Last updated on 26 August, 2024
Quá trình chọn mẫu là sử dụng một số lượng nhỏ các phần tử hoặc các phần của một tổng thể tiến hành nghiên cứu để rút ra những kết luận suy rộng ra các kết luận về toàn bộ tổng thể. Trong nghiên cứu marketing, hầu hết các phương pháp thu thập dữ liệu cần thiết đều được tiến hành trên cơ sở một mẫu nhất định. Vì vậy, chọn mẫu là một nội dung quan trọng có ảnh hưởng lớn tới mức độ chính xác của các dữ liệu. Trong bài viết này hãy cùng OCD tìm hiểu mẫu là gì, các khái niệm cơ bản trong chọn mẫu và quy trình chọn mẫu diễn ra như thế nào.
Table of Contents
ToggleTổng thể là tập hợp tất cả các đối tượng mà nhà nghiên cứu cần nghiên cứu cần có thông tin để thỏa mãn mục đích và phạm vi nghiên cứu của mình. Ví dụ: chúng ta cần nghiên cứu người dân sinh sống tại Hà Nội có độ tuổi từ 18 đến 45 thì tập hợp những người sinh sống tại Hà Nội từ 18 đến 45 là tổng thể chúng ta nghiên cứu.
Phần tử (element) là đối tượng cần thu thập dữ liệu, thường được gọi là đối tượng của cuộc nghiên cứu (Subject). Đây là đơn vị nhỏ nhất của tổng thể và là đơn vị cuối cùng của quá trình chọn mẫu. Thông tin về phần tử được thu thập làm cơ sở cho việc phân tích. Số lượng phần tử trong tổng thể thường được ký hiệu là N (kích thước tổng thể), và của mẫu được ký hiệu là n (được gọi là kích thước mẫu). Trong ví dụ trên, những người ở tại Hà Nội trong độ tuổi từ 18 đến 45 là các phần tử của tổng thể.
Mẫu là một tập hợp con hoặc một số phần tử của một tổng thể. Hay mẫu được hiểu đơn giản là một số lượng nhất định phần tử được lựa chọn từ một tổng thể theo một nguyên tắc nhất định. Thực chất của chọn mẫu trong nghiên cứu marketing là xác định một nhóm các phần tử mà đặc điểm của nó chính là đặc điểm của tổng thể, mẫu đại diện cho tổng thể. Trên cơ sở đó, những nghiên cứu sẽ được tiến hành trên mẫu nhằm đưa ra những kết luận về tổng thể. Như vậy, mức độ đại diện của mẫu có ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác của các đặc điểm dự đoán về tổng thể.
Để thuận tiện trong việc chọn mẫu người ta thường chia tổng thể ra thành nhiều nhóm có những đặc tính khác nhau, gọi là đơn vị chọn mẫu (sampling unit). Như vậy, đơn vị cuối cùng có thể chia nhỏ được của mẫu chính là phần tử mẫu. Theo ví dụ trên, chúng ta có thể chia thành các đơn vị chọn mẫu dựa theo đơn vị hành chính, đó là: các quận, huyện (các người sinh sống trong cùng một quận, huyện), rồi đến phường, xã, sau đó là các hộ gia đình. Hoặc/và theo giới tính, lúc này đơn vị mẫu là nam và nữ.
Sở dĩ phải chọn mẫu trong nghiên cứu marketing là vì không thể tiến hành điều tra tất cả các phần tử của tổng thể. Cụ thể hơn, các lý do chủ yếu đòi hỏi phải chọn mẫu bao gồm:
Thứ nhất, do thời gian và ngân sách dành cho một cuộc nghiên cứu marketintg thường bị hạn chế. Doanh nghiệp không thể chi tiêu quá nhiều cho hoạt động thu thập dữ liệu trong khi nguồn lực tài chính thường eo hẹp. Mặt khác, các quyết định marketing thường phải được đưa ra ở những thời điểm cần thiết, kịp thời và nhanh chóng. Do đó, thông tin phải được thu thập và xử lý kịp thời phục vụ cho việc ra các quyết định nói trên.
Thứ hai, nhằm đảm bảo tính chính xác và tính thực tế của các dữ liệu được thu thập. Nếu các phần tử của tổng thể là tương đối đồng nhất và có tính đại diện cao thì chỉ một mẫu nhỏ là đủ để mô tả một cách chính xác những đặc điểm của một tổng thể. Ngay cả trong trường hợp các phần tử của tổng thể có sự khác biệt lớn thì một mẫu lớn vẫn đảm bảo tính đại diện của các dữ liệu.
Thứ ba, để bảo tồn sản phẩm trong quá trình kiểm nghiệm và đánh giá. Trong nhiều cuộc nghiên cứu, đặc biệt là trong kiêm tra chất lượng sản phẩm, để đánh giá đúng chất lượng, sản phẩm cần được tiêu dùng hoàn toàn hoặc bị phá huỷ. Do đó, không thể tiến hành kiểm tra đối với toàn bộ sản phẩm đã được sản xuất.
