Các dạng câu hỏi trong bảng khảo sát

ma trận raci là gì
Ma trận RACI là gì? Công cụ quản lý dự án phân công trách nhiệm
21 August, 2024
Chỉ tiêu KPI là gì?
KPI là gì? Cách xây dựng KPI hiệu quả cho DN, bộ phận và cá nhân
22 August, 2024
Show all
Các dạng câu hỏi trong bảng khảo sát

Các dạng câu hỏi trong bảng khảo sát

Rate this post

Last updated on 21 August, 2024

Bạn đang tìm kiếm cách tạo bảng hỏi khảo sát hiệu quả để thu thập dữ liệu chính xác? Việc lựa chọn đúng dạng câu hỏi đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin từ người trả lời. Trong bài viết này, OCD sẽ giới thiệu các dạng câu hỏi phổ biến trong bảng khảo sát.

Câu hỏi mở

Khi trả lời câu hỏi mở, người được điều tra có thể trả lời theo ý riêng của mình

Khi trả lời câu hỏi mở, người được điều tra có thể trả lời theo ý riêng của mình

Câu hỏi mở là dạng câu hỏi chỉ có phần câu hỏi, phần trả lời dành cho người được hỏi không gợi ý phương án trả lời. Ở phần trả lời, người được điều tra có thể trả lời theo ý riêng của mình. Người ta phân chia câu hỏi mở thành 3 dạng: câu hỏi trả lời tự do, câu hỏi thăm dò và câu hỏi kỹ thuật hiện hình.

Câu hỏi trả lời tự do

Đây là dạng câu hỏi mà người trả lời hoàn toàn tự do trình bày ý kiến của mình theo phạm vi mà người phỏng vấn dành đã định trước.

Những ưu việt của câu hỏi trả lời tự do:

  • Cho phép nhà nghiên cứu thu được những câu trả lời bất ngờ, không dự liệu trước.
  • Người trả lời có thể bộc lộ rõ ràng hơn quan điểm của mình về vấn đề nào đó do được sử dụng từ ngữ riêng của họ và không bị khuôn vào một trong số tình huống trả lời có sẵn có như trong trường hợp câu hỏi đóng.
  • Có tác dụng tốt khi dùng làm câu hỏi mở đầu cuộc phỏng vấn để nhằm tạo mối quan hệ hợp tác hỗ trợ của người được hỏi.

Những hạn chế của câu hỏi tự do trả lời:

  • Khó khăn hiểu về ngữ nghĩa vì người trả lời dùng ngôn ngữ mang tính cá nhân.
  • Rất khó mã hoá và phân tích.
  • Dễ thiên về ý muốn của người phỏng vấn vì các câu trả lời dễ bị tóm lược hay cắt xén do khó có thể ghi chép được nguyên văn.
  • Ít phù hợp với loại phỏng vấn theo hình thức gửi bảng câu hỏi để người trả lời tự ghi vì họ có tâm lý viết ít hơn những gì họ muốn diễn đạt.
See also  Phương pháp chọn mẫu trong nghiên cứu

Câu hỏi thăm dò

Sau khi đã dùng một mẫu câu hỏi mở để tìm hiểu một chủ đề nào đó, người phỏng vấn có thể bắt đầu tiến hành những câu hỏi thăm dò thân mật để đưa vấn đề đi xa hơn. Ví dụ “Bạn còn nghĩ gì khác về chương trình quảng cáo đó nữa không?”; “Nó có gây cho bạn cảm giác khó chịu hay không?”

Những ưu việt của câu hỏi thăm dò:

  • Gợi ý thêm cho câu hỏi ban đầu và gợi ý cho người trả lời khi họ không còn gì để nói nữa.
  • Tạo được câu trả lời đầy đủ và hoàn chỉnh so với yêu cầu của câu hỏi ban đầu.

Hạn chế của câu hỏi thăm dò:

Nhìn chung dạng câu hỏi thăm dò cũng có đầy đủ những điểm bất lợi giống như dạng câu hỏi tự do trả lời.

Câu hỏi “kỹ thuật hiện hình”

Đây là dạng câu hỏi mà ở trong đó người ta sử dụng “kỹ thuật hiện hình” để thu thập dữ liệu. Thuộc dạng kỹ thuật này có kỹ thuật tranh (hay dựng hình) và kỹ thuật kết hợp từ, hoàn thành câu.

Những ưu việt của câu hỏi dùng “kỹ thuật hiện hình”:

  • Có thể đạt được những dữ liệu mà nếu sử dụng những dạng câu hỏi khác với các kỹ thuật đo lường khác thì sẽ không thể thu thập được.
  • Cung cấp dữ liệu có ích ở từng giai đoạn của quá trình nghiên cứu, qua đó tìm được những ý tưởng nội tại và những giả thiết bên trong.
  • Những câu hỏi sử dụng kỹ thuật liên kết từ được dùng phổ biến trong việc nghiên cứu để đặt tên thương mại, nhãn hiệu sản phẩm hoặc áp phích quảng cáo.

Những hạn chế của câu hỏi dùng “kỹ thuật hiện hình”:

  • Đòi hỏi người phỏng vấn phải được huấn luyện kỹ trước khi phỏng vấn.
  • Đòi hỏi phân tích viên phải được đào tạo cẩn thận để diễn dịch các kết quả.

