Last updated on 23 October, 2024
Khái niệm BIM (Building Information Modeling) xuất hiện từ rất lâu vào những năm 1970, nhưng sự phát triển bùng nổ và mang lại nhiều lợi ích đáng kể khoảng từ năm 2010 khi hãng Autodesk tung ra các phần mềm hỗ trợ công nghệ BIM mạnh mẽ như: Revit Architecture, Revit Structure, Revit MEP, Naviswork, Robot Analysis.
Đến nay, công nghệ BIM được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và chính phủ ở một số nước đã nhận thức được sự cần thiết của việc ứng dụng BIM trong quản lý xây dựng nên đã nhanh chóng thành lập các tổ chức phát triển BIM quốc gia.
BIM là một giải pháp công nghệ (tư vấn thiết kế, quản lý, giám sát, thi công…), trong đó có sử dụng các mô hình 3D không gian ảo mô phỏng gần giống với thực tế. Nó mang lại kết quả tốt hơn và hạn chế sai sót bởi mô hình 3D sát với thực tế và bởi sự phối hợp và khả năng tương tác giữa các lĩnh vực trong các giai đoạn thiết kế và thi công.
Mặc dù việc ứng dụng công nghệ BIM trong xây dựng đã được chứng minh là xu thế của tương lai, nhưng ứng dụng nó trong điều kiện đặc thù như Việt Nam không phải là điều đơn giản. Điều kiện cơ sở hạ tầng, chính sách pháp lý hay khả năng tài chính đều là những rào cản cho việc phát triển công nghệ BIM ở Việt Nam.Theo kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tuỳ thuộc vào mức độ áp dụng trong dự án đầu tư xây dựng và loại hình dự án, BIM có thể giúp tiết kiệm được 5% – 20% tổng chi phí đầu tư ban đầu và có thể giúp tiết kiệm được tới 30% tổng chi phí vận hành bảo trì trong giai đoạn sử dụng.
BIM là một công nghệ mới. Yêu cầu về trình độ của nhân sự làm việc trong BIM là khá cao. Một số vị trí làm việc phổ biến trong BIM như: BIM Manager, BIM Coordinator, BIM Modeller, BIM Quantity Takeoff … Trong một dự án thực hiện theo công nghệ BIM thì yêu cầu về số lượng BIM Modeller (Họa Viên BIM) là rất lớn. Khối lượng công việc cho BIM Modeller là chiếm tỷ trọng lớn trong dự án.
Và yêu cầu về trình độ của đội ngũ nhân lực này là khá cao. Ngoài việc đảm bảo các kỹ năng sử dụng tốt phần mềm Revit ở cả 3 lĩnh vực Kiến trúc, kết cấu lẫn MEPF, còn phải có khả năng đọc hiểu các bản vẽ kỹ thuật của kiến trúc, kết cấu, cơ điện và có sự hiểu biết về biện pháp thi công… thì việc dựng mô hình 3D mới chính xác và khả thi.
Để mang lại nhiều hiệu quả trong công việc, sự yêu cầu về đội ngũ nhân sự BIM Modeller có trình độ cao là cần thiết cho mọi doanh nghiệp sử dụng BIM. Tuy nhiên hiện nay, để có được nguồn nhân lực đảm bảo các yêu cầu này là rất ít. Các trở ngại và yếu kém này làm cho quá trình ứng dụng BIM vào trong thiết kế, thi công, quản lý ở nhiều công ty, doanh nghiệp không mang lại hiệu quả cao hoặc thất bại.
Nguồn: baomoi.com