan trọng đối với cạnh tranh quốc tế vì nó thúc đẩy các công ty trong nước đổi mới và cải tiến liên tục để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản là một minh chứng rõ ràng về điều này, với sự cạnh tranh khốc liệt giữa Nissan, Honda, Toyota, Suzuki, Mitsubishi và Subaru. Họ có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu nhờ việc cạnh tranh lẫn nhau khốc liệt ở trong nước.

Các ngữ cảnh khác ảnh hưởng đến mô hình kim cương

Các ngữ cảnh như vai trò của Chính phủ hay cơ hội có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của mô hình kim cương của Michael Porter. Những yếu tố này có thể tăng cường hoặc cản trở tính cạnh tranh của các công ty trong một ngành công nghiệp.

Vai trò của Chính phủ

Trong mô hình kim cương của Porter, Chính phủ đóng vai trò như một chất xúc tác thúc đẩy cạnh tranh, cũng như một thách thức. Porter phản đối một thị trường tự do trong đó Chính phủ để mặc mọi thứ cho “bàn tay vô hình” của nền kinh tế. Mặt khác, Porter cũng không coi Chính phủ là một nguồn hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng.

vai trò của chính phủ

Chính các công ty, chứ không phải Chính phủ, mới có thể xây dựng các ngành công nghiệp cạnh tranh. Mặt khác, Chính phủ chỉ nên khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao mục tiêu và đạt mức độ lợi thế cạnh tranh cao hơn. Điều này có thể được can thiệp bằng việc tăng nhu cầu ban đầu đối với các mặt hàng tinh xảo (điều kiện về nhu cầu), tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và chăm sóc sức khỏe (điều kiện các yếu tố đầu vào), thúc đẩy cạnh tranh nội địa bằng cách thi hành luật chống độc quyền và khuyến khích sự thay đổi.

Cơ hội

Cơ hội là những sự kiện ngẫu nhiên không thể dự đoán được, bao gồm cả tích cực và tiêu cực. Nó có thể thay đổi đáng kể môi trường cạnh tranh. Các sự kiện này có thể bao gồm thiên tai, tiến độ công nghệ hoặc thay đổi tình hình kinh tế đột ngột. Khi các công nghệ mới xuất hiện, chúng có thể phá vỡ các ngành công nghiệp đã được thiết lập, buộc các công ty phải thích nghi nhanh chóng hoặc có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Phát triển kinh tế cũng chịu ảnh hưởng của các sự kiện ngẫu nhiên. Ví dụ, sự gia tăng đột ngột nhu cầu đối với một sản phẩm cụ thể do thay đổi sở thích của người tiêu dùng có thể dẫn đến tăng trưởng nhanh chóng trong ngành công nghiệp đó. Ngược lại, suy thoái kinh tế có thể gây ra sự suy giảm nhu cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp.

Tóm lại, cả vai trò của chính phủ và các sự kiện ngẫu nhiên là yếu tố quan trọng trong việc định hình bối cảnh cạnh tranh theo mô hình kim cương của Michael Porter. Các ngữ cảnh này có thể tạo ra cơ hội hoặc gây ra những thách thức mà các công ty phải đối mặt để duy trì lợi thế cạnh tranh của họ.

6 bước triển khai với mô hình kim cương

Các doanh nghiệp cá nhân sẽ không thể kiểm soát trực tiếp tất cả các yếu tố trong mô hình kim cương của Porter, nhưng hiểu cách các yếu tố này ảnh hưởng đến ngành công nghiệp và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp có thể mang lại nhiều lợi ích dài hạn.

Dưới đây là các bước doanh nghiệp bạn có thể thực hiện để đạt được thành công trên thị trường quốc tế:

6 bước triển khai với mô hình kim cương

6 bước triển khai với mô hình kim cương

Bước 1: Đánh giá nhu cầu

Nhu cầu trong nước của bạn có thể thuận lợi, nhưng nó có thể không áp dụng ở mọi nơi. Do đó, điều quan trọng là xác định quy mô dân số của thị trường mục tiêu thông qua phân tích, nghiên cứu thị trường và xác định xem nó có đủ lớn để duy trì hoạt động kinh doanh hay không.

