“Tam quốc diễn nghĩa” và 5 bài học kinh doanh có giá trị

Ứng dụng của khung năng lực
Ứng dụng của khung năng lực
24 August, 2019
5 lý do cần phần mềm quản trị trong doanh nghiệp
5 lý do cần phần mềm quản trị trong doanh nghiệp
26 August, 2019
Show all
bài học kinh doanh rút ra từ Tam quốc diễn nghĩa

Bài học kinh doanh rút ra từ Tam quốc diễn nghĩa

5/5 - (1 vote)

Last updated on 12 June, 2024

Không chỉ là bức tranh sống động về thời kỳ Tam Quốc loạn lạc, Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung còn là kho tàng kiến thức về nghệ thuật kinh doanh, có thể định hướng các nhà lãnh đạo tài ba chèo lái doanh nghiệp vượt qua mọi thử thách. Cùng OCD tìm hiểu các bài học kinh nghiệm trong kinh doanh qua tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa nhé!

Bài học số 1: “Kết nghĩa đào viên” – Một mục tiêu một lý tưởng

Câu chuyện “kết nghĩa vườn đào” của Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi trong Tam Quốc Diễn Nghĩa hẳn đã quá quen thuộc với nhiều người. Khởi đầu gian nan của nước Thục Hán cũng có nhiều điểm tương đồng với hành trình đầy thử thách của một startup. Ban đầu, họ chỉ có ý tưởng và hoài bão, trong khi các thế lực hùng mạnh như Ngụy và Ngô đã sở hữu đầy đủ nguồn lực và nền tảng vững chắc. Thục Hán, với 3 “nhà sáng lập” chỉ có chung ước mơ, lý tưởng và mục tiêu, đã từng bước gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Mặc dù mang trong mình dòng máu hoàng tộc, Lưu Bị và hai người anh em khi ấy chỉ có duy nhất khát vọng phục hưng nhà Hán. Thậm chí, mãi đến sau trận Xích Bích, Thục mới có được kinh đô đóng quân. Dù nhiều lần phải nương nhờ dưới trướng kẻ khác, tình huynh đệ gắn bó giữa Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi vẫn luôn vững vàng, không gì có thể lay chuyển.

Bài học rút ra

Nền tảng cho một hành trình khởi nghiệp thành công chính là sự đồng lòng của các nhà sáng lập về mục tiêu và lý tưởng chung. Xuất phát từ hai bàn tay trắng, họ sẽ không tránh khỏi những thử thách và vấp ngã. Mục tiêu và lý tưởng chung chính là sợi dây gắn kết giúp các nhà sáng lập vượt qua mọi khó khăn, mâu thuẫn xuất phát từ sự khác biệt trong suy nghĩ và cách làm việc. Thiếu đi sự đồng lòng này, những nhà sáng lập – hạt nhân của startup – khó có thể sát cánh cùng nhau đến chặng đường cuối cùng.

Bài học số 2: “Tam cố thảo lư” – Lòng nhẫn nại và khiêm tốn

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, khi nghe tiếng tăm về tài năng của Gia Cát Lượng khi đang ở Tân Dã, Lưu Bị đã gác lại thân phận và đích thân đến thỉnh cầu ông ra giúp sức. Hai lần đầu tiên, cả ba anh em đều không gặp được Gia Cát Lượng. Đặc biệt, trong lần thứ hai, họ còn phải đối mặt với trận tuyết lớn nhưng vẫn quyết tâm đến nơi, bởi Lưu Bị tin rằng chỉ có đội gió tuyết đến mới thể hiện được lòng thành tâm của mình.

Lần thứ ba, Quan Vũ cũng tỏ ra không vui và không muốn đi cùng. Tuy nhiên, Lưu Bị vẫn kiên quyết muốn đến. Khi đến nơi, ông kiên nhẫn chờ đợi Gia Cát Lượng ngủ dậy rồi mới cung kính trình bày đại sự. Sau khi nghe Gia Cát Lượng phân tích tình hình thời cuộc, Lưu Bị quỳ xuống khẩn cầu sự trợ giúp của ông. Cảm động trước tấm lòng chân thành và sự khiêm tốn của Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã đồng ý và sau này giúp Thục Hán gặt hái được nhiều thành công vang dội.

Bài học rút ra

Dù là trong hành trình kinh doanh hay con đường khởi nghiệp, lòng nhẫn nại và sự khiêm tốn luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hành trình lập thân, lập nghiệp vốn dĩ không trải đầy hoa hồng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó là điều không thể. Thậm chí đôi khi, ngay cả những người đồng sáng lập công ty cũng có thể khuyên bạn từ bỏ một điều gì đó. Tuy nhiên, hãy kiên trì, bởi mỗi thất bại chính là một bước đệm đưa bạn đến gần hơn với mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, một doanh nhân thành công cần gạt bỏ cái tôi cá nhân để tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm mới với thái độ cầu thị. Ý tưởng của bạn, dù sáng tạo đến đâu, cũng không thể đảm bảo là độc nhất hay nổi bật như những gì bạn vẫn tưởng tượng.

Bài học số 3: “Lựa chọn Hoàng Trung” – Dùng người chính xác

Nhắc đến “ngũ hổ tướng” của Thục Hán, không thể bỏ qua Hoàng Trung – vị lão tướng dũng mãnh được miêu tả trong Tam Quốc Diễn Nghĩa với sức mạnh phi thường, vượt trội muôn người. Do hiểu được tài năng và lòng trung thành của Hoàng Trung, Lưu Bị vẫn phong ông làm Hậu tướng quân. Đây là vị trí ngang hàng với Quan Vũ (Tiền tướng quân) dù cho ông đã lớn tuổi.