Câu hỏi đóng

<yoastmark class=

Câu hỏi đóng là loại câu hỏi bao gồm cả hai phần: phần câu hỏi và phần gợi trả lời đều được thiết kế sẵn. Có nhiều dạng câu hỏi đóng. Sự phân biệt chủ yếu giữa các dạng câu hỏi này là ở phần gợi ý trả lời. Về thực chất, trong các dạng câu hỏi đóng người ta đã sử dụng các thang đo lường khác nhau nhằm đánh giá mặt định tính cũng như đánh giá tầm quan trọng của các thuộc tính để thiết kế các câu trả lời. Dưới đây chúng ta sẽ xem xét một số dạng câu hỏi đóng diển hình:

See also  Marketing là gì? Vai trò của marketing với doanh nghiệp

Câu hỏi phân đôi

Đây là dạng câu hỏi mà chỉ cho phép hai khả năng trả lời “có” hoặc “không”; “đồng ý” hoặc “không đồng ý” v.v… Ví dụ: “ Bạn có đồng ý với nhận định rằng bia Heineken ngon hơn bia Tiger không”?

☐ Có                          ☐ Không

Bởi vậy, nó được xếp vào dạng câu hỏi đóng đơn giản nhất có sử dụng thang đo lường chia độ trong việc thiết kế phần trả lời.

Những ưu việt của câu hỏi phân đôi:

  • Là một hướng dẫn tốt cho các câu hỏi có nhiều chi tiết, dễ dàng và nhanh chóng cho các nhà quản lý.
  • Người phỏng vấn ít có thành kiến khi gặp các câu trả lời đặc biệt, phần trả lời thuận tiện cho việc biên tập, mã hoá, tính toán và phân tích.

Những hạn chế của câu hỏi phân đôi:

  • Cung cấp không đầy đủ dữ liệu chi tiết, khó khăn để chọn từ chính xác.
  • Bắt buộc người trả lời phải lựa chọn cho dù họ có thể chưa tin chắc lắm khi chọn câu trả lời. Nói cách khác nó gần như áp đặt quan điểm đối với người trả lời.

Câu hỏi có nhiều sự lựa chọn

Đây là dạng câu hỏi mà phần gợi ý trả lời liệt kê nhiều hơn hai phương án trả lời. Thông thường, người được điều tra lựa chọn một phương án trả lời đúng nhất. Số lượng phương án trả lời được lựa chọn tuỳ thuộc vào câu hỏi được thiết kế.

Những ưu việt của câu hỏi có nhiều lựa chọn:

  • Khắc phục được nhiều vấn đề của câu hỏi mở và câu hỏi phân đôi.
  • Các câu trả lời có cùng kích thước, người phỏng vấn chỉ phải hỏi ít câu hỏi.
  • Dễ dàng soạn thảo, mã hoá, tính toán và phân tích do đó tốn ít chi phí để tập hợp và xử lý dữ liệu.

Những hạn chế của câu hỏi có nhiều lựa chọn:

  • Nhà nghiên cứu phải biết và phải liệt kê ra tất cả các câu trả lời có thể có.
  • Rất khó lựa chọn giữa các khả năng. 
  • Các câu trả lời có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với người trả lời.
  • Việc sắp xếp thứ tự các câu trả lời có thể gây nên định kiến cho người trả lời.
See also  7 lưu ý khi thiết kế bảng câu hỏi trong nghiên cứu thị trường

Câu hỏi xếp hạng thứ tự

Theo dạng câu hỏi này, người trả lời sắp xếp thứ tự tương đối của các đề mục được liệt kê. Ở đây, các lựa chọn có thể được so sánh lẫn nhau đồng thời. Về thực chất trong trường hợp này người ta sử dụng thang đo lường thứ tự để thiết lập câu trả lời.

Những ưu việt của câu hỏi xếp hạng thứ tự:

  • Cho dữ liệu nhanh chóng.
  • Hỏi và thành lập bảng cột khi phân tích tương đối dễ.
  • Là hoạt động quen thuộc nên dễ giải thích cho người trả lời.

Những hạn chế của câu hỏi xếp hạng thứ tự:

  • Người trả lời phải có kiến thức về tất cả các đề mục trong câu hỏi.
  • Không chỉ ra mức độ cách biệt giữa các lựa chọn.

Câu hỏi bậc thang

Đây là dạng câu hỏi đóng mang tính chất phổ biến. Với dạng câu hỏi này, người trả lời được cung cấp một loạt các lựa chọn diễn tả ý kiến của họ. Khi thiết kế dạng câu hỏi này, người ta đã sử dụng nhiều loại thang chia độ khác nhau như: thang điểm sắp xếp theo thứ bậc, thang điểm có ý nghĩa đối nghịch, thang điểm likert, Stapel v.v… 

Những ưu việt của câu hỏi bậc thang:

  • Đo lường được mức độ suy nghĩ, tức là những dữ liệu định tính về vấn đề nghiên cứu.
  • Kết quả có thể dùng cho nhiều phương pháp phân tích thống kê.
  • Dễ dàng và hiệu quả khi hỏi, trả lời và tính toán.

Những hạn chế của câu hỏi bậc thang:

  • Người trả lời có thể không biết rõ được khoảng rộng của các bậc thang.
  • Khoảng rộng của các bậc thang có thể không phản ánh chính xác ý của người trả lời.
  • Người trả lời có thể có nhiều quan điểm khác nhau về các từ ngữ được dùng để chia bậc thang…

——————————

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn

Contact Us

//]]>