Xác định mục tiêu tổng thể là công việc đầu tiên của quá trình chọn mẫu. Để xác định đúng mục tiêu tổng thể, người nghiên cứu phải dựa trên những căn cứ nhất định như vấn đề nghiên cứu, các mục tiêu bộ phận, loại thông tin cần thu thập, đối tượng nghiên cứu,… Đây là nội dung quan trọng nhất trong quá trình chọn mẫu. Xác định đúng các mục tiêu bộ phận cũng như mục tiêu tổng thể là tiền đề cho việc thực hiện các mảng công việc nghiên cứu cũng như toàn bộ quá trình nghiên cứu.
Việc xác định mục tiêu bộ phận cũng như mục tiêu tổng thể phải căn cứ trên nhu cầu thông tin của các bộ phận của doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, các bộ phận đưa ra những yêu cầu, mục tiêu quá chi tiết hoặc quá khái quát đều có thể làm cho bộ phận nghiên cứu marketing lạc hướng trong nghiên cứu. Trong kinh doanh hiện đại, việc xác định mục tiêu nghiên cứu là vô cùng quan trọng và các doanh nghiệp thường tổ chức các nhóm công tác gồm lãnh đạo các bộ phận cùng làm việc để xác định mục tiêu nghiên cứu phù hợp. Trên cơ sở những mục tiêu đã định, bộ phận nghiên cứu marketing tiến hành phân tích để xác định rõ thông tin và từ đó đề ra các mục tiêu bộ phận, phác thảo phương án thực hiện.
Khung lấy mẫu là một nhóm lớn các phần tử thuộc tổng thể được hình thành với những điều kiện nhất định. Những điều kiện xác định khung lấy mẫu rất đa dạng, có thể là những đặc điểm của khách hàng, vùng địa lý, các đặc điểm dân cư, … Khung lấy mẫu bao gồm một bộ phận phần tử lớn mà việc chọn mẫu sẽ được thực hiện trên đó. Khung lấy mẫu có thể hình thành từ các hoạt động nghiên cứu marketing của doanh nghiệp, sự phân chia của xã hội, thị trường hoặc các tổ chức khác, chẳng hạn như: Danh sách khách hàng của một công ty, danh sách các hộ gia đình trong một khu vực, … Các danh sách có sẵn có thể được mua từ các tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc các cơ quan quản lý.
Lựa chọn một phương pháp lập mẫu thích hợp có ý nghĩa quyết định đối với mức độ tin cậy của các dữ liệu được thu thập. Có hai nhóm phương pháp chọn mẫu phổ biến là: phương pháp ngẫu nhiên và phương pháp phi xác suất.
Hình thức chọn mẫu này là tập hợp những phương pháp cụ thể theo đó mỗi phần tử mẫu đều có cơ hội được lựa chọn và trở thành một thành viên của mẫu. Tuy nhiên cần lưu ý rằng thuật ngữ “ngẫu nhiên” chỉ thể hiện một thủ tục chọn mẫu nhất định chứ không miêu tả các phần tử trong mẫu. Đây là phương pháp rất phổ biến và được áp dụng rộng rãi nhất. Phương pháp chọn ngẫu nhiên phải xác định được sai số mẫu so với tổng thể để đảm bảo đặc điểm của mẫu không khác biệt đáng kể so với giá trị thực của tổng thể.
Chọn mẫu phi xác xuất là tập hợp những kỹ thuật lập mẫu trong đó các phần tử mẫu được lựa chọn với một xác suất không giống nhau và chưa được xác định. Điều đó có nghĩa là các phần tử của tổng thể có những cơ hội không giống nhau để được chọn làm một phần tử của mẫu. Việc lựa chọn các phần tử cụ thể của mẫu chủ yếu dựa trên những đánh giá của người nghiên cứu. Vì vậy, không có những kỹ thuật thống kế thích hợp để đánh giá sai số chọn mẫu. Mặc dù vậy, những phương pháp lập mẫu phi xác suất vẫn được sử dụng phổ biến trong thực tế khi nó phù hợp với mục đích của người nghiên cứu.
Cùng với phương pháp chọn mẫu, xác định kích thước mẫu hợp lý có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo mức độ tin cậy cần thiết của kết quả nghiên cứu. Kích thước mẫu càng lớn, dữ liệu sẽ có độ tin cậy càng cao và ngược lại. Tuy nhiên, một kích thước mẫu lớn lại đòi hỏi những chi phí lơn hơn đôi khi vượt quá giới hạn ngân sách của các doanh nghiệp. Người nghiên cứu phải lựa chọn một kích thước mẫu như thế nào đó để đáp ứng được hai mục tiêu: tối đa hoá độ chính xác của các dữ liệu và kiểm soát được chi phí nghiên cứu.
Đây là công đoạn cuối cùng của quy trình chọn mẫu. Trên cơ sở tiến hành tốt các công việc của giai đoạn trên, cán bộ điều tra sẽ lập một danh sách mẫu được rút ra từ khung chọn mẫu.
——————————
Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.
Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!
Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn
Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting
Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn
You must be logged in to post a comment.