Sau đó, ban cũng nên tìm hiểu về sở thích độc đáo của thị trường để bạn có thể xây dựng một tuyên bố giá trị xoay quanh chúng.

Toyota là một ví dụ điển hình về chiến lược này với việc tùy chỉnh sản phẩm và hoạt động của mình theo mức độ phức tạp của người tiêu dùng ở mỗi quốc gia. Ví dụ, họ đã phát triển chiếc xe nhỏ giá rẻ Etios dành riêng cho các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Ấn Độ.

Bước 2: Đánh giá nguồn lực sẵn có

Có một nhu cầu tăng trưởng đột phá dẫn đến việc doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô toàn cầu, nhưng bạn có nguồn lực để khai thác nó không? Tại thời điểm này, bạn cần xác định các điều kiện yếu tố sẵn có mang lại lợi thế trong quốc gia của bạn và xác định xem bạn có cần nâng cao các nguồn lực cụ thể để đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế hay không.

Hãy xem xét nguồn nhân lực, nguyên liệu thô và công nghệ mà bạn sẽ cần. Xếp hạng các yếu tố này từ ít quan trọng nhất đến quan trọng nhất bằng cách sử dụng ma trận Kraljic. Điều này sẽ giúp bạn quản lý các yếu tố đầu vào của mình một cách hiệu quả dựa trên tầm quan trọng của chúng đối với doanh nghiệp.

ma trận kraljic

Sử dụng ma trận Kraljic để xếp hạng các yếu tố đầu vào

Bước 3: Xác định các đối tác chính

Khi doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn, bạn sẽ cần đến các đối tác mạnh mẽ hỗ trợ mình. Các mối quan hệ đối tác bền vững sẽ cung cấp cho doanh nghiệp sự hỗ trợ quan trọng trong các lĩnh vực mà bạn có thể yếu hoặc không có nhiều nguồn lực để triển khai một cách độc lập.

Đây là một phần của mô hình kinh doanh của bạn. Hãy xác định các đối tác tiềm năng trong nước đã có mặt trên thị trường quốc tế. Sau đó, phân tích điểm mạnh của họ và chỉ ra những điểm mạnh có thể bù đắp cho những điểm yếu của bạn.

Bước 4: Phân tích bối cảnh cạnh tranh

Quyết định gia nhập thị trường toàn cầu đòi hỏi việc cân nhắc kỹ lưỡng về bối cảnh cạnh tranh trong ngành công nghiệp của bạn. Hãy nghĩ về những rào cản tiềm ẩn đối với những người mới gia nhập thị trường toàn cầu. Nếu các rào cản này không đáng kế hoặc có thể vượt qua được, điều đó có thể báo hiệu điều kiện cạnh tranh thuận lợi để gia nhập.

Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể suy ngẫm trong quá trình này:

  • Việc gia nhập thị trường toàn cầu dễ dàng hay khó khăn?
  • Bối cảnh cạnh tranh trong thị trường toàn cầu như thế nào?
  • Việc khiến người tiêu dùng chuyển đổi từ đối thủ sang doanh nghiệp bạn sẽ dễ dàng hay khó khăn?

Bước 5: Tận dụng các chính sách thuận lợi của chính phủ

Các chính sách ở các quốc gia khác nhau có thể ảnh hưởng đáng kể đến thành công hoặc thất bại trong các nỗ lực mở rộng phạm vi toàn cầu của các công ty. Mỗi quốc gia có những chính sách riêng và bạn có thể thấy khó khăn khi đối diện với những thách thức này. Tận dụng một cách chiến lược các chính sách của chính phủ có thể là một chất xúc tác mạnh mẽ cho sự tăng trưởng quốc tế của doanh nghiệp bạn.

