Last updated on 24 May, 2024
Ngày 10/12/2019, Việt Nam đã chính thức ghi tên mình vào lịch sử khi đội tuyển U22 nhận tấm huy chương vàng vô địch SEA Games 30. Với chiến thắng đậm đà U22 Indonesia 3-0 trong trận chung kết, giới truyền thông quốc tế dành nhiều mỹ từ cho đoàn quân HLV Park Hang Seo – những người bất bại kể từ đầu giải. Ở góc nhìn quản trị nhân sự, bóng đá có nhiều điểm giống với kinh doanh. Khi doanh nghiệp vận hành, chúng ta cần nhân lực, cần người chỉ huy và cần một chiến lược bài bản để trở thành người dẫn đầu. Hãy cùng nhìn lại những yếu tố đã dẫn tới chức vô địch SEA Games của Việt Nam và ứng dụng ngay trong quản trị doanh nghiệp.
Table of Contents
ToggleLâu lắm rồi người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới lại được chứng kiến những những trận cầu đỉnh cao của bóng đá nước nhà.Gần đây nhất là chiến thắng đầy thuyết phục trước đội tuyển Indonesia đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới. Từ khóa U22 Việt Nam lên top tìm kiếm ở nhiều quốc gia, đổi tuyển của ông Park Hang Seo nhận được nhiều lời khen có cánh từ báo chí và người hâm mộ bóng đá thế giới.
Nhà cầm quân Hàn Quốc đến với bóng đá Việt Nam từ năm 2017. Chỉ trong hai năm, ông đã liên tiếp tạo ra những kỳ tích, như HC bạc giải U23 châu Á 2018, vô địch AFF Cup 2018 và bây giờ là HC vàng SEA Games – danh hiệu Việt Nam chưa từng giành được kể từ khi trở lại với đấu trường SEA Games (năm 1991).
Bước vào trận chung kết với khá nhiều bất lợi: những cầu thủ quan trọng như Quang Hải, Trọng Hùng rồi Thanh Thịnh đều gặp chấn thương. Bất chấp khó khăn, đội tuyển U22 Việt Nam đã chiến thắng thuyết phục với tỷ số 3 – 0 trước đối thủ nặng ký. Vậy điều gì đã làm nên kỳ tích này? Từ góc độ quản trị, tôi cho rằng đây là chiến thắng của một tập thể, một bộ máy làm việc trơn tru và đằng sau là sự bài bản trong quản lý và cách dùng người của nhà cầm quân Park Hang Seo.
Nhiều năm trước thời của HLV Park, những người hâm mộ bóng đá dễ nhận ra rằng đội tuyển bóng đá Việt Nam được xây dựng xoay quanh những “ngôi sao” chính, những cái tên dễ dàng được nêu ra như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Vinh…Ngược lại, rất nhiều những chân sút khác gần như vô danh trong tập thể.
Đội tuyển U22 là 1 đội hình hoàn toàn khác biệt. Từng cái tên và vị trí đều được ghi nhớ và tỏa sáng theo cách riêng. Với triết lý bóng đá là môn thể thao tập thể, cần sự đoàn kết và đồng lòng, HLV Park Hang Seo xây dựng đội tuyển Việt Nam thành một đội bóng không có ngôi sao. Ông Park không hề ưu tiên những cầu thủ “ngôi sao” từng được ưu ái, cưng chiều dưới thời HLV Hữu Thắng hay Mai Đức Chung. Đó chính là chiến lược “ Đội bóng không phụ thuộc vào ngôi sao” mà HLV Park Hang Seo đã sử dụng.
Sự “ngang hàng” đã giúp đoàn quân U22 Việt Nam thi đấu khăng khít và hiệu quả hơn. Hơn 90’ trận chung kết đã chứng minh bản lĩnh nhà vô địch và sự hiệu quả trong lối chơi. Xuyên suốt cả trận, U22 Việt Nam chỉ tung ra 5 cú dứt điểm, với 4 lần trúng đích và có được 3 bàn thắng.”
Áp dụng vào bài toán quản trị nhân sự sẽ thấy hoàn toàn phù hợp. Khi một doanh nghiệp không bị phụ thuộc vào bất kỳ một cá nhân, hay xoay quanh một ai, tất cả phải là công sức là sự đoàn kết của toàn tập thể. Giống như cơ chế hoạt động của một chiếc đồng hồ, từng bánh răng, từng kim giây, kim phút hoạt động nhịp nhàng, khăng khít, tất cả đều có sự liên kết với nhau, vận hành trơn tru.
Quản lý nhân sự đến từ việc dùng người nhưng yếu tố con người luôn là yếu tố “nguy hiểm” nhất trong tổ chức: vì nó dễ dàng biến động. Rủi ro hơn trong bóng đá, nếu một nhân vật “ngôi sao” rời bỏ vị trí, doanh nghiệp lập tức gặp những vấn đề lớn về số liệu lưu trữ cũng như quy trình vận hành. Đặt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, doanh nghiệp ngày càng có nhiều công cụ để giảm thiểu sự phụ thuộc quá lớn vào con người và phương pháp lưu trữ truyền thống.
