Last updated on 23 October, 2024
Vào tháng 11, cơ quan tình báo New Zealand, đã cấm các nhà mạng viễn thông của mình sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G, với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.
Cũng giống chính quyền Australia và Mỹ, các quan chức an ninh Anh lo ngại về việc Trung Quốc có thể sử dụng Huawei như một kênh gián điệp. Nhưng thực sự họ cũng không có quá nhiều lựa chọn. Các nhà phân tích cho rằng Huawei là một trong ba công ty toàn cầu lớn có thể cung cấp các thiết bị mạng di động tiên tiến ở quy mô sản xuất hàng loạt. Hai cái còn lại là Ericsson và Nokia. Và Huawei đã tạo được uy tín với các đơn vị khai thác viễn thông vì thiết bị tiết kiệm và hợp lý.
Tuy nhiên, giới quan chức an ninh Anh ngày càng thất vọng với Huawei khi công ty này cứ phải liên tục sửa các lỗi phần mềm trong thiết bị, đặc biệt là sự thiếu nhất quán của các mã nguồn. Điều này có nghĩa là, tại phòng thí nghiệm được thành lập để sửa lỗi các thiết bị của Huawei đề cập ở trên, những mã nguồn được sử dụng ở đây chưa chắc đã là những mã mà Huawei đang triển khai cho các thiết bị trên thị trường của mình. Và như vậy, sẽ rất khó khăn để tin vào sự đảm bảo an toàn từ các thiết bị của công ty này.
Các quan chức Anh cho biết đã xuất hiện hàng loạt lỗ hổng có thể bị Trung Quốc – hay bất kỳ “diễn viên phản diện” nào đó khác – khai thác. Ian Levy, một quan chức an ninh của Anh giám sát đánh giá thiết bị Huawei nói với Reuters rằng, phần mềm của Huawei giống như thứ gì đó từ 20 năm trước mang ra dùng lại. Nguy cơ lộ ra một lỗ hổng của sản phẩm Huawei cao hơn nhiều so với sản phẩm của các nhà cung cấp khác.
Còn Huawei thì cam kết sẽ chi ít nhất 2 tỷ đô la trong vòng 5 năm tới để cải thiện kỹ thuật phần mềm của mình.
Các bộ trưởng Anh đã đồng ý cho phép Huawei giữ vai trò hạn chế trong việc xây dựng mạng 5G tại nước này nhưng Chính phủ Anh thì vẫn chưa công bố quyết định cuối cùng. Liên minh Châu Âu đã trao quyền tự quyết cho chính phủ từng nước về việc cấm hay không cấm bất kỳ công ty nào, vì lý do an ninh quốc gia. Một số quan chức an ninh Châu Âu nói rằng việc cấm một nhà cung cấp không giải quyết được cả một vấn đề rộng lớn về những rủi ro do công nghệ Trung Quốc mang lại.
Khi căng thẳng giữa phương Tây và Huawei gia tăng trong năm ngoái, các bên đột ngột rẽ lối đi riêng. Các quan chức hành pháp của Hoa Kỳ đã dành một thời gian dài điều tra mối liên hệ giữa Huawei và Iran, trong đó, có sự tham gia của Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei, người được biết đến là con gái của Chủ tịch Nhậm Chính Phi. Báo cáo chỉ ra mối quan hệ vào năm 2012 và 2013 giữa Huawei, giám đốc Mạnh và một công ty khác. Nhóm này bị tố cáo là đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Khi Mỹ biết Mạnh Vãn Chu sẽ đến Vancouver vào tháng 12, họ đã yêu cầu Canada bắt giữ bà này về các cáo buộc gian lận. Mạn Vãn Chu vẫn được tại ngoại tại Canada trong khi Mỹ nỗ lực để dẫn độ bà về Mỹ. Huawei tuyên bố Mạnh Vãn Chu vô tội trước những cáo buộc trên, và vụ bắt bớ là do động cơ chính trị.
Rắc rối của Huawei cũng chính là cuộc cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc. Các hoạt động của Mạnh Vãn Chu và Huawei đã bị Mỹ theo dõi từ lâu trước khi Trump nổ phát súng bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nhưng giờ đây, rõ ràng là trận chiến không còn gói gọn ở phạm vi công ty với Huawei mà đã mang tính địa chính trị.
Trong những tháng gần đây, Mỹ đã tăng cường ngoại giao để thúc giục các đồng minh về vụ Huawei. 5G là một vũ khí thay đổi cục diện cuộc chiến trên tất cả các khía cạnh của xã hội từ doanh nghiệp, chính phủ, quân đội và hơn thế nữa. Gordon Sondland, đại sứ Mỹ tại Liên minh Châu Âu nói với Reuters “Cũng không có gì lạ khi tôi từ chối giao chìa khóa kiểm soát toàn bộ xã hội cho một diễn viên chuyên…đóng vai ác.”
