Last updated on 23 October, 2024
Thực hiện Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/10/2009 Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt dự án đầu tư “Hỗ trợ các DN xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi” và giao Ban Quản lý các dự án công nghiệp CNTT quản lý, triển khai Dự án này; OCD là đơn vị giám sát tư vấn, thay mặt Ban Quản lý các dự án công nghiệp CNTT giám sát việc triển khai dự án tại các DN phần mềm trong dự án.
Dự án dự kiến được triển khai trong vòng 3 năm (từ 2010 đến 2012), với tổng mức đầu tư khoảng 60 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các DN xây dựng, áp dụng, lấy chứng chỉ quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi (mô hình trưởng thành năng lực tích hợp) từ mức 3 trở lên. Dự án sẽ tập trung vào một số nội dung chính như: Tổ chức đào tạo tập trung cho các cán bộ của các DN phần mềm và nội dung số về quy trình sản xuất phần mềm theo chuẩn CMMi; Tư vấn, hỗ trợ các DN xây dựng và áp dụng chuẩn CMMi và hỗ trợ kinh phí cho các DN đánh giá đạt chứng chỉ CMMi. Mỗi DN khi tham gia dự án, ngoài việc được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo về CMMi, còn được hỗ trợ khoảng 25.000 USD/DN cho việc tư vấn xây triển khai CMMi, trong đó 15.000 USD là hỗ trợ cho việc tư vấn xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI tại DN, và 10.000 USD cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ CMMi.
Bên cạnh hoạt động, hỗ trợ trực tiếp cho DN, hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai hỗ trợ cho 20 DN phần mềm áp dụng quy trình sản xuất theo mô hình CMMi for Development. Trong năm 2011, ba DN phần mềm tham gia dự án đã đạt chứng chỉ CMMi là TMA, ISB và Fujnet. Trong đó TMA đạt CMMI mức 5, trở thành một trong số ít các DN ở VN đạt chứng chỉ CMMi ở mức cao nhất, hai công ty còn lại đạt mức 3. Bên cạnh hỗ trợ triển khai CMMI cho DN, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tổ chức các hội thảo và các khóa đào tạo tập trung nhằm nâng cao nhận thức và trình độ chung cho cán bộ của DN về CMMI. Cho đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 12 lớp đào tạo cho khoảng 400 lượt học viên. Những học viên này sẽ trở thành hạt nhân trong hoạt động triển khai xây dựng, áp dụng quy trình theo chuẩn CMMI tại các DN.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý các dự án công nghiệp công nghệ thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng DN được hỗ trợ như trên còn thấp so với mục tiêu đã đề ra của Dự án, tiến độ triển khai còn chưa đạt yêu cầu. Một trong các khó khăn thường gặp đối với các DN khi tham gia dự án là thiếu nhân lực làm CMMi. Mỗi DN khi triển khai CMMi cần tối thiểu 4/5 người tham gia nhóm đánh giá nội bộ hoặc xây dựng quy trình, những người này gần như làm việc toàn thời gian cho Dự án CMMi. Đồng thời việc xây dựng, áp dụng quy trình và đánh giá đạt chứng chỉ CMMi cũng đòi hỏi sự tham gia của đội ngũ lập trình viên và các thành viên khác trong DN. Bên cạnh đó, để đánh giá đạt chứng chỉ, DN cần có ít nhất 3/5 dự án, đủ các giai đoạn trong quá trình sản xuất phần mềm và không được kết thúc trước khi đánh giá 6 tháng. Đây cũng là một yêu cầu khó đối với các DN phần mềm VN. Mặt khác, ngoài chi phí phải trả cho đơn vị tư vấn (đã được nhà nước hỗ trợ một phần), DN còn phải đầu tư nguồn lực cũng như thời gian khác cho việc triển khai CMMi. Vì vậy, nhiều DN đã đăng ký tham gia nhưng sau đó xin hoãn triển khai vì không chuẩn bị đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, một thực tế là lãnh đạo một số DN chưa đề cao việc triển khai CMMi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm mà chủ yếu tập trung mục tiêu đạt chứng chỉ để tuyên truyền, quảng bá cho DN. Điều này dẫn đến việc triển khai CMMi không đi vào thực chất, không đáp ứng yêu cầu đánh giá chứng chỉ CMMi.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng, áp dụng quy trình theo mô hình CMMI, Ban Quản lý các dự án công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét hỗ trợ các thêm các hệ thống chuẩn khác phù hợp với nhu cầu của các DN phần mềm và nội dung số.
Áp dụng CMMi sẽ từng bước tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, thay đổi tác phong, văn hóa làm việc, nâng cao năng lực cho nhân viên.
Theo vcci.com.vn