Bài học rút ra

Khi đánh giá năng lực nhân viên, các yếu tố bên ngoài như tuổi tác nên được bổ qua. Quan trọng là họ có thực lực đóng góp nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Đôi khi nhân viên lớn tuổi có nhiều góc nhìn sâu sắc và kinh nghiệm sắc bén hơn nhân viên trẻ.

Là con người, ai cũng sở hữu những suy nghĩ và định kiến riêng biệt. Đứng trên vai trò lãnh đạo doanh nghiệp, nếu nhà lãnh đạo không thể vượt qua những định kiến cá nhân, họ có thể đánh mất cơ hội thu hút và phát huy tiềm năng của những nhân tài hiếm có. 

Nguy hiểm hơn nữa, nhân tài này có thể sẽ đầu quân cho đối thủ, mang theo kiến thức và kinh nghiệm quý báu của mình. Hiểu rõ tầm quan trọng của một vị tướng dày dạn kinh nghiệm như Hoàng Trung trong việc tiếp tục con đường chinh phạt, Gia Cát Lượng và Lưu Bị đã không ngần ngại hạ mình xuống nước để thuyết phục ông.

Bài học số 4: “Tiến chiếm Thành Đô” – Xác định đúng thị trường

Dưới sự kiến nghị của Gia Cát Lượng, Lưu Bị đã tiến chiếm Thành Đô và biến nơi đây thành kinh đô của Thục Hán. Lựa chọn này dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi: địa thế hiểm trở, dễ dàng phòng thủ nhưng khó khăn cho kẻ thù tấn công; đất đai màu mỡ, sản vật phong phú; hệ thống giao thông thuận tiện; điều kiện lý tưởng cho cả việc phát triển kinh tế và xây dựng quân đội. Đặc biệt, Gia Cát Lượng chọn Thành Đô làm kinh đô Thục Hán bởi vị trí chiến lược của nó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối đầu với hai nước thù địch Ngụy và Ngô.

Bài học rút ra

Xác định đúng thị trường mục tiêu là yếu tố tối quan trọng nếu doanh nghiệp muốn trở nên thành công. Vậy, “Thành Đô” của doanh nghiệp sẽ là ở đâu? Chiến lược marketing đúng đắn, giảm thiểu chi phí truyền thông và tạo dựng lợi thế cạnh tranh – tất cả đều bắt nguồn từ việc xác định đúng thị trường mục tiêu cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, xác định đúng đối tượng khách hàng tiềm năng còn giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phù hợp với đặc thù từng thị trường địa phương. Ví dụ, Amazon Ấn Độ áp dụng chính sách bán hàng, hoa hồng và phí vận chuyển hoàn toàn khác biệt so với Amazon Mỹ.

Mức hoa hồng cho mỗi chiếc điện thoại bán ra trên Amazon Mỹ là 8% (kèm theo phí thường niên 40 USD). Tuy nhiên, tại Ấn Độ, người bán chỉ phải trả 5% hoa hồng và không chịu phí thường niên. Lý do cho sự chênh lệch này là do sự cạnh tranh khốc liệt giữa Amazon và Flipkart trong việc thu hút người bán hàng mới tại thị trường Ấn Độ.

Bài học số 5: “Trận Xích Bích” – Hợp tác chiến lược

Trước thềm trận Xích Bích, Ngụy nổi lên như thế lực hùng mạnh nhất trong Tam Quốc, với Tào Tháo dẫn đầu đoàn quân hùng hậu tiến đánh phương Nam. Nhận thức được sự yếu thế của mình, Thục Hán tìm kiếm sự liên minh với Đông Ngô, vốn sở hữu vị trí chiến lược và am hiểu thủy chiến. Nhờ tài năng ngoại giao xuất chúng, Gia Cát Lượng đã thuyết phục Đông Ngô cùng Thục Hán hợp sức chống lại quân Ngụy.

Bài học rút ra

Dù là startup hay doanh nghiệp nhỏ, bạn đều có thể đồng cảm với vị trí của Tây Thục. Khi kinh doanh, việc cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ như Bắc Ngụy – vốn có quy mô lớn, sức mạnh áp đảo và tham vọng thống trị thị trường – là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, vẫn còn những doanh nghiệp khác tương tự Đông Ngô, sở hữu quy mô vừa phải nhưng tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Trong kinh doanh, sẽ có những thời điểm bạn phải chấp nhận rằng không thể đơn độc chiến đấu với một đối thủ hùng mạnh. Lúc này, việc xây dựng liên minh chiến lược trở nên thiết yếu. Tuy việc thuyết phục một đối tác tiềm năng như “Đông Ngô” không hề dễ dàng, nhưng đây là bước ngoặt quan trọng để đảm bảo sự sống còn của doanh nghiệp trong cuộc chiến giành thị phần.

Nguồn tham khảo: Tech in Asia

——————————-

Công ty Tư vấn Quản lý OCD (OCD Management Consulting Co) là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam với tính chuyên nghiệp, thực tiễn và chất lượng cao.

Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!

Thông tin chính thức về OCD được cập nhật tại website: https://ocd.vn

Fanpage chính thức của OCD vui lòng truy cập: https://facebook.com/OCDConsulting

Liên hệ nhanh Hotline/Zalo: 0886595688 hoặc gửi email đến: ocd@ocd.vn