Đọc thêm: Chuyển đổi số và giá trị thực tiễn. Nhìn lại những thành tựu của doanh nghiệp Việt
“U22 Việt Nam có nhiều cầu thủ chất lượng, tôi không nghĩ là cần tập trung vào cá nhân nào vì đây là đội bóng đồng đều. Bất cứ cầu thủ nào cũng nguy hiểm” – Đây là những chia sẻ của tiền vệ chính Osvaldo Haay của đội tuyển Indonesia tham dự SEA Games 30.
Đây cũng không phải ý kiến duy nhất, đa số mọi người khi xem đội tuyển Việt Nam đá đều có nhận xét tương tự.
Ông Park Hang Seo đã không hề tập trung phát triển riêng lẻ từng cá nhân sao cho hoàn thiện nhất mà phát triển cả một tập thể đoàn kết và kết hợp ăn ý nhất. Đó chính là mấu chốt đi đến thành công của đội bóng. Để làm được điều này cần phải có một chiến lược phát triển tập thể và người lãnh đạo cần kiên trì theo đuổi đến cùng.
HLV cũng như nhà quản lý một doanh nghiệp hay tổ chức, phải là người dẫn dắt, truyền ngọn lửa nhiệt huyết vào cầu thủ cũng như nhân viên. Câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” nhấn mạnh vai trò của tính đồng đội và kỷ luật trong một tổ chức. Vai trò của HLV hay nhà quản lý rất quan trọng trong việc dẫn dắt đội ngũ, duy trì tính kỷ luật, tinh thần đồng đội để đạt được mục tiêu đề ra.
“ Đúng người đúng việc”
Một trong những yếu tố quan trọng của quản lý nhân sự đó là cần phải nhìn ra được thế mạnh cũng như điểm yếu của từng nhân viên, đặt trong vị trí của nhân viên đó trong tổ chức để biết cách quản lý, giao công việc cũng như đầu tư phát triển cho phù hợp nhất. Như vậy thì bản thân mỗi nhân viên đều được phát triển và thăng tiến ở những mảng mình làm tốt nhất trong khi doanh nghiệp thì luôn đi đúng định hướng chiến lược đề ra. Và đó là điều HLV Park Hang SEO đã làm được.
Nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm ra tích cách, ưu nhược điểm của từng người giúp ông Park biết rõ rằng mình nên dùng ai, dùng lúc nào.
“Khen ngợi đúng lúc, động viên kịp thời”
Mang trong mình dòng máu Hàn Quốc nhưng HLV Park Hang Seo luôn nhấn mạnh lòng tự hào dân tộc với mỗi cầu thủ Việt Nam trước khi bước ra sân. Những bài nói ngắn gọn trước trận luôn là một điều không thể thiếu ở các đội bóng, giúp các cầu thủ có tinh thần ra sân.
HLV Park Hang Seo luôn nhấn mạnh các học trò phải ra sân với tinh thần chiến đấu cao nhất, và nhớ là mang vác hy vọng của người dân Việt Nam. Nhà cầm quân người Hàn Quốc khi chọn cầu thủ dự ASIAD 2018 cũng đưa ra tiêu chí là cầu thủ phải quyết tâm cháy hết mình vì màu cờ sắc áo, chứ không được hời hợt.
Trong mỗi trận đấu, khi các cầu thủ thể hiện tốt, ngay lập tức ông dành những lời khen tặng. Ông cũng không ngần ngại khen tặng các cầu thủ trước báo chí. Ngoài ra ông còn là người rất quan tâm đến các cầu thủ. Trong đoạn clip mới đăng tải trên mạng xã hội, trung vệ Đình Trọng khoe được HLV Park Hang-seo ân cần cầm máy massage chân. Trước đó, nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng nhiều lần thể hiện sự gần gũi, quan tâm đến các học trò.
HLV Park còn tỏ ra rất tâm lý trong việc thúc đẩy tinh thần của cầu thủ thông qua những hành động rất đời thường như ôm hôn – bắt tay từng cầu thủ sau trận đấu, khen họ trước giới truyền thông, nhớ từ ngày sinh nhật đến ngày mất của người thân cầu thủ.
Chính những hành động tưởng chừng rất nhỏ này của HLV Park Hang-seo đã giúp U23 Việt Nam trở nên gắn kết và mạnh mẽ hơn khi đối đầu với các đối thủ lớn, thúc đẩy đội ngũ làm việc hết mình vì mục tiêu của HLV cũng như của đội bóng U22 Việt Nam.
Câu chuyện tương tự trong quản lý nhân sự, khích lệ và khen ngợi nhân viên đem lại động lực tinh thần không nhỏ giúp nhân viên luôn cố gắng và hoàn thành tốt công việc. Bên cạnh đó, giao tiếp thường xuyên giúp xóa bỏ khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên, gây dựng một tập thể đoàn kết và tin tưởng nhau hơn.
Bài viết là những chia sẻ từ góc nhìn quản trị nhân sự. Thực tế, chúng ta đều hiểu rằng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam đến từ rất nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tài năng và cách dùng người của leader Park Hang Seo là một yếu tố lớn mà mỗi nhà quản lý nhân sự đều có thể học tập để ứng dụng cho công việc của mình.
Đọc thêm: Phần mềm nhân sự chuyên sâu dành cho doanh nghiệp
Team Marketing
Nguồn: Công ty Tư vấn Quản lý OCD
You must be logged in to post a comment.