Ví dụ, Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp tín dụng thuế thu nhập liên bang cho tất cả các loại xe điện, xe hybrid và xe điện pin nhiên liệu. Điều này có thể làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm nói trên trong những năm tới. Do đó, các công ty ô tô có công nghệ trên có thể nắm bắt cơ hội để mở rộng hoạt động của họ ở đó.

Bước 6: Phòng ngừa rủi ro

Cuối cùng, bạn phải xem xét những hoàn cảnh bất lợi gây cản trở hành trình kinh doanh của bạn. Các mối đe dọa là không thể tránh khỏi, nhưng bạn có thể giảm thiểu tác động của chúng bằng cách chỉ thực hiện đánh giá mức độ rủi ro bằng ma trận rủi ro.

ma trận đánh giá mức độ rủi ro

Ma trận đánh giá mức độ rủi ro

Phân tích rủi ro bao gồm một số bước: (1) Xác định rủi ro, (2) Tính toán xác suất xảy ra(3) Quản lý rủi ro. Mặc dù không thể loại bỏ rủi ro, nhưng chiến lược quản lý rủi ro có thể làm giảm đáng kể tác động của chúng. Việc này đảm bảo nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế trở nên suôn sẻ và thành công hơn.

Ví dụ: Sau khi phân tích rủi ro, một công ty gia nhập thị trường của một quốc gia có nền kinh tế biến động có thể đầu tư chiến lược vào một công ty đã thành lập tại quốc gia đó thay vì chịu toàn bộ gánh nặng chi phí tài chính cho việc thành lập một cơ sở mới.

Ứng dụng của mô hình kinh cương trong thực tế

Mô hình kim cương của Michael Porter được sử dụng rộng rãi trong việc phân tích tính cạnh tranh của cả quốc gia và ngành công nghiệp:

Tính cạnh tranh quốc gia: Các quốc gia có thể đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của mình bằng cách sử dụng mô hình này. Ví dụ, mô hình kim cương có thể được áp dụng để hiểu về bối cảnh, thực trạng nền kinh tế của Hy Lạp.

Tính cạnh tranh quốc tế: Mô hình giúp các quốc gia hiểu vị trí của họ trên thị trường toàn cầu. Nó cho thấy cách thức lợi thế quốc gia chuyển đổi thành sự thành công quốc tế.

Ngành công nghiệp: Mô hình thường được sử dụng để đánh giá tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp cụ thể. Ví dụ, nó cung cấp thông tin chi tiết để đánh giá ngành công nghiệp ô tô của Đức và Nhật Bản. Các quốc gia này đã tận dụng các điều kiện yếu tố mạnh và các ngành công nghiệp liên quan để xây dựng một ngành công nghiệp ô tô có sức cạnh tranh mạnh mẽ.

Ngành công nghiệp cạnh tranh: Mô hình kim cương xác định những ngành công nghiệp nào trong một quốc gia có khả năng cạnh tranh quốc tế. Thung lũng Silicon là một ví dụ điển hình. Mô hình này giải thích cách các điều kiện nội địa tạo thuận lợi cho sự phát triển các công ty công nghệ.

Tóm lại, mô hình kim cương của Porter có giá trị để đánh giá tính cạnh tranh ở các cấp độ khác nhau – từ nền kinh tế quốc gia cho đến các ngành công nghiệp và các công ty cụ thể.

Kết luận

Tóm lại, mô hình kim cương của Michael Porter là một khung giải thích tại sao các ngành công nghiệp trong một số quốc gia phát triển và cạnh tranh hơn nhiều so với các ngành công nghiệp ở nơi khác. Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, duy trì tính cạnh tranh trong dài hạn là một điều bắt buộc.

Có nhiều công cụ khác nhau có thể giúp các nhà hoạch định chính sách của chính phủ phân tích các tình huống có thể xảy ra. Mô hình kim cương là một công cụ hiệu quả sử dụng để mô tả nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh của một quốc gia và con đường để đạt được lợi thế như vậy.

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn

Contact Us

//]]>