Last updated on 23 October, 2024
Table of Contents
ToggleRekognition là một trong những dịch vụ đám mây được cung cấp bởi Amazon Web Services (AWS), dành cho các nhà phát triển. Rekognition mang đến tính năng nhận dạng và phân tích khuôn mặt, tình cảm. Từ đó, xác định các biểu hiện khác nhau để đưa ra những phán đoán cảm xúc từ hình ảnh của khuôn mặt người. Có thể nói, ứng dụng này hoàn toàn sử dụng trí thông minh nhân tạo AI để “học hỏi” từ các luồng dữ liệu mà nó xử lý.
Hôm thứ hai vừa qua, Amazon đã chính thức tiết lộ bản cập nhật gần nhất của Rekognition với nhiều tính năng mới vô cùng hiện đại.
Theo lời người đại diện, ở phiên bản mới này, Amazon đã nỗ lực cải thiện sự chính xác của việc xác định giới tính. Đặc biệt, đế chế công nghệ bán lẻ này cho biết, Rekognition hiện nay có thể phát hiện đến 7 cảm xúc khác nhau của con người, như vui, buồn, giận dữ, ngạc nhiên, ghét bỏ, bình tĩnh, bối rối và thêm một cảm xúc mới: sợ hãi.
Amazon cho biết dịch vụ này còn có thể nhận dạng hàng nghìn đối tượng, như con người, vật thể, văn bản, hoạt động hay khung cảnh,…
Ngoài phát hiện cảm xúc, ứng dụng này còn được Amazon bổ sung thêm tính năng hữu ích – Phán đoán độ tuổi trong nhiều phạm vi nhóm tuổi khác nhau với độ chính xác khá cao. Đồng thời, từ đó Rekognition sẽ xác định và cung cấp cho người dùng các nhãn dán chi tiết cảnh báo những nội dung không phù hợp như bạo lực, ngược đãi…
Trên thế giới vẫn luôn tồn tại nhiều luồng ý kiến trái chiều về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI. Và tất nhiên, bước tiến mới về khả năng có thể nhận biết cảm xúc của con người gần đây cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Nhận diện khuôn mặt là một công nghệ quan trọng và đã được ứng dụng rộng rãi từ lâu, như tính năng gắn thẻ của Facebook, hay Apple sử dụng cho Face ID,… Tuy nhiên phát hiện cảm xúc qua khuôn mặt người thực sự là một bước phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo AI.
Có rất nhiều lý do được đưa ra giải thích tại sao phát hiện cảm xúc của một người có thể hữu ích. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong thời đại số, khi mà dữ liệu người dùng trở thành tài nguyên quý giá nhất. Tính năng mới này của Rekognition sẽ cho biết mức độ quan tâm, phản ứng của người tiêu dùng với sản phẩm. Từ đó, giúp doanh nghiệp có căn cứ thông tin để đưa ra những chiến lược điều chỉnh hợp lý.
Mặt khác, thấu hiểu cảm xúc hiện tại của khách hàng sẽ cho doanh nghiệp biết được cách mà họ nên ứng xử và đưa ra những sản phẩm, gợi ý nào thì phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh. Vì vậy, ứng dụng tính năng nhận biết cảm xúc của Rekognition để nắm bắt tâm lý con người sẽ trở thành “chìa khóa vàng” mở cửa thành công của doanh nghiệp trên mặt trận marketing và bán hàng.
Ngoài ra, dịch vụ thông minh đến từ Amazon này còn có thể cho phép các chuyên gia y tế thấu hiểu để giúp đỡ những bệnh nhân gặp khó khăn hay mất khả năng nói. Hoặc về lý thuyết, AI phát hiện cảm xúc còn được cho là có thể trở thành công cụ hữu hiệu hỗ trợ những người thực thi pháp luật phát hiện ra những kẻ đang hành động đáng ngờ trước công chúng.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt gần đây đang là chủ đề gây ra nhiều tranh cãi. Các chính trị gia Mỹ, đến từ cả hai đảng, bao gồm Nghị sĩ đảng Cộng hòa Alexandria Ocasio-Cortez và Jim Jordan đều đồng ý rằng, việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt sẽ gây ra mối đe dọa đến quyền tự do của công dân. Một số nhóm chính trị – xã hội thậm chí đã kêu gọi cấm hoàn toàn công nghệ này, đặc biệt là sử dụng trong cơ quan chính phủ. Không thể phủ nhận đây là bước tiến lớn của nhân loại, song cũng cần hết sức suy xét liệu AI nhận biết cảm xúc con người có thể kéo theo những mối nguy hiểm nào cho một xã hội tự do và cởi mở như hiện nay.
Sự phát triển của công nghệ nhận diện khuôn mặt nói chung và phát hiện cảm xúc nói riêng, đang làm dấy lên mối lo ngại về việc giám sát và xâm phạm quyền riêng tư của con người. Cách đây chưa lâu, tổ chức American Civil Liberties Union (ACLU) đã tiến hành một thử nghiệm đối với phần mềm Rekognition của Amazon – chính là công nghệ nhận dạng khuôn mặt hiện đang được sử dụng bởi lực lượng hành pháp Mỹ. Và kết quả bất ngờ cho thấy, hệ thống AI của Amazon đã nhận dạng nhầm 26 nhà làm luật California là những tên tội phạm nằm trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát.
Về phần mình, hiện Amazon vẫn chưa tiết lộ thêm liệu họ có dự định cải tiến công nghệ này xa hơn nữa như thế nào. Để xoa dịu dư luận về tính năng nhận biết cảm xúc của con người, Amazon cũng đã có các gợi ý và đưa ra thảo luận với nhiều cơ quan thực thi pháp luật. Dù Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ và nhiều nhà đầu tư cũng cảnh báo về những nguy cơ lạm dụng công nghệ và kêu gọi Amazon ngừng bán các dịch vụ thông minh của mình cho chính phủ. Tuy nhiên, Amazon khẳng định, công nghệ này sẽ được sử dụng với mục đích nhân đạo, nhằm giúp đỡ và bảo vệ các nạn nhân khỏi tội ác.
Nguồn: Công ty Giải pháp Công nghệ OOC
Tham khảo bài viết
Bộ não của người khổng lồ Amazon
Trí tuệ nhân tạo AI đang thay đổi thế giới như thế nào?