Khi được hỏi liệu có bằng chứng nào về việc thiết bị Huawei đã được sử dụng cho hoạt động gián điệp hay không, Gordon cho biết, có một bằng chứng mật nhưng từ chối trả lời sâu hơn. Tuy nhiên, Gordon thừa nhận rằng Huawei có khả năng hack cả hệ thống mạng.
Pompeo thì trực diện hơn, ông nói thẳng rằng Huawei thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc và có mối liên hệ sâu sắc với lực lượng tình báo của họ.
Huawei đã nhiều lần phủ nhận họ bị kiểm soát bởi các cơ quan tình báo của chính phủ, quân đội Trung Quốc, và rằng Ngoại trưởng Pompeo đã sai.
Mặc dù Huawei ban đầu khá im hơi lặng tiếng và kiệm lời trong các phát biểu công khai, nhưng họ cũng dần trở nên “máu chiến”. Vào cuối tháng 2, họ đã đối đầu trực tiếp với Mỹ tại một cuộc gặp lớn hàng năm của các giám đốc điều hành ngành công nghiệp di động ở Barcelona, nơi logo màu đỏ của Huawei có mặt ở khắp mọi nơi.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ bước vào phòng họp với ý định cảnh báo các chính phủ khác và các công ty trong ngành về ảnh hưởng Huawei. Nhưng Huawei đã mang đến một “binh đoàn” các giám đốc điều hành cấp cao trấn an khách hàng và đại diện của các nước châu Âu trước các cáo buộc của Hoa Kỳ.
Trong một bài phát biểu quan trọng, Guo Ping, Phó chủ tịch của Huawei, đã công kích vào chính các hoạt động gián điệp của Mỹ.
“Prism, Prism on the wall. Who’s the most trustworthy of them all?” – tạm dịch “Kính kia ngự ở trên tường, ai là người ta có thể tin tưởng nhất trong đám người kia …”.
Mượn câu nói trong Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Huawei đá xéo tới “Lăng Kính” Prism – một kế hoạch giám sát quy mô toàn cầu của Mỹ mà Edward Snowden đã tiết lộ. Câu móc máy này của Huawei đã tạo nên một tràng cười trong khán phòng.
Các nước châu Âu cũng bắt đầu suy nghĩ lại. Trong một phiên họp kín, đại diện cấp cao từ các ông lớn viễn thông châu Âu đã ép một quan chức Mỹ đưa ra bằng chứng rủi ro bảo mật của Huawei.
Quan chức Mỹ đáp trả: “Chờ được vạ thì má đã sưng. Tôi không biết tại sao các ông lại thích đùa với lửa.”
Nhiều nước châu Âu có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc, và những nhân vật chóp bu trong ngành vẫn bị thu hút bởi các sản phẩm giá rẻ của Huawei. Thị trường Mỹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ của doanh thu Huawei, nhưng Châu Âu thì khác, họ đã sử dụng rất nhiều thiết bị của Huawei trong hệ thống mạng hiện hữu.
Vào tháng 3, Đức, một trong những thị trường lớn nhất châu Âu của Huawei, cho biết họ sẽ không cấm công ty này xây dựng mạng 5G. Thay vào đó, họ sẽ thắt chặt các tiêu chí bảo mật cho Huawei và tất cả các nhà cung cấp khác.
Mỹ cũng đã tạo sức ép lên nhà nước Baltic của Litva, một thành viên của NATO. Trong một cuộc họp hồi tháng 3, đại sứ Mỹ giục Thủ tướng Litva có động thái chống lại Huawei. Ông này nói rằng thiết bị của công ty 5G có thể tạo ra lỗ hổng cho quân đội đồng minh.
Một người dự cuộc họp cho biết, phát ngôn viên của Mỹ đề xuất một mạng lưới viễn thông an toàn và chuỗi cung ứng không có nhà cung cấp nào chịu sự kiểm soát của một chính phủ, điều có thể gây ra rủi ro về những truy cập trái phép và những mã mạng độc hại.
Nhưng Litva, quốc gia phụ thuộc quân sự vào Hoa Kỳ lại không muốn cấm Huawei. Họ thích mức giá của Huawei và không muốn làm Trung Quốc thất vọng. Kết quả là Litva đang tìm cách ngăn chặn Huawei mà không thực sự phải ban hành lệnh cấm đối với Huawei.
“Mỹ và các đồng minh đang bơ vơ vì đã không phát triển những công ty sản xuất thiết bị 5G” cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã nói trong một bài phát biểu tại London vào tháng 3. Vì nhận ra mọi việc quá muộn, các quốc gia từng tiên phong trong công nghệ không dây – Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, và kể cả Australia, giờ lại không thể có đủ thiết bị để tự xây dựng một hệ thống 5G, chứ chưa nói đến thống trị công nghệ này.
Nguồn: vtv.vn